Lo sợ kết quả kinh tế yếu kém, Tòa Bạch Ốc 'nhanh trí' thay đổi định nghĩa về suy thoái

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước nguy cơ 2 quý liên tiếp kinh tế Mỹ tăng trưởng âm, Tòa Bạch Ốc tìm cách thay đổi định nghĩa về suy thoái, khẳng định kinh tế Mỹ vẫn ổn. Trong khi đó, các điều kiện kinh tế tại Mỹ đang hết sức tồi tệ, cũng giống như tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Biden, cho dù người ta có thể sẽ không gọi chúng là suy thoái.

Kết quả kinh tế quý 2 của Mỹ sắp được công bố, và những thông tin về suy thoái kinh tế Mỹ đang là chủ đề nóng bỏng. Mới đây, chính quyền Mỹ đã tuyên bố không còn coi 2 quý kinh tế tăng trưởng âm là suy thoái. Trên tờ The Epoch Times, tác giả Jeffrey A. Tucker đã có 2 bài viết về chủ đề này, đánh giá về việc thay đổi định nghĩa của Tòa Bạch Ốc.

Một thuật ngữ đáng chú ý đang bị mất đi ý nghĩa truyền thống của nó. Đó là từ "suy thoái" (recession). Đây thật ra là một thuật ngữ mới được sử dụng thời hậu chiến. Từ “khủng hoảng” (depression) trở nên quá nghiêm trọng để dùng sau thảm họa vào những năm 1930 (thời kỳ được gọi là Đại khủng hoảng - The Great Depression). Vì vậy, các chuyên gia ngôn ngữ đã làm việc bận rộn và phát minh ra thuật ngữ mới này dựa trên ý tưởng rằng nền kinh tế chỉ đơn thuần là trong thời kỳ tạm nghỉ (recess). Thật đúng là một hành động thông minh.

Tuy nhiên, ngay cả chính thuật ngữ suy thoái cũng đang gặp vấn đề.

Tòa Bạch Ốc thay đổi định nghĩa về suy thoái kinh tế

Trong nhiều thập kỷ, chúng ta vẫn có một định nghĩa khá chắc chắn về suy thoái. Nó có nghĩa là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm trong hai quý liên tiếp. Cho dù đó có phải là một thước đo tốt hay không, thì ít nhất chúng ta đã có một tiêu chuẩn để đánh giá các xu hướng theo thời gian. Chúng ta biết chắc chắn từ suy thoái nói đến điều gì.

Chính quyền Mỹ chắc chắn không bao giờ chính thức ra tuyên bố khi một cuộc suy thoái xảy ra tại Mỹ. Theo truyền thống, nhiệm vụ đó được giao cho Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), một tổ chức đáng kính có vai trò như một nền tảng đưa ra nhiều ý tưởng đối mới. NBER là người bảo vệ cho lý thuyết chu kỳ kinh doanh chính thống, và nó có nhiệm vụ xác định các đỉnh và đáy của chu kỳ này.

Đợt suy thoái của Mỹ vào tháng 3 và 4 năm 2020 mới đây là một cuộc suy thoái khác thường. NBER coi tháng 3 đến tháng 4 năm 2020 là thời kỳ suy thoái vì mức độ nghiêm trọng của suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao. Thật khó để không đồng ý với nhận định đó, mặc dù đây là một trong những cuộc suy thoái kỳ lạ nhất trong lịch sử: Nó hoàn toàn do các cuộc phong tỏa cưỡng bức gây ra. NBER trong trường hợp này đã sử dụng một định nghĩa còn chặt chẽ hơn sách giáo khoa về suy thoái.

Giờ đây, Tòa Bạch Ốc đang vận dụng cách tiếp cận lỏng lẻo hơn này, chuẩn bị tung ra một đợt tuyên truyền vào cuối tuần này trong trường hợp các con số tăng trưởng trong quý 2 của Mỹ là tiêu cực. Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc sẽ hoàn toàn phủ nhận đang có suy thoái kinh tế tại Mỹ. Nói rằng đã xuất hiện suy thoái sẽ trở rằng một phát biểu mang tính chính trị. Khẳng định rằng tất cả đều tốt sẽ là “thông tin”, trong khi nói khác đi sẽ trở thành “thông tin sai lệch”.

Lo sợ kết quả kinh tế yếu kém, Tòa Bạch Ốc 'nhanh trí' thay đổi định nghĩa về suy thoái
Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden, Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris chào mừng các vị khách đến dự Buổi dã ngoại của Quốc hội tại Bãi cỏ phía Nam của Tòa Bạch Ốc vào ngày 12/07/2022 tại Washington, DC. Đây là cơ hội hàng năm cho các thành viên Quốc hội và gia đình của họ đến thăm các quan chức chính quyền và những người khác. (Ảnh: Chip Somodevilla / Getty Images)

Đối với NBER, đây là một tổ chức thận trọng và có thể sẽ đợi vài quý nữa trước khi đưa ra tuyên bố.

Đây là tuyên bố mới đây của Tòa Bạch Ốc: "Xác suất suy thoái không bao giờ bằng 0, nhưng các xu hướng trong dữ liệu nửa đầu năm nay được sử dụng để xác định suy thoái không cho thấy sự suy giảm".

“Suy thoái là gì? Trong khi một số người cho rằng hai quý liên tiếp GDP thực [tổng sản phẩm quốc nội sau khi điều chỉnh theo lạm phát] suy giảm sẽ cấu thành suy thoái, đó không phải là định nghĩa chính thức cũng như cách các nhà kinh tế đánh giá tình trạng của chu kỳ kinh doanh. Thay vào đó, cả các xác định chính thức về suy thoái và đánh giá của các nhà kinh tế về hoạt động kinh tế đều dựa trên cái nhìn tổng thể về dữ liệu — bao gồm thị trường lao động, chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp, sản xuất công nghiệp và thu nhập. Dựa trên những dữ liệu này, khó có khả năng sự sụt giảm GDP trong quý đầu tiên của năm nay — ngay cả khi tiếp nối bằng sự sụt giảm GDP khác trong quý thứ hai — cho thấy một cuộc suy thoái”.

Những cơ sở xác định suy thoái mới có thật sự vững chắc?

Tòa Bạch Ốc đã nêu những yếu tố nào để củng cố quan điểm của mình? Tất nhiên là không có lạm phát. Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh rằng "sản xuất công nghiệp, việc làm và chi tiêu thực tế đã tăng trong năm nay". Lưu ý rằng: “Năm nay” không có nghĩa là ngay bây giờ.

Sự thiếu hụt lao động tại Mỹ là một điều đáng sợ và được phản ánh trong con số tỷ lệ thất nghiệp thấp về mặt kỹ thuật (và chỉ phản ánh được bề mặt của sự việc). Các cuộc phong tỏa năm 2020 gây ra sự hỗn loạn trên thị trường lao động mà vẫn hoàn toàn chưa được giải quyết và có thể sẽ không được giải quyết cho đến khi có những cải cách lớn mang tính hệ thống nhằm gỡ bỏ các quy định đối với thị trường và cắt giảm trợ cấp cho những người không làm việc.

Đối với chi tiêu thực tế, người Mỹ đang cạn kiệt tiền tiết kiệm một cách nhanh chóng và đang đi vay theo cách đảo ngược xu hướng trong hai năm qua. Trực giác cho thấy đây không phải là một xu hướng tốt. Đó là lý do tại sao hầu hết người Mỹ ngày nay cảm thấy như họ đang chèo thuyền ngược dòng nước và vẫn bị tụt lại.

Thực sự khó có thể tin rằng Tòa Bạch Ốc muốn nêu ra những xu hướng này để bảo vệ ý tưởng rằng suy thoái chưa xuất hiện.

Chúng ta hãy xem xét sản xuất công nghiệp của Mỹ, thước đo còn lại được Tòa Bạch Ốc tôn vinh. Chỉ số tổng thể một cách chính xác nằm ở mức tương đương năm 2018, cũng tương đương mức năm 2008, năm kết thúc một thế kỷ tăng trưởng liên tục. Chỉ số hàng tiêu dùng vẫn chưa phục hồi lại mức cao nhất năm 2008, cũng giống như hàng sản xuất.

Trong cả ba loại chỉ số, dữ liệu mới nhất từ ​​tháng 06/2022 cho thấy sự sụt giảm! Đây là lý do tại sao thông cáo báo chí muốn nói về “năm nay” hơn là tháng trước.

Khó có thể tưởng tượng rằng đây là điều mà Tòa Bạch Ốc coi là điều đáng khoe khoang. Mỹ đang chuyển từ sản xuất sang dịch vụ, và có thể không có vấn đề đặc biệt nào với điều đó. Nhưng nếu bạn định khoe khoang về một lĩnh vực sản xuất mạnh mẽ, bạn nên có khả năng chứng minh điều đó thực sự tồn tại.

Lo sợ kết quả kinh tế yếu kém, Tòa Bạch Ốc 'nhanh trí' thay đổi định nghĩa về suy thoái
Biểu đồ chỉ số sản xuất công nghiệp. Đường màu xanh lam: chỉ số tổng thể. Đường màu đỏ: chỉ số hàng sản xuất. Đường màu xanh lá cây: chỉ số hàng tiêu dùng. Cơ sở chỉ số: năm 2017 (100 điểm). Dữ liệu lấy từ Dữ liệu Kinh tế Cục Dự trữ Liên bang (FRED), St. Louis Fed. (Ảnh: Jeffrey A. Tucker)

Vì vậy, ngay cả khi bạn không muốn sử dụng tiêu chuẩn hai quý suy giảm, tuyên bố của Tòa Bạch Ốc (về việc kinh tế Mỹ vẫn ổn) cũng là thiếu cơ sở. Hơn nữa, nhà sử học Phil Magness đã phát hiện ra rằng một số đạo luật liên bang thực sự dựa vào định nghĩa hai quý. Ví dụ, Đạo luật Gramm-Rudman-Hollings năm 1984 bao gồm một điều khoản sau: Quốc hội có thể chi tiêu nhiều hơn trong một cuộc suy thoái được xác định bằng hai quý suy giảm. Một số đạo luật liên bang khác cũng viện dẫn như vậy.

Hơn nữa, Ngân hàng Trung ương Anh, Ngân hàng Trung ương Canada và hầu hết các sách giáo khoa kinh tế vĩ mô phổ biến sử dụng định nghĩa có tính thông lệ về hai quý có sản lượng suy giảm. NBER nhận thấy cần thiết phải mạo hiểm thoát khỏi quy ước đó để ra tuyên bố về một sự khủng hoảng do phong tỏa, và điều đó hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, sau khi làm như vậy, giờ đây họ sẽ phải đối mặt với áp lực phải trì hoãn đưa ra tuyên bố về suy thoái càng lâu càng tốt, có thể là cho đến sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.

Nói kinh tế suy thoái sẽ là việc làm cấm kỵ

Theo xu hướng mà chúng ta đang chứng kiến từ chính quyền này, thì sự phủ định sẽ ngày càng trở nên gay gắt. Sau đó, họ sẽ sử dụng đến mạng xã hội và các ông lớn công nghệ (Big Tech). Chẳng bao lâu nữa, bạn có thể phải đối mặt với việc bị chặn trên Twitter chỉ vì nói ra điều "cấm kỵ" rằng nền kinh tế Mỹ đang suy thoái. Có lẽ điều đó nghe có vẻ điên rồ tại thời điểm này, nhưng hãy chờ đợi. Trong vài tháng nữa, điều đó có thể sẽ trở thành hiện thực.

Kinh tế học là một ngành học dựa trên thực tế. Nó nêu bật các tác động tự nhiên và những hạn chế thực tế của quyền lực và tuyên truyền của chính quyền. Đây là lý do tại sao mọi kẻ chuyên quyền trong lịch sử, từ Napoleon đến Mao đến Brezhnev, đều quay lưng lại với các nhà kinh tế học. Ngành kinh tế được gọi là "khoa học ảm đạm" vì nó là sự phản đối gay gắt đối với tình trạng nô lệ. Cho đến ngày nay, các chính quyền khao khát quyền lực theo cách đầy tự phụ vẫn muốn khiến các nhà kinh tế học phải im lặng và bị mất uy tín.

Chúng ta sắp chứng kiến ​​sự va chạm giữa thực tế kinh tế và lý thuyết chính trị hậu hiện đại. Theo lý thuyết này, bất cứ điều gì chính quyền tưởng tượng là đúng đều tự động đúng chỉ bởi vì chính quyền nói là đúng. Chúng ta đã thấy những dấu hiệu của điều này với việc người phát ngôn của Tổng thống thường xuyên đưa ra những tuyên bố rõ ràng là sai lầm rằng đây là nền kinh tế tuyệt vời nhất mà người Mỹ từng có.

Ước tính đầu tiên về GDP quý hai sẽ được đưa ra vào ngày 28/07. Có thể Tòa Bạch Ốc sẽ nhận được sự "ân xá" và những con số ban đầu sẽ không quá tệ. Trong trường hợp đó, rượu sâm panh sẽ chảy trên đại lộ Pennsylvania (Tòa Bạch Ốc nằm trên con phố này), nhưng họ nên cẩn thận. Người Mỹ ngày nay đang sợ hãi và tức giận. Họ hiểu rõ rằng mức sống mà họ từng biết cách đây chỉ vài năm đang nhanh chóng bị hủy hoại.

Thật vậy, tình hình kinh tế của Mỹ không khác nhiều so với con số tỷ lệ ủng hộ đối với chính ông Biden, hiện đang trôi về mức 30%. Cho dù có bao nhiêu bài bình luận trên The New York Times nói về điều ngược lại đi nữa, mọi người dân Mỹ đều biết sự thật bởi vì họ nhìn thấy điều đó trong tài khoản ngân hàng của họ và cảm nhận nó trong niềm hy vọng và ước mơ đã mất của họ về một tương lai tươi sáng.

Lo sợ kết quả kinh tế yếu kém, Tòa Bạch Ốc 'nhanh trí' thay đổi định nghĩa về suy thoái
Tổng thống Joe Biden phản ứng trước những câu hỏi của báo chí về việc ông ấy đang cảm thấy thế nào, trong khi tham gia trực tuyến vào cuộc họp với nhóm kinh tế của mình tại Thính phòng Sân phía Nam của khuôn viên Tòa Bạch Ốc ở Washington, D.C., vào ngày 22/07/2022. (Ảnh: Drew Angerer / Getty Images)

Quá trình định nghĩa về suy thoái bị thay đổi

Bắt đầu từ tháng 10/2020, NBER đã có một thay đổi đáng kể trong phương pháp đánh giá của mình. NBER không còn dùng các thước đo truyền thống để xác định và tuyên bố về thời điểm suy thoái diễn ra. Thay vì 2 quý giảm sản lượng GDP, ủy ban này đang đánh giá suy thoái theo cách cởi mở hơn.

NBER cho biết: “Không có quy tắc cố định nào để xác định những thước đo nào đóng góp thông tin cho quá trình [đánh giá] hoặc cách chúng tác động tới các quyết định của chúng tôi".

Tuyên bố về sự thay đổi này cũng đề cập đến lý do dẫn đến sự thay đổi. Chính sự hỗn loạn cực độ của các cuộc phong tỏa đã khiến hoạt động kinh tế tại Mỹ bị đình trệ. Tại sao các chính quyền lại thực hiện một biện pháp tạo ra sự tàn phá mạnh mẽ tới cuộc sống của nhiều người như vậy? Không những thế, điều đó đã được thực hiện để ngăn chặn một loại virus mà mọi người cuối cùng sẽ đều mắc phải. Các nhà sử học chắc sẽ phải ngạc nhiên về sự kiện này.

Việc phong tỏa đã đặt ra một vấn đề thực sự đối với các nhà thống kê kinh tế. Thông thường, các xu hướng trong chu kỳ kinh doanh được cho là hoạt động nội tại của thị trường: các giai đoạn phát triển mạnh mẽ quá mức theo sau là những sự điều chỉnh để đưa mọi thứ trở lại con đường bền vững. Các xu hướng chưa bao giờ được coi là một thứ gì đó bị cưỡng ép lên toàn bộ xã hội. Nhưng lần này là như vậy, và nó thể hiện một vấn đề lớn. Mọi thứ đều đổ vỡ và điều này được phản ánh trong dữ liệu lao động và năng suất.

Đây có phải là một cuộc suy thoái theo nghĩa truyền thống? Tất nhiên là không. Nó là sự dừng hoạt động một cách cưỡng ép và đột ngột. Tuy nhiên, NBER quyết định gọi nó là suy thoái vì nó quá rõ ràng. Họ vứt bỏ định nghĩa cũ và áp dụng một cách nhìn nhận chủ quan cởi mở hơn. Họ ra tuyên bố về một cuộc suy thoái trong hai tháng từ tháng 3 đến tháng 4 năm 2020. Theo một số khía cạnh, điều này có lý. Một cú sốc kinh tế như vậy nếu không được hiển thị trong các khu vực tối (chỉ sự suy thoái) trong biểu đồ dài hạn thì sẽ là điều bất hợp lý.

Khi giải thích về cách thức mới, NBER cho biết họ tập trung vào “việc làm trong biên chế” như một phần của bằng chứng để xác định việc liệu một cuộc suy thoái có đang diễn ra hay không. Vào mùa xuân năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt.

Lo sợ kết quả kinh tế yếu kém, Tòa Bạch Ốc 'nhanh trí' thay đổi định nghĩa về suy thoái
Biểu đồ tỷ lệ thất nghiệp. Đường màu xanh: tỷ lệ thất nghiệp. Cột dọc: tỷ lệ %. Dữ liệu lấy từ Dữ liệu Kinh tế Cục Dự trữ Liên bang (FRED), St. Louis Fed. (Ảnh: Jeffrey A. Tucker)

Chắc chắn thực tế đó cần phải tính đến trong việc xác định chu kỳ kinh doanh. Điều đó có là hợp lý vào thời điểm đó. Nhưng sau đó, một điều rất khác thường đã xảy ra. Bị thất nghiệp một cách bắt buộc, nhiều người lao động “không thiết yếu” đã quyết định bỏ cuộc. Họ không bao giờ quay trở lại. Ảnh hưởng đến dữ liệu là gì? Không còn tìm kiếm việc làm, họ không bị coi là thất nghiệp. Do đó, tỷ lệ thất nghiệp hiện tại, sau một quý kinh tế suy thoái là 3,6%.

Khi nói rằng thất nghiệp phải là một yếu tố để xác định suy thoái, chúng ta gặp vấn đề theo hướng ngược lại. Mỹ hiện đang thiếu lao động trầm trọng. Nhiều nơi trên khắp đất nước, những khách hàng đang chờ đợi được phục vụ trong khi công ty không thể tuyển được nhân viên để làm việc. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe và di chuyển, đặc biệt là các hãng hàng không. Bạn sẽ biết rất rõ điều này nếu gần đây bạn đã thử đi máy bay.

Đây là lần đầu tiên tại Mỹ, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế đi cùng với sự thiếu hụt lao động. Các chuyên gia không thực sự biết cách đối phó với điều này.

Đây thực sự là vấn đề. Những ước tính đầu tiên về GDP của quý thứ 2 sắp được đưa ra. Chúng có thể sẽ cho thấy kinh tế tiếp tục suy giảm. Đó sẽ là hai quý liên tiếp kinh tế suy giảm và do đó, chính thức là một cuộc suy thoái - nếu điều này diễn ra hai năm trước! Giờ đây thì chưa chắc.

Cuối cùng thì, tất cả người Mỹ đều hiểu về điều kiện kinh tế khủng khiếp xung quanh họ, với tình trạng thiếu hàng hóa và lao động, lợi nhuận giảm, sự thiếu ổn định đối với các việc làm cấp cao, và các công ty đang thèm khát lao động cấp thấp. Nó có vẻ giống như một cuộc suy thoái theo bất kỳ tiêu chuẩn nào. Nhưng rất có thể, điều đó sẽ không được công bố. Người dân Mỹ sẽ ở trong một tình trạng không được đặt tên.

Thay đổi các định nghĩa là một điều nguy hiểm.

Các thuật ngữ đang dần mất đi ý nghĩa

Một trường hợp khác về thay đổi định nghĩa đến từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tổng lượng tiền M1 đã từng có một định nghĩa rất ổn định trong nhiều năm: Về cơ bản nó là tiền mặt, séc và tiền gửi tiết kiệm. Đó là thước đo lượng tiền đang trôi nổi trong nền kinh tế. Khái niệm này trở nên khó hiểu theo thời gian vì việc bãi bỏ các quy định tài chính và thói quen mới giữ vốn thanh khoản ở vô số nơi khác.

Fed đã chọn tháng 05/2020 để cập nhật định nghĩa về M1, dẫn đến mức tăng đột biến một cách đáng kinh ngạc, đơn giản vì không có dữ liệu trong quá khứ để đối chiếu.

Lo sợ kết quả kinh tế yếu kém, Tòa Bạch Ốc 'nhanh trí' thay đổi định nghĩa về suy thoái
Biểu đồ lượng cung tiền M1. Đường màu xanh: lượng tiền M1. Đơn vị tính: tỷ USD. Dữ liệu lấy từ Dữ liệu Kinh tế Cục Dự trữ Liên bang (FRED), St. Louis Fed. (Ảnh: Jeffrey A. Tucker)

Không thể hiểu được ý nghĩa của việc này. Nó phục vụ lợi ích gì? Nó loại bỏ được sự nhầm lẫn nào để bù lại việc gieo rắc thêm sự nhầm lẫn? Và những đổi mới khác trong các thước đo tiền tệ thì sao? Hai ví dụ là M3 (một thước đo cung tiền, rộng hơn M2) và MZM (viết tắt của tiền có kỳ hạn bằng 0). Đó là các thước đo bao quát và hữu ích.

Sau đó, một ngày, chúng bị ngừng sử dụng. Và chúng biến mất.

Dù sao, chúng ta vẫn có M2 (một thước đo cung tiền rộng hơn M1) như một thứ thước đo đáng tin cậy mà chúng ta có thể dùng để tìm hiểu điều gì đang xảy ra. Nhờ đó, chúng ta có thể phát hiện ra rằng cung tiền thực sự đã tăng 105 tỷ USD từ tháng 5 đến tháng 6.

Lo sợ kết quả kinh tế yếu kém, Tòa Bạch Ốc 'nhanh trí' thay đổi định nghĩa về suy thoái
Biểu đồ lượng cung tiền M2. Đường màu xanh: lượng tiền M2. Đơn vị tính: tỷ USD. Dữ liệu lấy từ Dữ liệu Kinh tế Cục Dự trữ Liên bang (FRED), St. Louis Fed. (Ảnh: Jeffrey A. Tucker)

Nhưng làm thế nào chúng ta có thể biết rằng Fed sẽ duy trì thước đo này? Điều gì có thể ngăn Fed ngừng sử dụng nó?

Chúng ta thực sự đang sống trong thời đại mà ngôn từ đang mất dần ý nghĩa. Một trường hợp rõ ràng là các phân loại về mặt sinh học có tính chắc chắn như “đàn ông” và “phụ nữ”, nhưng cũng có những trường hợp ít rõ ràng hơn mà chúng ta đã chứng kiến trong toàn bộ đại dịch.

Ví dụ, chúng ta từng biết vaccine có tác dụng gì. Bây giờ điều đó không rõ ràng như vậy. WHO thậm chí đã thay đổi định nghĩa về miễn dịch cộng đồng trước khi thay đổi nó trở lại như lúc đầu. Nhiễm trùng và các trường hợp mắc bệnh được đồng nhất làm 1. Tất cả dường như là một nỗ lực có chủ ý để gây hoang mang cho người dân.

Thật là tồi tệ khi thấy các nhà kinh tế thực hiện thay đổi ý nghĩa các thuật ngữ để phục vụ cho các lợi ích lớn hơn. Kết quả lần này là người Mỹ có thể trải qua những điều kiện kinh tế tồi tệ nhất trong cuộc đời của mình, trong khi không có tên để gọi điều đó. Nó cũng sẽ không xuất hiện trong các vùng tối (chỉ suy thoái kinh tế) của biểu đồ lịch sử.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Tác giả Jeffrey A. Tucker là người sáng lập và là Chủ tịch của Viện Brownstone. Ông là tác giả của năm cuốn sách, bao gồm cuốn Right-Wing Collectivism: The Other Threat to Liberty (Chủ Nghĩa Tập Thể Cánh Hữu: Mối Đe Dọa Khác đối với Tự Do).



BÀI CHỌN LỌC

Lo sợ kết quả kinh tế yếu kém, Tòa Bạch Ốc 'nhanh trí' thay đổi định nghĩa về suy thoái