McDonald’s, Victoria’s Secret và nhiều thương hiệu lớn sẽ sớm bán hàng trên metaverse

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày càng có nhiều công ty lớn nộp đơn đăng ký thương hiệu để bảo vệ nhãn hàng của họ trong metaverse (vũ trụ ảo). Victoria’s Secret, New York Stock Exchange và McDonald’s là một vài trong số những tập đoàn mới nhất công bố kế hoạch tham gia metaverse.

Metaverse hiện được coi là xu hướng của tương lai. Nhiều thương hiệu lớn đang tìm cách kiếm tiền trong lĩnh vực mới này thông qua cung cấp hàng hóa và dịch vụ ảo. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người hoài nghi cho rằng metaverse chỉ là một bong bóng công nghệ, giống sự bùng nổ dot-com vào cuối những năm 1990.

Thuật ngữ “metaverse” lần đầu tiên được sử dụng trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Snow Crash năm 1992 của Neal Stephenson. Trong đó con người, được thể hiện bằng hình đại diện, tương tác với nhau trong một không gian ảo.

Metaverse tạo ra một thế giới ba chiều nơi diễn ra mọi loại hoạt động mà con người có thể tưởng tượng được và được coi là thế hệ tiếp theo của Internet. Mọi người có thể làm việc, giải trí, mua sắm và giao lưu từ khắp mọi nơi bằng cách sử dụng bộ đeo thực tế ảo.

Metaverse - nơi kinh doanh mới của các thương hiệu lớn

Trong tương lai gần, khách hàng có thể đặt mua một chiếc Big Mac từ một cửa hàng McDonald’s ảo trong metaverse. Gã khổng lồ thức ăn nhanh vào ngày 04/02 đã gửi 10 đơn đăng ký thương hiệu mới liên quan tới các nhãn hàng McDonald’s và McCafe tới Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ. McDonald’s dự định vận hành một nhà hàng ảo, cung cấp cả “hàng hóa thực và ảo”. Các chuỗi thức ăn khác đã tham gia metaverse bao gồm Chipotle và Panera.

Metaverse cũng đã trở nên hấp dẫn đối với các nhà thiết kế và các thương hiệu thời trang như Victoria’s Secret. Nhà bán lẻ đồ lót nổi tiếng này vào ngày 08/02 đã nộp 4 đơn đăng ký thương hiệu mới, với ý định bán “áo lót, giày dép và phụ kiện thời trang trên không gian ảo”.

Các thương hiệu thời trang khác như Ralph Lauren và Gucci đang chạy đua để kiếm tiền từ cơn sốt metaverse, đặc biệt nhắm vào giới trẻ. Ví dụ: Khách hàng có thể mua quần áo ảo từ Ralph Lauren để mặc đồ cho nhân vật đại diện (avatar) của họ trên nền tảng metaverse Zepeto hoặc trang web trò chơi Roblox. Trong khi đó, Gucci thậm chí còn mua đất ảo trên The Sandbox - một trò chơi điện tử - để tăng cường sự hiện diện của mình trong metaverse.

Doanh số bán bất động sản cũng đang bùng nổ trên metaverse. Theo một bài báo của CNBC, trị giá các bất động sản ảo trên 4 nền tảng metaverse chính — Sandbox, Decentraland, Cryptovoxels và Somnium — đạt mức đỉnh là 500 triệu USD vào năm 2021 và có thể tăng gấp đôi trong năm nay.

Sức hút của Metaverse đang tăng cao

Các công ty công nghệ lớn đang đổ hàng tỷ USD vào metaverse. Vào tháng 10 năm ngoái, gã khổng lồ công nghệ Facebook chính thức đổi tên thành Meta và tiết lộ một loạt động thái mới để xây dựng metaverse.

Theo ông Siddartha Rao, luật sư về tranh chấp thương mại, tiền ảo và công nghệ tại hãng luật Romano Law có trụ sở tại New York, tuyên bố của Facebook đã tạo ra nhiều thay đổi lớn trong lĩnh vực này.

Ông nói với The Epoch Times: “Nó tạo ra động lực rất lớn vì Facebook, với quy mô và dấu ấn của mình, có thể đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để hoạt động metaverse trở nên phổ biến hơn".

Ông Rao tin rằng đây là một trong những lý do tại sao ngày càng có nhiều đơn đăng ký thương hiệu trong những tháng gần đây. Người ta quan tâm nhiều hơn tới việc có một thương hiệu trong metaverse.

Ông Rao cho biết: Khái niệm metaverse không phải là một khái niệm mới. Một không gian ảo có tên “Second Life”, ra mắt vào năm 2003, được coi là phiên bản đầu tiên của metaverse. Nó là ngôi nhà của nhiều trò chơi ảo. Mặc dù đã tồn tại gần hai thập kỷ, Second Life không có số lượng lớn người sử dụng cũng như hoạt động kinh tế để thu hút các nhãn hàng đăng ký thương hiệu.

Đến nay, thế giới ảo đã khác hẳn về chất vì chúng vượt ra ngoài phạm vi trò chơi và hứa hẹn cung cấp vô số hoạt động thương mại. Ví dụ, khách hàng trên thế giới ảo có thể đi xem hòa nhạc, tham quan bảo tàng, thử quần áo hoặc kiểm tra xe trước khi mua.

McDonald’s Victoria’s Secret và nhiều thương hiệu lớn sẽ sớm bán hàng trên metaverse
Một người đi bộ ngang qua logo Meta trước trụ sở Facebook ở Menlo Park, California, ngày 28/10/2021. (Ảnh: Justin Sullivan / Getty Images)

Theo ông Rao, metaverse được chú ý nhiều hơn cũng là bởi sự chấp nhận và sử dụng rộng rãi các mã không thể thay thế (NFT - non-fungible token), tạo ra khả năng xác thực các tài sản kỹ thuật số. NFT là tài sản kỹ thuật số độc đáo được xây dựng trên công nghệ blockchain. Với NFT, mọi người có thể chứng minh được tính xác thực của hàng hóa ảo trong metaverse.

Ông Rao nói: “Về cơ bản, NFT giải quyết được vấn đề vi phạm bản quyền đối với tài sản kỹ thuật số". Ông giải thích thêm, “NFT đã tạo ra khả năng ấn định một chữ ký độc nhất lên các tài sản kỹ thuật số để chúng không còn có thể bị sao chép lậu. Điều này tạo ra điều kiện hoạt động cho một thị trường. Và một khi bạn tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường hoạt động thì thương hiệu sẽ trở nên có giá trị hơn”.

Metaverse sẽ thâm nhập mọi lĩnh vực trong những năm tới?

Những công ty nổi tiếng khác mới đây đã nộp đơn đăng ký thương hiệu để bảo vệ nhãn hiệu của họ trong metaverse bao gồm Walmart, Nike, Gap, Sketchers và Crocs.

Theo một báo cáo gần đây của JPMorgan, hàng năm, giao dịch hàng hóa ảo lên tới 54 tỷ USD.

JPMorgan là ngân hàng Phố Wall đầu tiên tham gia metaverse. Theo một bài báo của Bloomberg, ngân hàng đầu tư này đã ra thông báo vào ngày 15/02 về việc mở một “phòng khách” ở Decentraland, một vũ trụ ảo dựa trên trình duyệt. Trong phòng khách ảo này, các vị khách được chào đón bởi bức chân dung của Giám đốc điều hành Jamie Dimon của JPMorgan cùng với một con hổ đi lang thang.

Báo cáo của JPMorgan nói rằng “theo một cách nào đó, metaverse sẽ thâm nhập vào mọi lĩnh vực trong những năm tới, và cơ hội thị trường được ước tính đạt hơn 1 nghìn tỷ USD doanh thu mỗi năm”.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

McDonald’s, Victoria’s Secret và nhiều thương hiệu lớn sẽ sớm bán hàng trên metaverse