Lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc sẽ tham dự diễn đàn kinh tế tại Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với việc căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang, vị thế công xưởng thế giới của Trung Quốc lung lay, Việt Nam nổi lên như một điểm đến của các doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc.

Các CEO của các tập đoàn lớn của Hàn Quốc sẽ tham dự một diễn đàn kinh tế tại Việt Nam trong tháng này. Sự kiện này diễn ra khi các nhà lãnh đạo của cả hai nước gần đây đã đồng ý mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại.

Các nhà phân tích cho rằng, Việt Nam đã trở thành cơ sở sản xuất tiềm năng cho các đại gia công nghệ Hàn Quốc trong khi Trung Quốc đang đánh mất vị thế “công xưởng của thế giới” giữa những căng thẳng với Mỹ.

Diễn đàn Kinh tế Hàn Quốc - Việt Nam sẽ được tổ chức tại Hà Nội và dự kiến sẽ thu hút các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc. Danh sách lãnh đạo bao gồm ông Lee Jae-yong, Chủ tịch Samsung Electronics; ông Chey Tae-won, chủ tịch SK Group; ông Chung Eui-sun, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Hyundai; ông Koo Kwang-mo, chủ tịch tập đoàn LG; và ông Shin Dong-bin, chủ tịch tập đoàn Lotte.

Một bài báo vào 03/06 của Dong-A Ilbo cho biết, Hàn Quốc và Việt Nam sẽ mở rộng hợp tác kinh tế song phương, và các công ty lớn của cả hai bên dự kiến sẽ ký một biên bản ghi nhớ và tổ chức các cuộc đàm phán liên quan đến thương mại.

Bài báo cho biết, mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc và quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu đã mở đường cho Việt Nam nhanh chóng nổi lên như một cơ sở sản xuất và mạng lưới phân phối của Samsung Electronics, Hyundai Motor, LG Electronics, Lotte Group và các công ty khác.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 04/06 với The Epoch Times, ông Wang He, một nhà bình luận về các vấn đề thời sự của Trung Quốc làm việc tại Mỹ, cho biết, Mỹ đã áp đặt một số hạn chế để chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, bao gồm cả việc áp đặt thuế quan ở mức cao.

Ông nói: “Tác động của chiến lược [của Mỹ] này [thuế quan cao đối với Trung Quốc] đã buộc các ngành công nghiệp Trung Quốc và các công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam, Ấn Độ và các nước khác để tránh thuế, khiến Việt Nam trở thành một lựa chọn thay thế quan trọng”.

Việt Nam như là giải pháp thay thế

Theo ông Wang, nhiều quốc gia đang xem xét chiến lược “Trung Quốc cộng một”, tránh chỉ đầu tư vào Trung Quốc và đa dạng hóa hoạt động kinh doanh tới các quốc gia khác như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan hay Ấn Độ. Chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sẽ là một động thái an toàn trong trường hợp quan hệ giữa hai bờ eo biển xấu đi hoặc Mỹ tăng cường trừng phạt đối với ĐCSTQ.

“Vì vậy, trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành một trong những bên hưởng lợi lớn nhất trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”, ông nói.

Lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc chuẩn bị tham dự diễn đàn kinh tế tại Việt Nam
Những người tham dự ghé thăm gian hàng ETech, nơi quảng cáo về chuỗi cung ứng nhà máy Việt Nam với mức thuế xuất khẩu bằng 0, trong Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) ở Las Vegas, Nevada, Mỹ, vào ngày 06/01/2023. (Ảnh: Robyn Beck/AFP qua Getty Images)

Ông Wang cho biết, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và nguồn lao động phong phú - dân số 100 triệu người - tạo điều kiện cho sự phát triển trong các ngành công nghiệp khác nhau, "đặc biệt là với việc Samsung đầu tư hàng chục tỷ USD vào Việt Nam".

Ông nói: “Các công ty Hàn Quốc coi Việt Nam là một cơ sở thiết yếu, với việc vị thế ‘công xưởng của thế giới’ của Trung Quốc đã bắt đầu suy yếu".

“Vị thế 'công xưởng của thế giới' của Trung Quốc đã bị lung lay khi nước này rơi vào tình thế khó xử", ông Wang nói, đồng thời lưu ý rằng các nước châu Âu đang rời xa các ngành công nghiệp của Trung Quốc và Mỹ đang đàn áp ngành công nghiệp chip của Trung Quốc, cản trở kế hoạch chuyển đổi và nâng cấp các ngành công nghiệp công nghệ cao của Bắc Kinh.

Điều duy nhất ĐCSTQ có thể dựa vào lúc này là “quy mô công nghiệp, sự hỗ trợ chuỗi công nghiệp, lực lượng lao động dồi dào và cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh”, nhưng bốn điểm mạnh đó tỏ ra không hiệu quả khi so với các nước thành viên ASEAN, Ấn Độ và các nước châu Á khác, theo ông Wang.

Do đó, nền kinh tế của Trung Quốc đang xấu đi và trên bờ vực của sự hỗn loạn lớn. “Việc duy trì sự ổn định cơ bản đã trở nên khá khó khăn, chưa nói đến tăng trưởng”, ông Wang nói.

Một mình Việt Nam là không đủ

Hồi tháng 3, một hãng tin Việt Nam cho biết, Việt Nam có tiềm năng và cơ hội trở thành “công xưởng mới của thế giới” trong bối cảnh tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông Wang tin rằng một mình Việt Nam không thể thay thế Trung Quốc về thương mại.

“Phương Tây đã đề xuất một khái niệm gọi là 'chuỗi cung ứng châu Á', tức là ngoài Việt Nam, toàn bộ ASEAN cùng với Nhật Bản và Ấn Độ, năng lực sản xuất, quy mô xuất khẩu sang Mỹ của họ có thể sánh ngang với năng lực xuất khẩu của Trung Quốc đại lục”.

Lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc sẽ tham dự diễn đàn kinh tế tại Việt Nam
Các đại biểu tham dự cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Nusa Dua trên đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia vào ngày 31/03/2023. (Ảnh: Sonny Tumbelaka/AFP qua Getty Images)

Chuỗi cung ứng châu Á thay thế

The Economist đã đưa tin vào ngày 20/02 rằng, hàng chục quốc gia và khu vực, bao gồm cả Đài Loan, đang hình thành một chuỗi cung ứng châu Á dự kiến sẽ dần thay thế Trung Quốc trở thành trung tâm của các hoạt động sản xuất toàn cầu trong những năm tới.

Đây là khái niệm về “Altasia” (chuỗi cung ứng châu Á thay thế), “trải dài theo hình lưỡi liềm từ Hokkaido, phía bắc Nhật Bản, qua Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và Bangladesh, đến tận Gujarat, ở tây bắc Ấn Độ”.

“Do đó, để Altasia thực sự có thể cạnh tranh với Trung Quốc, chuỗi cung ứng của nó sẽ cần phải trở nên tích hợp và hiệu quả hơn rất nhiều”, bài báo viết.

Trong một bài báo vào tháng 3, The Economist nói rằng sự hình thành của Altasia là kết quả của sự chia rẽ địa chính trị ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ.

Mặc dù “rất khó để sao chép năng lực sản xuất của Trung Quốc… nhiều công ty hiện đang ưu tiên tìm kiếm một giải pháp thay thế cho Trung Quốc. Họ có thể sẽ khám phá các cơ hội ở Altasia trong nhiều năm tới”, bài báo nói.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc sẽ tham dự diễn đàn kinh tế tại Việt Nam