Một ngày sau khi Dow Jones gia nhập thị trường con gấu, chứng khoán Mỹ kết thúc trái chiều

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chỉ số S&P 500 và Dow Jones giảm điểm, trong khi chỉ số Nasdaq tăng điểm, một ngày sau khi Dow Jones gia nhập thị trường con gấu cùng với các chỉ số chính khác, trong bối cảnh thị trường lo ngại cuộc chiến lạm phát sẽ đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi sát sao các thông tin kinh tế sắp được công bố.

Chứng khoán Mỹ hôm thứ 3 kết thúc trái chiều

Một ngày giao dịch lao đao trên Phố Wall đã kết thúc trái chiều đối với các chỉ số chứng khoán Mỹ vào thứ 3 (27/09) khi thị trường chao đảo trong bối cảnh mọi người lo lắng về một cuộc suy thoái có thể xảy ra.

Giao dịch biến động diễn ra một ngày sau khi đợt bán tháo rộng đã đưa Chỉ số Công nghiệp Dow Jones rơi vào thị trường giảm (thị trường con gấu), giống như các chỉ số chính khác của Mỹ.

Vào thứ 3, chỉ số S&P 500 giảm 0,2%, lần giảm thứ sáu liên tiếp. Chỉ số này đã tăng 1,7% trong thời gian đầu trước một đợt giảm điểm vào giữa buổi chiều. Chỉ số Dow giảm 0,4%, trong khi chỉ số tổng hợp Nasdaq tăng 0,2%.

Các chỉ số chính vẫn trong tình trạng sụt giảm kéo dài. Chỉ còn vài ngày nữa là hết tháng 9, chứng khoán đang hướng tới một tháng giảm điểm nữa khi thị trường lo ngại rằng lãi suất cao hơn được áp dụng để chống lạm phát có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Bà Lindsey Bell, trưởng bộ phận chiến lược thị trường và tiền tệ tại Ally Invest cho biết: “Thị trường hiện đang định giá theo hướng tăng trưởng chậm hơn trong tương lai gần vì lãi suất cao hơn và lạm phát kiên trì nóng hơn dự kiến".

Vào thứ 3, S&P 500 giảm 7,75 điểm xuống 3.647,29. Chỉ số Dow giảm 125,82 điểm xuống 29.134,99. Nasdaq tăng 26,58 điểm lên 10.829,50.

Chỉ số S&P 500 giảm khoảng 8% trong tháng 9 và đã ở trong thị trường giảm điểm kể từ tháng 6, khi nó giảm hơn 20% dưới mức cao nhất mọi thời đại được thiết lập vào ngày 04/01. Sự sụt giảm của chỉ số Dow vào thứ 2 (26/09) cũng đưa nó vào cùng loại thị trường với chỉ số chuẩn S&P và chỉ số nặng về công nghệ Nasdaq.

Các Ngân hàng Trung ương trên khắp thế giới đã tăng lãi suất trong nỗ lực làm cho việc đi vay trở nên đắt đỏ hơn và hạ nhiệt tình trạng lạm phát nóng nhất trong nhiều thập kỷ qua. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đặc biệt tích cực trong hoạt động này và tăng tỷ lệ lãi suất chuẩn một lần nữa vào tuần trước, điều ảnh hưởng đến nhiều khoản vay tiêu dùng và kinh doanh. Lãi suất của Fed hiện nằm trong khoảng từ 3% đến 3,25%, trong khi gần như bằng 0 vào đầu năm.

Một ngày sau khi Dow Jones gia nhập thị trường con gấu, chứng khoán Mỹ kết thúc trái chiều
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) tại trụ sở của Cục Dự trữ Liên bang vào ngày 21/09/2022 ở Washington, DC, Mỹ. Powell thông báo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất lên 3/4 điểm phần trăm. (Ảnh: Drew Angerer / Getty Images)

Fed cũng đưa ra một dự báo cho thấy lãi suất chuẩn của họ có thể là 4,4% vào cuối năm, cao hơn 1% so với dự kiến Fed đưa ra ​​vào tháng 6.

Phố Wall lo ngại rằng Fed sẽ hãm phanh quá mạnh đối với một nền kinh tế vốn đã chậm lại và đẩy nó vào suy thoái. Lãi suất cao hơn đang đè nặng lên cổ phiếu, đặc biệt là các công ty công nghệ đắt tiền hơn, có xu hướng kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư khi lãi suất tăng.

Sự thua lỗ của các nhà sản xuất hàng gia dụng, công ty truyền thông và cổ phiếu ngành dịch vụ tiện ích lớn hơn mức tăng ở những nơi khác trên thị trường. Procter & Gamble giảm 2,7%, Disney mất 2,3% và Edison International giảm 2,9%.

Các cổ phiếu năng lượng tăng điểm khi giá dầu Mỹ tăng 2,3%. Exxon Mobil tăng 2,1%.

Cổ phiếu của các công ty nhỏ thể hiện tốt hơn so với thị trường rộng lớn hơn. Chỉ số Russell 2000 (bao gồm các doanh nghiệp vốn hóa nhỏ) đã tăng thêm 6,63 điểm, tương đương 0,4%, đóng cửa ở mức 1.662,51.

Lợi tức trái phiếu hầu hết tăng cao hơn vào thứ 3 (27/09). Lợi tức trên trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 2 năm, có xu hướng phản ánh kỳ vọng về hành động của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, đã giảm xuống 4,31% từ 4,34% vào cuối ngày thứ 2 (26/09). Nó đang giao dịch ở mức cao nhất kể từ năm 2007. Lợi tức của trái phiếu Kho bạc 10 năm, vốn ảnh hưởng đến lãi suất thế chấp, đã tăng lên 3,98% từ mức 3,93%.

Nhà đầu tư theo dõi sát sao thông tin sắp tới

Lo ngại về một cuộc suy thoái đã gia tăng khi lạm phát vẫn dai dẳng ở mức nóng. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi rất chặt chẽ đợt báo cáo thu nhập tiếp theo của công ty để hiểu rõ hơn về cách các công ty đang đối phó với lạm phát. Các công ty sẽ bắt đầu báo cáo kết quả hàng quý mới nhất của họ vào đầu tháng 10.

Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát sao các thông tin cập nhật kinh tế mới nhất. Niềm tin của người tiêu dùng vẫn mạnh mẽ, mặc dù giá cả mọi thứ từ thực phẩm đến quần áo đều cao hơn. Báo cáo niềm tin người tiêu dùng mới nhất cho tháng 9 từ The Conference Board cho thấy niềm tin thậm chí còn mạnh hơn dự kiến ​​của các nhà kinh tế.

Chính phủ Mỹ sẽ công bố báo cáo hàng tuần về trợ cấp thất nghiệp vào thứ 5 (29/09), cùng với một báo cáo cập nhật về tổng sản phẩm quốc nội quý II. Vào thứ 6 (30/09), chính phủ Mỹ sẽ công bố một báo cáo khác về thu nhập và chi tiêu cá nhân sẽ giúp cung cấp thêm thông tin chi tiết về việc lạm phát đang ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng ở chỗ nào và như thế nào.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Một ngày sau khi Dow Jones gia nhập thị trường con gấu, chứng khoán Mỹ kết thúc trái chiều