Liệu Anh có vì Luật an ninh Hồng Kông mà thay đổi thái độ đối với Huawei sau một thời gian dài gắn bó?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cả Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu (EU) vẫn luôn “chần chừ” trong việc liên minh với Mỹ để cô lập Trung Quốc hoặc thực thi chiến lược “thoát Trung” bởi các lợi ích, mâu thuẫn đan xen giữa kinh tế - chính trị. Tuy nhiên, Covid-19 đã buộc Anh và nhiều nước thuộc EU phải thay đổi thái độ rõ ràng hơn. Gần đây nhất, dự luật an ninh Hồng Kông của Trung Quốc đã quay lưng lại với thỏa thuận Anh-Trung năm 1997. Thái độ của Anh với Huawei đã bắt đầu thực sự thay đổi sau một thời gian dài gắn bó với Bắc Kinh? Liệu ngành viễn thông Anh có khó khăn khi “thoát Trung”?

Theo Financial Times, hiện Anh đang đánh giá tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ lên Huawei. Động thái này có thể trải đường cho chính phủ Anh ngăn chặn vai trò của tập đoàn viễn thông Trung Quốc này trong mạng lưới 5G của Anh. Mới tháng 1 vừa qua, bất chấp các cảnh báo an ninh của Mỹ, Anh vẫn trao cho Huawei quyền (dù hạn chế) cung cấp thiết bị viễn thông cho các mạng điện thoại 5G của nước này. Giờ đây, có vẻ như Anh đang phải xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc nói chung và với Huawei nói riêng trong quá khứ. Một đánh giá của chính phủ Anh về tác động của các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Huawei sẽ được báo cáo lại trong vòng vài tuần, các quan chức cho biết, vì họ cảnh báo rằng các tác động có thể “rất, rất nghiêm trọng” đối với vai trò dự định của công ty Trung Quốc này trong việc cung cấp mạng 5G ở Anh.

Luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc thúc đẩy Anh quay lưng với nước này và Huawei là nạn nhân đầu tiên

Việc xem xét khẩn cấp này - bắt đầu chỉ vài ngày sau khi Mỹ công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với Huawei vào tháng trước - đang được Trung tâm an ninh mạng quốc gia, một chi nhánh của cơ quan tình báo GCHQ của Anh thực hiện. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và sự xem xét lại của Anh mang đến cho Thủ tướng Anh Boris Johnson cơ hội để thực hiện một sự thay đổi đối với quyết định gây tranh chấp của ông vào tháng 1 khi trao cho Huawei một vai trò hạn chế như là một nhà cung cấp thiết bị viễn thông cho các mạng điện thoại di động 5G của nước Anh.

Mặc dù ông Johnson đã giới hạn Huawei với thị phần 35% trong thị trường 5G ở Anh và loại trừ công ty này cung cấp thiết bị cho mạng “lõi” nhạy cảm của các mạng, quyết định của ông đã bị chỉ trích bởi các nghị sĩ bảo thủ và chính phủ Mỹ. Họ cho rằng thỏa thuận này mang lại cho Bắc Kinh một cửa hậu để theo dõi các thông tin liên lạc của Anh.

Một số người tại điện Westminster đã khuyến cáo việc chính phủ Anh xem xét tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei, nhấn mạnh đến sự cứng rắn trong thái độ của Anh đối với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh không quản lý tốt đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19). “Con virus này đã làm rõ sự lựa chọn”, Tom Tugendhat, Chủ tịch ủy ban đối ngoại của Hạ viện và đồng sáng lập một nhóm chiến dịch bảo thủ mới đối với Trung Quốc, cho biết. “Cái giá của việc kinh doanh với các chế độ chuyên quyền là bạn không chỉ nhập công nghệ của họ, bạn cũng nhập cả giá trị của họ và khiến bản thân phụ thuộc vào chính trị của họ”. Những người trong Whitehall thừa nhận rằng những cân nhắc về địa chính trị hiện có thể trở nên nặng ký hơn đối với chính phủ so với hồi tháng 1.

Lệnh trừng phạt của Mỹ giáng cho Huawei một đòn đáng kể - Chủ tịch Huawei thừa nhận

Nhưng các quan chức Anh cho biết các lệnh trừng phạt mới của Mỹ - nỗ lực mới nhất của Washington nhằm cắt đứt Huawei khỏi việc tiếp cận với các sản phẩm bán dẫn được sản xuất bằng thiết bị của Mỹ và được sử dụng trong các sản phẩm bao gồm các mạng và điện thoại thông minh - đại biểu cho một “sự thay đổi thực chất” trong tính rủi ro của công ty Trung Quốc. Điều này một phần là do sẽ khó khăn hơn cho Anh xem xét bất kỳ chất bán dẫn nào do Trung Quốc sản xuất được Huawei sử dụng, đặc biệt là với tốc độ và quy mô của một dây chuyền sản xuất mới.

Nguồn tin nội bộ của Financial Times cũng cho rằng có khả năng việc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ có hiệu lực vào tháng 9 có thể khiến cho Huawei không thể duy trì khả năng kinh doanh. Guo Ping, chủ tịch Huawei, tháng trước đã thừa nhận rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới nhất của Washington đã giáng cho công ty Trung Quốc một đòn đáng kể. “Chúng tôi sẽ làm việc chăm chỉ để tìm ra cách tồn tại”, ông nói. “Tồn tại hiện là từ khóa quan trọng đối với chúng tôi”.

Các quan chức Anh, những người đã gặp các giám đốc ngành viễn thông vào tuần trước để thảo luận về tình hình, rõ ràng đang rất lo lắng về tác động của lệnh trừng phạt mới của Mỹ. “Đây là một tình huống rất, rất nghiêm trọng”, một quan chức nói. Chính phủ Anh dự kiến ​​sẽ thông báo lại vào cuối tháng 7 cho các nhà mạng di động quyết định về việc liệu Huawei có thể vẫn là nhà cung cấp bộ 5G hay không.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ hiện nhắm vào mục tiêu xa hơn và rộng hơn so với các biện pháp mà Washington áp đặt lên Huawei một năm trước, và đã gây lo ngại cho các nhà khai thác di động Anh. “Họ đang bóp nghẹt (Huawei)”, một giám đốc ngành viễn thông Anh nói về những bước đi của Mỹ chống lại Huawei.

Các nghị sĩ bảo thủ chống lại Huawei đang thúc đẩy việc bộ công cụ Huawei bị loại khỏi tất cả các cơ sở hạ tầng viễn thông của Anh vào năm 2023.

Ngành công nghiệp viễn thông Anh đã cảnh báo rằng việc cấm sử dụng bộ Huawei 5G sẽ gây ra sự chậm trễ hai năm trong việc triển khai toàn bộ mạng, do nhà khai thác di động sẽ phải cơ cấu lại kế hoạch của họ và ký các thỏa thuận với nhà cung cấp mới.

Nhưng có một nhận thức ngày càng tăng trong lĩnh vực này rằng các bộ trưởng có thể tìm cách giảm dần sự hiện diện của Huawei trong lĩnh vực hạ tầng viễn thông của Anh xuống 0% sau năm 2023. Nếu chính phủ đảo ngược quyết định hồi tháng 1 về vai trò Huawei 5G, câu hỏi vẫn là làm thế nào để khắc phục sự thất bại của thị trường mà đã dẫn đến sự phụ thuộc của Anh vào công ty Trung Quốc này.

Một lựa chọn là đầu tư chung với các đồng minh như Mỹ để phát triển các đối thủ của Huawei, bao gồm cả Ericsson và Nokia, hoặc các công ty khởi nghiệp xuất sắc ở Mỹ và châu Âu. Ông Johnson đã thảo luận về vấn đề an ninh viễn thông với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gọi điện thoại vào thứ Sáu – làm tăng khả năng các lệnh trừng phạt mới của Mỹ có thể đã đẩy vấn đề này lên cao hơn nhiều trong chương trình nghị sự.

Anh có thể gặp khó khăn với Trung Quốc khi quay lưng lại với Huawei, nhưng dường như Mỹ đã đẩy Anh vào tình thế không thể không lựa chọn

Huawei luôn khẳng định là một công ty tư nhân và phủ nhận cáo buộc rằng họ sẽ bị lôi kéo vào hoạt động gián điệp thay mặt cho nhà nước Trung Quốc. “Mỹ đang tận dụng thế mạnh công nghệ của riêng mình để đè bẹp các công ty bên ngoài biên giới của mình”, một tuyên bố được đưa ra sau khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ được công bố.

Tuần trước Victor Zhang, phó chủ tịch Huawei cho biết, ưu tiên của công ty là triển khai các mạng 5G “đáng tin cậy và an toàn” ở Anh. Ông nói thêm, Huawei rất vui khi thảo luận với Trung tâm an ninh mạng quốc gia, “bất kỳ mối quan tâm nào họ có thể có và hy vọng sẽ tiếp tục mối quan hệ làm việc chặt chẽ mà chúng ta đã có trong mười năm qua”.

Các chuyên gia cảnh báo rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không để bất kỳ sự thay đổi nào của Vương quốc Anh đối với Huawei không bị trừng phạt - đặc biệt là vì phán quyết của Anh về vấn đề này sẽ được theo dõi chặt chẽ tại các thủ đô châu Âu khác, nơi đang cân nhắc các quyết định về mạng 5G của chính họ. “Tôi nghi ngờ rằng chúng ta sẽ gặp một số rắc rối nhất định”, Charles Parton, cựu ngoại giao Anh và chuyên gia về Bắc Kinh cho biết, nói thêm rằng sự trả thù về kinh tế là có khả năng xảy ra. “Đây là một trò chơi mà họ chơi với khá nhiều kỹ năng, nhưng nếu bạn có đủ can đảm để thực hiện thì thực sự, mọi chuyện sẽ không tệ như những lời hăm dọa đó”.

Lê Minh

Theo Financial Times



BÀI CHỌN LỌC

Liệu Anh có vì Luật an ninh Hồng Kông mà thay đổi thái độ đối với Huawei sau một thời gian dài gắn bó?