Liệu Trung Quốc có đang đi lại con đường của Nhật Bản những năm 1980? (Phần 4)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau khi ‘lừa’ phương Tây và các quốc gia mới nổi, Trung Quốc đã trở nên độc lập hơn. Họ đã mua, vay mượn hoặc đánh cắp tất cả những gì mà thế giới có thể cung cấp. Bây giờ - với việc rút lui khỏi toàn cầu hóa theo nhiều cách - ông Tập đang tìm cách củng cố quyền lực và tầm vóc của mình bên trong Trung Quốc bằng việc quay lại mô hình “thịnh vượng chung” của Mao Trạch Đông. Trung Quốc sẽ phải đối mặt với viễn cảnh nào, liệu có giống Nhật Bản những năm 1980?

Khi tôi viết bài này, Ngân hàng Trung ương Anh vừa nâng lãi suất chuẩn ngắn hạn lần thứ 2 trong thời gian gần đây. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục duy trì quan điểm hiện tại của họ trong cuộc họp hôm 03/02; nhưng khi lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, không thể tránh khỏi việc ECB sẽ sớm bị lôi vào cuộc chiến chống lạm phát - vốn đang rất khó khăn - trên toàn cầu.

Trong một diễn biến khác, Fed do ông Jerome Powell điều hành sẽ bắt đầu quá trình tăng lãi suất ở Mỹ từ tháng tới và giảm quy mô bảng cân đối kế toán ngay sau đó.

Trung Quốc thì lại khác. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc gần đây đã nới lỏng nhiều quy định. Họ cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạnnới lỏng các yêu cầu dự trữ bắt buộc tại ngân hàng.

Các nhà phân tích theo sát Trung Quốc giải thích sự khác biệt đó như sau. Thứ nhất, chính sách “không khoan nhượng” của Trung Quốc đối với Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái (vốn đã ở mức đáng kể) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Thứ hai, lĩnh vực bất động sản (vốn sử dụng đòn bẩy một cách mù quáng đến khó hiểu) tiếp tục phát triển chậm, dẫn đầu là vụ vỡ nợ đình đám của Evergrande.

Đáng chú ý, hiệu ứng gợn sóng (ripple effect - tình huống trong đó một sự kiện tạo ra nhiều hiệu ứng lan truyền) của Evergrande đang lan rộng khắp đất nước Trung Quốc, khi các nhà phát triển và nhà đầu tư đều trở nên đặc biệt thận trọng. Điều này thật đáng ngại; và cho chúng ta thấy câu chuyện về triển vọng và những bong bóng của nền kinh tế Trung Quốc. Vào thời điểm mà Evergrande và các nhà phát triển khác cần hoạt động kinh doanh mới để giữ cho các bong bóng tiếp tục bay, thì hoạt động kinh doanh lại trì trệ và các đơn đặt hàng mới thì không thấy đâu.

Cho đến nay, chúng ta có thể thấy Trung Quốc đang phải đối mặt với các vấn đề dưới đây:

  • Mức nợ công và nợ tư nhân lớn nhất thế giới so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
  • Khu vực kinh tế tư nhân đã ở trong trạng thái suy thoái, trầm lắng; đặc biệt là lĩnh vực bất động sản.
  • Hoạt động kinh doanh/kinh tế đình trệ, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất.

Cả thế giới đều nhận thấy những điều ấy. Và chúng sẽ tiếp tục duy trì ngay cả khi đến một lúc nào đó, Trung Quốc phải đối mặt với những vấn đề về địa chính trị và sau này là hậu quả của giảm phát toàn cầu. Đó sẽ là những chủ đề của các bài viết trong tương lai.

Tuy nhiên, điều mà ít người nhận ra là một kế hoạch đang được tiến hành mà trong đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trên một số phương diện, thực sự đã đẩy nhanh sự suy yếu của Trung Quốc; mặc dù qua đó ông ấy sẽ tận dụng và xử lý kết quả theo nhiều cách khác nhau.

Sau khi lừa phương Tây và các quốc gia mới nổi, Trung Quốc đã trở nên độc lập hơn. Họ mua, vay mượn hoặc đánh cắp tất cả những gì mà thế giới có thể cung cấp. Bây giờ - với việc rút lui khỏi toàn cầu hóa theo nhiều cách - trong vài năm qua, ông Tập đang tìm cách củng cố quyền lực và tầm vóc của mình bằng việc quay lại mô hình “thịnh vượng chung” của Mao Trạch Đông.

Tất nhiên, câu hỏi trị giá 64.000 USD (một câu hỏi quan trọng và rất khó để trả lời) là khi vị thế tài chính/kinh tế của Trung Quốc bị xói mòn, liệu phần còn lại của thế giới có thể thoát khỏi một vụ đổ vỡ liên quan hay không? Khi kẻ thù địa chính trị lớn nhất của Hoa Kỳ - Liên Xô cũ - bị ném vào thùng rác của lịch sử, ảnh hưởng đối với thị trường toàn cầu và nền kinh tế lúc ấy là rất nhỏ. Tính theo tỷ lệ phần trăm trong tổng mức tăng trưởng toàn cầu, nền kinh tế Liên Xô thậm chí còn không được coi là khoảng sai số trong tính toán.

Nhưng Trung Quốc là một mớ hỗn độn khác hẳn Liên Xô cũ.

Trong một bài phân tích gần đây đăng trên Financial Times, ông Ruchir Sharma đã kết thúc bài viết đầy chất lượng của mình về con quái vật nợ nần và tình hình tưởng như không có lối thoát của Trung Quốc như sau:

“Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang cố gắng hồi sinh một hình thức chủ nghĩa xã hội - một hình thức gợi nhớ đến thời đại Mao Trạch Đông. Chính quyền của ông Tập đã bắt đầu trấn áp sự thái quá của chủ nghĩa tư bản [ở Trung Quốc], bao gồm sự giàu có và quyền lực của các ông trùm công nghệ, nạn đầu cơ tràn lan và các khoản nợ ngày càng tăng cao trong lĩnh vực bất động sản”.

“Vấn đề là: Những gì xảy ra ở Trung Quốc không còn chỉ ở Trung Quốc - nơi vốn là động cơ chính của tăng trưởng toàn cầu. Theo nhiều cách, Trung Quốc đi theo mô hình chủ nghĩa tư bản biến dạng giống như hầu hết các nước phương Tây, chỉ thêm một điều là, nợ của Trung Quốc ngày càng gia tăng để tạo ra ngày càng ít tăng trưởng”.

“Kết quả, sức khỏe tài chính của Trung Quốc mỗi lúc một trở nên mong manh. Giống như các đối thủ phát triển tiên tiến hơn của mình, từ Mỹ đến Nhật Bản, Trung Quốc đã tạo ra một hệ thống tài chính luôn cần đến sự hỗ trợ của chính phủ”.

“Những gì chúng ta có thể sẽ chứng kiến ​​trong những tháng tới là một cuộc đụng độ khốc liệt giữa một nhà lãnh đạo có quyền lực tối cao quyết tâm thay đổi đường lối của quốc gia mình và những hạn chế kinh tế do các khoản nợ khổng lồ gây ra”.

Để tìm hiểu sâu hơn về tất cả những điều này, hãy tìm đọc bài viết “Trung Quốc và sự rối loạn trật tự thế giới mới (China and the New World Disorder)” và bài viết “Evergrande vỡ nợ và các hậu quả của nó (Evergrande’s Marketized Default and the Consequences)” trên trang web của tôi - The National Investor.

Ngoài ra, tôi cũng có cuộc nói chuyện sâu sắc về toàn bộ chủ đề này trong một cuộc phỏng vấn với người bạn cũ của tôi, ông Cliff Kincaid, một nhà báo truyền thống ở Washington.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Chris Temple đã có hơn 50 năm kinh nghiệm viết bài và đào tạo trong lĩnh vực đầu tư và kinh tế. Ông có khả năng đặc biệt trong việc biến những điều phức tạp của thị trường và thế giới trở thành những điều mà một người dân phổ thông cũng có thể hiểu được thông qua các bài viết trên The National Investor. Phương châm của ông Chris Temple: “Thông tin có ở bất cứ đâu. Nhưng tại đây, bạn sẽ nhận được kiến thức”.

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Liệu Trung Quốc có đang đi lại con đường của Nhật Bản những năm 1980? (Phần 4)