Làm thế nào TT Biden có thể cạnh tranh với Sáng kiến BRI của ông Tập Cận Bình?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mục tiêu quan trọng của Hoa Kỳ là ngăn chặn Trung Quốc sử dụng dự án Một vành đai, Một con đường (BRI) để có được “một nhóm lớn các quốc gia phụ thuộc” - từ đó hình thành một liên minh kỹ trị-độc tài, hoặc một bức tường địa chính trị chống lại trật tự quốc tế tự do. Liệu Washington sẽ đáp trả trực tiếp bằng cách cạnh tranh từng dự án cảng hoặc đường bộ?

BRI của Bắc Kinh là một nỗ lực nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi đây là “dự án của thế kỷ”.

Nếu muốn cạnh tranh, thì tốt hơn hết, chính quyền Biden nên áp dụng các điều kiện là thế mạnh của Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là ngăn chặn sự trỗi dậy của "một trật tự thế giới phi tự do" - bằng cách thúc đẩy thương mại mở, các quy tắc công bằng cho không gian kỹ thuật số và tự do trên biển. Với cách tiếp cận như vậy, chính quyền Biden có thể thực hiện tốt lời thề “vượt mặt Trung Quốc”.

Một vành đai, một con đường - nhiều thách thức

Để hiểu BRI của ông Tập, chúng ta phải đặt nó trong bối cảnh chính trị trong nước đương thời, bản sắc lịch sử và những nỗ lực quan hệ công chúng quốc tế của Trung Quốc.

Ở quê nhà, sáng kiến BRI này mang sức nặng “ẩn dụ” mạnh mẽ - ám chỉ đến việc đặt Trung Quốc vào vị trí trung tâm của quyền lực thế giới. Nó cũng cho phép chế độ này thống nhất các hoạt động kinh tế và chính sách đối ngoại khác nhau của mình dưới một khẩu hiệu hài hòa, và gây được tiếng vang đối với công chúng.

Ở nước ngoài, BRI có mục đích nhấn mạnh “sự tái xuất hòa bình của Trung Quốc” và làm nổi bật vai trò của nước này như một nhà phân phối hàng hóa công cộng cho các nước kém phát triển hơn.

Nhưng điều gì bên dưới sự hùng biện này?

Trong cuốn sách nổi bật của mình “Một vành đai, một con đường: Sức mạnh Trung Quốc đáp ứng thế giới”, học giả về Trung Quốc Eyck Freymann đã giải mã kế hoạch “mờ mịt” của Bắc Kinh và những tuyên bố lộn xộn này - bằng cách tập trung vào các dự án cảng được đề xuất trị giá hàng tỷ USD của họ ở Hy Lạp, Sri Lanka và Tanzania. Một số nhà quan sát đã so sánh BRI với “Con ngựa thành Troy” - mô tả nó như một chiến lược để mở rộng sự thống trị của Trung Quốc.

Để hiểu được BRI đòi hỏi phải đánh giá đúng bản chất hỗn độn và tham vọng của nó. Mặc dù BRI có thể là một khái niệm mơ hồ khi lần đầu tiên được đưa ra, nó đã trở thành phương tiện dễ thấy nhất để tiến hành một cuộc cạnh tranh về quản trị toàn cầu và để tuyên truyền khẩu hiệu “cộng đồng chung vận mệnh” của Bắc Kinh.

Động không đáy

BRI đa chiều mang đầy tính cơ hội và định hướng chính trị; nó cũng trở thành một công cụ mạnh mẽ của chiến lược lớn - thúc đẩy chủ quyền và sự ổn định trong nước, lợi ích kinh tế và sức mạnh công nghiệp-quân sự của Trung Quốc.

Tốn rất nhiều “lụa” để dệt nên tất cả những “sợi tơ toàn cầu” này lại với nhau; việc ông Tập tạo ra BRI không chỉ thay thế nhiều dự án đã có trước đó, mà còn mang lại nhiều loại dự án đa dạng dưới những cái tên mới.

Năm 2013, ông Tập đã công bố: “Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa” trên đất liền; “Con đường Tơ lụa” trên biển; Thế kỷ 21 trên biển - tạo ra khái niệm “Một vành đai, một con đường” mới.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã bổ sung thêm: “Con đường tơ lụa trên biển” tới Bắc Cực; “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” của hệ thống viễn thông 5G; và “Hành lang thông tin không gian” với mạng điều hướng vệ tinh BeiDou hiện đại.

Trong bối cảnh đại dịch và một nỗ lực mới nhằm hạn chế biến đổi khí hậu, Trung Quốc cũng đã thêm: “Con đường Tơ lụa lành mạnh”“Con đường Tơ lụa xanh”.

Bức ảnh chụp ngày 14 tháng 12 năm 2018 này cho thấy các cơ sở của cảng Sihanoukville, thủ phủ ven biển của tỉnh Preah Sihanouk. Trung Quốc đã bơm hàng tỷ USD vào nền kinh tế nước này. Kế hoạch cơ sở hạ tầng "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, bao gồm một đường cao tốc đã được lên kế hoạch từ cảng này tới Phnom Penh. (Ảnh của TANG CHHIN Sothy / AFP qua Getty Images)
Bức ảnh chụp ngày 14 tháng 12 năm 2018 này cho thấy các cơ sở của cảng Sihanoukville, thủ phủ ven biển của tỉnh Preah Sihanouk. Trung Quốc đã bơm hàng tỷ USD vào nền kinh tế nước này. Kế hoạch cơ sở hạ tầng "Một vành đai, một con đường" của Trung Quốc, bao gồm một đường cao tốc đã được lên kế hoạch từ cảng này tới Phnom Penh. (Ảnh của TANG CHHIN Sothy / AFP qua Getty Images)

Bản thân các dự án của Trung Quốc đã khó hiểu, nhưng nguồn tài chính đằng sau BRI có thể còn mờ mịt hơn. Quy mô tài trợ của Trung Quốc vẫn là điều bí ẩn, với ước tính dao động từ 1 đến 8 nghìn tỷ USD. Các khoản chi tiêu của Trung Quốc có lẽ gần với mức ước tính 1 nghìn tỷ USD. Đó là một số tiền khổng lồ. Tính đến hiện nay, Hoa Kỳ đã chi để giúp tái thiết châu Âu bị chiến tranh tàn phá qua Kế hoạch Marshall - ít hơn nhiều so với chi tiêu của Bắc Kinh cho các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài trong những năm gần đây.

Với tất cả chi phí này, Trung Quốc muốn làm cho cấu trúc quản trị toàn cầu trở nên thuận lợi hơn đối với Bắc Kinh, và làm giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ.

Kế hoạch Marshall đã dẫn đến việc thành lập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ở Paris - nơi các nước tài trợ giàu có mặc cả các mục tiêu và quy tắc để hỗ trợ phát triển. Trung Quốc không phải là thành viên của tổ chức này, không bị ràng buộc bởi các quy tắc của tổ chức và hiện đang bận rộn xây dựng các thể chế quốc tế thay thế của riêng mình.

Diễn đàn Vành đai và Con đường hai năm một lần cho Hợp tác Quốc tế - cung cấp cho ông Tập một cơ hội để tiếp đón khoảng 30 đến 40 nhà lãnh đạo và hàng nghìn đại biểu đại diện cho hơn 130 quốc gia - những người bị thu hút bởi “câu chuyện về lòng nhân từ của Trung Quốc”.

Các nhà lãnh đạo độc tài có thể thích sự hỗ trợ từ Trung Quốc - vốn không có các ràng buộc về vấn đề nhân quyền và môi trường. Nhưng họ cũng lo sợ mất chủ quyền vào “bẫy nợ” của Bắc Kinh. Các dự án của Trung Quốc đã bị bủa vây bởi các cáo buộc về cưỡng chế, bẫy nợsự hối hận của người mua.

Dự án cảng Piraeus của Hy Lạp là “đứa con tự hào” cho thành công BRI. Nhưng không rõ liệu dự án Hambantota của Sri Lanka có kiếm đủ doanh thu để trả nợ hay không. Và sau khi trở nên quá phụ thuộc vào Bắc Kinh về tài chính, công nghệ và hỗ trợ, Colombo sẽ ít có cơ hội hợp tác với Ấn Độ, Nhật Bản, Hoa Kỳ và các nền dân chủ tự do khác.

Hoặc xem xét cam kết 50 tỷ USD của Bắc Kinh đối với Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Mức độ tài trợ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc không thể được giải thích chỉ bằng các cân nhắc kinh tế; chắc chắn nó được thiết kế với những tham vọng chính trị lâu dài, cũng như hướng đến các vị trí địa chính trị - có thể cung cấp cho Bắc Kinh khả năng tiếp cận hoặc căn cứ quân sự trong tương lai.

Chính quyền Biden có thể phản ứng kịp thời?

Liệu Hoa Kỳ và các đồng minh của họ có cần phải chi tiền để vượt qua Trung Quốc? Không thể nào. Họ chỉ có thể thực hiện ảnh hưởng tài chính của mình theo những cách hiệu quả hơn - bằng cách đưa ra một mô hình hợp tác quốc tế thay thế rộng rãi - được xây dựng dựa trên các quyền con người, dân chủ và bình đẳng phổ quát.

Chính quyền Biden cũng nên tìm kiếm các dự án, cung cấp cho các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương một danh mục đầu tư hấp dẫn về thương mại và hỗ trợ nước ngoài. Một phản ứng kinh tế và ngoại giao quan trọng của Hoa Kỳ và các đối tác cùng chí hướng - sẽ giúp làm suy yếu nỗ lực tiến sâu vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương của Trung Quốc.

Mục tiêu quan trọng của Hoa Kỳ là ngăn chặn Trung Quốc hình thành “một nhóm lớn các quốc gia phụ thuộc” - từ đó trở thành một liên minh kỹ trị - độc tài, hoặc một bức tường địa chính trị chống lại trật tự quốc tế tự do. Điều này đòi hỏi Washington phải giúp các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương giữ được quyền tự chủ chiến lược của mình, đồng thời khuyến khích tự do và pháp quyền.

Sự “tái cân bằng” của Obama đối với châu Á đã không thành công, chính quyền Biden cần tăng gấp đôi nỗ lực trước đây của Hoa Kỳ, xem đây là một chính sách toàn diện nhằm xây dựng lại các thể chế của Hoa Kỳ và toàn cầu.

Tổng thống Biden đã công bố về vai trò của Mỹ trên thế giới, nhưng những nhiệm vụ đòi hỏi nhiều hơn vẫn còn ở phía trước. Hoa Kỳ phải tập trung vào việc xây dựng các quy tắc và chuẩn mực - sẽ chi phối phần còn lại của thế giới trong thế kỷ này.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (R), trò chuyện với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trước khi tham dự cuộc họp của họ tại khu ngoại giao Trung Nam Hải vào ngày 5 tháng 12 năm 2013 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Andy Wong-Pool / Getty Images)
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (R), trò chuyện với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trước khi tham dự cuộc họp của họ tại khu ngoại giao Trung Nam Hải vào ngày 5 tháng 12 năm 2013 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Andy Wong-Pool / Getty Images)

Không chỉ cần các khoản đầu tư quân sự mới, Hoa Kỳ cần phải phục hồi khả năng định hình trật tự khu vực bằng cách sử dụng các công cụ quyền lực ngoại giao và kinh tế. Điều này đòi hỏi một chiến lược - tập trung vào các khía cạnh quan trọng nhất trong lịch sử và hiện đang bị đe dọa của trật tự này: thương mại mở, các quy tắc công bằng cho không gian kỹ thuật số và tự do trên biển.

Thương mại mở

Các tổng thống tiền nhiệm nhận ra sự cần thiết phải chống lại BRI về mặt kinh tế, nhưng chính quyền Obama vẫn duy trì BRI. Chính quyền Trump đã mạnh mẽ áp dụng khẩu hiệu "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", đồng thời tấn công các chính sách săn mồi hiếu chiến của Trung Quốc. Giờ đây, Washington cần tiến xa hơn bằng các sáng kiến ​​tích cực và hợp tác.

Cựu Tổng thống Trump đã từ bỏ sáng kiến ​​kinh tế khu vực của Mỹ bằng cách rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Chính quyền Trump đã tăng cường thành công các phương tiện tài chính quan trọng. Việc thành lập Tổ chức Tài chính Phát triển Quốc tế và ủy quyền lại cho Ngân hàng Xuất nhập khẩu - đã mở rộng khả năng tài trợ cho các dự án quốc tế của Washington thời Trump.

Khi phân tích về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhà nghiên cứu Michael Pettis cho rằng một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, đã dành vài năm qua để vận động các hiệp định thương mại khác nhau, nhưng cuối cùng không hiệp định nào trong số này thực sự giải quyết được vấn đề.

Hoa Kỳ đã tách khỏi các hiệp định đa phương, hướng tới chủ nghĩa song phương, đôi bên cùng có lợi; tạo thành thế đối trọng với xu hướng chủ nghĩa đa phương "cá lớn nuốt cá bé" của Bắc Kinh.

Đòn mạnh của chính quyền Trump về không gian kỹ thuật số

BRI cung cấp cho Trung Quốc một thương hiệu cho các khoản đầu tư liên quan đến việc kiểm soát thông tin. Lĩnh vực thông tin là nơi Hoa Kỳ, các đồng minh và đối tác trong khu vực nên tập trung - để phát triển “con đường tơ lụa kỹ thuật số của họ” về viễn thông 5G, cáp dưới biển và trạm dữ liệu - chứ không phải sử dụng mạng của Huawei.

Luồng thông tin an toàn cần được thực hiện cấp bách hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, do Trung Quốc đàn áp Hong Kong - nơi đóng vai trò là trung tâm trao đổi Internet trong khu vực.

Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc đã có những bước tiến quan trọng theo hướng này trong vài năm qua. Ba năm trước, Canberra đã chặn Huawei Marine đối với một dự án đặt tuyến cáp dưới biển giữa Sydney và Quần đảo Solomon. Năm ngoái, Huawei Marine đã thất bại trong việc xây dựng một tuyến cáp dưới biển kết nối Chile và châu Á.

Washington không chỉ ngăn cản Trung Quốc tạo ra "hình thức kết nối kỹ thuật số", mà còn cần làm việc với các đồng minh để phát triển một giải pháp thay thế mang tính xây dựng. Năm 2018, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc đã công bố "Quan hệ Đối tác Ba bên" về đầu tư cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Thái độ cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc. (FRED DUFOUR/AFP/Getty Images)
Thái độ cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc. (FRED DUFOUR/AFP/Getty Images)

Vào năm 2020, Tập đoàn Tài chính Phát triển mới của chính quyền Trump đã phê duyệt khoản vay 190 triệu USD cho tuyến cáp quang xuyên Thái Bình Dương từ Singapore đến Hoa Kỳ - với các chi nhánh ở Indonesia, Guam và hơn thế nữa. Vị trí đặt cáp dưới biển nằm ngoài Biển Đông. Vào tháng 1/2021, ba quốc gia đã đồng ý với Palau để xây dựng một cáp ngầm thứ hai và an toàn hơn.

Để đối phó với sự ngang ngược của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương; Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc đã bắt tay vào các nỗ lực phát triển khác. Ví dụ như ở Papua New Guinea, chính quyền Trump đã hợp tác với các đồng minh Nam Thái Bình Dương để lắp đặt một tuyến cáp quang biển ở Palau - đưa cả điện khí hóa và một căn cứ hải quân chung đến đảo Manus. Điều này thể hiện một mô hình phát triển chiến lược có thể được mô phỏng ở những nơi khác trong khu vực.

Nếu cáp và cảng ngầm là phần cứng của Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc, thì các quy tắc quản trị là phần mềm cần thiết. Ngoài việc thúc đẩy thương mại và các dự án cụ thể ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Hoa Kỳ cần liên kết đa số các quốc gia theo các quy tắc công bằng và thuận lợi - như một “hệ thống điều hành”.

Nỗ lực này có thể bắt đầu với việc bốn thành viên của nhóm Đối thoại An ninh Tứ giác (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) - phát triển các hệ thống đáng tin cậy để chia sẻ thông tin như dữ liệu tài chính và tình hình hoạt động chung. Nhóm 10 nền dân chủ liên kết để đối phó Trung Quốc (​D10) cũng có thể mở đường cho việc thiết lập các quy tắc cho không gian mạng, không gian bên ngoài, vấn đề môi trường và vũ khí robot.

Tự do đường biển

Nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc vào sự di chuyển của hàng hóa trên biển thông qua các điểm nghẽn hàng hải quan trọng, cũng như sự di chuyển của dữ liệu Internet qua cáp ngầm. Đây là lý do tại sao Hoa Kỳ cần có phản ứng thích hợp đối với BRI, bao gồm một cam kết chắc chắn để duy trì tự do trên biển.

Quyền tự do của các vùng biển đã thúc đẩy quan điểm xoay trục sang châu Á của Mỹ, cũng như chiến lược “các bước nâng cấp Nam Thái Bình Dương” gần đây của Úc. Vị trí địa lý của Trung Quốc đương nhiên là thách thức lớn của nước này. Giấc mơ giảm bớt sự phụ thuộc vào việc vận chuyển hàng hóa và tài nguyên qua eo biển Malacca (cái gọi là “tình thế tiến thoái lưỡng nan Malacca” của Trung Quốc ) bị cản trở bởi thực tế là vận tải biển vẫn rẻ hơn nhiều so với trên bộ.

Tuy nhiên, Trung Quốc không được phép từ chối các cường quốc nước ngoài tiếp cận vùng biển và không phận quốc tế. Hoa Kỳ cần chú ý đến các tuyến thông tin liên lạc trên biển của mình, bao gồm thương mại, thông tin liên lạc kỹ thuật số và tự do hàng hải ở khu vực hàng hải châu Á.

Nhật Bản đang làm việc với đảo quốc Indonesia để phát triển các radar tiếp giáp với các điểm tắc nghẽn quan trọng và các tuyến đường thủy. Đây là loại “bất động sản chiến lược” - mà Hoa Kỳ nên giúp các đối tác trong khu vực tăng cường hệ thống cảnh báo sớm để phát hiện các cuộc xâm nhập. Hoa Kỳ và các đối tác có nhiệm vụ đảm bảo một mạng lưới cảm biến hiện đại và linh hoạt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Họ cũng cần lưu ý đến những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi các quy tắc. Trung Quốc có thể lợi dụng luật mới cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển của họ bắn vào các tàu khác để “khẳng định các yêu sách hàng hải trái pháp luật của mình ở Biển Đông”.

Về quản trị hàng hải, Hoa Kỳ nên tìm cách đàm phán một quy tắc ứng xử ràng buộc với các quốc gia hàng hải có cùng chí hướng ở Tây Thái Bình Dương - sử dụng làm đòn bẩy để đàm phán các quy tắc với Trung Quốc. Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ cũng nên giúp các quốc gia như Philippines và Việt Nam - có được các tuyên bố chủ quyền hàng hải của họ ở Biển Đông theo luật pháp quốc tế - được đưa ra vào năm 2016 bởi The Hague.

Cuối cùng, thách thức BRI là về sự tranh chấp quản trị toàn cầu trong kỷ nguyên kỹ thuật số, chứ không chỉ cạnh tranh về các dự án cơ sở hạ tầng hay vị thế quân sự. Điều chính quyền Biden nên làm là phát triển các quy tắc công bằng giúp các nước trong khu vực cạnh tranh kinh tế hơn và ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc.

Tác giả: Patrick M. Cronin, Ph.D. là Giám đốc cấp cao của Chương trình An ninh Châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ. Trước đây, ông là Giám đốc cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia (INSS) tại Đại học Quốc phòng, nơi ông đồng thời giám sát Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quân sự Trung Quốc. Tiến sĩ Cronin có kiến thức đa dạng và phong phú về cả an ninh Châu Á - Thái Bình Dương cũng như chính sách quốc phòng, đối ngoại và phát triển của Hoa Kỳ.

Trần Đức - Thanh Vân



BÀI CHỌN LỌC

Làm thế nào TT Biden có thể cạnh tranh với Sáng kiến BRI của ông Tập Cận Bình?