Mối đe dọa lớn nhất đối với đồng USD là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người ta từng cho rằng Mỹ là pháo đài của sự ổn định và chắc chắn trong một thế giới đầy bất trắc. Tuy vậy, trong vòng chưa đầy 18 tháng, chính phủ của ông Biden đã làm suy giảm niềm tin của thế giới vào Mỹ, từ đó làm suy giảm niềm tin vào đồng USD.

Trong trường hợp quý vị không nhận ra thì tôi muốn nói rằng, thế giới đã bước vào một thời kỳ tương đối bất ổn. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine, tin đồn về chiến tranh giữa Trung Quốc và Đài Loan, và căng thẳng hạt nhân kéo dài liên quan đến Iran và Israel chỉ là một vài trong số rất nhiều bất ổn trên thế giới hiện nay.

Trước tình hình này, nhiều người đã nói rằng trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo đang kết thúc. Tôi chắc chắn nằm trong số những người nghĩ như vậy. Tôi tin đó là sự thật, nhưng không hẳn là không thể tránh khỏi.

Vị thế thống trị của đồng USD

Một trong những dấu ấn quan trọng nhất của sự thống trị về kinh tế và chính trị là sức mạnh đồng tiền của cường quốc. Một quốc gia hùng mạnh thường có một đồng tiền mạnh, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Ví dụ, vào thời Xô Viết, nước Nga khi ấy hùng mạnh, nhưng đồng rúp vẫn không được hầu hết các nước khác sử dụng.

Ngược lại, Mỹ là cường quốc kinh tế, quân sự và ngoại giao thống trị trong thế giới thời hậu chiến. Mỹ mang đến một trật tự và hệ thống tài chính quốc tế mà được đánh giá là đem lại lợi ích cho những người tham gia. Nếu không như thế, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ không bao giờ vận động hành lang, và nói dối, một cách vô cùng tích cực để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo đó, với tư cách là nước dẫn đầu hệ thống thương mại toàn cầu, Mỹ đã khiến đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức đối với quyền bá chủ của Mỹ

Nhưng trong hơn 20 năm qua, Trung Quốc đã vươn lên và thách thức sự thống trị về kinh tế và chính trị của Mỹ. Hiện tại, đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ít nhất là theo con số GDP mà ĐCSTQ cung cấp.

Trung Quốc cũng có những quốc gia ngưỡng mộ họ. Hầu hết không phải là các nền dân chủ, mà là các nước theo phe chuyên chế hơn. Những nước còn lại là những nước từng ngưỡng mộ Trung Quốc, nhưng đã bị lợi dụng bởi bẫy nợ, trở nên mất quyền kiểm soát các nguồn lực trong nước.

Không có gì ngạc nhiên khi tại Thế vận hội Olympic mùa đông Bắc Kinh gần đây, Trung Quốc đã tung ra đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) - đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên của một Ngân hàng Trung ương trên thế giới (CBDC). Nhiều người coi việc ra mắt e-CNY là một thất bại vì số lượng giao dịch loại tiền này tại Thế vận hội không có gì nổi bật.

Nhưng đặt trong một số bối cảnh quan trọng, đó không phải là thất bại. Trung Quốc là quốc gia lớn đầu tiên ra mắt CBDC. Điều này có thể coi là một thành tựu của ĐCSTQ. Đồng thời, e-CNY cũng là công cụ để ĐCSTQ dễ dàng kiểm soát người dân Trung Quốc hơn, vì tiền kỹ thuật số không thực sự thuộc về người kiếm được đồng tiền này. Nó thuộc về ngân hàng nắm giữ và kiểm soát nó bằng một phím bấm.

Và như nhiều người đã chỉ ra, e-CNY có thể thách thức vị trí của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới. Nga chắc chắn đang tham gia vào nỗ lực này, cũng như Iran và các đối tác thương mại khác của Trung Quốc, thậm chí có thể là cả Ảrập Xêút.

Mối đe dọa lớn nhất đối với đồng USD là gì, quyền bá chủ của đồng USD, sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức đối với quyền bá chủ của Mỹ
Một nhân viên lễ tân của khách sạn Prince Ski Town ngồi đằng sau tấm biển chấp nhận đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY), ở Trương Gia Khẩu, Trung Quốc, hôm 04/12/2021. (Ảnh: Andrea Verdelli / Getty Images)

Một trật tự thế giới mới đang được cài đặt

Các sự kiện quan trọng được đề cập ở trên, và nhiều sự kiện khác trên toàn cầu, đã chỉ ra sự thay đổi trong trật tự thế giới và làm dấy lên những giả định về quyền bá chủ của Mỹ trong 7 thập kỷ qua.

Thế giới đang nhanh chóng phân chia thành hai khối: độc tài và dân chủ. Không phải ngẫu nhiên mà các đồng minh chính của Trung Quốc là các quốc gia độc tài có nền kinh tế tương đối phát triển. Các nền dân chủ không muốn dính líu gì đến đồng tiền của Trung Quốc. Tất cả những gì Mỹ phải làm là dẫn dắt thế giới tự do một cách có trách nhiệm bằng các chính sách kinh tế và tài khóa hợp lý.

Nhưng điều đó không xảy ra dưới thời chính phủ của ông Biden.

Thách thức đối với đồng USD không phải là sự bất ổn của thế giới. Trên thực tế, nó hoàn toàn ngược lại. Lịch sử cho thấy khi phần lớn thế giới trở nên bất ổn, dòng tiền của thế giới sẽ nhanh chóng di chuyển đến Mỹ để đảm bảo an toàn.

Nhưng nếu không phải sự bất ổn toàn cầu đang đe dọa Mỹ với tư cách bá chủ toàn cầu và đồng USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu, thì là điều gì?

Đó là sự hoang mang trên toàn cầu.

Điều khiến nhiều quốc gia trên thế giới coi trọng đồng USD là niềm tin của họ vào sức mạnh và sự lãnh đạo của Mỹ. Nhưng giờ đây, thế giới nghi ngờ sâu sắc về khả năng phán đoán, nền kinh tế và sự sẵn sàng của Mỹ trong việc lãnh đạo thế giới và đứng lên chống lại chế độ chuyên chế.

Hãy để tôi nói rõ hơn.

Việc mở rộng phong tỏa trên khắp nước Mỹ trong nhiều tháng không đạt được hiệu quả gì trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19; nhưng nó lại làm gia tăng lo lắng, tự tử, trầm cảm ở trẻ nhỏ.

Việc phong tỏa cũng phá hủy 22% tổng số doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ, vốn tạo ra khoảng 70% việc làm. Hệ quả là tình trạng thất nghiệp hàng loạt, phá hủy cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người Mỹ.

Đó là quyết định của chính phủ Biden. Sau đó, chính phủ liên bang đã chi hơn 5 ngàn tỷ USD cứu trợ đại dịch - một động thái làm suy giảm hơn nữa niềm tin vào chính phủ Mỹ trong việc tôn trọng các giới hạn nợ.

Chính phủ của ông Biden cũng phải chịu trách nhiệm về cuộc rút lui thảm khốc của lực lượng Mỹ ở Afghanistan. Không có áp lực bên ngoài nào khiến điều đó xảy ra theo cách mà nó đã xảy ra. Đó là một quyết định hành pháp dẫn đến việc các đồng minh của Mỹ mất niềm tin vào đất nước này, và khiến các đối thủ của Mỹ không còn kiêng dè gì. Cuộc rút quân đó cũng cung cấp lượng vũ khí trị giá 85 tỷ USD cho các đối thủ của nước Mỹ.

Khi ông Biden nhậm chức, một gallon xăng có giá khoảng 2 USD. Mỹ là nhà sản xuất và xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới. Việc ngừng sản xuất dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trong nước là một trong những điều đầu tiên mà ông Biden làm với tư cách Tổng thống. Hành động này cũng khiến nhiều người hơn nữa mất việc làm.

Đồng thời, chính sách đó khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Chưa hết, Mỹ phải trả cho Nga hàng tỷ USD để mua lượng dầu mà đáng lẽ họ có thể tự sản xuất ở trong nước. Trên toàn nước Mỹ, giá xăng hiện ở mức khoảng 5 USD/gallon.

Mối đe dọa lớn nhất đối với đồng USD là gì, quyền bá chủ của đồng USD, sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức đối với quyền bá chủ của Mỹ
Bảng hiển thị giá xăng ở mức cao hơn 7 USD/gallon tại một trạm xăng ở trung tâm thành phố Los Angeles, California, hôm 09/03/2022. (Ảnh: Frederic J. Brown / AFP qua Getty Images)

Điều này cũng tạo ra lạm phát về nhiên liệu, thực phẩm và bất cứ hàng hóa khác miễn là chúng được vận chuyển từ điểm A đến điểm B. Hơn nữa, các quy định về tiêm vaccine bắt buộc đã khiến những người lái xe tải mất việc, qua đó đẩy giá nhân công lên cao. Không có gì ngạc nhiên khi nền kinh tế Mỹ đang đứng trước cuộc suy thoái. Lạm phát đình trệ hiện là một xác suất cao.

Và sau đó là chính sách về Trung Quốc của chính phủ Biden, hay đúng hơn, chính sách hỗ trợ Trung Quốc của họ. Từ việc nhắm mắt làm ngơ trước các trại lao động nô lệ của ĐCSTQ đến việc cho phép Trung Quốc tiếp tục chiếm giữ các nguồn cung lithium quan trọng trên toàn cầu, không ai ngoài đảng phái của Tổng thống đương nhiệm tin rằng Washington đang đứng lên chống lại Trung Quốc.

Ngay cả Nhật Bản cũng cảm thấy cần phải công khai nhắc nhở chính phủ của ông Biden rằng Mỹ có một thỏa thuận an ninh với các nền dân chủ châu Á - Thái Bình Dương.

Hãy xem xét một việc nữa. Tại thời điểm này, Mỹ đang dựa vào các nhà đàm phán Nga — cũng chính là những người đang hủy diệt Ukraine — để đàm phán với Iran. Tất cả chỉ vì một “thỏa thuận hạt nhân” hoang đường mà vốn không đáng tốn giấy mực để soạn thảo.

Trong vòng chưa đầy 18 tháng, chính phủ của ông Biden đã làm suy giảm niềm tin của thế giới vào Mỹ, làm suy giảm niềm tin vào đồng USD. Và trách nhiệm thuộc về Bắc Kinh ít hơn nhiều so với trách nhiệm thuộc về Washington.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả James R. Gorrie sống tại Nam California. Ông cũng là tác giả của cuốn sách The China Crisis (Cuộc khủng hoảng Trung Quốc) và của nhiều bài đăng trên blog: TheBananaRepublican.com.

Lê Minh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mối đe dọa lớn nhất đối với đồng USD là gì?