Mất cả nhà vì trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vỡ nợ, mất hết tài sản vì đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp BĐS ‘3 không’ đã xảy ra. Sự liều lĩnh của một số người dân trong đầu tư xuất phát từ việc thiếu kiến thức cơ bản, đặt niềm tin mù quáng vào viễn cảnh, lời hứa của doanh nghiệp BĐS, ngân hàng hay công ty chứng khoán. Ở chiều ngược lại, đã có các tổ chức tài chính tư vấn, phát hành nợ và phân phối trái phiếu doanh nghiệp thiếu đạo đức nghề nghiệp nghiêm trọng. Tất cả đã và đang tiếp tục tạo ra nhiều bi kịch hơn trên thị trường tài chính.

Mất tiền vì ham lãi suất cao và thiếu hiểu biết

Theo lời chia sẻ của luật sư tài chính H.T trên mạng xã hội, bà cho biết trong thời gian gần đây, bà đã nhận được nhiều đề nghị tư vấn pháp luật cho các thân chủ lỡ đầu tư lớn vào trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Và điều khiến luật sư kinh ngạc nhất sau khi xem hồ sơ đó là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, hầu hết, đều vô cùng rủi ro cho người mua. Những người mua trái phiếu như vậy dường như không hề quan tâm tới bất kỳ vấn đề rủi ro gì khác, không quan tâm tới quyền lợi của bản thân nếu người đi vay mất khả năng trả nợ, thứ duy nhất họ quan tâm tại thời điểm ra quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp dường như là lãi suất. Hoặc giả, họ đã hiểu sai về chính cam kết bảo vệ, cam kết thanh toán của các ngân hàng thương mại (NHTM), Công ty chứng khoán (CTCK) - những đại lý phân phối trái phiếu - với các trái phiếu như thế này.

Ví dụ, tại các hợp đồng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, các NHTM thường có cam kết: "dòng tiền dự án của công ty A (công ty phát hành trái phiếu) cam kết đi qua tài khoản tại ngân hàng của chúng tôi, chúng tôi đảm bảo sẽ sử dụng nguồn tiền qua tài khoản của công ty A này thanh toán các nghĩa vụ trái phiếu cho các trái chủ của công ty A như đã cam kết".

Đây không phải là cam kết hay bảo lãnh thanh toán. Nhưng các nhà đầu tư dân dã, những người gửi tiền chưa từng đầu tư vào sản phẩm tài chính phức tạp hơn lại nhầm lẫn về khái niệm này. Các nhân viên tư vấn thiếu đạo đức khẳng định với họ là ngân hàng bảo lãnh thanh toán cho họ. Người trong nghề đều biết là không phải vậy. Ngân hàng, trong trường hợp này, chỉ khẳng định một vấn đề là dòng tiền của công ty BĐS hoặc dự án BĐS đó sẽ đi qua một tài khoản thuộc ngân hàng này. Ngân hàng này cam kết sẽ lấy tiền ở trong tài khoản đó (nếu có) thanh toán cho nghĩa vụ trả nợ lãi, nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp khi đáo hạn mà thôi. Đó không phải là một cam kết thanh toán từ ngân hàng thương mại nếu doanh nghiệp bất động sản (người đi vay) mất khả năng trả nợ.

Luật sư đưa ra một trường hợp, khách hàng A cầm cố ngôi nhà trị giá 20 tỷ đồng ở ngân hàng để vay 15 tỷ đồng, lãi suất 6%. Sau đó, khách hàng A lấy 15 tỷ đồng này đi mua TPDN với lãi suất 12%, nghĩa là hàng quý nhà đầu tư này sẽ nhận được chênh lệch 6% lợi nhuận ròng. Ai ngờ, công ty phát hành trái phiếu bị phá sản, giờ không còn tiền trả tiền vay cho ngân hàng mà cũng không lấy lại được tiền mua trái phiếu vì trái phiếu này không có tài sản đảm bảo. Khách hàng A rơi vào tình trạng mất nhà sau thương vụ đầu tư này.

Các trường hợp mất hết tiền tiết kiệm vào trái phiếu doanh nghiệp bất động sản thì phổ biến hơn. Nhiều người lấy tiền bán đất, tiền tiết kiệm để dành cho con ăn học, mua trái phiếu để lấy lãi cao hơn. Lý do khách hàng đưa ra là để tiền trong ngân hàng không sinh lời.

Rồi cũng có trường hợp khách hàng cầm tiền đi mua nhà, nhưng gặp nhân viên tư vấn khuyên sử dụng tiền đi mua nhà đó mà mua trái phiếu, lấy lời chênh lệch để trả ngân hàng, sau này sẽ vừa được nhà, vừa được lợi nhuận thêm. Khách hàng nghe theo tư vấn này và giờ đang đứng trước khả năng mất cả chì lẫn chài.

Đạo đức và tính liêm chính ngành tài chính suy đồi nghiêm trọng

Là một luật sư tài chính có danh tiếng trong nghề, luật sư H.T cho biết bà kinh ngạc trước tình trạng đầu tư bất chấp hậu quả của các trái chủ ở Việt Nam sau khi đọc tham khảo rất nhiều hợp đồng huy động vốn của nhiều công ty; bao gồm cả hợp đồng phát hành trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp và thứ cấp cùng việc tìm hiểu tình hình thị trường trên tham khảo bản thân bà và khách hàng.

Luật sư cho biết, phần lớn các hợp đồng phát hành trái phiếu những năm gần đây, sớm nhất là 2020, phần đông chúng không có tài sản bảo đảm, mà nếu có tài sản bảo đảm lại chính là cổ phiếu niêm yết trên sàn, và bất động sản hiện có hoặc hình thành ở thì tương lai. Điều này tương đương với việc nếu công ty làm ăn thua lỗ, thất bại, người đầu tư cũng không nhận được gì từ việc kinh doanh của công ty phát hành trái phiếu (chủ nợ của họ).

Mặc dù điều khoản luật lỏng lẻo, tài sản và phương án chẳng có gì để bảo đảm cho trái chủ. Nhưng các nhà đầu tư tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp với số lượng ngày càng tăng.

Tất cả vì mức sinh lời quá cao từ trái phiếu doanh nghiệp. Lãi suất ngân hàng thời điểm cách đây 1 năm còn thấp (5 - 6%/năm). Đầu tư chứng khoán trên sàn thì sợ phải theo dõi, tâm lý bất ổn theo thị giá cổ phiếu, trong khi đó mua trái phiếu, thì theo luật là trở thành chủ nợ của công ty đó, và được trả lãi theo từng kỳ, mà lãi cao đến gấp 1,5 và 2 lần lãi suất ngân hàng. Ngoài ra, với phần đa nhà đầu tư không chuyên ở Việt nam, một cái hợp đồng có dấu đỏ của một Tập đoàn, có cam kết quản lý tài khoản thanh toán của một ngân hàng thương mại được xem là cam kết thanh toán cho khoản đầu tư này. Về cơ bản, nhà đầu tư dân dã hầu hết không hiểu “cam kết quản lý tài khoản thanh toán” không phải là một cam kết thanh toán, một bảo lãnh thanh toán với khoản đầu tư này.

Mặc dù hiểu biết rất hạn chế về quyền lợi của mình trong hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp, phần đông nhà đầu tư chưa có thói quen nhờ luật sư tư vấn. Những gì gọi là tư vân mà họ nhận được, thông thường chỉ thông qua một nhân viên tư vấn của công ty chứng khoán hoặc ngân hàng thương mại. Họ duy trì niềm tin rằng một công ty có danh tiếng, hay có các công ty lớn đang đổ vốn đầu tư vào; tất cả dựa vào niềm tin mơ hồ chứ không phải là các phân tích rủi ro, phân tích chi phí - lợi ích cơ bản trong đầu tư tài chính.

Về cơ bản, các nhà đầu tư tư nhân không quan tâm tới khả năng trả nợ của doanh nghiệp, tiềm năng của dự án, tính thanh khoản của tài sản đảm bảo, đánh giá tín nhiệm, trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan. Một số nhà đầu tư nhỏ thậm chí không có khái niệm này. Họ tin vào tư vấn ‘đầy sắc hồng' của các nhân viên NHTM và CTCK mà không biết rằng, trong nhiều trường hợp, hệ thống các NHTM và CTCK đã có liên kết mạnh mẽ với nhau để tiếp tay cho các công ty này để phát hành TPDN nhằm đảo nợ cho chính NHTM đó.

Vì vậy, nếu muốn đầu tư một số tiền lớn vào trái phiếu hay thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cần nắm rõ thông tin và luật định về đầu tư, tìm hiểu rõ công ty, ít nhất cũng phải hiểu được về ngành nghề, sản phẩm, định hướng phát triển của công ty, hoạt động kinh doanh của họ có ích cho người tiêu dùng không.

Câu chuyện đầu tư vẫn tồn tại, nhiều doanh nghiệp tử tế vẫn còn nhiều, họ cần nhà đầu tư, và nhà đầu tư mất tiền ít hay chưa mất tiền trong thời gian vừa rồi, đều có cơ hội đầu tư trong giai đoạn sau này.

Nếu bạn không phải là một chuyên gia trong ngành tài chính, đừng bao giờ tiếc tiền nhờ luật sư tư vấn độc lập cho các khoản đầu tư lớn. Những tư vấn của họ ít nhất cũng có thể giúp bạn hạn chế rủi ro.

Làn sóng vỡ nợ mới chỉ bắt đầu…

Theo Báo cáo của Fiin Ratings, hơn 80% giá trị TPDN của ngành BĐS phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết. Các doanh nghiệp này có sức khỏe tài chính ở mức yếu rất đáng báo động. Điều này thể hiện ở mức độ đòn bẩy tài chính (Nợ vay ròng/Vốn chủ sở hữu) hiện ở mức lên tới 8,1 lần trong khi các doanh nghiệp niêm yết chỉ ở mức 2,5 lần. Đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp BĐS phát hành TPDN chưa niêm yết ước tính có thể còn cao hơn nữa, rủi ro hơn nữa vào cuối năm 2022.

Nói cách khác, 80% TPDN BĐS Việt Nam hiện ở mức 'trái phiếu rác'. Do thị trường nợ Việt Nam chưa có xếp hạng tín nhiệm độc lập, hãng phát hành nợ là trái phiếu rác đang có một thiên đường phát hành nợ ở Việt Nam; đặc biệt khi có sự tiếp tay nhiệt tình từ các ngân hàng thương mại (NHTM) và công ty chứng khoán.

Thị trường TPDN tăng trưởng “nóng" đang dẫn tới xuất hiện những loại trái phiếu “3 không”: không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh thanh toán! Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy năm 2021, có tới 94,5% lượng TPDN phát hành là trái phiếu riêng lẻ số lượng lớn. Đáng chú ý là trong số các TPDN phát hành riêng lẻ, có tới một nửa trái phiếu không có tài sản đảm bảo. Nửa còn lại chủ yếu được đảm bảo bằng cổ phiếu của chính doanh nghiệp phát hành hoặc bằng các dự án hình thành trong tương lai, có tính biến động rất cao về giá và khó định giá chính xác, càng khó đòi tiền khi đáo hạn hoặc nếu doanh nghiệp vỡ nợ hay phá sản! Thậm chí, trong số hơn 100 doanh nghiệp BĐS phát hành riêng lẻ đầu năm 2022 này, có tới 26 doanh nghiệp thua lỗ mà vẫn phát hành TPDN thành công...!

Hiện nay, trên chợ tài chính, các hội nhóm buôn bán trái phiếu, kể cả trên các diễn đàn “có tổ chức”, nhiều TPDN luôn được tự do chào bán với lãi suất trên 10%, có nơi đến 13-18% /năm với những lời cam kết hấp dẫn như: mua trái phiếu được thế chấp trái phiếu để vay lại vốn ngân hàng, được ngân hàng bảo lãnh, được mua lại bởi chính công ty phát hành, được đảm bảo bằng BĐS hoặc cổ phiếu của công ty phát hành…đã gây hỗn loạn thị trường.

Các con số này đang nói lên một điều: làn sóng vỡ nợ mới chỉ bắt đầu và điều tồi tệ hơn với một số nhà đầu tư và với thị trường còn đang ở phía trước.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm cá nhân tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Minh Đăng - Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Mất cả nhà vì trái phiếu doanh nghiệp bất động sản