Liên kết đầy rủi ro trên thị trường phái sinh: Các siêu ngân hàng phố Wall gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo Văn phòng Nghiên cứu Tài chính của Mỹ (OFR), các mối liên kết trên thị trường phái sinh giữa các ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng đang tạo ra rủi ro khổng lồ cho thị trường tài chính Mỹ. Các mối liên kết phái sinh phức tạp trong quá khứ chính là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giờ đây, các mối liên kết này còn trở nên phức tạp hơn nhiều...

OFR là cơ quan liên bang được thành lập theo luật cải cách tài chính Dodd-Frank năm 2010. Vai trò chính của tổ chức này là đưa ra cảnh báo sớm cho công chúng và cơ quan quản lý ngân hàng Mỹ về những rủi ro hệ thống đe dọa sự ổn định tài chính của Mỹ. Mục đích là nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng khác tại phố Wall tương tự như năm 2008 mà có thể tàn phá nền kinh tế Mỹ một lần nữa.

Liên kết phức tạp và đầy rủi ro trên thị trường phái sinh OTC

Hãy xem xét báo cáo nghiên cứu được OFR phát hành vào ngày 12/07/2021. Báo cáo có tiêu đề: “Lựa chọn đối tác, Tính liên kết của các ngân hàng và Rủi ro hệ thống”. Các nhà nghiên cứu, Andrew Ellul và Dasol Kim, đã nghiên cứu 18 thị trường OTC phái sinh khác nhau và đưa ra một số lưu ý sau:

“Tính liên kết giữa các ngân hàng thông qua các thị trường phái sinh OTC được xác định là một yếu tố quan trọng góp phần làm trầm trọng thêm cuộc Đại khủng hoảng tài chính… và vẫn là yếu tố dễ tổn thương của các ngân hàng quan trọng trong hệ thống. Trong khi đó, chúng ta có rất ít hiểu biết về nó. Giao dịch phái sinh OTC hiển nhiên tập trung ở các ngân hàng lớn nhất, cũng là những ngân hàng mà chúng ta có dữ liệu liên quan. Các ngân hàng phải đối mặt với rủi ro đối tác lớn. Trong nghiên cứu của chúng tôi, rủi ro đối tác cần lưu ý nhất là những rủi ro mà các ngân hàng phải đối mặt khi giao dịch với các tổ chức phi ngân hàng".

Chính xác thì những “tổ chức phi ngân hàng” này là ai? Theo nhóm nghiên cứu, các ngân hàng đang ngày càng đẩy mạnh giao dịch phái sinh với các tập đoàn phi tài chính. Danh tính các tập đoàn này cũng như các ngành công nghiệp mà các tập đoàn này hoạt động không được cho biết.

Hãy nhớ rằng, các ngân hàng khổng lồ được chính quyền liên bang đảm bảo ở Mỹ, thông qua hàng nghìn tỷ USD tiền cược phái sinh, đã tự liên kết với các ngân hàng đầu tư nước ngoài đang gặp rắc rối và một đơn vị ‘láu cá’ thuộc công ty bảo hiểm khổng lồ AIG; qua đó dẫn đến sự sụp đổ của chính họ cùng với sự đổ vỡ của nền kinh tế Mỹ vào năm 2008. Các mối liên kết đó vẫn kéo dài tới 14 năm sau và các nhà quản lý Mỹ đang có những “hiểu biết hạn chế” về mức độ nguy hiểm của chuỗi liên kết rủi ro này.

Nhóm nghiên cứu tóm tắt những phát hiện của họ như sau:

“Chúng tôi đã chỉ ra rằng, các ngân hàng có nhiều khả năng đã thiết lập hoặc duy trì mối quan hệ, đồng thời tăng số tiền chịu rủi ro (exposures) của họ trong mối quan hệ hiện có, với các đối tác phi ngân hàng vốn đã liên kết chặt chẽ với các ngân hàng khác. Các ngân hàng trong các mạng lưới kết nối dày đặc như vậy có nhiều khả năng sẽ kết nối với các đối tác rủi ro hơn với các khoản tiền chịu rủi ro khổng lồ. Trong đó, các trường hợp làm việc với các đối tác tài chính phi ngân hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Những phát hiện này cho thấy nguy cơ vi phạm đạo đức khi lựa chọn đối tác (vì các ngân hàng phố Wall luôn có nhiều thông tin hơn khi giao dịch, tạo ra lợi thế cho các ngân hàng này). Cuối cùng, chúng tôi chứng minh rằng, những khoản tiền chịu rủi ro này có liên quan chặt chẽ đến rủi ro hệ thống. Một cách tổng thể, kết quả của nghiên cứu cho thấy bức tranh về quá trình hình thành mạng lưới - mạng lưới này khuếch đại sự phát tán rủi ro thông qua các liên kết phi ngân hàng trong các thị trường tài chính không rõ ràng”.

“Các đối tác rủi ro”, các ngân hàng “liên kết chặt chẽ”, “các thị trường tài chính không rõ ràng” – đây là những yếu tố đã phá hủy các tổ chức tài chính có bề dày hàng thế kỷ vào năm 2008, tiêu tốn hàng trăm tỷ USD cứu trợ từ chính phủ Mỹ và nhận được nhiều khoản vay bí mật trị giá hàng nghìn tỷ USD từ Fed.

Vấn đề lớn của nghiên cứu của OFR là tên các ngân hàng và các đối tác rủi ro trong các giao dịch phái sinh không được đề cập đến dù chỉ một lần trong toàn bộ báo cáo. Những cái tên ngân hàng duy nhất đã xuất hiện ở Figure 7 - một tài liệu từ Ủy ban Điều tra Khủng hoảng Tài chính cho thấy Goldman Sachs đã trở thành một quả bom hẹn giờ vào năm 2008 bởi các giao dịch với các đối tác phái sinh đáng ngờ của nó.

May mắn là, không quá khó để nhanh chóng tìm ra những ngân hàng lớn ở phố Wall có các mối liên kết nguy hiểm - hoặc là với nhau, hoặc là với các đối tác có rủi ro tương đương. Mất chưa đầy một phút để có được biểu đồ dưới đây, thể hiện cổ phiếu của các ngân hàng lớn ở phố Wall là JPMorgan Chase và Citigroup đã được giao dịch tương đối tương đồng trong 5 phiên giao dịch gần đây (tính đến ngày 08/02/2022).

Các siêu ngân hàng phố Wall có nhiều liên kết đầy rủi ro trên thị trường phái sinh và gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính Mỹ, các mối liên kết phức tạp trên thị trường phái sinh giữa các ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng đang tạo ra rủi ro khổng lồ cho thị trường tài chính Mỹ, Citigroup, JPMorgan, Morgan Stanley, Bank of America, Goldman Sachs
Biểu đồ 1: Giao dịch cổ phiếu của Citigroup (đường màu đen) và JPMorgan Chase (đường màu da cam) trong 5 ngày tính đến ngày 08/02/2022. (Công cụ vẽ biểu đồ: bigcharts.marketwatch.com)

Kế đó, ta có biểu đồ liệt kê tên 6 bên đi vay lớn nhất phố Wall dưới hình thức vay repo khẩn cấp của Fed (vay qua đêm với tài sản đảm bảo phổ biến là trái phiếu kho bạc) - biện pháp được thiết lập đột ngột vào ngày 17/09/2019 để đối phó với một cuộc khủng hoảng tài chính mà Fed chưa thể lý giải một cách hợp lý. Cần lưu ý rằng không có một phương tiện truyền thông dòng chính nào công bố tên của các ngân hàng này, dù chính Fed đã công bố tên của các ngân hàng và số tiền vay vào ngày 30/12/2021.

Các siêu ngân hàng phố Wall có nhiều liên kết đầy rủi ro trên thị trường phái sinh và gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính Mỹ, các mối liên kết phức tạp trên thị trường phái sinh giữa các ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng đang tạo ra rủi ro khổng lồ cho thị trường tài chính Mỹ, Citigroup, JPMorgan, Morgan Stanley, Bank of America, Goldman Sachs
Biểu đồ 2: Sáu bên vay repo lớn nhất của Fed, từ 01/10/2019 đến 31/12/2019: Điều chỉnh theo điều kiện khoản vay. (Nguồn: Dữ liệu giao dịch được công bố bởi Fed New York)

Ngoài ra có một dữ liệu đáng chú ý từ Văn phòng kiểm soát tiền tệ của Mỹ (OCC) rằng JPMorgan Chase, Goldman Sachs, Citigroup, Bank of America và Morgan Stanley kiểm soát tới 80% công cụ phái sinh tại tất cả công ty chủ quản ngân hàng (công ty nắm quyền kiểm soát ngân hàng) tại Mỹ.

Hoạt động phái sinh của các siêu ngân hàng đe dọa tới ổn định tài chính Mỹ

OFR không phải lúc nào cũng hạn chế việc nêu tên. Trong một báo cáo toàn diện vào tháng 02/2015, các nhà nghiên cứu của OFR đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo rất rõ ràng rằng 5 siêu ngân hàng ở Mỹ chính là mối đe dọa lớn tới ổn định tài chính Mỹ. JPMorgan Chase đạt điểm cao nhất đối với rủi ro hệ thống; Citigroup đứng thứ hai. Điểm rủi ro hệ thống được tính dựa trên quy mô, tính liên kết, khả năng thay thế, độ phức tạp và các hoạt động liên pháp lý (cross-jurisdictional activities). Ba ngân hàng khác có điểm số cao là Bank of America, Goldman Sachs và Morgan Stanley.

Các nhà nghiên cứu của OFR gồm Meraj Allahrakha, Paul Glasserman và H. Peyton Young đánh giá: “Ngân hàng càng lớn thì có khả năng lan tỏa càng lớn khi đổ vỡ; đòn bẩy của nó càng cao, nó càng dễ bị vỡ nợ khi chịu áp lực; và chỉ số kết nối của nó càng lớn thì ảnh hưởng của vụ vỡ nợ lên hệ thống ngân hàng càng lớn. Tích của ba yếu tố này cung cấp một thước đo tổng thể về rủi ro lan tỏa mà ngân hàng tạo ra đối với hệ thống tài chính. Năm trong số các ngân hàng của Mỹ có giá trị chỉ số lan tỏa đặc biệt cao bao gồm: Citigroup, JPMorgan, Morgan Stanley, Bank of America và Goldman Sachs".

Các siêu ngân hàng phố Wall có nhiều liên kết đầy rủi ro trên thị trường phái sinh và gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính Mỹ, các mối liên kết phức tạp trên thị trường phái sinh giữa các ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng đang tạo ra rủi ro khổng lồ cho thị trường tài chính Mỹ, Citigroup, JPMorgan, Morgan Stanley, Bank of America, Goldman Sachs
Biểu đồ 3: Các siêu ngân hàng phố Wall có tính liên kết cao: C= Citigroup; MS=Morgan Stanley; JPM=JPMorgan Chase; GS=Goldman Sachs; BAC=Bank of America; WFC=Wells Fargo. “OFR Financial Connectivity Index”: Chỉ số liên kết tài chính của OFR. "Leverage (Total assets/Tier 1 capital)": Đòn bẩy (Tổng tài sản/ Vốn cấp 1). “Note: Bubble size shows total exposures”: Ghi chú: Kích thước bong bóng thể hiện tổng số tiền chịu rủi ro [của các ngân hàng]. “Sources: Federal Reserve BHC Performance Reports, OFR analysis”: Nguồn: Báo cáo hoạt động BHC của Cục dự trữ Liên Bang Mỹ, phân tích của OFR.

Các nhà nghiên cứu OFR cũng chỉ ra một cách thẳng thắn rằng Citigroup và JPMorgan Chase có lượng lớn các tài sản nước ngoài và các khoản nợ hệ thống liên tài chính (intrafinancial system liabilities). Họ viết:

“Một ngân hàng có tài sản nước ngoài lớn và nợ hệ thống liên tài chính lớn là một mối đe dọa lan tỏa tiềm tàng. Nếu một sự sụt giảm lớn về giá trị của các tài sản nước ngoài khiến một tổ chức như vậy sụp đổ, thì các thiệt hại sẽ lan tỏa tới phần còn lại của hệ thống tài chính Mỹ. Năm ngân hàng có tài sản nước ngoài lớn (trên 300 tỷ USD) và Citigroup cùng JPMorgan có một lượng lớn tài sản nước ngoài và nợ hệ thống liên tài chính… Các ngân hàng lớn nhất có tính liên kết nhiều nhất và họ tham gia nhiều nhất vào các hoạt động liên pháp lý ".

Fed không thích hợp để kiểm soát các siêu ngân hàng?

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chuyển giao quyền giám sát các ngân hàng JPMorgan Chase, Citigroup, Goldman Sachs và Morgan Stanley cho Ngân hàng Dự trữ Liên bang chi nhánh New York (Fed New York). Thật không may, Fed New York, theo nghĩa đen, thuộc sở hữu của các ngân hàng lớn này. Các ngân hàng lớn này, cùng với ngân hàng New York Mellon, là cổ đông chính của Fed New York. Các ngân hàng này bầu ra 2/3 thành viên Hội đồng quản trị của Fed New York.

Cả 4 ngân hàng kể trên đều đóng vai trò lớn trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cùng với Bank of America, họ kiểm soát phần lớn các công cụ phái sinh.

Ngoài ra, Bank of America là cổ đông của Fed chi nhánh Richmond.

Theo như nghiên cứu về các liên kết trên thị trường phái sinh của OFR, có thể thấy rằng các nhà quản lý Mỹ chưa có biện pháp để ngăn chặn các ngân hàng Mỹ đổ vỡ khi tiến hành các giao dịch phái sinh. Sự khác biệt duy nhất giữa tình hình hiện nay và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nằm ở đối tác của những giao dịch phái sinh. Trong cuộc khủng hoảng năm 2008, các siêu ngân hàng tại Mỹ chủ yếu giao dịch với nhau và với các ngân hàng ở nước ngoài. Giờ đây, các siêu ngân hàng hướng tới việc hợp tác với các tập đoàn phi tài chính.

Rõ ràng, Fed tỏ ra là cơ quan kém thích hợp trong việc quản lý các siêu ngân hàng. Quốc hội Mỹ phải hành động khẩn cấp để tước bỏ hoàn toàn quyền theo dõi và giám sát của Fed đối với các ngân hàng này. Quốc hội cũng cần loại bỏ khả năng cứu trợ của Fed đối với các ngân hàng mỗi khi các hoạt động phái sinh của chúng đổ vỡ.

Bài viết có sử dụng lập luận và số liệu thu thập được của hai cây viết Pam Martens và Russ Martens đăng trên wallstreetonparade. Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Liên kết đầy rủi ro trên thị trường phái sinh: Các siêu ngân hàng phố Wall gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính