Mô hình công nghiệp hóa thành công của Thâm Quyến trở thành nỗi đau của Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong quá trình công nghiệp hóa của Trung Quốc và Đông Nam Á, Khu Thương mại Tự do Thâm Quyến trở nên khác biệt bởi khu vực này yêu cầu đối tác nước ngoài phải cho người địa phương sở hữu 50% doanh nghiệp. Các nhà đầu tư Mỹ không chỉ bị giữ chân tại Trung Quốc, mà còn bị ‘học hỏi’ nhiều công nghệ tiên tiến; trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Chuyến tham quan Trung Quốc của tôi cùng các nhà báo Úc vào năm 1981 kết thúc bằng chuyến đi đến Khu Thương mại Tự do Thâm Quyến.

Thâm Quyến khác với nhiều thành phố công nghiệp khác của Trung Quốc. Trước khi mô hình tại Thâm Quyến thành công, tất cả những gì xảy ra ở Trung Quốc là hậu quả của nỗ lực công nghiệp hóa thất bại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sau thời kỳ thảm khốc thời Mao Trạch Đông. Ví dụ, chúng tôi đến thăm một xã ở Tứ Xuyên, nơi chuyên sản xuất đồ nội thất. Các thành viên của xã này đã báo cáo mức tăng trưởng doanh số ấn tượng, tăng gấp đôi sản lượng mỗi năm. Làm thế nào mà họ đạt được như vậy? “Chúng tôi cử đi nhiều tuyên truyền viên”, họ trả lời.

Một ví dụ khác, một kho hàng thuộc sở hữu nhà nước ở Thượng Hải đã được lệnh mua sản phẩm đầu ra của một xã. Đây là điển hình của một “xã trình diễn”. Nông dân ở các xã khác không bao giờ có thể học hỏi hay cạnh tranh với tốc độ tăng doanh số của “xã trình diễn”, vì các xã khác không có bên thu mua định sẵn. Các kế hoạch phát triển dựa trên “xã trình diễn” đó chắc chắn sẽ thất bại.

Thâm Quyến hoạt động theo cách khác

Đối với nhóm các nhà báo Úc lúc bấy giờ đã mệt mỏi, chúng tôi thấy mừng vì không phải nghe bất kỳ câu thần chú nào liên quan đến “Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Chúng tôi không nhận được lời chào vô nghĩa nào từ Trưởng Khu Thương mại Tự do Thâm Quyến. Ông ấy đã giao nhiệm vụ tiếp đãi đoàn nhà báo cho kiến ​​trúc sư trưởng của Khu Thương mại . Người này đã giải thích với chúng tôi mục tiêu của Khu Thương mại là gì.

Giống như nhiều quốc gia Đông Nam Á đã đánh bại Trung Quốc trong cuộc chơi công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu, khu vực này nhắm mục tiêu đến nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, điều này không đủ để đảm bảo thành công cho Khu Thương mại Tự do Thâm Quyến. Nhiều quốc gia đã công nghiệp hóa thất bại vì các công ty Mỹ và phương Tây trong các khu thương mại tự do của họ sẽ chuyển sang nước khác ngay khi tiền lương cho lao động nước sở tại có dấu hiệu tăng lên. Điều khiến Thâm Quyến trở nên khác biệt là họ đã lên kế hoạch thu hút và nắm bắt các công ty cũng như các công nghệ của Mỹ.

Sự khác biệt quan trọng nhất ở Thâm Quyến là nơi đây có kế hoạch ngăn chặn các nhà tư bản Mỹ mang đi các nhà máy và công nghệ của họ khi tiền lương tăng lên. Mỗi nhà đầu tư nước ngoài phải có một đối tác địa phương; và trong vòng 5 năm, đối tác địa phương đó phải sở hữu 50% doanh nghiệp. Thâm Quyến không chỉ có ý định cung cấp việc làm cho công nhân Trung Quốc; nơi này còn muốn xây dựng nên giai cấp tư bản Trung Quốc.

Ban đầu, chúng tôi cảm thấy sửng sốt bởi mức độ sở hữu mà các nhà tư bản Mỹ phải chia sẻ cho doanh nghiệp địa phương dù họ không hề mong muốn: 50% chỉ trong vòng 5 năm và đối tác địa phương không cần phải ‘nhả ra’ bất kỳ khoản đầu tư nào. Nếu số tiền mà các công ty Mỹ tiết kiệm được khi hoạt động tại Thâm Quyến lớn hơn nhiều so với 50% lợi nhuận hiện có từ các nhà máy ở Mỹ, họ sẽ đồng ý với yêu cầu này của Khu Thương mại Tự do Thâm Quyến - tương đương đồng ý cho đi 50% lợi nhuận, cũng như quyền sở hữu.

Các khu thương mại tự do như ở Malaysia hay Indonesia vào những năm 1970 cho phép sở hữu nước ngoài 100%. Nếu tiền lương ở các khu thương mại tự do của Malaysia tăng lên đáng kể, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần chuyển hoạt động sản xuất sang Indonesia. Do vậy, đây không phải là công thức cho quá trình công nghiệp hóa lâu dài.

Nhưng ở Thâm Quyến, với điều kiện người Trung Quốc sở hữu 50%, việc chuyển sang một quốc gia có mức lương thấp hơn sẽ không xảy ra.

Nỗ lực tiếp cận công nghệ phương Tây ở đây cũng rất ‘ấn tượng’; và điều này phần nào phản ánh thực tế là nhiều cán bộ cộng sản Trung Quốc là kỹ sư. Họ muốn chiếm lấy các công nghệ mới của Mỹ. Chúng tôi từng nghe kể về một phái đoàn Trung Quốc đến thăm Úc, trong số đó có một thành viên của ĐCSTQ đi vệ sinh và không quay lại trong nửa giờ. Lo sợ chuyện bất trắc xảy ra, những người dẫn đoàn người Úc đã mở cửa buồng của anh ấy; và họ phát hiện ra anh ấy đang tháo lắp bồn cầu xả kép để xem nó hoạt động như thế nào.

Chúng tôi ngay lập tức cảm thấy rằng mô hình của Thâm Quyến sẽ thành công. Các công ty Mỹ sẽ đến vì mức lương rẻ và ở lại vì quyền sở hữu ngăn cản họ rời đi. Lực lượng lao động địa phương sẽ được ĐCSTQ kiểm soát — các cuộc đình công tự phát và các tổ chức công đoàn chân chính sẽ không xuất hiện. Và theo thời gian, những nhà tư bản mới của Trung Quốc này sẽ tự lập nên các nhà máy với bí quyết công nghệ mà họ lấy được từ các đối tác Mỹ. Cách tiếp cận này đối với công nghiệp hóa sẽ thành công.

Thành công của Trung Quốc trở thành nỗi đau của Mỹ

Thành công của Trung Quốc mang đến những vấn đề khó khăn lâu dài đối với công nhân Mỹ. Các nhà máy của những năm 1980 và 1990 đã không được xây dựng ở Chicago, mà ở Thâm Quyến. Khi Trung Quốc vươn lên, Mỹ không chống chọi nổi với căn bệnh ‘rỉ sét’: các nhà máy đóng cửa và xuống cấp. Các công việc công nghiệp yêu cầu kỹ năng lành nghề dẫn biến mất khỏi nước Mỹ, trong khi các mặt hàng giá rẻ từ Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ.

Cùng với việc tăng lãi suất ‘điên cuồng’ (đã gây ra cuộc suy thoái sâu rộng ở nước Mỹ đầu những năm 1980) của cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker, đây là một yếu tố khiến lạm phát giảm ở Mỹ. Mức lương thấp hơn rất nhiều của công nhân Trung Quốc và quy mô của lực lượng lao động Trung Quốc đã tạo ra một xu hướng giảm phát chưa từng có tiền lệ cho chủ nghĩa tư bản. Xu hướng này còn được khuếch đại bởi định hướng sản xuất “just-in-time” - có tác dụng giảm thiểu rác thải và tăng chất lượng sản phẩm, nhưng lại khiến các nhà máy trở nên dễ bị tổn thương khi xảy ra các nút thắt trong chuỗi cung ứng.

Mô hình công nghiệp hóa thành công của Thâm Quyến trở thành nỗi đau của Mỹ
Người dân xét nghiệm axit nucleic trong đại dịch COVID-19 ở Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 06/06/2021. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Kết quả là chuỗi cung ứng toàn cầu từng hoạt động hiệu quả nhưng lại rất mong manh. Sự gia tăng lạm phát gần đây chủ yếu là bởi chuỗi cung ứng mong manh này bị phá vỡ bởi COVID-19. Nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt các nguyên liệu đầu vào thiết yếu.

Đây là những yếu tố chính đằng sau mức lạm phát cao ngất ngưởng ở nhiều quốc gia hiện nay. Mặc dù nó có các đặc điểm bề ngoài giống như lạm phát của những năm 1970, nhưng nó được thúc đẩy bởi các yếu tố hoàn toàn khác biệt và khó kiểm soát hơn rất nhiều. Nó không phải là lạm phát của thế hệ trước và sẽ không thể được chữa khỏi theo cách của thế hệ trước như tăng lãi suất hay chuyển sản xuất sang các quốc gia có mức lương thấp.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả - Giáo sư Steve Keen - là một nhà nghiên cứu xuất sắc tại Đại học College London. Các nghiên cứu của ông tập trung vào việc phát triển cách tiếp cận hệ thống phức hợp đối với kinh tế vĩ mô và kinh tế học của biến đổi khí hậu. Ông cũng tham gia chính trường với tư cách là ứng cử viên hàng đầu đại diện cho đảng The New Liberals (một đảng chính trị mới của Úc) ở New South Wales.

Chi Anh

Theo The Epoch Times

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Mô hình công nghiệp hóa thành công của Thâm Quyến trở thành nỗi đau của Mỹ