Lạm phát đình trệ: 5 thực trạng của nước Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người Mỹ nên làm quen với các vấn đề của lạm phát đình trệ. Đó là các thực trạng như việc thiếu một cơ chế chung để điều hành nền kinh tế, sự lỗi thời của khái niệm mức giá, sự phức tạp của thị trường lao động, sự suy thoái đi kèm với giá cả tăng cao của một lĩnh vực và việc giá cả sẽ khó có thể trở lại như xưa.

Lạm phát đình trệ là sự kết hợp của sản lượng kinh tế trì trệ hoặc suy giảm cộng với lạm phát cao. Trong gần hai năm, người Mỹ đã mắc kẹt trong tình trạng này và mọi thứ có vẻ vẫn gây khó hiểu. Giá của nhiều mặt hàng như ô tô và nhà cửa đã dao động theo những cách kỳ lạ, tăng trong tháng này, giảm trong tháng sau rồi tiếp tục lặp lại như vậy.

Khi lạm phát bắt đầu diễn ra tại Mỹ, nhiều người đã tin vào lời tuyên bố chính thức rằng nó chỉ là “nhất thời” (transitory). Nếu bạn nghĩ về điều đó, thì từ transitory là vô nghĩa về khía cạnh dự đoán. Nó có nghĩa là việc chuyển từ thứ này sang thứ khác mà không cần nói cụ thể thứ đó là gì (giải thích ý nghĩa của từ tiếng Anh). Cuối cùng, hóa ra tính nhất thời có nghĩa là sự chuyển đổi từ giá cả năm 2019 sang một đồng USD yếu hơn vĩnh viễn và đáng kể.

Những người như Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen hẳn đã biết về điều này. Họ chỉ muốn xoa dịu nỗi sợ hãi của người dân và khiến họ tin vào những điều sai lệch cho đến kỳ bầu cử giữa kỳ. Hãy so sánh cách hành xử này với cách nhóm người này xử lý virus COVID vào năm 2020: họ thúc đẩy sự hoảng loạn của công chúng theo mọi cách có thể như một biện pháp khiến người dân sợ hãi phục tùng và cuối cùng quay lưng lại với Tổng thống khi đó. Thật vậy, đó chính là mục tiêu xuyên suốt.

Lạm phát đình trệ: 5 thực trạng của nước Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra nhận xét về lợi nhuận của công ty dầu mỏ trong Phòng Roosevelt của Tòa Bạch Ốc vào ngày 31/10/2022 tại Washington, DC., Mỹ. Bài phát biểu có sự tham gia của Bộ trưởng Tài chính Janey Yellen (trái) và Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Dù sao đi nữa, rõ ràng là bây giờ lạm phát đã trở thành một điều bình thường mới. Chúng ta sẽ không bao giờ thấy lại mức giá năm 2019 nữa, đơn giản vì để điều đó xảy ra, Fed sẽ phải chịu đựng mức giảm phát từ 12 đến 15%. Nếu điều đó xảy ra - và nó rất khó xảy ra - thì đó không phải là do Fed muốn như vậy. Nó thể hiện rằng Fed đã hoàn toàn mất kiểm soát.

Hãy xem xét 5 thực trạng của lạm phát đình trệ tại Mỹ.

5 thực trạng

Số 1: Không có cơ chế chung để điều hành kinh tế. Trong nhiều thập kỷ từ những năm 1930 đến những năm 1970, các nhà kinh tế học và những người khác khi nghĩ về chủ đề này tin rằng các nhà hoạch định ở Washington có các hệ thống vận hành giúp họ có thể quản lý một cách cẩn thận các lực lượng kinh tế lớn. Chúng dựa trên cái được gọi là hệ thống thủy lực về kinh tế, thứ có thể được đẩy và kéo giống như một cỗ máy cơ giới hóa.

Những lực lượng kinh tế lớn này có những cái tên dễ hiểu; thất nghiệp, sản lượng, vốn, tiêu dùng và lạm phát. Lý thuyết là các bậc thầy tại D.C. của chúng ta có thể buộc tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống bằng cách buộc lạm phát tăng lên. Họ có thể thúc đẩy sản lượng thông qua tăng chi tiêu của chính phủ, và có thể giúp chúng ta thoát khỏi suy thoái bằng cách giảm thuế dẫn đến những khoản nợ phải trả sau này. Kế hoạch này cũng bao gồm một số trò bịp bợm tinh tế, chẳng hạn như “ảo tưởng tiền lương” – khiến người lao động tin rằng họ được tăng lương trong khi thực tế sức mua của họ đang giảm.

Ý tưởng trung tâm của lối suy nghĩ này là lạm phát và thất nghiệp không thể cùng tăng trong thời gian dài. Đó là một cách khác để nói rằng lạm phát đình trệ là không thể xảy ra. Sau đó, tất nhiên, vào những năm 1970, lạm phát đình trệ trở thành một vấn đề bình thường tại Mỹ, do đó toàn bộ lý thuyết này sụp đổ. Điều đó thật đáng xấu hổ và đã làm dấy lên cuộc tìm kiếm một lý thuyết mới về quản lý kinh tế vĩ mô, thứ mà chúng ta vẫn chưa có được.

Thứ 2: Khái niệm mức giá là không tồn tại. Quá thường xuyên, kinh tế học sử dụng các phép ẩn dụ vốn thực sự là các sản phẩm lỗi thời về mặt thống kê, và với cụm từ mức giá cũng vậy, thứ khiến chúng ta tin rằng giá cả lên xuống như mực nước biển. Trên thực tế, mức giá như chúng ta biết không là gì khác ngoài mức giá trung bình có trọng số mà chúng ta có thể tìm thấy, bao gồm một số chỉ số giá nhưng loại trừ một số khác. Đây là lý do tại sao thị trường chứng khoán - nơi ghi lại giá của các tài sản tài chính - không được đưa vào.

Một chỉ số đơn thuần hẳn phải che khuất những thực tế đằng sau. Chẳng hạn, trong thời kỳ tuyệt vời khi giá cả ít nhiều ổn định từ năm 1985–2020, chúng ta đã chứng kiến sự giảm phát lớn về giá máy tính, phần mềm và quần áo. Điều đó đã giúp che giấu sự gia tăng lớn về giá trong các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế, dẫn đến một mức trung bình không đáng báo động. Lưu ý rằng sự giảm phát trong các lĩnh vực này không mâu thuẫn với việc tăng sản lượng và lợi nhuận, do đó phủ định tuyên bố rằng sự sụt giảm giá cả luôn luôn là điều đáng sợ.

Thứ 3: Vấn đề với thị trường lao động trở nên phức tạp. Có một học thuyết tồn tại trong gần một thế kỷ rằng tỷ lệ thất nghiệp cao là điển hình cho suy thoái/khủng hoảng. Nhưng con số đó cũng phụ thuộc vào tất cả các vấn đề liên quan tới việc thu thập và tính toán dữ liệu. Khi Bộ Lao động Mỹ gần đây ra thông báo về lượng việc làm khổng lồ được tạo ra tại Mỹ, mọi người đã hét lên sung sướng, mà không nhận thấy rằng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động VÀ tỷ lệ người lao động/dân số đều tiếp tục suy giảm! Thông cáo báo chí cho biết cả hai số liệu đều “không thay đổi nhiều” nhưng tôi đã phát hiện ra điều này có nghĩa là gì: chúng đã giảm. Cả hai vẫn ở dưới mức trước phong tỏa COVID. Điều đó có nghĩa là, những thị trường này không khỏe mạnh. Tạo việc làm ở đây có nghĩa là người lao động hiện tại đang đảm nhận công việc thứ hai và thứ ba.

Lạm phát đình trệ: 5 thực trạng của nước Mỹ
Một tấm biển tuyển dụng được treo tại cửa sổ của một cửa hàng ở Manhattan vào ngày 02/12/2022 tại Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Lao động giống như vốn tư bản, là không đồng nhất. Chúng ta đang chứng kiến ​​sự đào thải to lớn diễn ra trong tầng lớp lao động chuyên nghiệp tại Mỹ, những người đã sống cuộc sống xa hoa và vô lo nghĩ trong thời gian phong tỏa. Họ đã bơi trong một hồ nước khổng lồ những người lao động trong các gã khổng lồ công nghệ và hãng truyền thông và dường như không bao giờ xảy ra tình trạng thiếu vốn chỉ vì Fed đang giữ lãi suất thực tế ở mức dưới 0. Điều này gây ra một cuộc tìm kiếm lợi nhuận từ tiền đầu tư, khiến nguồn vốn né tránh sự an toàn của trái phiếu ngắn hạn để ủng hộ cho đầu cơ dài hạn.

Chúng ta cuối cùng có thể thấy con số thất nghiệp tăng lên nhưng thực tế là nước Mỹ có thể chìm sâu vào sự sụt giảm sản lượng kinh tế trong khi con số thất nghiệp vẫn không tăng lên trên 5 hoặc 6%.

Thứ 4: Một lĩnh vực có thể suy thoái với mức giá tăng cao. Chúng ta đã gặp nghịch lý này vào đầu năm nay khi giá nhà đất tại Mỹ vẫn tăng ngay cả khi nhu cầu giảm. Điều này là do Fed đã bắt đầu chiến dịch thắt chặt hơn về tiền tệ nhưng người bán vẫn có thể đặt giá cao. Điều đó đã bắt đầu đảo ngược khi nhân khẩu học đã ổn định và hiện nay nhiều vùng của nước Mỹ có dư thừa nhà ở để bán mà không ai muốn mua. Giá sẽ tiếp tục giảm khi lãi suất thế chấp 30 năm tăng lên, tất cả đều nhằm tìm kiếm một trạng thái cân bằng.

Thứ 5: Giá chung sẽ khó có thể quay trở lại như xưa. Fed không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tăng lãi suất nhưng lạm phát đã ngấm vào nền kinh tế Mỹ và sẽ còn tồn tại trong thời gian rất dài. Chúng ta có thể chờ đón mức tăng tổng thể 6% trong ít nhất hai năm, nghĩa là tất cả nỗi đau mà người Mỹ đã trải qua sẽ chẳng qua đi và sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Mục tiêu của Fed ở đây phải là nhằm đưa lãi suất thực trở thành dương.

Như ông David Stockman viết: “Vấn đề thực sự đằng sau là lợi tức nợ vẫn bị định giá thấp một cách kinh khủng. Chấm câu. Theo đó, Fed sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tăng lãi suất danh nghĩa cho đến khi lợi tức thực tế (tức là đã điều chỉnh theo lạm phát) quay trở lại vùng dương một cách đáng kể. Và điều đó có nghĩa là vẫn còn một chặng đường dài để đi. Cụ thể là, lợi tức thực của UST (Trái phiếu Kho bạc Mỹ) kỳ hạn 10 năm chuẩn đã chạm mức thấp -6,4% vào tháng 03/2022, nhưng sau khi quỹ Fed tăng 400 điểm cơ bản, lợi tức thực vẫn là -3,8% (tháng 10). … Điều đó có nghĩa là lợi tức UST danh nghĩa cần phải đạt mức gần 7-8% để loại bỏ khoản trợ cấp sâu cho nợ được hình thành trong đường cong lợi suất hiện nay”.

Lạm phát đình trệ: 5 thực trạng của nước Mỹ
Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại Viện Brookings ở Washington, D.C., Mỹ, vào ngày 30/11/2022. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Chỉ có con đường này mới “đưa hệ thống tín hiệu tài chính trở lại con đường hiệu quả, bền vững, do đó loại bỏ thành kiến lớn hướng tới việc tích lũy nợ quá mức và nhu cầu lạm phát phình to mà nó tài trợ”.

Tất cả các đặc điểm của lạm phát đình trệ sẽ ở lại với người Mỹ trong một thời gian, với sản lượng kinh tế giảm, lạm phát gia tăng và vấn đề ngày càng tăng trong các lĩnh vực cao cấp hơn của thị trường lao động. Tình hình không nhất thiết phải trở nên như thế này. Người Mỹ được rao giảng rằng với các chính sách tiền tệ và tài khóa, các nhà hoạch định khôn ngoan ở Washington đã kiểm soát được mọi thứ, giống như họ đã làm với virus. Giờ đây, người dân Mỹ nhìn xung quanh mình và không quan sát thấy gì ngoài sự thất bại… hoặc sự phản bội.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Jeffrey A. Tucker - The Epoch Times

Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.



BÀI CHỌN LỌC

Lạm phát đình trệ: 5 thực trạng của nước Mỹ