Kỷ nguyên vùng vẫy ở 'thiên đường gọi vốn' của các công ty Trung Quốc đã kết thúc!

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bằng các thủ đoạn gian trá, các công ty Trung Quốc đã khai thác tối đa những ích lợi của cả 2 thế giới. Ở trong nước, họ sử dụng các tập đoàn giả ở nước ngoài để đóng giả là các thực thể nước ngoài; ở nước ngoài, họ tự coi mình hoàn toàn là người Trung Quốc, khai thác căng thẳng địa chính trị để trốn tránh sự giám sát nhân danh an ninh quốc gia. Bây giờ, sau lời khai man về một loại quốc tịch kép, họ đang phải đối mặt với một rủi ro kép.

Trong năm qua, với sự khao khát vô độ về tăng trưởng và lợi nhuận, Phố Wall từ lâu đã hướng đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này để tìm kiếm cơ hội. Điều đó giúp cho Trung Quốc khẳng định sự chắc chắn ở những thị trường do chế độ độc tài quản trị. Như Larry Fink, Giám đốc điều hành của BlackRock, công ty quản lý tiền lớn nhất thế giới, đã nói: "Thị trường không thích sự không chắc chắn. Thị trường thích những thứ như các chính phủ độc tài thực sự, nơi bạn có thể hiểu rõ về những gì diễn ra ngoài kia".

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các công ty công nghệ nổi tiếng nhất của Trung Quốc quyết định niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ, nơi nhu cầu của các nhà đầu tư luôn vượt quá nguồn cung cổ phiếu. Tính đến tháng 5/2021, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung cho biết, đã có 248 công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ với tổng vốn hóa thị trường là 2,1 nghìn tỷ USD.

Nhưng trong tháng này, "sự chắc chắn" dưới chế độ phi dân chủ bắt đầu lộ rõ nhược điểm và trở nên giống một canh bạc khổng lồ. Sau sự cố đối với công ty ứng dụng gọi xe Didi Global của Trung Quốc, một loạt các công ty Trung Quốc lớn khác đều đã tạm dừng kế hoạch IPO tại Phố Wall.

Bà Perth Tolle, người sáng lập Life + Liberty Indexes, nói: Trung Quốc đã không lường trước được rằng dữ liệu người dùng có ảnh hưởng lớn như thế nào, và giờ họ đang dùng cách đàn áp để sửa sai. Bà nhận xét: “Đây không phải là điều chắc chắn”, "Đây là một hạn chế đối với tăng trưởng".

Khéo léo khai thác 2 lỗ hổng để qua mặt sự giám sát cả trong lẫn ngoài nước

Nhưng cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với Big Tech không phải là rủi ro nghiêm trọng nhất vốn có đối với chứng khoán Trung Quốc. Bằng cách khéo léo khai thác hai lỗ hổng quy định - một ở Bắc Kinh và một ở Washington - các công ty Trung Quốc đã trốn tránh sự giám sát cả trong và ngoài nước, khiến các nhà đầu tư không biết về tình trạng tài chính thực sự của họ. Thị trường chứng khoán Trung Quốc trị giá 2 nghìn tỷ USD thực sự là một lâu đài cát được xây dựng trên nền tảng là những báo cáo sổ sách chưa được kiểm toán và các công ty có vỏ bọc đáng ngờ.

Ông Soren Aandahl, Giám đốc đầu tư của quỹ đầu tư Blue Orca Capital, cho biết: “Chúng tôi đã nói trong nhiều năm rằng những cấu trúc này về cơ bản chưa được kiểm tra theo luật pháp Trung Quốc và việc thực thi những cấu trúc này tồn tại theo ý muốn chủ quan của chính phủ Trung Quốc”. "Khi bạn có một chính phủ có thể rất nhanh chóng và tùy tiện thay đổi quan điểm về hiệu lực và khả năng thực thi của các hợp đồng này, hoặc thậm chí việc cho phép một số công ty này có nên niêm yết ở nước ngoài hay không, thì đó là một rủi ro rất lớn đối với quyền sở hữu cổ phiếu dài hạn".

Hình ảnh chụp tòa nhà "Didi Chuxing" - gã khổng lồ ứng dụng gọi xe của Trung Quốc hôm 2/7/2021. (JADE GAO/AFP / Getty Images)
Hình ảnh chụp tòa nhà "Didi Chuxing" - gã khổng lồ ứng dụng gọi xe của Trung Quốc hôm 2/7/2021. (JADE GAO/AFP / Getty Images)

Để lách các quy định trong nước, nhiều công ty Trung Quốc bán cổ phần của họ ra nước ngoài thông qua một cấu trúc pháp lý được gọi là thực thể có lợi ích thay đổi: VIE. VIE thường được thành lập bên ngoài Trung Quốc, cho phép các tập đoàn Trung Quốc thành lập các công ty vỏ bọc tại các thiên đường thuế như Quần đảo Cayman hoặc Quần đảo Virgin (Anh Quốc). Trước khi niêm yết trên Phố Wall, các công ty vỏ bọc này sẽ tham gia vào một mạng lưới hợp đồng phức tạp cho họ "quyền sở hữu" đối với tập đoàn mẹ ở Trung Quốc. Khi các nhà đầu tư Mỹ nghĩ rằng họ đang mua cổ phần của một công ty Trung Quốc như Didi, họ thực sự đang giao tiền của mình cho một công ty có vỏ rỗng ở Quần đảo Cayman, nơi đã thiết lập các thỏa thuận hợp đồng với Didi ở Trung Quốc.

Trung Quốc áp đặt các hạn chế hà khắc đối với quyền sở hữu nước ngoài ở các công ty Trung Quốc hoạt động trong các lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ, truyền thông và viễn thông. Nhưng kẽ hở của VIE đã tạo điều kiện cho các công ty Trung Quốc trở thành thực thể nước ngoài được miễn lệnh cấm đầu tư.

Kẽ hở đã tồn tại từ năm 2000, khi công ty truyền thông Trung Quốc Sina Corp. tạo ra một VIE để niêm yết trên sàn Nasdaq. Lúc đầu, Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ sẽ ngăn chặn hành vi này. Bà Anne Stevenson-Yang, đồng sáng lập và giám đốc nghiên cứu của J Capital Research, cho biết: Tôi nhớ khi Sina niêm yết lần đầu, "người đứng đầu Bộ Bưu chính Viễn thông đã tổ chức một cuộc họp báo và nói rằng điều này là bất hợp pháp - bạn không được phép sở hữu nước ngoài đối với các tài sản viễn thông của Trung Quốc".

Nhưng cuối cùng, bà Stevenson-Yang cho biết, mong muốn tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã làm giảm bớt lo ngại của nước này về các khoản đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp nhạy cảm. "Bắc Kinh đã nghĩ: 'Nếu chúng ta có thể chiếm hữu được số tiền khổng lồ này, thì tại sao lại không nhỉ?'"

Lỗ hổng VIE đã mở ra một lối cho dòng tiền nước ngoài tràn vào. Trong hai thập kỷ qua, bị thu hút bởi nguồn vốn đầu tư quốc tế rộng lớn, uy tín và tính thanh khoản đến từ việc niêm yết trên Phố Wall, các công ty Trung Quốc đã đổ xô đến các sàn giao dịch của Mỹ. Tờ SCMP đưa tin rằng hiện có khoảng 100 công ty VIE nhưng lại chiếm tới hơn 4 nghìn tỷ USD vốn hóa trong Chỉ số MSCI Trung Quốc - bao gồm 700 tỷ USD từ các nhà đầu tư Mỹ.

Tuy nhiên, giờ đây, những khoản đầu tư đó phải đối mặt với rủi ro đáng kể. Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc được cho là đang lên kế hoạch trám lỗ hổng này, ngăn các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài ngay cả khi họ bán cổ phiếu thông qua các hợp đồng VIE đã thiết lập. Ông Dan David, người sáng lập Wolfpack Research, cho biết: “Bản thân các hợp đồng không có ý nghĩa gì vì chúng được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, "Các nhà đầu tư Mỹ phải hiểu rằng các công ty này có thể ngắt kết nối bất cứ lúc nào, khiến họ nắm giữ những cổ phiếu vô giá trị trong một cái vỏ Cayman trống rỗng".

Bà Stevenson-Yang nhận định: Họ sẽ không nói ngay rằng “tất cả các VIE đều là bất hợp pháp và người nước ngoài không thực sự sở hữu bất cứ thứ gì". "Những gì họ sẽ làm là yêu cầu tái cấu trúc để các VIE được đưa vào hoạt động. Họ sẽ có một số hình thức tái cấu trúc và một số hình thức đền bù. Nhưng cuối cùng bạn sẽ thấy lợi ích nước ngoài bị loại khỏi các công ty này".

Từ việc được hưởng trọn vẹn những điều tốt đẹp nhất của cả hai thế giới đến thua thiệt đủ đường

Các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ cũng đã thành công trong việc trốn tránh sự giám sát tài chính của các cơ quan quản lý. Do lo ngại về an ninh quốc gia, chính phủ Trung Quốc từ lâu đã từ chối để Ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng - tổ chức do Quốc hội Mỹ thành lập để bảo vệ các nhà đầu tư - kiểm tra việc kiểm toán của các công ty Trung Quốc niêm yết trên Phố Wall.

Sự thiếu minh bạch đã tạo ra cái mà ông Aandahl, giám đốc điều hành quỹ đầu cơ, gọi là "trường méo mó tổng thể" xung quanh các công ty Trung Quốc được giao dịch trên các sàn giao dịch của Mỹ. Ông nói: “Có một lý do tại sao các công ty Trung Quốc lại ở đây. "Các thị trường vốn của Mỹ là một nơi rất hấp dẫn để huy động vốn. Nhưng nếu bạn muốn niêm yết trên thị trường Mỹ, bạn phải tuân thủ các quy tắc giống như những người khác. Không có lý do an ninh quốc gia nào có thể biện minh cho việc né tránh quy định kiểm toán đối với các công ty đại chúng muốn niêm yết trên sàn chứng khoán mà họ muốn huy động vốn".

Ông nói thêm, việc cho phép các công ty né tránh các cuộc thanh tra kiểm toán hoặc điều tra kế toán trên thực tế là đang khuyến khích họ làm giả sổ sách.

Các rào cản đối với việc giám sát theo quy định từng khiến các nhà đầu tư phải trả giá đắt. Luckin Coffee, đối thủ cạnh tranh với Starbucks ở Trung Quốc, vốn từng là con cưng công nghệ trên sàn Nasdaq, đã vướng vào một vụ bê bối kế toán vào năm ngoái dẫn đến sự sụp đổ chóng mặt của hãng. Sau khi công ty thừa nhận bán hàng bịa đặt, cổ phiếu của công ty đã giảm 75% chỉ sau một đêm. Cổ phiếu của Luckin, trị giá 12 tỷ USD vào thời kỳ đỉnh cao, đã nhanh chóng bị hủy niêm yết.

Một người đàn ông đứng bên ngoài một cửa hàng cà phê Luckin ở Bắc Kinh vào ngày 17 tháng 5 năm 2019.
Một người đàn ông đứng bên ngoài một cửa hàng cà phê Luckin ở Bắc Kinh vào ngày 17 tháng 5 năm 2019. (Ảnh: WANG ZHAO / AFP qua Getty Images)

Các cơ quan quản lý Hoa Kỳ cũng không phát hiện ra hành vi sai trái rõ ràng của Didi. 3 tháng trước thời điểm IPO dự kiến, các cơ quan quản lý an ninh mạng ở Trung Quốc đã yêu cầu Didi trì hoãn việc niêm yết, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Nhưng công ty, đối mặt với áp lực niêm yết sau khi huy động hàng tỷ USD từ SoftBank của Masayoshi Son và các nhà đầu tư mạo hiểm khác, đã tiến hành IPO bất chấp lời cảnh báo của chính phủ.

Một trong ba vụ kiện tập thể do các cổ đông đệ trình đã cáo buộc rằng Didi không tiết lộ việc các nhà quản lý "đã cảnh báo Didi trì hoãn việc IPO để tiến hành tự kiểm tra an ninh mạng của mình". Kết quả là, tuyên bố đăng ký mà hãng này đã nộp là "sai và gây hiểu lầm nghiêm trọng và đã bỏ qua các thông tin bất lợi quan trọng". Didi hiện đang chờ các hình phạt "nghiêm trọng, có lẽ chưa từng có "từ các cơ quan quản lý Trung Quốc.

Giống như Bắc Kinh, Washington đang tiến tới áp đặt nhiều giám sát hơn đối với các công ty Trung Quốc muốn tìm kiếm đầu tư ở nước này. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ đã yêu cầu các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ tiết lộ những rủi ro tiềm ẩn về sự can thiệp của chính phủ. Và năm ngoái, Quốc hội đã thông qua Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài, trong đó yêu cầu các công ty nước ngoài phải được kiểm toán bởi Ủy ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng nếu không sẽ bị hủy niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ.

Bằng các thủ đoạn gian trá, các công ty Trung Quốc đã khai thác tối đa những ích lợi của cả 2 thế giới. Ở trong nước, họ sử dụng các tập đoàn giả ở nước ngoài để đóng giả là các thực thể nước ngoài; ở nước ngoài, họ tự coi mình là người Trung Quốc hoàn toàn, khai thác căng thẳng địa chính trị để trốn tránh sự giám sát nhân danh an ninh quốc gia. Bây giờ, sau lời khai man về một loại quốc tịch kép, họ đang phải đối mặt với một rủi ro kép.

Các công ty Trung Quốc là khoản đầu tư rủi ro hay là cơ hội được định giá thấp?

Bất chấp những động thái tăng cường giám sát, Mỹ vẫn là một thỏi nam châm thu hút các công ty Trung Quốc tìm cách niêm yết cổ phiếu. Tính đến ngày 12/7, vẫn có khoảng 70 công ty tư nhân có trụ sở tại Hồng Kông và Trung Quốc đại lục chuẩn bị niêm yết cổ phiếu tại New York, dữ liệu do Bloomberg cho thấy.

Nhưng đường ống IPO có thể sẽ sớm cạn kiệt. Vào ngày 23/7, có thông tin rằng các nhà quản lý Trung Quốc đang xem xét việc biến các công ty gia sư thành các tổ chức phi lợi nhuận, điều này có thể ngăn họ cổ phần hóa. Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết cổ phiếu ngành giáo dục Trung Quốc đã tăng giá, điều này có thể khiến toàn bộ lĩnh vực trị giá 100 tỷ USD trở nên "không thể đầu tư được" . Tính đến tuần này, chứng khoán Trung Quốc đã mất 769 tỷ USD giá trị thị trường kể từ mức đỉnh vào tháng 2 năm nay.

"Chúng tôi nhận ra rằng Trung Quốc đã đạt đến một giới hạn - và nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn này cũng như các lãnh đạo của họ - đã đạt đến một ngưỡng mà chính phủ Trung Quốc bắt đầu cảm thấy họ là mối nguy, đây là điều mà chính quyền không bao giờ chấp nhận", bà Cathie Wood, Giám đốc điều hành của ARK Invest nói.

Bà Wood không hoàn toàn loại trừ Trung Quốc trong quỹ của mình. Nhưng theo quan điểm của bà, kỷ nguyên của việc đầu tư bằng mọi giá đối với các công ty Trung Quốc sắp kết thúc, khi chính phủ tập trung vào việc bảo vệ chống lại việc rò rỉ dữ liệu nhạy cảm. Bà nói: “Điều đó càng trở nên trầm trọng hơn bởi điều ngạc nhiên là chính quyền Biden đang giữ quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc như chính quyền Trump”, "Các công ty Trung Quốc sẽ phải tiếp tục hướng nội nhiều hơn để tăng trưởng".

Tuy nhiên, một số các nhà đầu tư lại nhìn nhận đây là thời cơ tốt để mua cổ phiếu của các công ty Trung Quốc với giá rẻ. Bà Tiffany Hsiao, giám đốc danh mục đầu tư của Artisan China Post-Venture Strategy, cũng xem những tác động tiêu cực của các hành động quy định chống lại các công ty Trung Quốc chỉ là nhất thời: "Tôi tin rằng điều này sẽ có tác động ngắn hạn đến việc gây quỹ cho các công ty Trung Quốc - cụ thể là chỉ trì hoãn khả năng niêm yết công khai của họ", "Tuy nhiên, niềm tin cơ bản của chúng tôi là các công ty lớn sẽ tìm được vốn, ngay cả khi phải mất nhiều thời gian hơn một chút so với kế hoạch ban đầu".

Nhưng bà Tolle của Life + Liberty không đồng ý với quan điểm này. Bà chỉ ra rằng dữ liệu của iShares China Large-Cap ETF (FXI), theo dõi 50 công ty lớn nhất của Trung Quốc, đã cho thấy: Trong thập kỷ qua, các công ty này chỉ tạo ra lợi nhuận tích lũy ở mức 39,55% (tính đến ngày 30/6). Về lâu dài, bà tin rằng chứng khoán Trung Quốc mang lại nhiều rủi ro hơn là phần thưởng.

Bà Tolle nói: “Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã phát triển vượt bậc, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đã không được chia phần”. "Nhiều người Mỹ ở Phố Wall này sẽ tiếp tục kể câu chuyện của họ và bảo bạn mua những cổ phiếu này. Nhưng hãy nhìn vào những con số. Thị trường chứng khoán Trung Quốc không đưa ra những con số để chứng minh hay bảo đảm cho những câu chuyện ấy".

Lê Minh

Theo Business Insider



BÀI CHỌN LỌC

Kỷ nguyên vùng vẫy ở 'thiên đường gọi vốn' của các công ty Trung Quốc đã kết thúc!