Lãi suất hạ nhưng thị trường chứng khoán vẫn giảm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đột ngột áp trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn đối với tiền đồng với kỳ vọng hỗ trợ giảm chi phí vốn cho khu vực doanh nghiệp. Trái với kỳ vọng chính sách, thị trường chứng khoán dường như phản ứng không tích cực, thậm chí suy giảm…

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, SBV hạ trần lãi suất cả huy động và cho vay

Trong bối cảnh cầu thế giới suy giảm, thị trường xuất khẩu thu hẹp trong khi năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế so với khu vực và thế giới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chủ trương giảm lãi suất cho vay với kỳ vọng hỗ trợ khu vực doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn. Thực hiện chủ trương này, ngày 18/11/2019 vừa qua, SBV đã ra Quyết định số 2415/QĐ-NHNN và số 2416/QĐ-NHNN quy định mức trần lãi suất huy động và cho vay ngắn hạn.

(1) Quyết định số 2415/QĐ-NHNN ngày 18 tháng 11 năm 2019 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại TCTD theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

(2) Quyết định số 2416/QĐ-NHNN ngày 18 tháng 11 năm 2019 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm. (Nguồn: www.sbv.gov.vn)

Ngay sau đó Vietcombank đã giảm 0,5% lãi suất cho tất cả các khoản tín dụng dành cho doanh nghiệp trong giai đoạn từ 01/11 cho đến 31/12/2019. Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, đợt giảm lãi suất cho vay này sẽ làm giảm lợi nhuận năm 2019 của Vietcombank khoảng 260 tỷ đồng.

Sau Vietcombank, một loạt ngân hàng thương mại (NHTM) lớn khác như BIDV, VietinBank, Agribank, MSB... cũng đã lần lượt công bố giảm lãi suất cho vay trong tuần này.

Trái ngược với sự tích cực đến từ chủ trương của SBV và sự tuân thủ nghiêm túc của các NHTM lớn, thị trường chứng khoán vẫn suy giảm

Theo quy luật thị trường, thị trường chứng khoán (TTCK) vốn là hàn thử biểu nhạy cảm nhất với các tín hiệu chính sách và phản ứng tâm lý của người tiêu dùng và nhà đầu tư. Tuy nhiên, phản ứng của TTCK trước chính sách hạ lãi suất lần này lại không như kỳ vọng: TTCK suy giảm, khối ngoại bán ròng…

Phiên giao dịch ngày 21/11 vừa qua diễn ra không thực sự tích cực với sắc đỏ bao trùm toàn thị trường. Theo đó, VN-Index đóng cửa giảm 10,11 điểm (1,02%) xuống 977,78 điểm; HNX-Index giảm 1,58% xuống 103,09 điểm và UPCom-Index giảm 0,3% xuống 56,4 điểm.

Khối ngoại vẫn bán ròng trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCom nhưng áp lực đã giảm đáng kể, chỉ còn 20 tỷ đồng. Lực bán tập trung chủ yếu vào cổ phiếu của VCB (46,16 tỷ đồng), VHM (19,5 tỷ đồng), VJC (12,9 tỷ đồng)…

Biến động chỉ số chứng khoán VNindex từ ngày 18-22/11/2019 (Nguồn: www.vn.tradingview.com)

Nguồn: ntdvn.com

Chính sách trần lãi suất có thể giải quyết được tận gốc vấn đề của thị trường?

Đây không phải lần đầu SBV áp chính sách trần lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất vốn là điểm cân bằng của cung - cầu về vốn trên thị trường tài chính, quyết định bởi các nhân tố tham gia thị trường. Bởi vậy, trong các nền kinh tế thị trường đầy đủ việc can thiệp vào lãi suất của các NHTW chủ yếu từ lãi suất điều hành do NHTW - trên thị trường - đóng vai trò người cho vay và đi vay cuối cùng; mức lãi suất họ đề xuất hiển nhiên tác động đến những người cho vay và đi vay trung gian - chính là các NHTM trên hệ thống.

Gần đây nhất, SBV cũng hạ lãi suất điều hành 0,25% gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO). Mặc dù vậy, khác với các nền kinh tế khác, việc hạ lãi suất điều hành của SBV hơn 2 tháng trước dường như không tác động đáng kể tới lãi suất huy động, cho vay trong hệ thống. Theo lý thuyết, sự phản ứng nghịch với kỳ vọng chính sách của các NHTM có thể xuất phát từ chất lượng tài sản của hệ thống NHTM không tốt như báo cáo. Gần đây, việc các doanh nghiệp BĐS ồ ạt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với lãi suất cao, thông tin doanh nghiệp phát hành thiếu minh bạch hoặc có mối quan hệ quản trị, sở hữu với các NHTM cũng khiến thị trường đặt thêm nhiều dấu hỏi.

Trong giai đoạn 2010 - 2012, NHTM chạy đua lãi suất huy động vì kẹt thanh khoản và nợ xấu, các chính sách tiền tệ bị suy giảm hiệu lực trầm trọng, khi đó SBV cũng mạnh mẽ áp trần lãi suất huy động và cho vay. Nhưng chính sách không thuận theo quy luật thị trường đã khiến thị trường méo mó, các NHTM tăng thu các khoản phí, chi ngoài cho phần mất mát do bắt buộc phải giảm lãi suất. Cho tới nay, rất nhiều đại gia NHTM thời kỳ khủng hoảng đó vẫn đang vướng vòng lao lý vì vi phạm trần lãi suất của SBV.

Trà Nguyễn và J.B tổng hợp

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Lãi suất hạ nhưng thị trường chứng khoán vẫn giảm