Mỹ: Lạm phát sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế trong tương lai gần, bằng cách này hay cách khác

Giúp NTDVN sửa lỗi

Báo cáo đáng thất vọng gần đây về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ không cho thấy nước này sẽ rơi vào một cuộc suy thoái ngay lập tức. Nhưng suy thoái thực sự sẽ diễn ra, có thể là trong 18–24 tháng tới.

Những áp lực lạm phát là thủ phạm. Chúng làm cho suy thoái trở thành điều không thể tránh khỏi. Suy thoái sẽ đến theo một trong hai cách: (1) cuộc chiến chống lạm phát của Fed sẽ gây rắc rối cho thị trường, từ đó dẫn đến suy thoái, vì những sự kiện tương tự như vậy đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ; hoặc (2) nếu FED không áp dụng các biện pháp mạnh mẽ chống lại lạm phát, thì theo thời gian, tình trạng lạm phát không được kiểm soát sẽ tự nó tạo ra đủ các khó khăn về kinh tế, từ đó gây ra suy thoái.

Trái ngược với những tuyên bố lặp đi lặp lại trước đây của Washington, lạm phát hiện nay không phải là sự phản ánh “nhất thời” của các áp lực hậu đại dịch hay của cuộc giao tranh ở Ukraine. Mặc dù những diễn biến này chắc chắn có đóng góp vào lạm phát, nhưng tình hình lạm phát hiện tại chủ yếu là bởi hơn một thập kỷ qua, Washington (dưới thời của cả Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa) đã có mức thâm hụt ngân sách khổng lồ - khoản tiền được Fed cho vay bằng cách in số lượng lớn tiền mới.

Trong quãng thời gian ấy, Fed đã sử dụng tiền mới để mua khoảng 5 ngàn tỷ USD nợ chính phủ, khoảng 3 ngàn tỷ USD chỉ trong 2 năm qua. Hành động như thế này luôn dẫn đến tình trạng lạm phát dai dẳng.

Fed chỉ mới bắt đầu cuộc chiến chống lạm phát. Sau cuộc họp chính sách ngày 4/5, Fed đã nâng lãi suất chuẩn thêm 0,5%, mức lớn nhất trong hơn 20 năm qua; và hứa hẹn những lần tăng khác trong tương lai gần. Họ cũng đã đảo ngược chương trình “nới lỏng định lượng”. Thay vì tạo tiền mới và thanh khoản tài chính để mua trái phiếu trực tiếp trên thị trường tài chính, Fed sẽ bán một số chứng khoán mà họ đã tích lũy được trong những năm qua và bằng cách đó, hút bớt một phần tiền lạm phát ra khỏi thị trường tài chính và nền kinh tế. Tất cả các biện pháp này có xu hướng hạn chế hoạt động kinh tế.

Lạm phát sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế trong tương lai gần, dự báo suy thoái kinh tế Mỹ có thể là trong 18–24 tháng tới
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell làm chứng tại phiên điều trần của Ủy ban Các vấn đề Đô thị, Nhà ở và Ngân hàng của Thượng viện trên Đồi Capitol, Washington, hôm 03/03/2022. (Ảnh: Tom Williams-Pool/Getty Images)

Fed sẽ phải làm nhiều hơn nữa để đối phó với tình trạng lạm phát đã ngấm vào nền kinh tế. Ngay cả sau lần tăng lãi suất mới nhất của Fed, lãi suất ngắn hạn vẫn chỉ ở mức 1%. Với mức lạm phát 8,5% hiện nay, số tiền lãi mà người đi vay sẽ trả người cho vay có giá trị thực thấp hơn rất nhiều so với tiền lãi vay mà anh ta phải trả. Nói cách khác, tính theo giá trị thực tế, thì người cho vay thực ra đang trả tiền cho người đi vay để người đi vay sử dụng tiền. Điều này tiếp tục thúc đẩy việc vay tiền và chi tiêu.

Để kiểm soát hoạt động vay tiền và chi tiêu, đồng thời để chế ngự lạm phát, Fed sẽ phải tăng lãi suất lên mức cao hơn tốc độ lạm phát đang diễn ra. Làm được điều đó đủ nhanh và tạo ra hiệu quả sẽ chắc chắn tác động đột ngột đến thị trường và nền kinh tế. Hoạt động kinh tế sẽ đình trệ và ít nhất thì một cuộc suy thoái trong ngắn hạn sẽ xảy ra.

Không nghi ngờ gì nữa, Fed đã bắt đầu quá trình thắt chặt tiền tệ một cách thận trọng vì lo sợ về tác động suy thoái như vậy. Tuy nhiên, nền kinh tế không thể tránh khỏi suy thoái. Lạm phát không được kiểm soát sẽ làm cho việc lập kế hoạch kinh doanh gặp nhiều bất trắc đến mức các doanh nghiệp sẽ từ bỏ nhiều dự án đầu tư; trong khi những dự án này đáng lẽ ra có thể nâng cao tiềm năng sản xuất của nền kinh tế và khuyến khích tăng trưởng việc làm. Người lao động, ngay cả khi được tăng lương, vẫn sẽ phải vật lộn để theo kịp chi phí sinh hoạt đang tăng chóng mặt.

Bằng cách làm xói mòn giá trị của các tài sản bằng đồng USD, như cổ phiếu và trái phiếu, lạm phát cũng sẽ gây ra làn sóng rút lui trên thị trường tài chính, từ đó càng không khuyến khích các khoản đầu tư đổ vào khu vực sản xuất. Trong khi đó, áp lực giá cả sẽ chuyển hướng những khoản tiền có sẵn đổ vào các tài sản phòng ngừa lạm phát, chẳng hạn như đầu cơ tài sản nghệ thuật và đất đai, thay vì các hoạt động hiệu quả hơn. Tất cả những xu hướng biến dạng này sẽ dẫn đến suy thoái - một cuộc suy thoái nghiêm trọng và kéo dài - ngay cả khi Fed không hành động.

Suy thoái kinh tế tại Mỹ lẽ ra đã có thể tránh được. Nếu một năm trước, khi lạm phát mới hiện hữu, thay vì gạt bỏ vấn đề này, Washington nên bắt đầu thay đổi chính sách. Nếu như thế thì giới chức sẽ không phải hành động quá mạnh mẽ như họ sẽ phải làm để có được tác động đủ lớn chống lại lạm phát. Thực tế, Chủ tịch Fed Jerome Powell trong nhiều tháng đã luôn khẳng định rằng lạm phát chỉ là vấn đề “nhất thời”; Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng vậy. Ngay cả Tổng thống Joe Biden, vào cuối mùa hè năm ngoái, cũng tuyên bố như vậy. Còn bây giờ ông ấy đổ lỗi cho Tổng thống Nga Putin.

Hành động kịp thời, tức là hành động vào thời điểm cách đây 1 năm, không thể giúp nước Mỹ tránh được mọi áp lực lạm phát; nhưng nó có thể làm giảm bớt cường độ của những rắc rối mà Mỹ đang phải đối mặt. Cơ hội đó, tất nhiên, bây giờ đã biến mất. Một cuộc suy thoái là điều khó tránh khỏi.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Milton Ezrati là biên tập viên của The National Interest - một chi nhánh của Trung tâm Nghiên cứu Vốn Nhân lực tại Đại học Buffalo (SUNY), và là nhà kinh tế trưởng của Vested - một công ty truyền thông có trụ sở tại New York. Trước khi gia nhập Vested, ông từng là nhà chiến lược thị trường và nhà kinh tế trưởng cho Lord, Abbett & Co. Ông cũng thường xuyên viết bài cho City Journal và viết blog cho Forbes. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề là: Thirty Tomorrows: The Next Three Decades of Globalization, Demographics, and How We Will Live (Ba thập kỷ tiếp theo của toàn cầu hóa, nhân khẩu học, và cách chúng ta sinh sống).

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ: Lạm phát sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế trong tương lai gần, bằng cách này hay cách khác