Mỹ cần học theo Đài Loan tăng cường đối phó 'gián điệp nhân tài' của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đài Loan đang đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn hành vi gián điệp nhân tài của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp chất bán dẫn của nước này. Hậu quả xảy ra nếu Trung Quốc kiểm soát được ngành sản xuất này là rất nghiêm trọng. Mỹ cần học theo Đài Loan trong nỗ lực chống lại việc bị Trung Quốc trộm cắp tài sản trí tuệ.

Đài Loan đang có những động thái mạnh mẽ để đối phó với hoạt động gián điệp nhân tài của Trung Quốc. Những gián điệp này đánh cắp các công nghệ nhạy cảm bằng cách rình rập tìm cách thuê lại nhân viên từ các công ty và trường đại học nước ngoài, lợi dụng và sau đó bỏ rơi họ.

Những kẻ ăn trộm phục vụ cho Trung Quốc đang cố gắng chiếm được tài sản quý giá của Đài Loan — công nghệ của nước này, đặc biệt là công nghệ chip máy tính — sẽ bị tống vào tù và phải nộp phạt lên tới hàng trăm nghìn USD.

Mỹ cũng là nạn nhân của hoạt động gián điệp tài năng, góp phần khiến nước này bị thiệt hại lên tới 600 tỷ USD hàng năm do hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc trong nhiều năm qua. Các nỗ lực của Mỹ để ngăn chặn hành vi trộm cắp này cho đến nay là không thành công. Do vậy, những đạo luật cứng rắn hơn của Đài Loan có thể là thứ nước Mỹ có thể tham khảo.

Đài Loan đẩy mạnh các biện pháp đối phó với gián điệp nhân tài của Trung Quốc

Một bài báo mới trên trang Reuters của Yimon Lee và Sarah Wu trình bày chi tiết về các gián điệp nhân tài của Trung Quốc và chiến lược của Đài Loan để đối phó với họ.

Các tác giả viết: “Những nhân viên truy lùng gián điệp của Đài Loan đã tiến hành điều tra khoảng 100 công ty Trung Quốc bị nghi là đã tiếp cận trái phép các kỹ sư bán dẫn và các nhân tài công nghệ khác, một quan chức cấp cao tại Cục Điều tra của hòn đảo này nói với Reuters".

Ngoài 100 công ty Trung Quốc đang bị điều tra, 7 công ty đã bị truy tố từ đầu năm 2021 và 27 công ty đã bị khám xét hoặc có chủ sở hữu bị Cục Điều tra Đài Loan triệu tập để thẩm vấn.

Đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, quan chức này nói với Reuters.

“Tháng trước, Cục Điều tra đã tiến hành một chiến dịch lớn nhất từ ​​trước đến nay - khám xét 8 công ty nhằm phát hiện ‘các hoạt động đánh cắp nhân tài và ăn cắp bí mật bất hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc’", theo tác giả Lee và Wu.

Trong một cuộc điều tra, các nhà chức trách cho rằng một công ty ở Thượng Hải đang điều hành một công ty phân tích dữ liệu được cho là của Đài Loan. Công ty Thượng Hải bị cáo buộc sử dụng công ty bình phong để gửi bản thiết kế chip của Đài Loan tới Trung Quốc, theo lời hai quan chức nói với Reuters.

Cơ quan đã theo dõi công ty bình phong nói trên trong gần một năm, sau đó yêu cầu chủ sở hữu đến để thẩm vấn. Hiện người chủ sở hữu đã được tại ngoại.

Một thủ thuật khác mà các công ty bình phong của Trung Quốc sử dụng là thành lập công ty tại các thiên đường thuế như Quần đảo Cayman, gây khó khăn cho việc phát hiện nguồn tiền từ Trung Quốc của các công ty này.

Theo Reuters, các bị cáo tới từ một công ty có liên quan tới nhà nước Trung Quốc tên là Tongfu Microelectronics đã bị kết án vào tháng 1. Công ty bị cáo buộc có một văn phòng bất hợp pháp với các nhân viên nhận thanh toán chuyển khoản qua các tài khoản nước ngoài thông qua một công ty con có trụ sở tại Hong Kong.

 

Mỹ cần học theo Đài Loan tăng cường đối phó gián điệp nhân tài của Trung Quốc
Nhân viên làm việc tại công ty TongFu Microelectronics (TFME) ở Nam Thông thuộc tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc vào ngày 14/11/2020 (Ảnh: Feature China / Future Publishing qua Getty Images)

“Công ty Starblaze Technology có trụ sở tại Bắc Kinh, một công ty thiết kế vi mạch tích hợp (IC), đã bị cáo buộc điều hành trái phép một trung tâm R&D ở trung tâm công nghệ Tân Trúc", theo tác giả Lee và Wu.

“Công ty bị cho là đã tiến hành các cuộc phỏng vấn việc làm thông qua Zoom và dùng một công ty H0ng K0ng để xử lý việc trả lương và bảo hiểm, theo các tài liệu của tòa án đã được Reuters xem xét”. Công ty này hiện đang hầu tòa.

Luật pháp Đài Loan cấm Trung Quốc đầu tư vào thiết kế chip và hạn chế việc đầu tư của nước này vào việc đóng gói chip. Thật không may, Đài Loan cũng có những kẽ hở, cho phép các kỹ sư Đài Loan tới Trung Quốc, nơi có mức lương cao gấp ba lần lương ở địa phương, cùng các đặc quyền như dịch vụ chăm sóc trẻ em, mát-xa và phòng tập thể dục, theo một nguồn tin của Reuters.

Một trong những công ty Trung Quốc như vậy là Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC), đang cố gắng — và hiện vẫn thất bại — trong việc cạnh tranh với Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC).

Các tác giả viết: “Những người sẵn sàng làm việc cho Trung Quốc có nguy cơ không thể tìm lại được việc làm tại các công ty công nghệ Đài Loan cũng như bị công chúng chỉ trích. Một số giám đốc điều hành cấp cao của TSMC từng làm việc cho SMIC ở Trung Quốc đã bị báo chí Đài Loan coi là kẻ phản bội”.

Nên như vậy, thậm chí thế là còn chưa đủ.

Chính quyền Đài Loan có kế hoạch tăng hình phạt đối với hoạt động săn trộm nhân tài của Trung Quốc. Hình phạt có thể lên đến ba năm tù và số tiền phạt tối đa là 520.525 USD. Việc tiết lộ công nghệ chip máy tính cốt lõi sẽ sớm trở thành hành vi vi phạm luật an ninh quốc gia.

Luật pháp của Đài Loan cần có sự cứng rắn hơn vì chip máy tính của Đài Loan là một mục tiêu hấp dẫn đối với các gián điệp của Trung Quốc. Khoảng 92% việc sản xuất chip tiên tiến trên thế giới được thực hiện ở Đài Loan.

Hậu quả nếu Trung Quốc kiểm soát được việc sản xuất chip tiên tiến

Mỹ cần học theo Đài Loan tăng cường đối phó gián điệp nhân tài của Trung Quốc
Trụ sở chính của Tập đoàn Sản xuất Chất bán dẫn Quốc tế (SMIC) tại Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 23/03/2021. SMIC sẽ xây dựng một nhà máy trị giá 2,35 tỷ USD do chính quyền tài trợ, dự án lớn đầu tiên nằm trong kế hoạch tổng thể của Trung Quốc nhằm sánh ngang với Mỹ trong lĩnh vực sản xuất chip tiên tiến. (Ảnh: Qilai Shen / Bloomberg qua Getty Images)

Trung Quốc cũng đang cố gắng làm chủ việc sản xuất chip toàn cầu thông qua các công ty bình phong khác.

Một công ty con của China’s Wingtech tại Hà Lan gần đây đã mua lại công ty Newport Wafer Fab của Anh, bất chấp tình trạng thiếu chip đang khiến việc sản xuất xe cộ tại các nhà máy ở Anh bị đình trệ.

Nếu Trung Quốc có thể sở hữu việc sản xuất những con chip tốt nhất, nước này có thể thực hiện chiến lược tung những con chip hoạt động được với giá rẻ ra thị trường để loại bỏ các nhà cung cấp khác và sau đó nâng giá lên ở mức độc quyền. Khi đạt tới vị thế gần như độc quyền về chip, Bắc Kinh có thể có các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc các quốc gia phụ thuộc vào chip của Trung Quốc, nếu các nước này thiếu hỗ trợ các mục tiêu thương mại và chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Do ngành sản xuất của Mỹ hiện phụ thuộc vào nguồn chip từ Đài Loan, việc Trung Quốc tiếp quản hoặc phá hủy ngành công nghiệp chip của Đài Loan có những ảnh hưởng quan trọng về kinh tế và chiến lược. Nếu Trung Quốc có thể ngăn chặn quyền tiếp cận chip của Mỹ, nước này có thể dừng hoạt động các bộ phận quan trọng của nền kinh tế Mỹ, nguồn thu của chính quyền và việc sản xuất thiết bị quân sự công nghệ cao.

Năm 2014, Reuters tiết lộ rằng máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ đã sử dụng nam châm từ Trung Quốc như một bộ phận. Sự phụ thuộc của chuỗi cung ứng quân sự vào Trung Quốc khiến Bắc Kinh có khả năng hạn chế hoặc hủy hoại sức phòng thủ của Mỹ. Phụ thuộc vào chip máy tính của Trung Quốc sẽ là một thảm họa còn tồi tệ hơn đối với chiến lược kinh tế, quân sự và chính sách đối ngoại của Mỹ.

Hoạt động gián điệp nhân tài của Trung Quốc tại Mỹ

Một cách mà qua đó Trung Quốc có thể làm chủ việc sản xuất chip tiên tiến là thông qua các gián điệp nhân tài ở Mỹ. Kế hoạch Ngàn nhân tài của Trung Quốc là một hình thức gián điệp nhân tài đã được thể chế hóa, được triển khai ở Mỹ và các nơi khác nhằm dụ dỗ các nhà khoa học tiết lộ bí mật của họ cho các đối tác ở Trung Quốc. Điều này bao gồm việc đánh cắp công nghệ nhạy cảm để đổi lấy các hợp đồng béo bở và công việc được trả lương cao.

Mục tiêu nổi tiếng nhất của hoạt động gián điệp nhân tài của Trung Quốc là giáo sư Đại học Harvard Charles Lieber, người bị kết tội nói dối nhà chức trách Mỹ vào tháng 12. Nhưng ông ấy cũng chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” ở Mỹ.

Với hàng trăm tỷ USD mà Mỹ thất thoát hàng năm do hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh nên học theo Đài Loan trong việc thông qua các điều luật cứng rắn hơn đối với các gián điệp nhân tài của Trung Quốc.

Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất trên thế giới đối với Mỹ và các nền dân chủ, vì vậy không nên gia tăng sức mạnh cho nước này bằng cách cho phép các công ty của Trung Quốc chiếm đoạt lực lượng nhân tài của Mỹ và từ đó sở hữu công nghệ Mỹ. Trung Quốc sẽ dùng những thứ đó để chống lại chính nước Mỹ.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics - nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power : Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ cần học theo Đài Loan tăng cường đối phó 'gián điệp nhân tài' của Trung Quốc