‘Mạng nhện’ công nghệ tài chính: ‘Mưu đồ’ tích hợp tài chính đến kiểm soát xã hội của ĐCS Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Với một thị trường hơn 730 triệu người dùng Internet, Trung Quốc chiếm ưu thế như là “trung tâm thần kinh” của ngành tài chính kỹ thuật số, hay “fintech” (công nghệ tài chính); nhưng sự vươn lên của công nghệ tài chính có mặt tối của nó, khi nó “góp sức” cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tăng cường kiểm soát xã hội.

Những đại gia của các ngành công nghệ đang cắm rễ sâu nhất trong xã hội tiêu dùng Trung Quốc. Baidu, Alibaba và Tencent đã phát triển những hệ sinh thái toàn diện, kết hợp các thói quen sử dụng hàng ngày và dịch vụ tài chính của người dùng.

Qua nổi vụ nổ “big bang” của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc ngày nay có những ngân hàng thuộc loại lớn nhất thế giới. Nhưng dưới sự bảo trợ của ĐCSTQ, hệ thống ngân hàng này được cấu trúc chủ yếu xoay quanh việc tài trợ cho các công ty quốc doanh và các chính quyền địa phương. Gần 2/3 các khoản cho vay đều dành cho các đối tượng này.

Điều tự nhiên là các đại gia về kỹ thuật số đã khỏa lấp khoảng trống nói trên bằng cách đáp ứng toàn bộ các nhu cầu của người dùng, và họ cũng đang kiểm soát toàn bộ người dùng, với sự thao túng từ phía sau của ĐCSTQ

Công nghệ tài chính giăng kín như ‘mạng nhện’

Điện thoại thông minh đã trở thành người bạn đồng hành vào mọi thời điểm của người tiêu dùng Trung Quốc. Nó được sử dụng để giao tiếp với xã hội, tiếp nhận thông tin, đặt hàng một bữa ăn, gọi xe taxi, thanh toán cho cửa hàng hoặc chuyển tiền cho một người dùng khác... Việc quét mã QR qua điện thoại của mình để thanh toán cho các giao dịch mua sắm được xem là chuẩn mực.

Tiền mặt và thẻ ngân hàng gần như đã trở thành điều lỗi thời. Tiền mặt được dự kiến ​​chỉ chiếm 30% (về giá trị) các giao dịch trong năm 2020, so với gần 60% vào năm 2010.

Alipay, ví điện tử của Alibaba hiện có 450 triệu người dùng. Không ít hơn 175 triệu cuộc thanh toán được xử lý hàng ngày, 60% trong số đó được thực hiện từ điện thoại thông minh. Alipay và Tenpay kiểm soát lần lượt là 55% và 39% các giao dịch trực tuyến, được hỗ trợ bởi mạng xã hội WeChat.

Ant Financial, công ty tài chính con của Alibaba (điều hành Alipay), vào năm 2016, đã thực hiện một siêu chiến dịch gây quỹ trị giá 4,5 tỷ USD. Trong năm 2020, nó dự kiến sẽ gia nhập thị trường chứng khoán với giá trị vốn hóa được ước tính từ 80 đến 100 tỷ USD, đủ để đưa công ty này đứng đầu các IPO lớn nhất thị trường, hơn cả các ngân hàng lớn như BNP Paribas hay Goldman Sachs.

Ngoài các giải pháp thanh toán, các đại gia kỹ thuật số Trung Quốc còn bao trùm toàn bộ các dịch vụ ngân hàng. Ant Financial đã đa dạng hóa các sản phẩm và đề xuất một giải pháp quản lý gia sản (Yu'e Bao), ngân hàng trực tuyến (MYbank), nền tảng tín dụng vi mô (Ant Micro Loan), dịch vụ xếp hạng tín dụng (Zhima Credit) và một hệ thống lưu trữ tin học từ xa cho các định chế tài chính (Ant Financial Cloud).

Yu'e Bao được xem là quỹ tiền tệ lớn nhất trên thế giới, quản lý hơn 250 tỷ USD trị giá các tài sản. Với lãi suất hàng năm gần 4%, quỹ đầu tư này sẽ hút các khoản tiền gửi ngân hàng truyền thống vốn ở mức gần bằng 0.

Không xa “thiên hà” Ant Financial là các “ngôi sao” khác đang xoay quanh. Chuyên về tín dụng vi mô, Qudian đã huy động được 11,67 tỷ USD khi gia nhập Sở giao dịch chứng khoán New York vào năm 2017. Dựa vào cơ sở hạ tầng của Ant Financial, nền tảng này cho phép các sinh viên và nhân viên trẻ mua trả chậm điện thoại thông minh, máy vi tính và các thiết bị điện tử khác.

Công ty bảo hiểm trực tuyến Zhong An cũng chứng kiến một sự tăng trưởng đặc biệt. Kể từ khi được thành lập vào năm 2013, nó đã phân phối hơn 8,2 tỷ USD giá trị hợp đồng bảo hiểm cho 543 triệu đối tượng được bảo hiểm. Doanh số kinh doanh của nó được thực hiện xung quanh các sản phẩm được tích hợp qua các quá trình mua sắm trực tuyến.

Zhong An cung cấp hơn 300 sản phẩm bảo hiểm vi mô, chẳng hạn như các hợp đồng bảo hiểm chậm trễ khi sử dụng máy bay, bảo hành các trường hợp điện thoại thông minh bị vỡ hoặc hoàn trả chi phí giao hàng trong trường hợp sản phẩm bị trả lại khi mua sắm trực tuyến. Được thành lập theo sáng kiến ​​của Alibaba, Tencent và Ping An, công ty bảo hiểm này có giá trị vốn hóa lên đến 11 tỷ USD.

Còn nền tảng Lufax lại chuyên về các khoản vay giữa các cá nhân với nhau (“peer to peer” hay P2P). Là công ty con của công ty bảo hiểm Ping An, nó có hơn 32 triệu người dùng. Ngành kinh doanh này chắc chắn là một trong những ngành kinh doanh mang tính đầu cơ nhiều nhất.

Gần đây, đã có nhiều nền tảng kiểu P2P phá sản ở Trung Quốc, trong đó có một số công ty hoạt động gian lận như Ezubao. Cũng vì thế, khi đạt đến một quy mô tới hạn, công nghệ tài chính Trung Quốc bắt đầu cho thấy một rủi ro có tính hệ thống.

Công nghệ tài chính là phương thức kiểm soát xã hội của ĐCSTQ

Nhờ sự giao nhau giữa dữ liệu cá nhân và dữ liệu tài chính, các đại gia kỹ thuật số Trung Quốc là những “người làm nên thị trường”. Lợi dụng các hiệu ứng khổng lồ của hệ thống mạng, ĐCSTQ đã dễ dàng thực hiện việc kiểm soát xã hội.

Baidu, Tencent hoặc Alibaba đầu tư vào tất cả các lĩnh vực, từ lĩnh vực tài chính đến chăm sóc y tế. Sự thống trị này về mặt chức năng hình thành một dạng “chủ nghĩa phong kiến”.

"Chủ nghĩa phong kiến" ​​về kỹ thuật số này không mâu thuẫn với mô hình độc tài của bộ máy nhà nước Trung Quốc. Sự điều tiết và sự tối ưu hóa các giao dịch thị trường dần dần sẽ được giao lại cho các tác nhân kỹ thuật số. Đổi lại, ĐCSTQ thao túng dữ liệu phục vụ cho mục đích kiểm soát toàn dân và có thể là… toàn thế giới của mình.

Việc nhận dạng các dòng tiền tệ cho phép ĐCSTQ tăng cường sự giám sát xã hội

Công nghệ tài chính là một phần không thể thiếu trong kế hoạch của ĐCSTQ nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính của một xã hội tiêu dùng phồn thịnh. Đó cũng là một yếu tố then chốt của một dự án lớn hơn, nhằm giám sát công dân thông qua Dữ liệu lớn (Big Data).

Tài chính là một “sự kiện xã hội tổng thể”, việc nhận dạng các dòng tiền tệ cho phép ĐCSTQ tăng cường sự giám sát xã hội. Ví dụ, nhà nước Trung Quốc phát triển một hệ thống “tín dụng xã hội”, đánh giá mức độ tín nhiệm của cá nhân, xếp hạng công dân dựa trên mức độ tuân thủ theo hệ tư tưởng của ĐCSTQ.

Việc phát triển hệ thống đã được giao cho các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có đại gia Alibaba. Đối với mạng xã hội Wechat, nó có thể hoạt động như một “thẻ căn cước” phi vật chất tại xã hội Trung Quốc.

Qua đó có thể thấy rằng, khi được đẩy đến cực điểm, công nghệ tài chính "trói chặt" chủ quyền cá nhân một cách tiềm ẩn, và từ đó, ĐCSTQ sử dụng công cụ này để kiểm soát mọi thứ, khiến người dân Trung Quốc và thế giới khó có thể “thoát khỏi” mạng nhện của nó.

Tác giả: Bertrand Hartemann - chuyên gia về quản lý sự đổi mới với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc chuyên môn tại Pháp và Trung Quốc.

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

‘Mạng nhện’ công nghệ tài chính: ‘Mưu đồ’ tích hợp tài chính đến kiểm soát xã hội của ĐCS Trung Quốc