Mức tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ giảm sâu nhất kể từ sau Đại suy thoái kinh tế 2009, chỉ đạt mức 4,8%/năm trong quý 1/2020

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán đã khiến nền kinh tế Hoa Kỳ rơi vào tình trạng “co thắt” tăng trưởng kinh tế hàng quý nghiêm trọng nhất, kể từ sau cuộc Đại suy thoái năm 2009. Vào ngày 29 tháng 4, Bộ Thương mại thông báo rằng mức tăng trưởng trong quý I/2020 giảm về mức 4,8%/năm.

"Sự suy giảm GDP trong quý đầu tiên của năm nay, một phần là do ảnh hưởng bởi sự lây lan của COVID-19", Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng quý tính theo tỷ lệ hàng năm điều chỉnh theo mùa (thường được viết tắt là SAAR QoQ), chỉ là một tỷ lệ được ước tính trước và có thể sửa đổi.

Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2020, con số GDP đã xuất hiện rất “ảm đạm”, sau khi nền kinh tế tăng trưởng ở mức 2,1% trong 3 tháng cuối năm 2019. Chi tiêu tiêu dùng (tổng số tiền chi cho hàng hóa và dịch vụ cuối cùng của các cá nhân và hộ gia đình) đóng vai trò là thành phần chính của sản lượng kinh tế Hoa Kỳ, và chiếm 2/3 của các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, chi tiêu tiêu dùng đã giảm mạnh, trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh đều “đóng cửa”, nhằm mục đích ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm phổi Vũ Hán.

“Nền kinh tế rơi vào tình trạng rơi tự do, chúng ta có thể sẽ phải tiếp cận một điều gì đó tồi tệ hơn nhiều so với một sự suy thoái kinh tế sâu sắc. Ngay bây giờ, hãy nói về một quá trình phục hồi. Chúng ta sẽ chứng kiến ​​rất nhiều vụ phá sản đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, Sung Won Sohn, giáo sư kinh tế kinh doanh tại Đại học Loyola Marymount ở Los Angeles cho biết.

Các doanh nghiệp dọc theo đường Fillmore tại bang San Francisco đóng cửa, vào ngày 8 tháng 4 năm 2020. (Justin Sullivan / Getty Images)

Bộ Thương mại cho rằng đại dịch đã phần nào gây ra sự sụt giảm mạnh về sản lượng kinh tế

“Sự suy giảm GDP trong quý đầu tiên, một phần là do nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi sự lây lan của dịch viêm phổi Vũ Hán, khi các chính phủ đã ban hành lệnh ‘hãy ở nhà’ vào tháng 3/2020. Điều này dẫn đến những thay đổi nhanh chóng về nhu cầu, khi các doanh nghiệp và trường học chuyển sang làm việc từ xa hoặc hủy bỏ các hoạt động; và người tiêu dùng đã hủy bỏ, hạn chế hoặc chuyển hướng chi tiêu của họ”, Bộ Thương mại cho biết.

Bộ này cũng lưu ý rằng số liệu GDP quý đầu tiên này không phản ánh đầy đủ tác động của đại dịch đối với nền kinh tế, vì các phương pháp tính toán và nguồn số liệu đã không thể hiện hoàn toàn những thay đổi trong hoạt động kinh tế diễn ra vào cuối quý.

Quý II/2020 dự kiến ​​sẽ ‘gánh chịu’ sự sụp đổ kinh tế do dịch bệnh bùng phát

Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên này gặp phải “sự co lại” sâu nhất kể từ Đại suy thoái năm 2009, mức tăng trưởng của quý II/2020 dự kiến ​​sẽ “gánh chịu” gánh nặng của sự sụp đổ kinh tế do dịch bệnh bùng phát.

Vào ngày 27 tháng 4, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết rằng nền kinh tế Hoa Kỳ có thể phải trải qua sự sụt giảm lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái, dự đoán rằng sự sụt giảm về sản lượng trong quý II/2020 có thể lên tới 30%.

“Bạn có thể nhìn vào thứ gì đó như tỷ lệ tăng trưởng -20% đến -30% trong quý hai này. Đó là con số âm lớn nhất mà chúng ta từng thấy kể từ thời Đại suy thoái”, ông Hassett phát biểu trên CNBC.

Tỷ lệ thất nghiệp đã gia tăng ở đất nước này, với hơn 26 triệu việc làm bị mất trong 5 tuần qua, nguyên nhân là do các lệnh phong tỏa được áp đặt nhằm giảm thiểu sự bùng phát của virus Corona Vũ Hán - loại virus bắt nguồn từ Trung Quốc vào khoảng cuối năm 2019.

Ông Hassett tin rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể đạt từ 16% đến 20% trong quý II/2020, ông nói với CNN vào ngày 28 tháng 4.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đưa ra dự đoán rằng nền kinh tế có thể hồi phục vào khoảng cuối mùa hè, khi các bang dần gỡ bỏ lệnh phong tỏa và cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại.

“Khi các bang bắt đầu mở cửa, tôi nghĩ rằng bạn sẽ thấy rất nhiều nhu cầu quay trở lại. Một lần nữa, các bang sẽ dần mở cửa, vì vậy bạn sẽ thấy rằng thị trường sẽ sôi động vào tháng 6 và tháng 7/2020, nhưng tôi nghĩ rằng đến tháng 8 và tháng 9/2020, bạn sẽ thấy một sự phục hồi lớn từ giai đoạn khó khăn này”, ông Mnuchin nói với Fox Business Network.

Một người biểu tình đang giơ một biểu ngữ tại Tòa nhà Đại hội Bang Virginia ở Richmond vào ngày 16 tháng 4 năm 2020. (Zach Gibson / Getty Images)

Chính phủ Hoa Kỳ đã cung cấp 4 gói cứu trợ khẩn cấp, trị giá khoảng 3 nghìn tỷ USD, để thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát tại đất nước này, và các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra.

Cục Dự trữ Liên bang đã cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0 và triển khai lại “bộ công cụ” tài chính thời kỳ khủng hoảng trên phạm vi rộng, nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính, với mục tiêu mang lại cho nền kinh tế cơ hội tốt nhất để phục hồi sau khi đại dịch giảm dần.

Tại một sự kiện ở Nhà Trắng vào ngày 28 tháng 4, Tổng thống Trump cho biết rằng ông hy vọng quý IV/2020 sẽ “thực sự mạnh mẽ và tôi nghĩ năm tới sẽ là một năm tuyệt vời”.

“Quý II này thì là như thế, nhưng quý III/2020 sẽ là một quý chuyển tiếp”, ông Trump nói.

Tâm An

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mức tăng trưởng của nền kinh tế Hoa Kỳ giảm sâu nhất kể từ sau Đại suy thoái kinh tế 2009, chỉ đạt mức 4,8%/năm trong quý 1/2020