‘Luật Trung Quốc hay luật Mỹ?’: Công ty Trung Quốc 'tiến thoái lưỡng nan' trước lệnh cấm tuân thủ luật pháp nước ngoài của Bắc Kinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Bảy (ngày 9/1), Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ban hành một lệnh mới để "cấm các công ty tuân thủ luật pháp nước ngoài", quy định mới này của Trung Quốc có hiệu lực ngay lập tức.

Cái gọi là "Quy tắc về chống lại việc áp dụng pháp luật nước ngoài và các biện pháp khác ngoài lãnh thổ" - áp dụng cho các trường hợp “cấm hoặc hạn chế một cách không phù hợp” các cá nhân, công ty và tổ chức của Trung Quốc - tiến hành các hoạt động kinh tế, thương mại bình thường với các bên từ các nước thứ ba, theo Bộ Thương mại Trung Quốc.

Bộ này cho biết: “Các quy tắc được ban hành để bảo vệ lợi ích quốc gia, tránh hoặc giảm thiểu tác động bất lợi đối với các doanh nghiệp Trung Quốc và duy trì trật tự kinh tế và thương mại quốc tế bình thường”.

Sàn giao dịch chứng khoán New York (NTSE) đang bắt đầu quá trình hủy niêm yết chứng khoán của ba công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, sau khi Tổng thống Donald Trump đã cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc mà Washington tuyên bố là do quân đội nước này sở hữu hoặc kiểm soát.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu (18/12) đã ký ban hành Đạo luật về trách nhiệm giải trình các công ty nước ngoài - nhằm loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các sàn chứng khoán Mỹ - nếu họ không tuân thủ các quy tắc giám sát kiểm toán của Mỹ trong vòng ba năm.

Luật áp dụng cho tất cả các công ty nước ngoài niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ, tuy nhiên động thái này được cho là “đòn sát thương” của Washington nhắm vào một số công ty lớn nhất trong nền kinh tế Trung Quốc.

Tổng thống Donald Trump đã cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc mà Washington tuyên bố là do quân đội nước này sở hữu hoặc kiểm soát. (Ảnh của KENA BETANCUR / AFP qua Getty Images)
Tổng thống Donald Trump đã cấm các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào các công ty Trung Quốc mà Washington tuyên bố là do quân đội nước này sở hữu hoặc kiểm soát. (Ảnh của KENA BETANCUR / AFP qua Getty Images)

‘Sự trả đũa’ của ĐCSTQ

Theo quy định mới, các cá nhân hoặc tổ chức Trung Quốc phải báo cáo với Bộ Thương mại nước này trong vòng 30 ngày, kể từ khi hoạt động kinh doanh của họ bị ảnh hưởng bởi luật tuân thủ nước ngoài.

Các nhà chức trách sẽ đánh giá “việc tuân thủ có vi phạm luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế hay không”, và các tác động có thể có đối với “chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc”.

Nếu các điều kiện được đáp ứng, Bộ sẽ ban hành lệnh chống lại việc công nhận, thực thi và tuân thủ các luật và biện pháp nước ngoài. Quy trình báo cáo sẽ được bảo mật nếu cần thiết, theo các quy tắc.

Điều 8 của quy tắc nói rằng các cá nhân và tổ chức có thể nộp đơn lên Bộ để được miễn trừ lệnh, và quyết định sẽ được đưa ra trong vòng 30 ngày.

Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ có các biện pháp đáp trả nếu cần thiết.

Lệnh này là lệnh mới nhất trong chuỗi nỗ lực của Trung Quốc nhằm bù đắp tác động từ các hành động thương mại của Mỹ, bao gồm việc áp dụng danh sách thực thể của Bắc Kinh - được công bố vào năm 2019 - một động thái nhằm trả đũa các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ.

Luật Trung Quốc hay luật Hoa Kỳ?

Các đòn trừng phạt của Washington bao gồm nỗ lực cấm TikTok và WeChat - những ứng dụng truyền thông xã hội thành công nhất của Trung Quốc - khi Washington viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia đối với việc thu thập dữ liệu của các công ty này; và lệnh cấm các nhà cung cấp công nghệ Mỹ bán thiết bị cho Huawei Technologies - công ty viễn thông hàng đầu của Trung Quốc, cũng vì lo ngại về bảo mật.

Các nhà phân tích cho biết các biện pháp mới của Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ siết chặt việc tuân thủ của các công ty đa quốc gia - vốn đang phân vân liệu họ nên chọn bên nào (luật Trung Quốc hay luật Hoa Kỳ).

Nick Marro, trưởng bộ phận thương mại toàn cầu tại Economist Intelligence Unit ở Hong Kong, cho biết các quy tắc sẽ khó áp dụng trên thực tế, vì Mỹ vẫn là thị trường quan trọng đối với hầu hết các công ty, và các nhà hoạch định chính sách rõ ràng “biết điều này”.

"Nhưng sự xuất hiện của các biện pháp mới của Bộ cho thấy tư duy chiến lược có thể đang thay đổi, đến mức các quan chức buộc các công ty phải chọn bên", ông nói.

Henry Gao, phó giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore, cho biết quy tắc yêu cầu các cá nhân và tổ chức Trung Quốc phải báo cáo với Bộ về bất kỳ tác động nước ngoài nào. Điều này "khắc nghiệt hơn nhiều" so với dự đoán của ông.

Ông Gao cho biết ông dự kiến ​​nhiều công ty Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng, vì theo Điều 9, bất kỳ công ty nào tuân thủ lệnh trừng phạt đối với các thực thể Trung Quốc đều có thể bị kiện đòi bồi thường tại Trung Quốc.

Ông nói: “Các công ty sẽ buộc phải lựa chọn”.

Quan chức Hong Kong, Đại Lục hứng chịu đòn trừng phạt của chính quyền Trump

Trong tuần qua, chính quyền Trump đã đe dọa các biện pháp trừng phạt mới đối với Hong Kong và Trung Quốc đại lục, về việc bắt giữ hơn 50 chính trị gia đối lập trong một cuộc đột kích rạng sáng.

Quốc kỳ Trung Quốc và cờ Hồng Kông được treo trước tòa nhà The Cheung Kong và tòa nhà trụ sở chính của ngân hàng HSBC địa phương tại Hồng Kông vào ngày 16 tháng 7 năm 2020. (Ảnh của ANTHONY WALLACE / AFP qua Getty Images)
Quốc kỳ Trung Quốc và cờ Hồng Kông được treo trước tòa nhà The Cheung Kong và tòa nhà trụ sở chính của ngân hàng HSBC địa phương tại Hồng Kông vào ngày 16 tháng 7 năm 2020. (Ảnh của ANTHONY WALLACE / AFP qua Getty Images)

Đã có một số suy đoán rằng Mỹ cũng có thể hạn chế quyền tiếp cận gây quỹ bằng đồng USD đối với các công ty Trung Quốc ở Hong Kong, trong những ngày cuối cùng nhiệm kỳ đầu của ông Trump.

Trong năm qua, Washington đã tung ra một loạt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và công ty của Trung Quốc đại lục và Hong Kong, và có khả năng trừng phạt các tổ chức tài chính kinh doanh với họ. Những người được nhắm mục tiêu bao gồm Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Thị Nguyệt Nga - người đã bị xử phạt cùng với các quan chức hàng đầu vào tháng 8/2020 - vì bị cáo buộc trong việc đàn áp các quyền tự do chính trị trong thành phố.

Tháng trước, Mỹ cũng xử phạt 14 đại biểu Quốc hội thuộc cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, vì vai trò của họ trong việc soạn thảo luật an ninh quốc gia mới cho Hong Kong.

Tuần trước, cơ quan quản lý lĩnh vực tài chính của Trung Quốc tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty hoặc cá nhân không có cơ sở pháp lý ở Hong Kong hoặc đại lục .

Mỹ cũng đã đưa hàng chục công ty Trung Quốc khác vào danh sách đen, bao gồm nhà sản xuất chip hàng đầu SMIC và nhà sản xuất máy bay không người lái DJI. Các công ty Mỹ bị hạn chế bán sản phẩm cho các công ty này vì lý do an ninh quốc gia.

Chính quyền Trump được cho là đang xem xét việc cấm người Mỹ đầu tư vào Alibaba và Tencent - hai công ty niêm yết công khai có giá trị nhất của Trung Quốc tại Mỹ.

Trần Đức
Theo SCMP



BÀI CHỌN LỌC

‘Luật Trung Quốc hay luật Mỹ?’: Công ty Trung Quốc 'tiến thoái lưỡng nan' trước lệnh cấm tuân thủ luật pháp nước ngoài của Bắc Kinh