Mức lạm phát kỷ lục mới không phản ánh hết cuộc sống đắt đỏ của người dân Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thực tế là, các sản phẩm tăng giá mạnh nhất trên thị trường Mỹ cũng chính là các sản phẩm thiết yếu đối với người dân, như thực phẩm hay năng lượng. Đồng thời, các sản phẩm này cũng đang gặp vấn đề về nguồn cung. Không những thế, mức lạm phát cao được dự đoán sẽ còn kéo dài.

Thực tế cuộc sống đắt đỏ của người Mỹ

Con số lạm phát trong tháng 6 là 9,1%, tăng nửa điểm phần trăm so với tháng trước và đang ở mức cao nhất kể từ năm 1981. Tuy nhiên, điều này không thể hiện hết cuộc sống đắt đỏ mà người dân Mỹ đang phải gánh chịu. Con số lạm phát tổng thể che giấu một thực tế là không phải tất cả các mặt hàng đều tăng giá đồng đều. Các sản phẩm đang trở nên đặc biệt đắt đỏ cũng chính là những thứ mà mọi người thường không thể thiếu, chẳng hạn như thực phẩm, nhiên liệu và năng lượng, theo dữ liệu Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) do Cục Thống kê Lao động (BLS) công bố.

Trong số các loại thực phẩm, giá bơ thực vật và trứng tăng cao nhất trong 12 tháng tính tới tháng 6, với mức tăng lần lượt hơn 34 và 33%. Xếp sau là bơ (tăng hơn 21%), bột mì (tăng hơn 19%) và thịt gà (hơn 18%). Sữa và cà phê tăng khoảng 16%.

Giá xăng thông thường tăng hơn 60%, dầu diesel tăng khoảng 76% và dầu nhiên liệu, thứ nhiều người Mỹ sử dụng để sưởi ấm căn nhà của họ, đã tăng giá gần gấp đôi. Khí đốt tự nhiên tăng hơn 38% và điện tăng gần 14%.

Tòa Bạch Ốc, thông qua tài khoản Twitter của Tổng thống Joe Biden, cho rằng số liệu lạm phát ở mức “không thể chấp nhận được”, nhưng lại là “đã quá cũ” vào ngày 13/07, lưu ý rằng giá xăng đã giảm khoảng 40 xu / gallon (khoảng 8%) trong 30 ngày qua.

Một số mặt hàng có vẻ đã vượt qua đỉnh điểm về giá. Ví dụ, thịt bò bít tết tăng hơn 30% từ tháng 10/2019 đến tháng 10/2021, nhưng đã giảm khoảng 5% kể từ đó. Tương tự, giá thuê ô tô và xe tải đã tăng hơn 70% từ tháng 07/2020 đến tháng 07/2021, nhưng sau đó đã giảm khoảng 11%.

Ở chiều giảm giá, giá điện thoại thông minh giảm 20% và giá TV giảm gần 13% trong tháng 6. Tuy nhiên, có một vấn đề đối với những con số đó: BLS thực hiện “điều chỉnh về chất lượng thụ hưởng” đối với giá của một số sản phẩm nhất định có sự thay đổi về chất lượng. Ví dụ: nếu một phiên bản cũ của iPhone không còn được bán nữa và được thay thế bằng một phiên bản mới, có cùng mức giá, nhưng có nhiều tính năng cao cấp hơn, BLS sẽ điều chỉnh giá điện thoại gỉam đi. BLS lập luận, người tiêu dùng đang nhận được nhiều lợi ích hơn khi bỏ ra cùng số tiền.

Viễn cảnh lạm phát cao kéo dài

Các sản phẩm có xu hướng tăng giá mạnh nhất cũng đang gặp phải vấn đề về nguồn cung. Việc sản xuất xăng bị hạn chế bởi các chính sách của chính quyền Biden và giới tinh hoa tài chính nói chung khi họ nỗ lực hạn chế lượng khí thải carbon. Sản lượng trứng đã bị hạn chế bởi dịch cúm gia cầm bùng phát khiến số lượng gà đẻ giảm khoảng 8% trong những tháng gần đây. Sản xuất ngũ cốc đang bị ảnh hưởng bởi giá phân bón cao ngất trời và tình trạng thiếu thuốc diệt cỏ. Giá ngũ cốc cao hơn không chỉ ảnh hưởng tới các mặt hàng bánh và bột mì, mà còn ảnh hưởng tới thức ăn chăn nuôi, và sau đó sẽ tác động đến giá thịt và sữa.

Mức lạm phát kỷ lục mới không phản ánh hết cuộc sống đắt đỏ của người dân Mỹ
Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời câu hỏi từ các phóng viên sau khi phát biểu về lạm phát và nền kinh tế tại Thính phòng Sân phía Nam trong khuôn viên Tòa Bạch Ốc ngày 10/05/2022 ở Washington, DC. (Ảnh: Drew Angerer / Getty Images)

Thông thường, người tiêu dùng phản ứng với giá cao hơn bằng cách thắt chặt hầu bao - giảm mức tiêu thụ - điều dẫn đến giảm giá. Tuy nhiên, do các gói chi tiêu liên bang hoang phí trong đại dịch COVID-19, nhu cầu của người tiêu dùng đã được thổi phồng một cách giả tạo. Một số nhà kinh tế đã dự đoán rằng giá sẽ tăng tương đối mạnh trong một hoặc hai năm nữa trước khi năng lực sản xuất của nền kinh tế cân bằng với tất cả lượng tiền mới được in ra.

Bảo Nguyên

Theo Petr Svab - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mức lạm phát kỷ lục mới không phản ánh hết cuộc sống đắt đỏ của người dân Mỹ