Lạm phát đã đạt đỉnh chưa phải là mấu chốt: Lý do đừng nghĩ đến bắt đáy chứng khoán lúc này

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự thật về việc chỉ số lạm phát hiện đang cao với mức kỷ lục, kết hợp với chính sách tiền tệ diều hâu [thắt chặt đột ngột, phanh quá gấp], có thể dẫn đến cuộc suy thoái sâu hơn trong nền kinh tế Hoa Kỳ: hai quý liên tiếp nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng ở mức âm. Sự suy giảm kinh tế sẽ sớm khiến lạm phát đảo chiều giảm cùng với lợi tức trái phiếu; nhưng điều đó không nhất thiết là dấu hiệu của một thị trường phục hồi. Quá trình diễn ra dẫn đến cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu năm 2008 cũng diễn ra tương tự như vậy.

Nếu tính theo phương pháp của thập kỷ 1980, lạm phát Mỹ hiện là 20%

Sự khác biệt chính là mức độ lạm phát ngày nay lớn hơn nhiều so với 15 năm trước - mức 9,1% cho tháng 6/2022, thực tế là gần 20%, nếu tính theo các phương pháp tính lạm phát được áp dụng vào năm 1980. Con số này lớn hơn nhiều so với mức 4,1% mà chúng ta đã thấy vào tháng 12/2007.

Lạm phát có thể đạt đỉnh, nhưng nó đang đạt đỉnh hơn 4,5 lần mức mục tiêu của Fed. Điều này có nghĩa là Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) sẽ rất khó từ bỏ cuộc chiến lạm phát sớm.

Tình hình sẽ khác nếu lãi suất quỹ liên bang được giao dịch gần với lãi suất cơ bản của Fed, theo Chủ tịch Fed là ở mức 2,5%. Tuy nhiên, lãi suất quỹ liên bang đang được giao dịch ở mức 1,58%. Lãi suất quỹ liên bang là lãi suất mà các ngân hàng cho nhau vay qua đêm, ngân hàng A phải vay ngân hàng B một khoản tiền nhằm để đảm bảo số dư dự trữ bắt buộc bằng đúng tỷ lệ mà Fed quy định. Với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 9,1% (so cùng kỳ) và tổng tài sản mà Fed đang nắm giữ ở mức 8,9 nghìn tỷ USD, Fed không thể tiếp tục kích thích lạm phát. Thật vậy, FOMC muốn lãi suất cho vay liên ngân hàng ở mức 3,5 - 4,0% vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, lạm phát tính theo CPI có thể đã đạt đỉnh, và việc tốc độ tăng CPI giảm (đã tới mức đỉnh) là tin tức tuyệt vời cho thị trường chứng khoán, chừng nào điều đó không đi kèm với sự suy giảm của GDP. Nếu Fed giảm tốc độ tăng lãi suất hoặc dừng hẳn việc tăng lãi suất điều hành, thì đây cũng không phải là liều thuốc vạn năng.

Trong ba cuộc suy thoái gần nhất, Fed đã phải giảm đáng kể lãi suất và / hoặc trải qua các chương trình nới lỏng định lượng (QE) để thúc đẩy thị trường. Ngay cả sau khi thực hiện những nỗ lực tiền tệ như vậy, kết quả không được thể hiện ngay lập tức.

Trong cuộc suy thoái Dot.com, Fed đã phải giảm lãi suất điều hành (tức là chi phí vay vốn) xuống 475 điểm cơ bản (bps) (4,75%) trước khi thị trường chạm đáy. Quá trình đó kéo dài gần hai năm. Trong cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu 2008, Fed đã hạ lãi suất 525 điểm cơ bản trước khi chứng khoán tìm thấy ngưỡng hỗ trợ. Quá trình đó kéo dài một năm rưỡi và được hỗ trợ bởi một chương trình QE khổng lồ. Chương trình QE thực chất là in tiền và mua vào một lượng khổng lồ tài tài chính chất lượng thấp, việc này khiến tổng tài sản mà Fed nắm giữ tăng gấp 4 lần so với giai đoạn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Ngay cả khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, Fed đã bắt đầu có QE không giới hạn và chính sách lãi suất trở về 0 trước khi thị trường quay đầu. Tin nóng cho Phố Wall: Chính sách tiền tệ hoạt động với độ trễ khá dài.

Người ta có thể so sánh trung thực tình hình ngày nay (mức nợ và bong bóng tài sản đang tồn tại) dẫn đến bong bóng công nghệ và bất động sản không? Không; tình hình hiện tại thực sự tồi tệ hơn nhiều. Nền kinh tế của Mỹ, trong nhiều thập kỷ qua, đã sử dụng siêu đòn bẩy, chưa bao giờ tỷ lệ đòn bẩy cao đến thế. Đây chính là lý do dù lạm phát đã chạm đỉnh thì sự bất ổn của nền kinh tế Mỹ chưa vì thế mà suy giảm.

Lợi suất trái phiếu kho bạc đạt đỉnh: chỉ dấu xấu về suy thoái kinh tế và bất ổn tài chính

Lạm phát không thể chối cãi công bố trong báo cáo CPI tháng 6 không phải là tất cả mức tăng đột biến bất thường về giá thực phẩm và năng lượng. CPI lõi (không bao gồm lương thực và năng lượng) tăng 0,7% so với tháng trước. Đó là tốc độ nhanh hơn so với tháng trước và cao hơn 5,9% so với năm trước.

Và, nếu bạn muốn hiểu tại sao niềm tin của người tiêu dùng lại giảm sút như vậy, hãy nhìn vào thu nhập thực tế theo giờ, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng cung tiền M2 giảm và bảng cân đối kế toán của Fed mới bị thu hẹp sẽ khiến tốc độ thay đổi của lạm phát thấp hơn trong những tháng tới.

Tuy nhiên, hiện tại, lạm phát cao bất thường đang phá hoại nền kinh tế, có nhiều bằng chứng của suy thoái đang hiện diện quanh chúng ta. Ví dụ, theo Challenger Grey & Christmas, trong tháng 6/2022, việc làm bị cắt giảm ở Hoa Kỳ là 32.517, tăng 57% hàng tháng và 59% hàng năm.

Số liệu khảo sát việc làm của Bộ Lao động cho thấy biên chế việc làm tháng 6 tăng 372.000. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát về dịch vụ và sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng cho bức tranh ngược lại, việc làm mất đi ở hầu hết các lĩnh vực, con số việc làm mất đi trong tháng 6 lên tới 315.000. Hơn nữa, Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia cho biết Chỉ số Lạc quan Doanh nghiệp Nhỏ của họ đã giảm 3,6 điểm trong tháng trước xuống 89,5 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2013.

Nhưng quay trở lại vấn đề hiện tại: chỉ vì lạm phát và lợi suất trái phiếu có thể đạt đỉnh, điều này không có vẻ là tín hiệu rõ ràng để mua cổ phiếu.

Lợi suất Trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ (TPCP) kỳ hạn 10 năm đạt đỉnh ở mức 5,2%/năm vào tháng 7/2007. Thời điểm bắt đầu chính thức của Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là một vài tháng sau đó, vào tháng 12/2007. Cùng đó, mức đáy theo chu kỳ trong lợi tức TPCP đã không xảy ra cho đến cuối năm 2008.

Nếu bạn mua cổ phiếu vào tháng 7/2007, bởi vì Fed đã thắt chặt cổ phiếu và lợi tức trái phiếu đang ở mức cao nhất, bạn sẽ mắc phải một sai lầm bi thảm. Từ tháng 7/2007 (lợi suất cao nhất theo chu kỳ) đến tháng 12/2008 (lợi suất đáy chu kỳ), S&P 500 đã giảm 43%. Điều này là do mức cao nhất trong lợi suất trái phiếu không chỉ báo hiệu sự thay đổi hàng đầu của tỷ lệ lạm phát hàng năm, mà quan trọng hơn, nó còn báo hiệu sự sụt giảm đáng kể của tăng trưởng kinh tế và thu nhập.

Trong khi vẫn còn nhiều dư địa để tăng lãi suất quỹ liên bang, lợi suất trái phiếu dài hạn và lạm phát có thể đang đạt đỉnh. Tuy nhiên, những điều kiện đó không dẫn đến việc thị trường chứng khoán sắp chạm đáy. Để điều đó xảy ra, các điều kiện thanh khoản và tín dụng cần phải cải thiện đáng kể. Vì vậy, trước mắt, tốt nhất vẫn là đừng nên nghĩ đến bắt đáy chứng khoán Mỹ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Minh Đăng

Theo The Epoch Times

Michael Pento là Chủ tịch và Người sáng lập Chiến lược Danh mục Đầu tư Pento. Anh ấy sản xuất podcast hàng tuần có tên “Kiểm tra thực tế giữa tuần”. Ông cũng là tác giả của cuốn sách "Sự sụp đổ của thị trường trái phiếu sắp tới".



BÀI CHỌN LỌC

Lạm phát đã đạt đỉnh chưa phải là mấu chốt: Lý do đừng nghĩ đến bắt đáy chứng khoán lúc này