Liên minh Iran - Trung Quốc có ‘chống đỡ’ nổi lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà lãnh đạo Iran đang thực hiện một kế hoạch "toàn diện" 25 năm để trở thành "đối tác chiến lược quan trọng" với Trung Quốc, trong bối cảnh Tehran đang chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Phía trên lối vào Bộ ngoại giao của Iran ở trung tâm thành phố Tehran là một câu phương châm được khắc trên nền gạch màu xanh lam, thể hiện tư tưởng của nước này kể từ cuộc cách mạng năm 1979: “Không phải Đông, cũng không phải Tây, chỉ có nước Cộng hòa Hồi giáo”.

Đối với các lực lượng bảo thủ của Iran - những người thù địch với phương Tây, thì Trung Quốc và Nga là các đối tác cho mối quan hệ kinh doanh bền chặt.

"Hai nền văn hóa châu Á cổ đại, hai đối tác trong các lĩnh vực thương mại, kinh tế, chính trị, văn hóa và an ninh với góc nhìn tương đồng, cùng chung nhiều lợi ích song phương và đa phương sẽ coi nhau là đối tác chiến lược", phần mở đầu bản dự thảo thỏa thuận Iran - Trung Quốc gồm 18 trang do The New York Times thu thập được.

Một đề xuất về việc liên kết với Bắc Kinh, được nội các Iran thông qua vào tháng 6/2020 đã phản ánh nỗ lực của nước này trong việc đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ và những nỗ lực hạn chế của châu Âu, các nhà phân tích cho biết.

'Chế độ độc tài hủ bại' Tehran không đơn độc, khi có… Bắc Kinh

Vào năm 2018, trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc để đe dọa áp đặt thêm chế tài nữa đối với Tehran, Tổng thống Trump đã không ngần ngại đả kích Iran là "chế độ độc tài hủ bại" đang cướp bóc người dân của mình để chi trả cho hành vi gây hấn của họ ở nước ngoài.

Từ đó, thái độ thù ghét của Tehran đối với Washington càng sâu sắc hơn. Thông điệp chính trị của Iran tới các quốc gia phương Tây là: Iran không đơn độc.

"Bắt tay" được với Bắc Kinh, Tehran như hét lên rằng: “Xin chào! Con gái tôi đã có một người có thế lực cầu hôn và nó sắp lấy chồng".

"Nếu điều này khiến người phương Tây, cụ thể là người châu Âu, thay đổi cách tiếp cận của họ, thì chúng tôi có thể có cách tìm ra giải pháp. Nếu không, Iran sẽ tiếp tục chơi trận này với Trung Quốc vì chúng tôi không còn lựa chọn nào khác”.

"Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã củng cố chỗ đứng của mình ở Iran mà không cố gắng can thiệp vào sự ổn định chính trị, an ninh và độc lập của chính quyền này", Saeed Laylaz, một nhà phân tích theo chủ nghĩa cải cách cho biết.

Theo Financial Times, Iran hài lòng trong việc đi đến thỏa thuận với Trung Quốc. Tài liệu dài 18 trang này đề xuất rất nhiều lĩnh vực hợp tác tiềm năng, bao gồm năng lượng, hóa dầu, công nghệ, giao thông, ngân hàng, an ninh mạng và quân sự cũng như các dự án hàng hải.

Truyền thông Iran đưa tin về việc quân đội Trung Quốc đã được gửi đến Iran, theo đó là một hòn đảo của Iran được trao cho Bắc Kinh, và cho rằng quan hệ chặt chẽ này có thể gây ảnh hưởng đến độc lập của Iran, nhưng không có chi tiết cụ thể nào được đưa ra.

Dự thảo còn cho thấy khả năng hợp tác giữa Tehran và Bắc Kinh về phát triển vũ khí, chia sẻ tình báo và tập trận quân sự chung, có khả năng thúc đẩy mức đầu tư của Trung Quốc tại Iran lên 400 tỷ USD. Tuy nhiên, thoả thuận vẫn chưa được quốc hội Iran "bật đèn xanh" hoặc công khai. Bắc Kinh từ chối bình luận về bản dự thảo.

Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của Iran vì lệnh trừng phạt nghiêm khắc của Hoa Kỳ đã làm tê liệt nền kinh tế này, cũng như ngăn cản tất cả các công ty (trừ các công ty nhỏ hơn) giao dịch với Iran. Các công ty Trung Quốc và châu Âu đều rời Iran sau các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Thương mại Iran-Trung Quốc là 20,7 tỷ USD trong năm ngoái, theo cơ quan hải quan của Iran, chiếm gần 1/4 tổng kim ngạch của Iran. Con số này không bao gồm hàng hóa Trung Quốc được tái nhập khẩu từ các nước như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Lãnh đạo tối cao Ayatollah Khameini của Iran nhắc lại lời thề "trả thù Mỹ thích đáng" vì vụ hạ sát tướng Qasem Soleimani, tư lệnh Lực lượng Quds, tại Iraq hồi tháng 1/2020. (Ảnh: getty images)

Việc mở rộng hoạt động kinh doanh này giúp Tehran hướng đến mục tiêu đạt được các dự án trị giá hàng tỷ USD, với kỳ vọng sẽ vượt qua những gì có được trong mối quan hệ với Hoa Kỳ; trong bối cảnh lãnh đạo tối cao Ayatollah Khameini của Iran nhắc lại lời thề "trả thù Mỹ thích đáng" vì vụ hạ sát tướng Qasem Soleimani, tư lệnh Lực lượng Quds, tại Iraq hồi tháng 1/2020.

Bắc Kinh là ‘người bạn thân thiết’ hay đơn giản chỉ là ‘kẻ cơ hội’?

“Thỏa thuận này là một quyết định chính trị đối với Iran nhưng nó là một quyết định kinh doanh đối với Trung Quốc, điều đó có nghĩa là Trung Quốc không thể làm bất cứ điều gì thật sự cho Iran khi các lệnh trừng phạt được áp dụng”, Pedram Soltani, một doanh nhân có giao dịch với Trung Quốc cho biết.

“Các tổ chức tài chính và ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc và các công ty lớn sẽ không mạo hiểm lợi ích của họ trên thị trường Mỹ khi đầu tư vào Iran”, ông Soltani nói thêm.

Tháng 7/2020, Zhao Lijian, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Trung Quốc và Iran có “tình hữu nghị truyền thống” và đã “trao đổi phát triển quan hệ song phương”. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã đến thăm Iran vào năm 2016.

Bà Yu Jie, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Chatham House cho biết vị trí địa lý của Iran rất “quan trọng về mặt chiến lược” đối với Bắc Kinh, đặc biệt khi vị trí này gần Pakistan, nơi Trung Quốc tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan.

“Iran sẽ hoạt động như một điểm trung chuyển rất quan trọng đối với Trung Quốc”, bà nói.

Hiện đã có nhiều dấu hiệu hợp tác giữa Iran và Trung Quốc. Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu dầu thô lớn nhất của Iran. Trong khi trở thành một thị trường đảm bảo cho mặt hàng dầu thô của Iran, Bắc Kinh muốn có sự đảm bảo an toàn cho các tàu chở dầu qua Eo biển Hormuz đến Trung Quốc vào thời điểm căng thẳng với các quốc gia khác.

Iran đang đàm phán với Trung Quốc về việc mua 630 toa tàu điện ngầm, theo thị trưởng thành phố Pirouz Hanachi cho biết vào tháng 7/2020.

Ông Laylaz cho biết: “Các công ty xe buýt của Iran có thể vẫn ‘mơ về chiếc Mercedes-Benz của Đức’ vào ban đêm nhưng khi thức dậy vào buổi sáng lại thấy thực tế rằng họ chỉ có thể mua được xe buýt Trung Quốc”.

Theo bình luận viên Joseph Hincks của Time, Iran hiện nay muốn đạt thỏa thuận với Trung Quốc do khó khăn tài chính. Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã tiến hành chiến dịch "gây áp lực tối đa" lên nền kinh tế Iran, đe dọa trừng phạt bất cứ nước nào mua dầu và nhập khẩu hàng hóa từ nước này.

"Chính quyền Tổng thống Hassan Rouhani cần ghi điểm sau 7 năm lãnh đạo. Người dân đã mệt mỏi. Họ chỉ muốn biết rằng điều tốt đẹp sẽ đến vào thời điểm nào đó. Hợp tác với Trung Quốc có thể là cách để Iran nói rằng: hãy cố cầm cự, mọi chuyện sẽ tốt lên", Ariane Tabatabai, tác giả cuốn sách về chiến lược an ninh của Iran, cho biết.

“Trung Quốc có lẽ sẽ ký các thỏa thuận tạm thời trong tất cả các lĩnh vực”, một quan chức Iran cho biết, đồng thời nói thêm rằng các khoản đầu tư có thể gắn với xuất khẩu dầu thô.

“Họ [Trung Quốc] sẽ tiếp tục trò chơi này cho đến khi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ được dỡ bỏ, khi đó họ hy vọng sẽ đứng ở hàng đầu để gặt hái lợi ích”, người này cho biết thêm.

“Tehran thiếu lòng tin vào các cường quốc toàn cầu, họ xem Hoa Kỳ như một ‘con sói khổng lồ’ và Trung Quốc là một ‘đội quân kiến’. Cả hai đều sẽ vét sạch hầm chứa của Iran, chúng tôi kinh hãi khi nhìn con sói đó nhưng không quá sợ hãi với những con kiến”, ông nói thêm.

Thủy Tiên



BÀI CHỌN LỌC

Liên minh Iran - Trung Quốc có ‘chống đỡ’ nổi lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ?