Lệnh cấm và giới hạn giá dầu Nga có thể đẩy kinh tế thế giới lún sâu hơn vào khủng hoảng Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lệnh cấm dầu Nga của phương Tây và giới hạn giá đối với dầu Nga từ nhóm G7 có thể đem lại những tác động tiêu cực. Đặc biệt điều này diễn ra tại thời điểm nền kinh tế thế giới đang ở trong giai đoạn hết sức nhạy cảm, đi cùng với triển vọng ảm đạm, và vốn vẫn đang hứng chịu các tác động xấu từ cuộc chiến Ukraine hay trước đó là đại dịch.

Lệnh cấm và giới hạn giá đối với dầu của Nga

Trên tờ Washington Post, ông Julian Lee đưa tin rằng Mỹ, Vương quốc Anh và Canada “đã công bố lệnh cấm đối với dầu của Nga, trong khi Liên minh châu Âu có kế hoạch cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển vào tháng 12 và nhiên liệu tinh chế vào đầu năm 2023”.

Ông Lee cũng lưu ý rằng “Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển nhất đã đồng ý… thực hiện giới hạn giá đối với các giao dịch mua dầu của Nga trên toàn cầu”. Giới hạn giá có thể khiến Nga gặp khó khăn trong việc tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.

Các bộ trưởng tài chính G7 cho biết: “Giới hạn giá được thiết kế đặc biệt để giảm doanh thu của Nga và khả năng của Nga trong việc tài trợ cho cuộc chiến tranh xâm lược đồng thời hạn chế tác động của cuộc chiến của Nga đối với giá năng lượng toàn cầu, đặc biệt đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình”.

Tuy nhiên, Nga kể từ đó đã đáp trả bằng cách đe dọa cắt nguồn cung dầu cho các quốc gia áp đặt giới hạn giá.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: “Các công ty áp đặt giới hạn giá sẽ không nằm trong số những bên nhận được dầu từ Nga".

Lệnh cấm và giới hạn giá dầu Nga có thể đẩy kinh tế thế giới lún sâu hơn vào khủng hoảng Ukraine
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chờ xem lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng tại Quảng trường Đỏ ở trung tâm Moscow vào ngày 09/05/2022. Nga đã kỷ niệm 77 năm chiến thắng Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai vào ngày này. (Ảnh: KIRILL KUDRYAVTSEV / AFP qua Getty Images)

Giới hạn giá trần nhằm mục đích kiểm soát chi phí tăng theo chiều xoắn ốc của giá năng lượng, do đó làm giảm áp lực lạm phát vốn đang là vấn đề đáng lo ngại. Nhưng có thể dự đoán rằng quyết định giới hạn giá trần của G7 đối với dầu của Nga sẽ khiến các biện pháp phản ứng mang tính nhân đạo đối với cuộc khủng hoảng do chiến tranh gây ra trở nên khó khăn hơn, đặc biệt nếu cộng đồng quốc tế không cân nhắc kỹ lưỡng những tác động bất lợi của việc giới hạn giá dầu đối với các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quyết định này.

Trong bối cảnh này, có thể dự đoán rằng năng lượng sẽ trở thành một sản phẩm xa xỉ nếu Nga tạm ngừng hoặc ngừng cung cấp dầu.

Năm 2021, tỷ trọng xuất khẩu nhiên liệu khoáng (như dầu, than đã, khí đốt) của Nga đạt 8,3% tổng khối lượng toàn thế giới, khiến Nga trở thành một trong những nhà xuất khẩu dầu và khí đốt nổi bật nhất trên thế giới. Nga cũng là nhà cung cấp kim loại quan trọng, bao gồm đồng, niken, palađi và nhôm.

Nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại

Phản ứng của Nga đối với giới hạn giá của châu Âu có thể sẽ tiếp tục làm chậm lại nền kinh tế thế giới, vốn đang nỗ lực một cách tuyệt vọng để tránh một cuộc suy thoái trong 12 tháng tới.

Lệnh cấm và giới hạn giá dầu Nga có thể đẩy kinh tế thế giới lún sâu hơn vào khủng hoảng Ukraine
Một nhà hoạt động của mạng lưới vận động toàn cầu độc lập Greenpeace cầm biểu ngữ 'Vì hòa bình, không vì dầu mỏ' trước tòa nhà quốc hội ở Budapest, Hungary vào ngày 30/05/2022, để yêu cầu chính phủ Hungary không phản đối các lệnh trừng phạt của EU đối với dầu mỏ của Nga. (Ảnh: ATTILA KISBENEDEK / AFP qua Getty Images)

Trong báo cáo tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng GDP vào năm 2022 cho năm 2023, mô tả một cách đáng ngại triển vọng kinh tế thế giới là “u ám và bất ổn hơn”.

IMF cụ thể đã dự đoán tốc độ tăng trưởng chậm lại “từ 6,1% vào năm ngoái [năm 2021] xuống 3,2% cho năm 2022, thấp hơn 0,4% [con số dự đoán lúc trước là 3,6%] so với Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 4 năm 2022”.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng các đợt phong tỏa và khủng hoảng bất động sản ngày càng trầm trọng của Trung Quốc đã khiến tăng trưởng bị điều chỉnh giảm 1,1%.

Tác động của cuộc chiến ở Ukraine cũng trở nên trầm trọng hơn do sự dễ bị tổn thương của hầu hết các quốc gia trước những rủi ro có từ trước chiến tranh, bao gồm các biến thể COVID-19 mới kháng vaccine và rất dễ lây lan. Đầu năm 2022, các nước trên thế giới đã thận trọng thực hiện các chính sách nhằm tiến hành phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhưng quá trình này đã bị gián đoạn một cách thô bạo do cuộc chiến ở Ukraine.

Ví dụ: Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, bình luận về tác động thảm khốc của cuộc chiến ở Ukraine đối với nền kinh tế thế giới, đã báo cáo rằng Trung Đông “phụ thuộc nhiều vào lúa mì, ngô và dầu hướng dương của Nga và Ukraine. Ai Cập, quốc gia lớn nhất trong khu vực, nhập khẩu 80% lúa mì của mình. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết lạm phát trong khu vực đang ở mức gần 15%”.

Có một mối đe dọa thực sự về việc gia tăng nghèo đói cùng với nạn đói trên khắp thế giới đang phát triển vì khả năng cực kỳ dễ bị tổn thương của kinh tế Ukraine nếu chiến tranh leo thang. Kịch bản này có thể gây ra những đau khổ kinh tế và xã hội sâu sắc cho các thế hệ tương lai, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Kinh tế thế giới sẽ không thể khởi sắc trong một thời gian

Cuộc chiến ở Ukraine đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và vận chuyển nông sản. Những khó khăn này, cộng thêm giá năng lượng tăng cao hơn, “cũng như sự mất cân bằng cung cầu kéo dài”, có thể làm giảm nguồn tài trợ của Ukraine, từ các nguồn công và tư, cho các dự án phát triển quốc gia.

Nga và Ukraine từng là nhà xuất khẩu lúa mì chính và hai quốc gia này đã cung cấp 14,7% sản lượng lúa mì của thế giới vào năm 2021.

Lệnh cấm và giới hạn giá dầu Nga có thể đẩy kinh tế thế giới lún sâu hơn vào khủng hoảng Ukraine
Một con cò bay trên cánh đồng lúa mì khi một máy gặt liên hợp của công ty nông nghiệp TVK Seed thu hoạch lúa mì ở địa điểm cách không xa Myronivka, Ukraine, vào ngày 29/07/2022. (Ảnh: Alexey Furman / Getty Images)

Một báo cáo chính yếu của Ngân hàng Thế giới đã tóm tắt khá đầy đủ về tình hình bấp bênh hiện nay:

“Sau hơn hai năm đại dịch, tác động lan tỏa từ cuộc xâm lược Ukraine của Liên bang Nga sẽ đẩy nhanh mạnh mẽ tốc độ giảm tốc của hoạt động kinh tế toàn cầu, hiện dự kiến ​​sẽ chậm lại còn 2,9% vào năm 2022. Cuộc chiến ở Ukraine đang dẫn đến giá cả hàng hóa tăng cao, làm tăng gián đoạn nguồn cung, gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực và đói nghèo, làm trầm trọng thêm lạm phát, góp phần vào các điều kiện tài chính thắt chặt hơn, làm tăng tính dễ bị tổn thương về tài chính, và làm gia tăng sự không chắc chắn về chính sách”.

Việc Nga xâm lược Ukraine chắc chắn đã làm trầm trọng thêm triển vọng kinh tế toàn cầu. Đây chủ yếu là hệ quả của việc giá năng lượng cao hơn và áp lực tiếp tục đè lên giá hàng hóa. Do đó, các nền kinh tế quốc gia có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi những sự bất thường về cung cấp hàng hóa và năng lượng.

Vì triển vọng kinh tế xấu đi sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, nên không thể mong đợi một nền kinh tế khởi sắc trong một thời gian.

Triển vọng kinh tế ảm đạm này đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và phát triển toàn cầu.

Mặc dù hợp tác quốc tế mạnh mẽ và ổn định do vậy là cần thiết để đối phó hiệu quả với những thách thức này, nhưng việc liệu các lệnh cấm đối với dầu của Nga và quyết định của G7 thực hiện giới hạn giá đối với các giao dịch mua dầu quốc tế của Nga có được thiết kế tốt nhất để đạt được mục đích nới lỏng các điều kiện khó khăn của kinh tế thế giới hiện nay hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Kashan Pirzada & Gabriël Moens - The Epoch Times

Tác giả Kashan Pirzada là phó giáo sư kế toán tại Trường Kế toán Tunku Puteri Intan Safinaz (TISSA). Ông từng là thành viên cấp của Viện Nghiên cứu Châu Á về Quản trị Doanh nghiệp (ARICG) và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Malaya. Ông là người nhận được giải thưởng dịch vụ xuất sắc của Đại học Utara Malaysia vào năm 2020.

Tác giả Gabriël A. Moens là giáo sư luật danh dự tại Đại học Queensland, và từng là phó cho phó hiệu trưởng và trưởng khoa tại Đại học Murdoch. Năm 2003, ông Moens được thủ tướng trao tặng Huân chương Thế kỷ Úc cho những hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Ông đã giảng dạy rộng rãi trên khắp Úc, châu Á, châu Âu, và Mỹ. Ông Moens gần đây đã xuất bản hai cuốn tiểu thuyết “A Twisted Choice” (“Sự Lựa Chọn Kì dị”) và “The Coincidence” (“Sự Trùng Hợp Ngẫu Nhiên”).



BÀI CHỌN LỌC

Lệnh cấm và giới hạn giá dầu Nga có thể đẩy kinh tế thế giới lún sâu hơn vào khủng hoảng Ukraine