Lợi suất TPCP Mỹ đảo chiều sâu nhất kể từ năm 1981: Chúng ta đang lao vào tâm khủng hoảng (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm qua, sau tuyên bố của Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) về triển vọng tăng lãi suất cao hơn và tốc độ nhanh hơn đã thúc đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ tăng vọt, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 6 tháng tăng 5,2%/năm, tương đương thời điểm 2007. Lợi suất đường cong TPCP Mỹ đảo chiều, âm ở mức sâu nhất kể từ năm 1981, chứng minh cho thế giới thấy rằng chúng ta đã và đang chìm trong khủng hoảng.

Vào đầu tháng 5/2018, Thời báo Phố Wall (WSJ) đã yêu cầu các nhà dự báo chuyên nghiệp dự đoán khi nào cuộc suy thoái tiếp theo sẽ bắt đầu. Với tỷ lệ gần 60% các nhà kinh tế học được hỏi đã trả lời rằng cuộc suy thoái tiếp theo sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2020.

Và các nhà kinh tế học đã đúng!

Năm 2020, nền kinh tế - tài chính toàn cầu thực sự bị "rung lắc" bởi "một cơn đại địa chấn": Đại dịch COVID-19!

Nhưng sau đó, rung chấn khủng hoảng chỉ kéo dài 2 tháng ngắn ngủi [1], nền kinh tế - tài chính toàn cầu nhanh chóng bừng bừng sức sống trở lại trong suốt 2 năm.

Nhưng đó không phải là sức sống thực, tức là nó không đến từ sức sống của một cơ thể khoẻ mạnh. Đó là sức sống đến từ nguồn "ma tuý quá liều": các ngân hàng trung ương (NHTW) bơm tiền siêu rẻ tràn ngập thị trường, các kho bạc của các chính phủ ra sức vay nợ để rải tiền kiểu trực thăng, đổ tiền và đầu tư công để kích thích tăng trưởng.

Sau 3 năm đại dịch, bức tường nợ công và tư toàn cầu lập tức đạt kỷ lục năm 2021 (chỉ giảm nhẹ vào năm 2022 nhưng vẫn lớn hơn nhiều so với nợ công, tư năm 2008), bong bóng cổ phiếu, bất động sản, phái sinh... xuất hiện trên thị trường tài chính khắp toàn cầu. Tất cả trực chờ nổ tung, chỉ cần một cú huých.

Quay trở lại thời điểm năm 2018, các nhà kinh tế học đã dựa vào chỉ số dẫn báo nào để biết được một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra?

Kevin L. Kliesen (2018) [2] trong một bài nghiên cứu công bố trên trang Economic Synopses, đã giải thích rằng các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách xem xét một số chỉ số hàng đầu khi cố gắng dự đoán suy thoái kinh tế. Có hai chỉ số nổi bật có thể dựa vào dự báo: độ dốc của đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ và tỷ lệ thất nghiệp.

Nghiên cứu của Kliesen chỉ ra rằng, cả hai chỉ số này, một cách độc lập, đều có thể dự báo khủng hoảng chắc chắn.

Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ (lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm trừ đi lợi suất TPCP kỳ hạn 2 năm) đảo chiều luôn dự bảo chuẩn xác nhất về khủng hoảng suốt 100 năm qua (Nguồn: St. Louis Fed, chụp ảnh màn hình bởi NTDVN).

Các nhà kinh tế đã biết từ khá lâu rằng sự đảo ngược đường cong lợi suất TPCP Mỹ luôn dự báo chính xác mọi khủng hoảng kinh tế -tài chính từ thập kỷ 1960 tới nay. Điều đáng nói là chỉ số này không hề bỏ lỡ bất kỳ cuộc khủng hoảng nào từng xuất hiện hoặc phát tín hiệu có khủng hoảng mà khủng hoảng lại không xảy ra.

Nghiên cứu của Kliesen kết luận rằng, tính trung bình, kể từ năm 1969, sự đảo ngược của đường cong lợi suất TPCP Mỹ báo trước khủng hoảng 10 tháng. Thời gian kéo dài tối đa để khủng hoảng xuất hiện là 16 tháng sau khi đường cong lợi suất TPCP Mỹ đảo chiều.

Sự đảo ngược đường cong lợi suất TPCP diễn ra khi lợi tức của TPCP ngắn hạn lớn hơn (vượt qua) lợi tức của TPCP dài hạn. Điều này cho thấy, thị trường kỳ vọng rằng rủi ro, bất ổn kinh tế - tài chính sẽ xảy ra trong ngắn hạn trong khi ổn định lại trong dài hạn. Thông thường, đường cong lợi suất TPCP Mỹ đảo ngược xảy ra khi Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đang tăng lãi suất chính sách ngắn hạn để chống lại áp lực lạm phát gia tăng. Đây chính xác là những gì đang xảy ra.

Biểu đồ trên mô tả chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm và kỳ hạn 2 năm. Đường cong lợi suất này đã đảo chiều từ 5/6/2022. Hiện tại, chênh lệch lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm và 2 năm đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 1981; một đợt suy thoái kinh tế tồi tệ đang hiện hữu; không gì có thể ngăn hay đảo ngược sự xuất hiện của nó.

Cho tới nay, đường cong lợi suất TPCP Mỹ đã đảo chiều được đúng 9 tháng. Theo số liệu bình quân lịch sử mà nghiên cứu của Kliesen khám phá ra thì chúng ta còn 1 tháng nữa, hoặc tối đa 7 tháng nữa là có thể nhìn thấy điểm bắt đầu của đợt suy thoái lớn chưa từng có trong lịch sử.

Hay nói cách khác chúng ta đang trên một con thuyền cao tốc tiến tới tâm của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính lớn nhất mọi thời đại; mẹ của tất cả các cuộc khủng hoảng trong quá khứ.

(Còn nữa...)

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Thanh Đoàn

NGUỒN TIN THAM KHẢO

[1] Cuộc khủng hoảng 2020 được xác định thời gian diễn ra trong 2 tháng theo tính toán của NBER (đỉnh xảy ra vào tháng 2 năm 2020, đáy xảy ra vào tháng 4 năm 2020); Nguồn: https://www.nber.org/research/business-cycle-dating.

[2] Kevin L. Kliesen, "Recession Signals: The Yield Curve vs. Unemployment Rate Troughs," Economic Synopses, No. 16, 2018. https://doi.org/10.20955/es.2018.16



BÀI CHỌN LỌC

Lợi suất TPCP Mỹ đảo chiều sâu nhất kể từ năm 1981: Chúng ta đang lao vào tâm khủng hoảng (Phần 1)