Mối tình ngày càng thắm thiết của Phố Wall với Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất chấp các cảnh báo an ninh, tài chính với Trung Quốc, các chính sách mới được tạm hoãn chưa được dỡ bỏ trong hạn chế đầu tư giữa Trung Quốc và Mỹ, bất chấp cuộc điều tra về nguồn gốc virus Vũ Hán được Mỹ tái khởi động hồi cuối tháng Năm vừa qua, các tài phiệt Phố Wall của Mỹ và châu Âu đang lao vào thị trường Trung Quốc, tạo ra mối quan hệ ngày càng thắm thiết với Trung Quốc - miếng xốp hút vốn lớn nhất thế giới này. 

Hôm 25/5 vừa qua, sau khi chính quyền Biden công bố bắt đầu một cuộc điều tra mới về nguồn gốc của virus Vũ Hán, Trung Quốc rất nhanh chóng phản ứng một cách giận dữ. Ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã cáo buộc Mỹ "thao túng chính trị" và "bêu xấu" Trung Quốc.

Nhưng chỉ một ngày trước đó, một mẩu tin trên thị trường tài chính đã kể một câu chuyện khác về mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Goldman Sachs, một biểu tượng của ngành tài chính Mỹ, một tập đoàn đa quốc gia hiện đã thống trị toàn cầu, công bố mối quan hệ hợp tác khăng khít với Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) thuộc sở hữu nhà nước của nền kinh tế này. Thỏa thuận này có thể cho phép tài phiệt Phố Wall thu lợi từ hàng trăm triệu khách hàng Trung Quốc đang gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng.

Kỳ lạ là trong một thời đại mà cuộc cạnh tranh chiến lược, mâu thuẫn địa chính trị ngày một gay gắt giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới, trong khi các chính trị gia và nền kinh tế gắng tách rời khỏi nhau, thì giới tài phiệt tài chính Mỹ lại chưa bao giờ gắn bó chặt chẽ, thắm thiết với sự giàu có của Trung Quốc như lúc này.

Bị thu hút bởi các khoản tiết kiệm chưa được khai thác và thị trường quản lý tài sản đang phát triển, trị giá ước tính 121,6 nghìn Rmb (khoảng 18,9 nghìn tỷ USD) vào năm ngoái, các công ty lâu đời nhất của Phố Wall đang dấn thân sâu hơn bao giờ hết vào đất nước này.

Ngoài Goldman Sachs, đầu tháng 5/2021, BlackRock cho biết họ đã nhận được sự chấp thuận cho quan hệ đối tác quản lý tài sản với Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, trong khi công ty quản lý đầu tư - JPMorgan Asset Management công bố vào tháng 3 có kế hoạch đầu tư 415 triệu USD vào đơn vị tài sản của Ngân hàng Thương gia Trung Quốc. Từ Châu Âu, Amundi và Schroders đã được chấp thuận cho các quan hệ đối tác thuộc sở hữu đa số trong việc quản lý tài sản.

Ông Tuấn Lâm, trưởng bộ phận khách hàng khu vực Châu Á - Nhật Bản tại chi nhánh quản lý tài sản nói với Financial Times: "Trong Goldman Sachs, chúng tôi rất hào hứng từ trên xuống dưới [trong sự kiện hợp tác với Trung Quốc]. Rõ ràng là chúng tôi đã nghĩ về Trung Quốc trong một thời gian dài và với những thay đổi về quy định gần đây và những thay đổi của thị trường, chúng tôi có niềm tin rất cao về cơ hội này”.

Trung Quốc, quốc gia hiện có nhiều tỷ phú hơn Mỹ, đang mở rộng cửa hơn bao giờ hết cho các công ty nước ngoài. Trong 2 năm qua, Trung Quốc, với mục tiêu hút dòng vốn ngoại, đã tự do hóa nhiều yếu tố của hệ thống tài chính, cho phép các định chế, quỹ đầu cơ của Mỹ, Châu Âu tiếp cận nhiều hơn.

Mặc dù Trung Quốc vẫn còn cảnh giác về việc trao cho các tổ chức nước ngoài một vai trò quá lớn, nhưng Bắc Kinh đang mong muốn dựa trên chuyên môn của các định chế tài chính đa quốc gia để giúp xây dựng một cơ sở hạ tầng quản lý các khoản tiết kiệm của nền kinh tế để có thể giúp giải quyết một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học sắp xảy ra do dân số già gây ra.

Trong bối cảnh đó, một số nhà đầu tư cho rằng rủi ro lớn nhất là không thâm nhập đủ nhanh vào Trung Quốc. Nhưng cơ hội lớn này của Trung Quốc không phải là không có thách thức. Cũng như các lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế, tài chính cuối cùng nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ toàn trị, đã cầm quyền kể từ năm 1949.

Việc ĐCSTQ đang cố gắng kiểm soát hơn nữa tư tưởng của khu vực kinh tế tư nhân, đặt để bộ máy của ĐCSTQ vào từng doanh nghiệp của khu vực này, quốc hữu hóa và xóa bỏ hoạt động tài chính của các ông lớn công nghệ tư nhân lớn của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, đánh cắp dữ liệu và bí mật công nghệ của các hãng nước ngoài tại Trung Quốc thông qua phần mềm khai thuế... thực sự là một bài học nhãn tiền cho các định chế tài chính muốn bước chân vào Trung Quốc.

Mối quan hệ thắm thiết này cũng rủi ro trong bối cảnh địa chính trị, nơi căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây bùng phát về các vấn đề từ đại dịch coronavirus đến công nghệ, từ Tân Cương đến Đài Loan.

Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, tóm tắt tâm trạng mới khi ông viết trên tạp chí Foreign Policy vào năm ngoái: “Tại sao. . . Mỹ có nên ưu tiên đàm phán để Trung quốc mở cửa hệ thống tài chính cho Goldman Sachs?”.

Thay đổi văn hóa đầu tư

Liên doanh mới của Goldman Sachs với ICBC, trong đó nó sẽ có đa số cổ phần, nhằm mục đích tăng thêm. Các sản phẩm tiết kiệm của nó ban đầu sẽ hướng đến những người Trung Quốc có nhiều tiền tiết kiệm trong tài khoản và cần các sản phẩm tài chính có đẳng cấp của Mỹ hay Châu Âu quản lý.

David Solomon, Chủ tịch & Giám đốc điều hành của Goldman Sachs phát biểu trong Diễn đàn kinh doanh toàn cầu Bloomberg ở thành phố New York vào ngày 25 tháng 9 năm 2019. (Kena Betancur / AFP qua Getty Images)
David Solomon, Chủ tịch & Giám đốc điều hành của Goldman Sachs phát biểu trong Diễn đàn kinh doanh toàn cầu Bloomberg ở thành phố New York vào ngày 25 tháng 9 năm 2019. (Kena Betancur / AFP qua Getty Images)

Goldman Sachs ước tính 60% tài sản của hộ gia đình Trung Quốc là bất động sản, 24% là tiền mặt và tiền gửi.

Bà Susan Chan, người đứng đầu khu vực châu Á tại BlackRock, hiện đảm nhiệm vị trí điều hành liên doanh với CCB và quỹ nhà nước Temasek của Singapore, cho biết trên Financial Times: “Đó là một quốc gia của những người tiết kiệm, nhưng việc tiết kiệm chủ yếu xảy ra bằng tiền mặt và bất động sản", "Thị trường vốn, cơ sở hạ tầng, cách họ nhìn nhận về quản lý tài sản, vẫn còn tương đối non trẻ".

Đối với Goldman Sachs và BlackRock, quan hệ đối tác tài sản với các ngân hàng Trung Quốc, những định chế lớn, có mạng lưới phân phối rộng lớn, cho phép họ nhanh chóng bán các sản phẩm đầu tư của mình cho những người tiết kiệm ở Trung Quốc, đặc biệt là những người có khoản tiết kiệm lớn. ICBC có 680 triệu khách hàng bán lẻ, nhiều hơn gấp đôi toàn bộ dân số Hoa Kỳ.

Hệ thống ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc, lớn nhất thế giới về quy mô tài sản, đã cung cấp các sản phẩm “quản lý tài sản” cho khách hàng của mình trong nhiều năm, thường là một giải pháp thay thế cho tiền gửi. Nhưng ngành công nghiệp này đã bị tố là tạo ra hệ thống ngân hàng ngầm, thiếu minh bạch, thiếu chuyên nghiệp, đòi hỏi cần có sự tham gia của các đối tác nước ngoài để chuyên nghiệp hóa ngành tài chính này.

Mặc dù các công ty như Goldman có lịch sử hiện diện lâu đời ở Trung Quốc, nhưng những cải cách gần đây đã bao trùm toàn bộ ngành tài chính sẽ cho phép họ mở rộng hơn nữa.

Hiện nay quỹ hưu trí của Trung Quốc chỉ 223 tỷ USD, tương đương với 1.6% GDP trong khi ở Mỹ số tài sản này gấp 11 lần, là 29,2 nghìn tỷ USD, tương đương với 136.2% GDP.

Rủi ro chính trị rất lớn khi kết đôi với Trung Quốc

Đối với các công ty đầu tư quốc tế, Trung Quốc là cơ hội hấp dẫn nhất trên thế giới. Ông Richard Gray, một đối tác về quản lý tài sản và tài sản tại EY, cho biết: “Về cơ bản, Trung Quốc là nơi phát triển, bởi vậy nó rất hấp dẫn". Nhưng ông cũng nói rằng, trong khi các cơ quan quản lý Trung Quốc và các công ty phương Tây cho đến nay vẫn hoạt động trên cơ sở thực dụng, thì rủi ro lớn nhất là môi trường chính trị đang thay đổi. Ông Gray nói rằng các công ty nước ngoài cuối cùng có thể thấy mình “bị ép buộc phải bán thứ mà bạn đã giúp họ tạo ra” hoặc gặp vấn đề trong việc chuyển vốn về nước, nếu họ phạm lỗi với các nhà quản lý.

Ông nói: “Bước vào một thị trường khác, bạn rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý địa phương", “Khi bạn không phải là một phần của câu lạc bộ, không có lá chắn chính trị nào đối với các cơ quan quản lý tốt hơn là sự giúp đỡ của các đối tác địa phương”.

Trong một ví dụ về việc tâm trạng có thể thay đổi nhanh chóng như thế nào, đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào tháng 11 năm ngoái của Ant Group - từng được coi là nhà vô địch quốc gia về fintech - đã bị chính phủ rút lại vào phút cuối.

Lê Minh

Theo Financial Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Mối tình ngày càng thắm thiết của Phố Wall với Trung Quốc