Làn sóng lạm phát toàn cầu: Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka và Lào ở mức cao kỷ lục

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều Ngân hàng Trung ương đang tập trung vào cuộc chiến chống lạm phát, với các động thái mạnh mẽ chưa từng có trong nhiều thập kỷ. Lạm phát ở nhiều nước đang ở mức cao, trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka và Lào là 3 nước có mức lạm phát đạt kỷ lục.

Lạm phát Thổ Nhĩ Kỳ đạt mức đỉnh 24 năm

Dữ liệu hôm thứ 2 cho thấy, lạm phát hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên mức cao mới trong 24 năm là 83,45% vào tháng 9, dù vẫn thấp hơn mức dự báo. Điều này diễn ra sau khi Ngân hàng Trung ương nước này gây bất ngờ cho thị trường bằng cách cắt giảm lãi suất hai lần trong hai tháng qua.

Bất chấp giá cả tăng vọt, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến ​​sẽ cắt giảm lãi suất chính sách một lần nữa trong tháng này, sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan kêu gọi đưa lãi suất về mức một con số vào cuối năm.

Lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng kể từ tháng 11 năm ngoái, khi đồng TRY (đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ) lao dốc sau khi Ngân hàng Trung ương cắt giảm lãi suất, trong một chu kỳ nới lỏng không chính thống mà ông Erdogan mong muốn từ lâu (chu kỳ nới lỏng không theo quy luật kinh tế chính thống).

Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, theo tháng, giá tiêu dùng tăng 3,08%, thấp hơn dự báo thăm dò của Reuters là 3,8%. Dự báo lạm phát giá tiêu dùng hàng năm là 84,63%.

​​Đây là con số lạm phát hàng năm cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ tháng 07/1998, khi nó ở mức 85,3% và đó là thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến đấu để chấm dứt một thập kỷ lạm phát cao kinh niên.

Lạm phát tháng 9 được thúc đẩy bởi giá vận tải, tăng gần 118% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 93,05%.

Bất chấp sự gia tăng không ngừng của lạm phát, ông Erdogan tuần trước cho biết ông đã khuyên Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất chính sách tại các cuộc họp sắp tới, một ngày sau khi nói rằng ông kỳ vọng ​​lãi suất sẽ giảm xuống mức một con số vào cuối năm.

Làn sóng lạm phát toàn cầu: Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka và Lào ở mức cao kỷ lục
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp nội các tại Khu phức hợp Tổng thống ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 06/06/2022. (Ảnh: ADEM ALTAN / AFP qua Getty Images)

JP Morgan cho biết lạm phát có khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong "phạm vi cao bất thường cho đến khi các chính sách trở nên chính thống" (tuân theo quy luật kinh tế chính thống), đồng thời cho biết thêm rằng họ dự đoán chu kỳ nới lỏng sẽ "tiếp tục cho đến khi nó không thể thực hiện được nữa".

"Các quyết định chính sách tiền tệ đã trở nên tách rời khỏi các nguyên tắc vĩ mô cơ bản và gần như không còn liên quan đến các động lực lạm phát trong ngắn hạn", JP Morgan cho biết trong một lưu ý.

Các yếu tố tác động lên lạm phát Thổ Nhĩ Kỳ

Các ảnh hưởng suy thoái toàn cầu, tác động của chúng lên giá hàng hóa và tốc độ giảm giá của đồng TRY sẽ là những yếu tố chính quyết định lạm phát, JP Morgan nói thêm.

Tại thời điểm hiện tại, đồng TRY đang giao động quanh mức 18.568 đổi một đồng USD.

Đồng tiền này đã ít phản ứng hơn với dữ liệu kinh tế và bình luận của ông Erdogan so với trước đây, phần lớn là do Ngân hàng Trung ương Thồ Nhĩ Kỳ có vai trò chi phối hơn trên thị trường ngoại hối kể từ tháng 12.

Goldman Sachs cho biết hiện họ dự đoán Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cắt giảm lãi suất chính sách 100 điểm cơ bản mỗi tháng cho đến cuối năm.

Ngân hàng đã cắt giảm lãi suất chính sách 200 điểm cơ bản xuống 12% trong hai tháng qua, đi ngược lại chu kỳ thắt chặt tiền tệ đang diễn ra trên toàn cầu mặc dù lạm phát liên tục tăng, giá năng lượng tăng và tác động chậm của sự sụt giảm của đồng TRY. Trong khi đó, các Ngân hàng Trung ương khác trên thế giới, được dẫn dắt bởi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), đang ưu tiên đặt trọng tâm vào cuộc chiến chống lạm phát, đang tăng lãi suất ở tốc độ chưa từng có trong nhiều thập kỷ. Kết quả, nhiều khu vực chứng kiến sự suy yếu hoạt động kinh tế, bị trầm trọng hóa bởi sự biến động của thị trường. Trong một số trường hợp, sự biến động này chạm tới các mức độ xuất hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009.

Việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái đã gây ra một cuộc khủng hoảng tiền tệ khiến đồng TRY mất 44% giá trị so với đồng USD vào năm 2021. Nó đã suy yếu khoảng 29% trong năm nay xuống mức thấp nhất mọi thời đại.

Cuộc thăm dò của Reuters vào tuần trước cho thấy lạm phát hàng năm dự kiến ​​sẽ giảm xuống 72% vào cuối năm 2022.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết lạm phát sẽ giảm với chương trình kinh tế ưu tiên lãi suất thấp để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nhằm đạt được thặng dư tài khoản vãng lai.

Chỉ số giá sản xuất trong nước đã tăng 4,78% so với tháng trước trong tháng 9 với mức tăng hàng năm là 151,50%.

Lạm phát Sri Lanka đạt kỷ lục mới

Dữ liệu chính thức cho thấy vào thứ 6 (30/09), một thước đo chính về lạm phát tiêu dùng hàng năm của Sri Lanka đã tăng lên mức kỷ lục là 69,8% vào tháng 9. Điều này nhấn mạnh thách thức đối với Ngân hàng Trung ương nước này khi hòn đảo này phải hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong bảy thập kỷ.

Làn sóng lạm phát toàn cầu: Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka và Lào ở mức cao kỷ lục
Người dân xếp hàng chờ mua dầu hỏa tại một trạm phân phối nhiên liệu vào ngày 26/04/2022 ở Gampola, Sri Lanka. (Ảnh: Abhishek Chinnappa / Getty Images)

Chỉ số Giá tiêu dùng Colombo (CCPI), một chỉ số hàng đầu đo lường lạm phát ở thành phố lớn nhất Sri Lanka, đã tăng tốc vượt qua mức cao nhất mọi thời đại trước đó là 64,3% vào tháng 8.

Các nhà hoạch định chính sách theo dõi chặt chẽ CCPI nhằm đưa ra các đánh giá chính sách tiền tệ của họ.

Đầu tháng này, thước đo lạm phát chính khác của Sri Lanka, Chỉ số Giá tiêu dùng Quốc gia (NCPI), đo lường lạm phát giá bán lẻ trên phạm vi rộng hơn, cũng chạm mức kỷ lục 70,2% trong tháng 8.

Hòn đảo Nam Á với 22 triệu dân này đã phải vật lộn với lạm phát tăng mạnh trong gần một năm qua khi giá cả toàn cầu biến động và giá trị đồng tiền giảm mạnh đã tác động xấu đến nền kinh tế.

Nguồn dự trữ ngoại hối ngày càng cạn kiệt, thứ vốn được dùng để tài trợ cho nhập khẩu, đã làm gia tăng cuộc khủng hoảng của Sri Lanka, gây ra tình trạng thiếu hụt các nhu yếu phẩm thiết yếu và thổi bùng việc gia tăng chi phí sinh hoạt.

Giá thực phẩm tiếp tục chịu tác động của lạm phát, tăng lên 93,7%, trong khi giá các mặt hàng phi thực phẩm tăng 50,2%, văn phòng thống kê cho biết.

Ông Dimantha Mathew, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của First Capital Holdings, cho biết: "Lạm phát tháng 9 cao hơn một chút so với dự kiến. Rõ ràng là gia tăng thuế đối với nước và điện được tiến hành vào tháng 8 một phần cũng đã thấm sang tháng này".

Trong một nỗ lực để kiềm chế giá cả và ổn định thị trường, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka (CBSL) đã tăng lãi suất thêm 900 điểm cơ bản trong năm nay.

Ngân hàng Trung ương dự kiến ​​sẽ giữ vững lãi suất trong đợt xem xét chính sách vào ngày 06/10, sau khi giữ ổn định lãi suất vào tháng 8. Các nhà hoạch định chính sách đang tin tưởng vào việc giảm lạm phát trong những tháng tới trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái.

Bất kỳ sự hạ nhiệt nào về giá tiêu dùng sẽ chỉ ở mức nhỏ, các nhà phân tích cho biết, dự báo tỷ lệ lạm phát cao sẽ vẫn duy trì cho đến khoảng cuối nửa đầu năm 2023.

Nền kinh tế Sri Lanka đã giảm 8,4% trong quý tính đến tháng 6 so với một năm trước, một trong những mức giảm mạnh nhất được thấy trong khoảng thời gian ba tháng, trong bối cảnh thiếu hụt phân bón và nhiên liệu.

Các nhà phân tích kỳ vọng mức thu hẹp hơn nữa trong quý kết thúc vào tháng 9, điều này sẽ đẩy đất nước vào một cuộc suy thoái kỹ thuật.

Ông Mathew từ First Capital dự kiến ​​lạm phát sẽ giảm nhẹ từ tháng 10, có nghĩa là giá sẽ ở mức tương đối cao trong một thời gian.

Lạm phát Lào tăng vọt

Theo Cục Thống kê Lào, lạm phát tính theo năm ở quốc gia Đông Nam Á này đã tăng vọt lên 30,1% vào tháng 8. Đây là mức lạm phát cao nhất trong khoảng 2 thập kỷ tại Lào.

Lạm phát tháng 8 cao hơn khoảng 5% so với tỷ lệ lạm phát 25,6% được công bố cho tháng 7. Vào tháng 08/2021, lạm phát chỉ ở mức 3,81%. Như vậy, con số lạm phát tháng 8 năm 2022 gần gấp tám lần so với một năm trước. Chi phí xăng, điện, nước và nhà ở đã tăng 20,5%. Thực phẩm và đồ uống không cồn tăng 30,2%.

Giá gạo tăng 35,2%, cá và hải sản tăng 26,7% và thịt tăng 22,3%. Giá trái cây tăng 31,1%, dầu ăn tăng 121,8% và gia vị tăng 47,6%. Trứng, được bán với giá 40.000 LAK (đồng kip Lào) (tương đương 2,56 USD) mỗi hộp vào tháng 4, hiện có giá 55.000 LAK (3,52 USD) trở lên, theo Vientiane Times.

Lào là một trong những nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Các nhà kinh tế đã đưa ra lo ngại về sự gia tăng mạnh mẽ của giá thực phẩm, đặc biệt khi lũ lụt đã tàn phá một số diện tích đất canh tác ở nước này.

Làn sóng lạm phát toàn cầu: Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka và Lào ở mức cao kỷ lục
Người dân đi bộ trước tượng đài chiến tranh Patuxai ở trung tâm Viêng Chăn, Lào, ngày 12/03/2020. (Ảnh: Mladen Antonov / AFP qua Getty Images)

Giá nhiên liệu cao và đồng LAK liên tục mất giá là hai trong số những nguyên nhân chính góp phần tạo nên áp lực lạm phát. Từ đầu năm, tỷ giá hối đoái USD / LAK đã tăng từ khoảng 11.175 lên 16.539, tính đến thời điểm hiện tại, tăng hơn 48%.

Lào phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu phân bón, thức ăn gia súc, máy móc và các sản phẩm nông nghiệp khác cần thiết cho nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. Do đó, chi phí gia tăng của các đầu vào này cũng góp phần vào vấn đề lạm phát.

Lạm phát cao của Lào đi cùng với nợ Trung Quốc

Ngoài lạm phát, một yếu tố khác gây áp lực lên nền kinh tế Lào là nợ, một phần chính trong số đó tới từ các chủ nợ Trung Quốc. Kể từ năm 2019, nợ công của quốc gia này đã tăng nhanh chóng.

Các ước tính của Ngân hàng Thế giới cho thấy tổng nợ công và nợ được bảo lãnh công (PPG) đã tăng lên 88% GDP vào năm 2021 từ 68% vào năm 2019. Khoảng 50% nợ là từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bradley Parks, giám đốc điều hành tại phòng nghiên cứu AidData, không bị thuyết phục về những con số này. Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia, ông chỉ ra rằng các con số của Ngân hàng Thế giới không tính đến các khoản nợ tiềm ẩn mà Lào nợ Trung Quốc.

“Mức độ nợ công thực sự của quốc gia này đối với tất cả các chủ nợ rất có thể là trên 120% GDP. … Không có quốc gia nào khác trên thế giới có tỷ lệ nợ công đối với Trung Quốc cao hơn so với tỷ lệ phần trăm GDP của nước chủ nhà”, ông nói trong khi ước tính tổng mức nợ của Lào đối với Trung Quốc là 64,8% GDP.

Lạm phát cao và căng thẳng tài chính đang hạn chế khả năng tiếp cận của người dân Lào với các nguồn tài nguyên như nhiên liệu. Hồi tháng 5, chính phủ đã yêu cầu người dân cắt giảm việc đi lại do thiếu nhiên liệu, chỉ ra sự cần thiết phải ưu tiên cho các nhu cầu của nông nghiệp và công nghiệp.

Các công dân bình thường bị giới hạn chỉ mua nhiên liệu trị giá khoảng 30 USD mỗi lần, trong khi nông dân bị hạn chế ở mức 20 lít.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Làn sóng lạm phát toàn cầu: Thổ Nhĩ Kỳ, Sri Lanka và Lào ở mức cao kỷ lục