Một quỹ đầu cơ của Mỹ vỡ nợ, thị trường chứng khoán Trung Quốc lao đao

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một quỹ phòng ngừa rủi ro gia đình 10 tỷ USD của Mỹ mới đây đã sụp đổ, buộc phải bán tháo tài sản vì lệnh ngừng ký quỹ do vay nợ quá lớn. Vụ vỡ nợ thổi bay hàng tỷ USD trên cả thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ và Trung Quốc, đến nay vẫn chưa có hồi kết…

Archegos Capital Management được thành lập năm 2013, bởi CEO của Quỹ Tiger Asia, vốn có thâm niên hoạt động trên Phố Wall từ 1988. Archegos Capital Management được thành lập sau khi Quỹ Tiger Asia bị kết luận là tham gia vào các giao dịch nội gián thao túng giá cổ phiếu của 04 ngân hàng thương mại lớn nhất Trung Quốc năm 2012. Tiger Asia thậm chí còn bị cấm hoạt động trên thị trường chứng khoán Hong Kong 4 năm sau đó.

Hiện tại Archegos Capital Management là một quỹ đầu cơ gia đình với khối tài sản 10 tỷ USD, nhưng giữ vị thế bán với khối tài sản là 50 tỷ USD, hoạt động tại thị trường chứng khoán New York Mỹ (theo Reuters).

'Trạng chết Chúa cũng băng hà'

Vào ngày 26 tháng 3 năm 2021 vừa qua, Archegos vỡ nợ do các lệnh dừng ký quỹ (margin call) từ một số ngân hàng đầu tư toàn cầu, bao gồm Credit Suisse và Nomura Holdings, cũng như Goldman Sachs và Morgan Stanley. Những ngân hàng này cũng chính là những tổ chức cho quỹ Archegos vay để đầu cơ. Theo Bloomberg, tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản của quỹ này chỉ đạt mức 1:5, vốn rất rủi ro.

Sự sụp đổ bất thường này diễn ra khi thị trường thanh khoản tốt, giá cổ phiếu tăng chóng mặt, lạm phát chưa tăng, lãi suất cực thấp, các công cụ khuyến khích nợ vẫn đang hết sức mở rộng cửa cho mọi nhà đầu tư cá nhân và tổ chức… Bất chấp bối cảnh “đẹp như mơ” của giới đầu cơ và đầu tư tại Mỹ cũng như toàn cầu, cơ cấu vốn và tài sản của Archegos Capital Management yếu ớt đến mức quỹ phòng ngừa rủi ro này mất khả năng trả nợ, bị tổ chức môi giới ra lệnh dừng ký quỹ (margin call) và thất bại trong việc thanh lý tài sản (chính là các cổ phiếu đang nắm giữ) để giảm tỷ lệ ký quỹ.

Bên cạnh đó, việc một quỹ đầu cơ nhỏ của Mỹ trên Phố Wall vỡ nợ đã khiến khối lượng cổ phiếu mà quỹ này đang giữ bị bán tháo trên TTCK của cả Mỹ và Trung Quốc.

Theo Business Insider, quỹ này đang bán tháo ra thị trường 20 tỷ USD cổ phiếu đang nắm giữ gồm các hãng truyền thông Mỹ, các doanh nghiệp công nghệ lớn của Trung Quốc. Khối lượng bán tháo khủng đã khiến TTCK Mỹ và Trung Quốc bay mất nhiều tỷ USD chỉ trong vài ngày.

Một số ngân hàng, bao gồm Credit Suisse và Nomura, đã cảnh báo về những thiệt hại đáng kể đối với kết quả kinh doanh quý I/2021 của họ do sự sụp đổ của một quỹ đầu cơ của Mỹ là Archegos Capital Management do tỷ phú Bill Hwang điều hành, đã buộc phải thanh lý hơn 20 tỷ USD tài sản sau khi vỡ nợ trong các lệnh dừng ký quỹ vào tuần trước. (Ảnh của Chris J Ratcliffe / Getty Images)
Một số ngân hàng, bao gồm Credit Suisse và Nomura, đã cảnh báo về những thiệt hại đáng kể đối với kết quả kinh doanh quý I/2021 của họ do sự sụp đổ của một quỹ đầu cơ của Mỹ là Archegos Capital Management do tỷ phú Bill Hwang điều hành, đã buộc phải thanh lý hơn 20 tỷ USD tài sản sau khi vỡ nợ trong các lệnh dừng ký quỹ (Ảnh của Chris J Ratcliffe / Getty Images)

Morgan Stanley và Goldman Sachs, các broker của Archegos, đã gây ấn tượng mạnh vào thứ Sáu (ngày 26/3) với doanh số bán hàng (cổ phiếu mà Archegos có vị thế bán) khổng lồ.

Morgan Stanley được cho là đã bán khoảng 13 tỷ USD cổ phiếu trong các công ty như nhà điều hành trình duyệt Internet Trung Quốc Baidu (BIDU), công ty dạy kèm trực tuyến Trung Quốc GSX Techedu (GSX), trang thương mại điện tử hàng xa xỉ Farfetch có trụ sở tại London. (FTCH) và kênh truyền hình Discovery (DISCA).

Goldman Sachs được cho là đã bán được 6,6 tỷ USD cổ phiếu của Baidu, "Google của Trung Quốc", công ty có hệ thống cửa hàng giảm giá trực tuyến Trung Quốc VIPShop Holdings (VIPS) và công ty công nghệ truyền thông trực tuyến Tencent Music Entertainment (TME), một liên doanh giữa Spotify (SPOT) và gã khổng lồ trò chơi Trung Quốc và chủ sở hữu siêu thị WeChat là Tencent Holdings (TCTZF).

Cổ phiếu của Baidu đã giảm 5% tại sàn giao dịch Hong Kong vào thứ Hai (ngày 29/3). Baidu đã tiến hành niêm yết thứ cấp tại thành phố này vào tuần trước, huy động được 23,7 tỷ đô la Hong Kong (3 tỷ USD).

Bilibili (BILI), nhà sản xuất trò chơi điện tử Trung Quốc niêm yết trên sàn Nasdaq, bắt đầu giao dịch tại Hong Kong vào thứ Hai với đợt chào bán thứ cấp - thu được 20,2 tỷ đô la Hong Kong (2,6 tỷ USD). Cổ phiếu của Bilibili (HK: 9626) mất 1,0% để đóng cửa ở mức giá 800 đô la Hong Kong - giảm so với mức giá "may mắn" của họ là 808 đô la Hong Kong. Đó là một ngày không may mắn khi bắt đầu giao dịch.

Trong làn sóng rủi ro vỡ nợ doanh nghiệp, làn sóng thanh trừng các tập đoàn tài chính công nghệ lớn trong nước, các công ty công nghệ Trung Quốc rơi vào cảnh "hoạ vô đơn chí" khi Phố Wall có "kẻ vỡ nợ". Giá cổ phiếu của doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc mà quỹ phòng ngừa rủi ro Archegos Capital Management đang phải bán tháo sụt giá thê thảm.

Sự kiện này dường như nhắc nhở Trung Quốc rằng khi tiền giá rẻ ngập Phố Wall, Trung Quốc sẽ không chỉ là kẻ hưởng lợi mà cũng đồng thời là kẻ gánh rủi ro trực tiếp từ bong bóng tài sản do dòng tiền này tạo nên. Bởi thế, khoản tiền khổng lồ 1,9 nghìn tỷ USD của chính quyền ông Biden và các chương trình “nới lỏng định lượng” của Fed sẽ không hề dễ chịu với một nền kinh tế đang chất chứa quá nhiều bong bóng tài sản, bất cân đối vốn như Bắc Kinh.

Thập kỷ 'rủi ro' được chào đón

Sự sụt giảm của Archegos Capital được sử dụng đòn bẩy cao là tín hiệu mới nhất cho thấy sự khao khát chấp nhận rủi ro của các nhà đầu tư vẫn chưa thể thỏa mãn, ngay cả sau một đợt tăng giá đã nâng chỉ số S&P 500 lên khoảng 80% trong một năm.

Tác động của những rắc rối của quỹ đầu cơ cho đến nay dường như chỉ giới hạn ở một số ít cổ phiếu - từ ViacomCBS và Discovery đến cổ phiếu của các ngân hàng đầu tư đã giao dịch với quỹ, chẳng hạn như Credit Suisse, hay các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc. Dù tác động chưa lớn nhưng đủ để làm bay hàng tỷ USD trên hai TTCK của hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này.

Giải thích khả năng đổ vỡ của Archegos Capital Management, Reuters cho rằng tâm trạng của các nhà đầu tư đã "hưng phấn quá mức" vì chính sách nới lỏng tài khoá và tiền tệ vô hạn độ, lãi suất cực thấp; cũng như hứa hẹn không tăng lãi suất của Fed đã khiến các nhà đầu tư, đầu cơ chấp nhận rủi ro quá mức cho phép, lờ đi mọi cảnh báo bong bóng giá trên thị trường tài sản.

Trong số đó, các quỹ đầu cơ dường như thèm muốn mạnh mẽ đối với các công ty thâu tóm có mục đích đặc biệt (SPAC) và sự phổ biến của tiền điện tử như Bitcoin. Và mức tăng 850% đối với cổ phiếu của GameStop, được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư bán lẻ với sự trợ giúp của các tùy chọn trên các trang web như WallStreetBets của Reddit - là một ví dụ minh chứng cho điều đó.

“Tôi đoán là chúng ta sẽ thấy một loạt các ví dụ này và chúng ta sẽ nhìn lại điều này trong vài năm nữa và nói rằng đây là một thời kỳ chấp nhận rủi ro phổ biến rộng rãi khi các tiêu chuẩn bị hạ thấp,” Andrew Beer từ Công ty đầu tư Dynamic Beta (theo Reuters)

David Solomon, Chủ tịch & Giám đốc điều hành của Goldman Sachs phát biểu trong Diễn đàn kinh doanh toàn cầu Bloomberg ở thành phố New York vào ngày 25 tháng 9 năm 2019. (Kena Betancur / AFP qua Getty Images)
David Solomon, Chủ tịch & Giám đốc điều hành của Goldman Sachs phát biểu trong Diễn đàn kinh doanh toàn cầu Bloomberg ở thành phố New York vào ngày 25 tháng 9 năm 2019. (Kena Betancur / AFP qua Getty Images)

Theo nghiên cứu của Goldman Sachs, cổ phiếu là tài sản tài chính hiện chiếm 50% tổng tài sản do các hộ gia đình, quỹ tương hỗ, quỹ hưu trí và nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ. Tỷ trọng này đã đạt mức cao kỷ lục kể từ bong bóng công nghệ hai thập kỷ trước.

Theo dữ liệu từ Trade Alert, nhiều nhà đầu tư đang dùng đòn bẩy để tăng quy mô đầu tư chứng khoán thông qua quyền chọn. Khối lượng giao dịch quyền chọn cổ phiếu tăng 85% vào năm ngoái so với năm 2017 (theo Trade Alert).

Và sau một đợt giảm giá vào tháng 3 năm ngoái, cả các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân đều nhìn thấy cơ hội đầu cơ vàng phía trước, do chính sách bơm tiền cứu trợ trong đại dịch. Gần 51% nhà đầu tư cá nhân tin rằng cổ phiếu sẽ tăng trong ngắn hạn, so với mức trung bình lịch sử là 38%, theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội các nhà đầu tư cá nhân Hoa Kỳ.

Kích thích kinh tế là tội đồ?

Nhiều nhà đầu tư đã biện minh cho sự lạc quan bằng cách chỉ ra số lượng lớn tiền bơm vào nền kinh tế qua các chương trình kích thích kinh tế chưa từng có do Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và các nhà lập pháp Hoa Kỳ đưa ra, cũng như việc triển khai vaccine COVID-19 trên toàn quốc.

Các quan chức Fed trước đó đã báo hiệu rằng họ kỳ vọng tăng trưởng 6,5% trong năm nay, nếu đạt được Mỹ sẽ đánh dấu mức mở rộng nhanh nhất kể từ những năm 1980, so với mức giảm 3,5% vào năm 2020 (mức suy thoái hàng năm mạnh nhất trong hơn 7 thập kỷ của nền kinh tế số một thế giới)

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda cho biết “con đường tăng giá của chứng khoán Mỹ sẽ phức tạp và chứa đầy rủi ro mới, nhưng chứng khoán Mỹ có thể sẽ kết thúc vào năm 2021 bằng một mức giá mới cao hơn nhiều so với mức kỷ lục 2020” (theo Reuters).

Nhưng niềm tin rằng thị trường sẽ tiếp tục tăng có thể khiến một số nhà đầu tư chấp nhận rủi ro như lạm dụng đòn bẩy, giúp tăng lợi nhuận, nhưng cũng có thể dẫn đến thua lỗ nếu giao dịch đi sai hướng.

Những rắc rối của Archegos Capital có thể là một ví dụ cho thấy lưỡi dao thứ hai của “đòn bẩy tài chính” sắc bén cỡ nào.

Quỹ đã mua các công cụ phái sinh được gọi là hoán đổi tổng lợi nhuận - cho phép các nhà đầu tư đặt cược vào biến động giá cổ phiếu mà không cần sở hữu chứng khoán cơ sở, theo một nguồn tin quen thuộc với các giao dịch. Đây là một dạng giao dịch bán khống.

Ilya Feygin, chiến lược gia cấp cao tại WallachBeth Capital cho biết: “Tâm lý chắc chắn đã chuyển sang rất lạc quan vào năm 2021. Khi mọi người trở nên rất tự tin, bạn biết điều gì sẽ xảy ra - họ chấp nhận rủi ro nhiều hơn".

Hữu Nguyên

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Một quỹ đầu cơ của Mỹ vỡ nợ, thị trường chứng khoán Trung Quốc lao đao