Làn sóng tháo chạy khỏi Trung Quốc của các đại gia thời trang quốc tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bershka, Pull & Bear, Stradivarius đã thông báo sẽ chính thức rút khỏi thị trường Trung Quốc vào cuối tháng này, gia nhập trào lưu ‘thoát Trung’ của H&M, Superdry, Old Navy và các gã khổng lồ thời trang khác.

Bershka, Pull & Bear và Stradivarius, 3 thương hiệu thời trang cùng thuộc công ty mẹ Inditex với ZARA, đã ra thông báo đóng các gian hàng của họ trên nền tảng thương mại điện tử. Cụ thể, từ ngày 31/07, các gian hàng chính thức của Bershka, Pull & Bear và Stradivarius trên Tmall (Alibaba) sẽ ngừng bán hàng, trong khi dịch vụ chăm sóc khách hàng trực tuyến và đường dây nóng sẽ ngừng hoạt động từ sau ngày 31/08.

Công ty mẹ Inditex vẫn chưa đưa ra tuyên bố công khai nào về vấn đề này.

Bershka, Pull & Bear và Stradivirus đã đóng khoảng 50 cửa hàng trên khắp Trung Quốc từ năm 2016 đến 2019. Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, 3 thương hiệu này đã cho dừng hoạt động các địa điểm bán hàng truyền thống cuối cùng còn lại vào đầu năm nay.

Các đại gia thời trang nhanh đa quốc gia khác như H&M và Uniqlo cũng đã phát triển chậm lại tại thị trường Trung Quốc và cũng phải đóng một số cửa hàng. Thời trang nhanh (fast fashion), còn gọi là thời trang ăn liền, là thuật ngữ chỉ mô hình thiết kế và kinh doanh thời trang một cách nhanh chóng với mức giá rẻ. Các thương hiệu thời trang nhanh khác như Superdry, Old Navy và C&A cũng đã rời khỏi Trung Quốc.

Công ty mẹ của gã khổng lồ thời trang nhanh Uniqlo tiết lộ trong một báo cáo trong năm 2022 rằng Uniqlo đã tạm thời đóng cửa 133 cửa hàng ở Trung Quốc Đại lục sau khi doanh thu bán hàng tại thị trường Trung Quốc sụt giảm.

Tháng 5 năm nay, Bestseller - tập đoàn thời trang Đan Mạch, công ty đầu tiên thuộc loại này thâm nhập thị trường thời trang Trung Quốc — thông báo rằng họ sẽ đóng cửa tất cả 1.300 cửa hàng bán lẻ của thương hiệu Selected ở Trung Quốc vào ngày 31/07 năm nay.

Bestseller là một trong những tập đoàn thời trang lớn nhất châu Âu với hơn 20 thương hiệu khác nhau.

Ngày 31/03, MONKI - thương hiệu chị em của gã khổng lồ bán lẻ H&M (Thụy Điển) - đã đóng cửa gian hàng trực tuyến chính thức trên Tmall. Ngày 01/04, toàn bộ hàng hóa đã được lấy xuống khỏi các kệ; thương hiệu chính thức dừng hoạt động.

Việc thế giới vạch trần tình trạng người Duy Ngô Nhĩ phải lao động cưỡng bức ở Tân Cương là một bước ngoặt trong sự phát triển của H&M ở Trung Quốc. Năm 2020, H&M đã ra một tuyên bố rằng họ không làm việc với bất kỳ nhà máy sản xuất hàng may mặc nào ở Tân Cương, cũng như không tìm nguồn sản phẩm hay nguyên liệu thô từ khu vực này. Một số thương hiệu thời trang lớn khác cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

H&M đã bị chính quyền Trung Quốc đàn áp vì tuyên bố trên; các nền tảng trực tuyến của họ bị kiểm duyệt và bị phạt ít nhất 8 lần trong năm 2021 bởi các cơ quan quản lý Trung Quốc. Một số người còn thúc đẩy các chiến dịch khuyến khích khách hàng tẩy chay công ty. Từ nửa cuối năm 2021 trở đi, H&M bắt đầu đóng hàng loạt các cửa hàng của họ tại Trung Quốc. Đỉnh điểm, H&M đã cho dừng hoạt động cửa hàng ba tầng ở Thượng Hải vào ngày 24/06; đây là cửa hàng đầu tiên mà H&M mở tại Trung Quốc cách đây 15 năm. Hiện H&M còn 26 cửa hàng ở Thượng Hải.

Chi Anh

Theo Bing Li - The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Làn sóng tháo chạy khỏi Trung Quốc của các đại gia thời trang quốc tế