Lăng kính thời dịch: Mối quan hệ giữa giới tinh hoa và quyền lực của Canada với chế độ Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Canada nằm trong số 20 quốc gia hàng đầu trên thế giới có nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 nhất, mặc dù dân số tương đối ít và mật độ dân số thấp. Tại Canada, Quebec là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất cho đến nay.

Đến giữa tháng 6, Canada có khoảng 100.000 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 8.000 ca tử vong. Trong đó, hơn một nửa số ca nhiễm bệnh và 65% số ca tử vong là ở Quebec, nơi có dưới 1/4 dân số của đất nước.

Bài viết của ban biên tập The Epoch TimesBất cứ nơi nào kết thân với Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi đó virus Vũ Hán theo sau” ghi chú rằng “các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bên ngoài Trung Quốc đều có chung một sợi dây liên kết: quan hệ gần gũi hoặc sinh lợi với chính quyền ĐCSTQ ở Bắc Kinh”.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo cấp cao, giới thượng lưu kết nối với nhau và các tập đoàn hùng mạnh của Canada, nhiều người trong số họ ở tại Quebec, đã thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Canada và Trung Quốc.

Ottawa đã đóng vai trò là công cụ trong việc cho phép chế độ Trung Quốc giành được sự công nhận của thế giới trong những ngày đầu của nó, và giúp nó trở thành một trong những siêu cường mới nổi của thế giới, trong khi chế độ này tiếp tục đàn áp người dân của mình trên đất nước của nó và truyền bá các xúc tu gây ảnh hưởng ở nước ngoài. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Canada thường nhắm mắt làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh trong những thời điểm quan trọng.

Thiết lập một con đường

Năm 1970, chính phủ của Thủ tướng Pierre Trudeau đã trở thành một trong những chính phủ phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với tư cách là người cai trị Trung Quốc. Việc thừa nhận chế độ này của Canada đã mở đường cho các nước phương Tây khác làm theo và cho ĐCSTQ gia nhập các cơ quan quốc tế như Liên Hợp Quốc.

Việc thiết lập quan hệ với Trung Quốc cộng sản và đưa nó vào Liên Hợp Quốc là một trong những mục tiêu chính sách đối ngoại chính của ông Trudeau sau khi ông trở thành thủ tướng năm 1968.

Rất lâu trước khi trở thành thủ tướng, trong chuyến thăm Matxcơva để tham dự một hội nghị tuyên truyền vào những năm 1950, ông Trudeau, khi đó là một nhà hoạt động chính trị đến từ Quebec, đã nói với vợ của một nhà quản lý kinh doanh người Mỹ rằng ông là một người cộng sản và Công giáo và đã đến Matxcơva để chỉ trích Hoa Kỳ và ca ngợi Liên Xô, theo cuốn sách năm 2013 “Sự thật về Trudeau” của Bob Plamondon.

Ông Trudeau đã đến Trung Quốc vào năm 1949 khi còn là một chàng trai trẻ và một lần nữa vào năm 1960 trong một chuyến đi được chế độ này tài trợ. Ông đã thuật lại chuyến đi sau với đồng tác giả Jacques Hébert trong cuốn sách của họ “Hai người vô tội ở Trung Quốc đỏ”.

Trong chuyến thăm của họ, hai người đã chứng kiến ​​những cảnh tượng của một trong những thời kỳ đen tối nhất của chế độ cộng sản Trung Quốc, Đại nhảy vọt, như đã được ghi lại trong một bài báo trên tờ The Globe and Mail. Trong giai đoạn này, kéo dài từ năm 1958 đến năm 1962, Chủ tịch Mao Trạch Đông muốn nhanh chóng đưa công nghiệp hóa đến Trung Quốc và buộc nông dân sản xuất thép thay vì trồng trọt, những người được coi là không tuân thủ phải đối mặt với việc bị tra tấn và thậm chí là tử vong. Đại nhảy vọt đã dẫn đến một nạn đói tàn khốc đã giết chết hàng chục triệu người.

Tuy nhiên, trong cuốn sách của họ, ông Trudeau và Hébert lại viết: “Chúng tôi tin rằng chúng tôi đang chứng kiến ​​sự khởi đầu của một cuộc cách mạng công nghiệp”.

Trong chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc với tư cách là thủ tướng năm 1973, nơi ông gặp Mao và Thủ tướng Chu Ân Lai, ông Trudeau đã ca ngợi sự cai trị của chế độ này khi nói rằng hệ thống này đã phát triển “so với tất cả các hệ thống xã hội Trung Quốc trước đây, hệ thống này đang cố gắng mang lại phẩm giá con người và sự bình đẳng về cơ hội cho những người dân Trung Quốc”.

Bình luận của ông Trudeau được đưa ra vào thời điểm Mao đang ở giữa cuộc Cách mạng Văn hóa thảm khốc và đẫm máu của mình, cuộc cách mạng đã dẫn đến những cái chết ước tính từ hàng trăm ngàn đến 20 triệu người, với hàng triệu người Trung Quốc bị tra tấn và làm nhục, tịch thu tài sản, và hủy diệt nền kinh tế và văn hóa truyền thống.

Dưới sự khăng khăng của Bắc Kinh, ông Trudeau đã từ chối cấp giấy phép cho phép Đài Loan tham gia Thế vận hội Olympic 1976 ở Montreal, mặc dù đội Đài Loan đã được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận. Việc từ chối nhập cảnh đối với một quốc gia đã được IOC công nhận là chưa từng có và gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Hoa Kỳ.

Sự ngưỡng mộ của ông Trudeau đối với ĐCSTQ có hàm ý lâu dài và được đặt ra trong nhiều thập kỷ chuyển động của các chính sách dàn hòa với Trung Quốc.

Năm 2013, khi con trai Justin Trudeau của ông, lúc đó là lãnh đạo Đảng Tự do đang tìm cách trở thành thủ tướng tiếp theo, đã được hỏi về quốc gia nào mà ông ngưỡng mộ nhất, ông nói: “Có một mức ngưỡng mộ mà tôi thực sự dành cho Trung Quốc. Chế độ độc tài cơ bản của họ thực sự cho phép họ xoay chuyển nền kinh tế của mình quanh nơi rất chật”.

Mối quan hệ với các doanh nghiệp

Đằng sau một số nỗ lực vận động hành lang năng nổ nhất cho mối quan hệ Canada-Trung Quốc được mạnh mẽ hơn là một số tập đoàn lớn có hoạt động kinh doanh rộng khắp ở Trung Quốc, nhiều công ty trong số đó có trụ sở tại Quebec.

Tập đoàn Power có trụ sở tại Montreal, một công ty dịch vụ tài chính trị giá hàng tỷ đô-la, đã được mô tả như “người giữ cửa hàng đầu của các mối quan hệ chính thức của [Canada] với Trung Quốc” bởi tác giả Jonathan Manthorpe trong cuốn sách năm 2019 của ông “Những tên hề của gấu trúc”.

Năm 1968, công ty này nằm dưới sự kiểm soát của Paul Desmarais Sr. và được điều hành bởi hai con trai của ông là Paul Jr. và André làm đồng CEO cho đến năm ngoái, khi họ tuyên bố từ chức vai trò CEO nhưng vẫn tiếp tục lần lượt làm chủ tịch và phó chủ tịch.

Một số người có ảnh hưởng nhất của Canada có liên quan đến tập đoàn Power, bao gồm cả bốn cựu thủ tướng.

Con gái của cựu thủ tướng Jean Chrétien đã kết hôn với André Desmarais. Chrétien, Pierre Trudeau, và cựu thủ tướng Brian Mulroney đều từng là thành viên ban cố vấn của Tập đoàn Power sau khi rời nhiệm sở. Cựu thủ tướng Paul Martin là chủ tịch của một trong những công ty con của tập đoàn này, Canada Steamship Lines, và sau đó đã mua nó với một đối tác trong những năm 1980.

André Desmarais, con trai của người sáng lập Tập đoàn Power là Paul Desmarais Sr., tham dự một sự kiện ở Sun Valley, Idaho, ngày 6/7/2016. (Drew Angerer / Getty Images)
André Desmarais, con trai của người sáng lập Tập đoàn Power là Paul Desmarais Sr., tham dự một sự kiện ở Sun Valley, Idaho, ngày 6/7/2016. (Drew Angerer / Getty Images)

Năm 2019, ông Chrétien cho biết Bộ trưởng Tư pháp Canada nên sử dụng thẩm quyền của mình để ngăn chặn sự dẫn độ giám đốc điều hành Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, người đã bị bắt tại Vancouver tháng 12/2018 theo yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ. Ông Mulroney khuyên rằng các ông Chrétien và André Desmarais nên được cử đến Trung Quốc thay mặt cho Canada để đàm phán về việc thả hai người Canada bị Bắc Kinh bắt giữ - một động thái nhằm trả thù cho vụ bắt giữ bà Mạnh.

Một số chính trị gia nổi tiếng khác của Canada, bao gồm các cựu bộ trưởng nội các, cũng đã làm việc cho Tập đoàn Power.

Một giám đốc điều hành có ảnh hưởng khác tại tập đoàn này là ông Maurice Strong, người sau này làm phó tổng thư ký của Liên Hợp Quốc. Ông Strong là cháu trai của phóng viên thân cộng nổi tiếng Anna Louise Strong. Theo loạt bài của The Epoch TimesMa quỷ đang thống trị thế giới của chúng ta”, thì Maurice Strong bị ảnh hưởng sâu sắc bởi người dì của mình và tự mô tả mình là “trên hình thái ý thức tôi là người theo chủ nghĩa xã hội, trên phương pháp lý luận tôi là nhà tư bản”.

Sau khi nghỉ hưu, Strong chuyển đến Bắc Kinh nơi ông sống đến cuối đời ở đó. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2010 với tờ Guardian, ông nói rằng ông vẫn duy trì một số hợp tác với Liên Hợp Quốc “đặc biệt là cho Trung Quốc và khu vực đó”.

Tập đoàn Power là một thành viên sáng lập của Hội đồng doanh nghiệp Canada-Trung Quốc (CCBC) được Paul Desmarais Sr. dẫn dắt.

Hội đồng Doanh nghiệp Canada-Trung Quốc

CCBC ủng hộ các mối quan hệ mạnh mẽ với Trung Quốc và trong hàng ngũ của nó có các cựu chính trị gia hoặc cá nhân đã tiếp tục trở thành chính trị gia.

Paul Desmarais Sr. là chủ tịch sáng lập của CCBC. Con trai André của ông là một chủ tịch danh dự của tổ chức này, và chủ tịch hiện tại là con trai của ông André, Olivier.

CCBC, trước đây được gọi là Hội đồng Thương mại Canada-Trung Quốc, được thành lập vào năm 1978 bởi 8 tập đoàn lớn của Canada và công ty quốc doanh Trung Quốc CITIC.

Một nửa số thành viên sáng lập thuộc Canada - cụ thể là Tập đoàn Power, BMO Financial Group, Bombardier và SNC-Lavalin - có trụ sở tại Montreal. Các thành viên sáng lập khác là Tập đoàn Barrick Gold, Export Development Canada, Manulife Financial và Sun Life Financial, nhóm sau có trụ sở tại Montreal cho đến năm 1978.

Cuốn sách “Những tên hề của gấu trúc” nói rằng các thành viên sáng lập CCBC đã “trở thành một tổ chức vận động hành lang đầy thuyết phục cho việc tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc, trong đó lợi ích thương mại được coi là mối quan tâm hàng đầu”.

Cộng đồng doanh nghiệp Canada-Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với một quan chức Trung Quốc đã từng hùng mạnh một thời, Bạc Hy Lai.

Cựu thành viên Bộ Chính trị bị cách chức Bạc Hy Lai tham dự phiên họp bế mạc của Ủy ban Quốc gia Hội nghị Tham vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 13/3/2012. (Lintao Zhang / Getty Images)
Cựu thành viên Bộ Chính trị bị cách chức Bạc Hy Lai tham dự phiên họp bế mạc của Ủy ban Quốc gia Hội nghị Tham vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh ngày 13/3/2012. (Lintao Zhang / Getty Images)

Bạc là một ngôi sao đang lên của ĐCSTQ cho đến khi ông này bị cách chức Bí thư thành phố Trùng Khánh sau vụ bê bối liên quan đến quan chức Trùng Khánh Vương Lập Quân. Ông Vương đã đưa ra các báo cáo sổ sách về sự liên quan của Bạc và vợ Bạc, Cốc Khai Lai, trong vụ sát hại một doanh nhân người Anh tại Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô.

Bạc là một phần tử của phe trung thành với cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân, một đối thủ của nhà lãnh đạo đương nhiệm Tập Cận Bình. Theo một số báo cáo sổ sách, Bạc và một số quan chức khác trong phe Giang đã âm mưu lật đổ Tập, ​​và đây là một trong những lý do chính khiến Bạc bị loại khỏi quyền lực.

Cả ông Bạc và vợ là bà Cốc đều tham gia và trục lợi rất nhiều từ vụ mổ cướp nội tạng các tù nhân lương tâm Pháp Luân Đại Pháp.

Theo tờ The Globe and Mail, ông Chrétien từng gọi ông Bạc là một “người bạn cũ”, và ông được gọi là “một trong những cây cầu quan trọng của chúng tôi” bởi ông Sergio Marchi, một cựu bộ trưởng thương mại tự do và là cựu chủ tịch của CCBC.

Mối quan hệ giữa Bạc và cộng đồng doanh nghiệp bắt nguồn từ mối quan hệ thân thiết mà ông ta có với gia đình Desmarais.

The Globe năm ngoái đã đưa tin rằng con trai của Bạc, Bạc Qua Qua, đang làm việc cho Tập đoàn Power. Nhưng mối quan hệ này đã có từ thời của Paul Desmarais Sr. và cha của Bạc Hy Lai. Theo The Globe, cha của Bạc, Bạc Nhất Ba, lúc đó là phó thủ tướng của ĐCSTQ, đã đến thăm Paul Desmarais Sr. vào những năm 1970 khi đang trên đường tới Washington để đặt nền móng cho chuyến đến thăm Trung Quốc của Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon.

Không lâu sau khi Bạc trở thành bộ trưởng thương mại Trung Quốc năm 2004, Tập đoàn Power là một trong những công ty nước ngoài đầu tiên nhận được chỉ định mua và bán cổ phiếu bằng đồng nhân dân tệ trên các sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc, The Globe lưu ý.

Mối quan hệ giữa CITIC và Tập đoàn Power

Tập đoàn CITIC, thành viên sáng lập CCBC duy nhất có trụ sở tại Trung Quốc, là một trong những thực thể Trung Quốc mà Tập đoàn Power có quan hệ sâu sắc. Tập đoàn này là một công ty đầu tư quốc doanh được thành lập để mang lại sự đầu tư của phương Tây cho Trung Quốc.

Hai người đàn ông trò chuyện bên cạnh các văn phòng của CITIC Pacific tại Hong Kong trong một bức ảnh. Tập đoàn Power đã mua một số cổ phần đáng kể trong CITIC Pacific, một công ty con của CITIC, năm 1997, và ông André Desmarais là thành viên hội đồng quản trị của công ty con này từ năm 1997 đến năm 2014. (Philippe Lopez / AFP via Getty Images)
Hai người đàn ông trò chuyện bên cạnh các văn phòng của CITIC Pacific tại Hong Kong trong một bức ảnh. Tập đoàn Power đã mua một số cổ phần đáng kể trong CITIC Pacific, một công ty con của CITIC, năm 1997, và ông André Desmarais là thành viên hội đồng quản trị của công ty con này từ năm 1997 đến năm 2014. (Philippe Lopez / AFP via Getty Images)

CITIC được thành lập với sự chấp thuận cá nhân của ông Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo của chế độ Trung Quốc sau cái chết của Mao. Người sáng lập của nó, Vịnh Nghị Nhân, sau này là phó chủ tịch của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, được biết đến như là “nhà tư bản đỏ”.

Ông André Desmarais là thành viên hội đồng quản trị của CITIC Pacific, một công ty con của CITIC từ năm 1997 đến năm 2014. Trong giai đoạn này, Tập đoàn Power đã mua cổ phần tại CITIC Pacific.

Tập đoàn Power cũng có quyền sở hữu 13,9% tại Công ty Quản lý Tài sản Trung Quốc, một chi nhánh của CITIC. Tập đoàn Tài chính Mackenzie, một công ty con gián tiếp của Tập đoàn Power, cũng có 13,9% cổ phần trong Công ty Quản lý Tài sản Trung Quốc.

“Có một cổ phần trực tiếp trong một nền kinh tế Trung Quốc rộng lớn như vậy, ông Desmarais chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ mối quan hệ ngày càng ấm lên của Canada với cộng sản ở Bắc Kinh”, một bài báo trên tờ Western Standard năm 2005 có tựa đề là “Những con rối của Bắc Kinh” đưa tin.

CITIC bao gồm rất nhiều các “thái tử” Đảng – con của các lãnh đạo Đảng - trong hàng ngũ lãnh đạo này có Vương Tuấn, con trai của một trong bát đại nguyên lão của ĐCSTQ, và Bạc Hy Thành, anh trai của Bạc Hy Lai và con trai của Bạc Nhất Ba, một trong những nhân vật chính trị cao cấp nhất của Đảng.

Theo tờ La Presse, Paul Desmarais Sr. và André lần đầu gặp Vịnh trong một chuyến công tác kinh doanh tới Trung Quốc theo lời mời của Thủ tướng Pierre Trudeau. Trước khi Tập đoàn Power mua cổ phần tại CITIC, mối quan hệ Desmarais-Vịnh đã dẫn đến một liên doanh khác năm 1986: đầu tư vào một nhà máy cưa lớn ở British Columbia.

‘Mở rộng mối quan hệ’

Cựu thủ tướng Mulroney, người đã cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp cho Tập đoàn Power trong những dịp khác nhau, cũng ngồi trong hội đồng quản trị của CITIC sau khi rời nhiệm sở. Theo một bài báo trên tờ Globe, Paul Desmarais Sr. là một trong hai cố vấn chính của ông Mulroney khi ông này còn trẻ. Tập đoàn Power thường xuyên sử dụng ông Mulroney như một luật sư lao động.

Theo cuốn sách “Engaging China” năm 2014, sau chuyến thăm chính thức tới Trung Quốc năm 1986 dưới cương vị thủ tướng, ông Mulroney đã viết “Vẫn còn nhiều việc phải làm để mở rộng mối quan hệ nhưng công việc bền bỉ của các thủ tướng Canada kế tiếp nhau, chủ yếu là ông Pierre Trudeau, rõ ràng đang mang lại kết quả".

Sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, khi phần lớn thế giới phương Tây xa lánh các mối quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, ông Mulroney nói với ông Chu Dung Cơ, phó thủ tướng Trung Quốc vào thời điểm đó rằng Canada “sẽ sẵn sàng gắn bó hoàn toàn với Trung Quốc trong những năm tới” nhưng phải thận trọng vì những lo ngại về nhân quyền của người Canada.

Ông Mulroney đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác giữa ông Desmarais và doanh nhân Peter Munk để đầu tư vào tiền gửi vàng tại Trung Quốc năm 1994, một năm sau khi kết thúc chức vụ thủ tướng. Trong một chuyến đi đến Trung Quốc, ông Munk đã rất ấn tượng rằng ông Mulroney có thể thu xếp một bữa ăn tối với ông Chu Dung Cơ, khi đó là người đứng đầu ngân hàng trung ương Trung Quốc, không có ông Chu thì họ không thể tham gia vào tiền gửi vàng của Trung Quốc được.

“Đây là một ví dụ điển hình về cách ông Brian [Mulroney] sử dụng các quan hệ và mối giao thiệp của mình và biến chúng thành cơ hội kinh doanh quốc tế cho các công ty mà ông ta đã tham gia”, ông Munk chia sẻ với tờ Globe.

‘Khuynh hướng thân Bắc Kinh’

Bài báo “Những con rối của Bắc Kinh” lưu ý rằng Ottawa đã đặt một “người có khuynh hướng thân Bắc Kinh rõ rệt” dưới thời thủ tướng Chrétien.

Ông Chrétien đã từng nói với mạng tin tức CGTN của nhà nước Trung Quốc rằng ông đã đến thăm Trung Quốc “rất nhiều, rất nhiều” lần khi ông còn là thủ tướng.

“Trong 10 năm làm thủ tướng, tôi đã gặp chủ tịch Trung Quốc 17 lần, vì vậy tôi rất thân với Trung Quốc”, ông Chrienien chia sẻ với CGTN. Nhà lãnh đạo Trung Quốc trong nhiệm kỳ của Chrétien là Giang Trạch Dân, người lên nắm quyền sau vụ thảm sát Thiên An Môn, vì người lãnh đạo trước đó, Triệu Tử Dương, được cho là quá thông cảm với phong trào phản kháng. Giang tiếp tục phát động một chiến dịch đàn áp tàn bạo đối với môn thiền định cổ xưa Pháp Luân Đại Pháp vào năm 1999.

Sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, ông Chrétien là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên đưa Trung Quốc ra khỏi sự cô lập, khởi động lại các mối quan hệ với Bắc Kinh sau khi phương Tây xa lánh chế độ này vì đã giết chết những người biểu tình không vũ trang.

Thủ tướng Canada Jean Chretien (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân tại một bữa tối của một doanh nhân người Canada gốc Hoa tại Toronto, Canada ngày 28/11/1997. (CARLO ALLEGRI / AFP qua Getty Images)
Thủ tướng Canada Jean Chretien (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân tại một bữa tối của một doanh nhân người Canada gốc Hoa tại Toronto, Canada ngày 28/11/1997. (CARLO ALLEGRI / AFP qua Getty Images)

Ông Chrétien đã thực hiện một chuyến thăm thương mại đến Trung Quốc năm 1994, mang theo các thủ tướng, quan chức đối ngoại và khoảng 400 giám đốc điều hành doanh nghiệp. Phái đoàn đã ký 9 tỷ USD giao dịch thương mại khi ở Trung Quốc.

Trước chuyến đi, ông Chrétien và các quan chức khác cho biết họ sẽ sử dụng chuyến thăm để thảo luận về vấn đề nhân quyền. Nhưng vấn đề đó đã được đặt sang một bên, một bài báo của Maclean lưu ý.

Bài báo lưu ý rằng lần gần đây nhất ông Chrétien đến để thảo luận về vấn đề này là trong một cuộc họp với thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng.

“Ông Chretien nêu vấn đề này ngắn gọn đến nỗi một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã khẳng định nó không hề xuất hiện chút nào, và Thủ tướng Nova Scotia John Savage tại cuộc họp vào lúc ban đầu cũng không hề nhắc lại bất kỳ đề cập nào về chủ đề này”, bài báo cho biết.

Trong nhiệm kỳ của ông Chrétien, Canada đã rút lại sự ủng hộ đối với nghị quyết của Liên Hợp Quốc kiểm duyệt Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền vào năm 1997. Thay vào đó, bất kỳ cuộc thảo luận nào về nhân quyền đều được dành cho các cuộc họp riêng tư, trong đó các đại diện Trung Quốc chỉ đơn giản gạt bỏ vấn đề này.

Năm 1997 cũng là một năm quan trọng để bước vào CITIC của Tập đoàn Power, vì đó là khi tập đoàn này mua lại cổ phần đáng kể trong công ty con CITIC Pacific của công ty này và ông André Desmarais trở thành thành viên hội đồng quản trị của công ty con.

Ông Chrétien cũng hỗ trợ kết nạp Trung Quốc vào Tổ chức Thương mại Thế giới, là công cụ làm phong phú thêm két tiền của chế độ này.

Ông Martin, người kế nhiệm ông Chrétien làm thủ tướng, đã duy trì chính sách về Trung Quốc của người tiền nhiệm. Trong chuyến công du năm 2005 của nhà lãnh đạo Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tới Canada, ông Martin và ông Hồ đã đồng ý xây dựng “mối quan hệ đối tác chiến lược” giữa hai quốc gia.

Một số các đơn đặt hàng lớn nhất cho doanh nghiệp đóng tàu của Martin trước khi ông trở thành thủ tướng là đến từ Trung Quốc. Theo một bài báo được đăng trên Walrus, năm 1995, công ty Canada Steamship Lines của ông đã đặt mua ba tàu tự bốc dỡ mới từ các nhà máy đóng tàu quốc doanh Trung Quốc Giang Nam.

Nối lại các mối quan hệ chặt chẽ

Khi ông Stephen Harper trở thành thủ tướng năm 2006, đã có một sự thay đổi đáng kể trong chính sách về Trung Quốc của Canada khi ông Harper lên tiếng nhiều hơn về các vụ vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh. Ông cũng từ chối tham dự Thế vận hội Bắc Kinh 2008 khiến ĐCSTQ rất tức giận.

Tuy nhiên, trong những năm cuối nhiệm kỳ của mình, chính phủ ông bắt đầu nới lỏng giọng điệu đối với Trung Quốc.

Manthorpe viết trong “Những tên hề của gấu trúc” rằng đằng sau giọng điệu xoa dịu này là “một hoạt động vận động hành lang lớn được các tác nhân của ĐCSTQ sử dụng nhằm gây ảnh hưởng đến kinh doanh và học thuật để khiến chính phủ của ông Harper thay đổi thái độ đối với Trung Quốc”.

Các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc đứng gác bên ngoài Đại sứ quán Canada tại Bắc Kinh ngày 10/12/2018. (Greg Baker / AFP / Getty Images)
Các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc đứng gác bên ngoài Đại sứ quán Canada tại Bắc Kinh ngày 10/12/2018. (Greg Baker / AFP / Getty Images)

Sau khi Đảng Tự do giành chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang năm 2015, đảng này gần như ngay lập tức bắt đầu chính sách tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc và tại một thời điểm thậm chí còn xem xét một hiệp ước dẫn độ với chế độ này. Chính phủ cũng đã chi tiền cho các sáng kiến ​​quan hệ công chúng để người Canada nồng nhiệt hơn trong mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc.

Ông Trudeau đã đến thăm Trung Quốc vào năm 2016 và 2017, theo đuổi các cuộc đàm phán sơ bộ về một hiệp định thương mại tự do, mặc dù có sự mất cân bằng 50 tỷ USD trong thương mại giữa hai nước nghiêng về Trung Quốc. Các cuộc đàm phán đã thất bại vào năm 2017 sau khi phía Trung Quốc không muốn tán thành yêu cầu của ông Trudeau muốn xem xét các giá trị tiến bộ trong thỏa thuận.

Cùng năm đó, Canada đã cam kết đầu tư hàng trăm triệu đô-la vào sáng kiến ​​xây dựng uy tín của Bắc Kinh, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á, nhằm cạnh tranh với các ngân hàng phát triển đa phương khác như Ngân hàng Thế giới.

Mặc dù có một điều khoản trong Thỏa thuận Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA) ngăn các nước thành viên hình thành các thỏa thuận thương mại tự do với các nền kinh tế “phi thị trường” – ám chỉ rõ ràng về Trung Quốc - năm 2018, ông Trudeau nói rằng Ottawa dự định theo đuổi các mối quan hệ thương mại sâu sắc hơn với chế độ cộng sản Trung Quốc.

Chính phủ của đảng Tự do đã bị chỉ trích bởi phe đối lập và các chính trị gia Hoa Kỳ vì đã cho phép các công ty Trung Quốc tiếp quản hai công ty công nghệ cao nhạy cảm về an ninh. Một công ty là Norsat, công ty truyền thông vệ tinh có trụ sở tại Vancouver, và một công ty khác là ITF Technologies, công ty công nghệ laser có trụ sở tại Montreal.

Năm 2016, sự tham dự của ông Trudeau tại các sự kiện có tiếp cận đến tiền đã trở thành nguồn tranh cãi sau khi được tiết lộ rằng một trong những vị khách là Trương Bân, một cố vấn cho chế độ Trung Quốc. Sự kiện được tổ chức tại biệt thự của Benson Wong, chủ tịch Phòng Thương mại Trung Quốc Toronto. Chi phí tham dự là 1.500 USD mỗi người. Ông Trương đã quyên góp 1 triệu USD cho Quỹ Pierre Elliott Trudeau và Khoa Luật của Đại học Montreal nơi ông Pierre Trudeau từng giảng dạy.

Cùng tham dự một trong những sự kiện này còn có Lưu Mạnh, chủ tịch Phòng Thương mại Quốc tế sông Dương Tử và là thành viên của ĐCSTQ, theo tờ Globe. Một người tham dự khác là Shenglin Xian, người sáng lập Wealth One Bank của Canada, lúc đó đang chờ các nhà quản lý liên bang phê duyệt để bắt đầu đưa ngân hàng của mình vào hoạt động tại Canada.

Chính phủ đảng Tự do vẫn chưa loại bỏ, bao gồm cả thiết bị của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei trong các mạng 5G của Canada, bất chấp những lo ngại về an ninh từ cộng đồng tình báo và Hoa Kỳ - những người đã cảnh báo rằng sẽ hạn chế chia sẻ thông tin tình báo với Canada nếu Canada vẫn cho phép Huawei tham gia vào mạng 5G ở quốc gia này.

Quebec và Trung Quốc

Một ghi chú trên trang web của chính phủ Quebec cho biết “Trung Quốc là một tiêu điểm chính trong mối quan hệ quốc tế của Quebec”.

Tỉnh này đã mở một văn phòng tại Bắc Kinh năm 1998 và một văn phòng khác ở Thượng Hải một năm sau đó. Tổng khối lượng thương mại giữa Quebec và Trung Quốc là gần 13,8 tỷ USD năm 2016 với việc nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 11 tỷ USD và xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ 3 tỷ USD.

Có 9 thỏa thuận hợp tác giữa Trung Quốc và Quebec trong nhiều lĩnh vực, ví như thương mại và giáo dục đại học. Tỉnh cũng tự hào rằng bên cạnh các mối quan hệ với chế độ Bắc Kinh, họ có quan hệ chặt chẽ với tỉnh Sơn Đông và thành phố trực thuộc trung ương Thượng Hải. Montreal và thành phố Quebec đều có 2 thành phố kết nghĩa ở Trung Quốc.

Các thủ hiến kế tiếp nhau của Quebec đã dẫn đầu nhiều phái đoàn đến Trung Quốc trong một nỗ lực làm sâu sắc thêm quan hệ kinh doanh.

Trong một chuyến công du Trung Quốc năm 2014, Philippe Couillard, lúc đó là thủ hiến đảng Tự do Quebec chia sẻ rằng ông sẽ không đưa ra vấn đề nhân quyền khi nói rằng “bạn phải lắng nghe quan điểm của nước chủ nhà về những vấn đề này”.

Sau đó, ông xác nhận rằng ông không bao giờ thảo luận về nhân quyền khi chia sẻ rằng ông đến Trung Quốc chỉ để thảo luận về “đầu tư và việc làm”.

Sau khi dẫn đầu một phái đoàn khác đến Trung Quốc năm 2018, trong thời gian đó, ông đã ký 40 thỏa thuận trị giá 262 triệu USD, ông Couillard nói rằng ông không muốn “phá hủy” mục đích của chuyến công du bằng “những lời bình luận sai lầm”. Ông nói những người khác không nên “ra lệnh cho Trung Quốc về cách họ quản nhau trong nội bộ”.

Cựu thủ hiến Quebec Jean Charest, người làm thủ hiến từ năm 2003 đến năm 2012, đã chỉ trích chính phủ của ông Harper năm 2014 vì không theo đuổi quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn với Trung Quốc.

Ông Charest, người đã đến thăm Trung Quốc nhiều lần trong nhiệm kỳ làm thủ hiến hiện đang cung cấp dịch vụ tư vấn cho Huawei để giúp công ty này trong trường hợp dẫn độ bà Mạnh và trong nỗ lực tham gia vào mạng lưới 5G của Canada.

Tác giả: Yao Liang và Tanya Du

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Thủy Tiên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Lăng kính thời dịch: Mối quan hệ giữa giới tinh hoa và quyền lực của Canada với chế độ Trung Quốc