Mỹ cảnh báo các biện pháp trừng phạt đối với Nga có thể vượt ra ngoài cuộc chiến tại Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 14/11, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo rằng, Mỹ có thể tiếp tục duy trì một số biện pháp trừng phạt đối với Nga, ngay cả khi chiến tranh Nga - Ukraine kết thúc.

Bà Yellen cho biết, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào rồi cũng sẽ liên quan đến việc xem xét lại các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh đã áp đặt lên Nga. Tuy nhiên, nhiều bình luận cho thấy chính quyền ông Biden có xu hướng gây áp lực lâu dài lên nền kinh tế Nga.

“Nga không thực sự nỗ lực để tiến tới đàm phán với Ukraine về những điều khoản mà Ukraine có thể chấp nhận được”, bà Yellen cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 được tổ chức tại Bali (Indonesia) hôm 14/11, theo tờ The Wall Street Journal.

"Tôi cho rằng, các biện pháp trừng phạt có thể và nên được điều chỉnh trong khuôn khổ của mọi thỏa thuận hòa bình".

"Với những gì đã xảy ra, chúng tôi tin rằng, cần duy trì các biện pháp trừng phạt nhất định", bà nói thêm.

Kết quả vòng đàm phán thứ ba giữa Nga và Ukraine
Phái đoàn Nga và Ukraine tham gia đàm phán ngày 7/3. (Ảnh: Getty Images)

Các nước phương Tây kêu gọi Nga và Ukraine tiến hành đàm phán

Sau khi Nga đột ngột rút quân khỏi thành phố chiến lược Kherson, giới chức Mỹ và châu Âu hiện đang xem xét các giải pháp đàm phán hòa bình với Nga trước mùa đông năm nay.

Giới chức phương Tây cho hay, người Ukraine phải xác định được các điều khoản của một thỏa thuận mà phía Nga có thể chấp nhận được.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói rõ rằng, các lãnh đạo của cả hai nước cần phải ngồi lại với nhau để thảo luận về các điều khoản, và thời điểm đưa ra quyết định đó nằm trong tay Kyiv.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết, ông sẵn sàng tham gia "các cuộc đàm phán hòa bình thực sự" với Điện Kremlin, trong bối cảnh tất cả các bên chuẩn bị ra quyết định về tương lai của cuộc xung đột tiêu hao kéo dài 8 tháng.

Ông Zelenskyy cũng liệt kê một số điều khoản trong các cuộc đàm phán tiềm năng với Nga như: trả lại toàn bộ các vùng lãnh thổ mà Nga đã sáp nhập kể từ năm 2014; bồi thường thiệt hại cho Ukraine; và thuyên chuyển các quan chức Nga - những người gây ra tội ác chiến tranh tại Ukraine. Giới chuyên gia nhận định rằng, điều khoản cuối cùng này rất có thể sẽ bị Tổng thống Nga Putin bác bỏ.

Vào ngày 7/11, ông Zelenskyy cho biết, các đồng minh của Ukraine nên tập trung vào việc "ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và buộc Nga phải tham gia vào các cuộc đàm phán để đạt được hòa bình thực sự".

Khói bốc lên từ một chiếc xe tăng của Nga bị quân Ukraine phá hủy bên lề đường ở Rusaniv, gần Kyiv, Ukraine vào ngày 26/2/2022. (Ảnh: Genya Savilov/Getty Images)

Mỹ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Nga

Trong khi đó, bà Yellen cho biết, Mỹ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các nhóm cá nhân và các công ty mua sắm công nghệ quân sự quốc tế nhằm phục vụ cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine.

Các đồng minh của Ukraine đã tìm cách cắt đứt khả năng tiếp cận của Nga với công nghệ quân sự tiên tiến, đồng thời gia tăng áp lực lên hệ thống tài chính của nước này. Tuy nhiên, Nga vẫn có thể thu được lợi nhuận cao từ xuất khẩu năng lượng.

Phát biểu trước Hội nghị Thượng đỉnh G-20, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết, các hạn chế mới sẽ nhắm vào 14 cá nhân và 28 tổ chức, bao gồm cả các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, bà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Bà nói: “Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của chúng tôi nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu để làm suy yếu nỗ lực chiến tranh của Nga, cũng như tước đoạt các thiết bị mà nước này cần".

Bộ Ngoại giao Mỹ trong tuần này cho biết, họ sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để nhắm mục tiêu vào mạng lưới mua sắm xuyên quốc gia ủng hộ Điện Kremlin ở châu Âu và châu Á.

Bộ Thương mại cũng đã tham gia chiến dịch cắt giảm xuất khẩu các linh kiện điện tử do Mỹ sản xuất và các công nghệ khác được quân đội Nga sử dụng.

Theo nhiều nguồn tin, ngành công nghiệp quốc phòng Nga chủ yếu dựa vào các thiết bị vi điện tử nhập khẩu từ phương Tây và Trung Quốc.

Bà Yellen thừa nhận rằng, công nghệ do Mỹ thiết kế mà Nga có được trong quá khứ đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột.

"Mỹ sẽ tiếp tục vạch trần và làm gián đoạn chuỗi cung ứng quân sự của Điện Kremlin, đồng thời ngăn chặn Nga mua thiết bị và công nghệ cần thiết để tiến hành một cuộc chiến bất hợp pháp chống lại Ukraine", bà nói trong một tuyên bố.

"Các hành động hôm nay thể hiện cam kết kiên định của Bộ Tài chính Mỹ trong việc nhắm mục tiêu vào những người ủng hộ nỗ lực chiến tranh của ông Putin trên khắp thế giới, cũng như giới tinh hoa thân hữu tài trợ cho chế độ của ông ấy".

Bà Yellen cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ tài chính và kinh tế cho Kyiv. Đồng thời, bà yêu cầu Quốc hội Mỹ bổ sung thêm 4,5 tỷ USD viện trợ phi quân sự cho chính phủ Ukraine.

Một NATO về kinh tế sẽ được thành lập để chống lại Trung Quốc và Nga?
Các nhà lãnh đạo G7 bao gồm Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ý Mario Draghi cùng chụp ảnh chung trong hội nghị thượng đỉnh NATO, vào ngày 24/03/2022 ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: Getty Images)

Mỹ vận động hành lang nhóm G-7 để gia tăng sức ép lên Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông sẽ không trực tiếp tham dự các sự kiện tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Indonesia, tuy nhiên, ông có thể phát biểu trực tuyến tại hội nghị.

Cả bà Yellen và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều nói rằng, họ sẽ không gặp ông Putin trong bất kỳ trường hợp nào nếu ông ấy tham dự hội nghị.

Tuy nhiên, ông Biden đã gặp Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình vào ngày 14/11 để thảo luận về các vấn đề như xung đột ở Ukraine và vấn đề Đài Loan.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ kêu gọi các lãnh đạo nhóm G-7 và Australia áp giá trần với dầu của Nga để gia tăng áp lực lên ông Putin. Nhóm G-7 là diễn đàn của 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới.

Việc giới hạn giá sẽ cấm các công ty ở các quốc gia đó cung cấp dịch vụ vận tải như bảo hiểm các chuyến hàng chở dầu của Nga, trừ khi họ bán ở mức giá thấp hơn giá trần. Động thái này vừa để giảm doanh thu bán năng lượng của Nga, trong khi vẫn cho phép thị trường toàn cầu giữ giá ổn định.

Kể từ khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với giá dầu của Nga, giá năng lượng, đặc biệt là giá khí đốt, giá điện, giá dầu, cùng với giá lương thực đã tăng mạnh tại châu Âu. Tình trạng thiếu năng lượng nghiêm trọng đang góp phần làm suy yếu nền kinh tế của châu lục này.

Chính quyền ông Biden hy vọng rằng, mức trần giá được áp đặt cuối cùng sẽ giảm bớt hậu quả của các lệnh trừng phạt cứng rắn của Liên minh Châu Âu (EU) đối với dầu mỏ Nga và giảm thiệt hại kinh tế trên các thị trường năng lượng.

Trong khi các nước châu Âu đang giảm dần nhập khẩu dầu của Nga và các sản phẩm năng lượng khác thì các nước châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc đang nhập khẩu một lượng lớn dầu và các sản phẩm năng lượng khác của Nga. (Ảnh: Getty Images)

Các quan chức Mỹ và EU đàm phán về giới hạn giá dầu Nga

Trong khi đó, Liên minh châu Âu đã tăng cường mở rộng các biện pháp từ vận tải sang các dịch vụ thứ cấp như bảo hiểm và tài chính. Điều này sẽ khiến tất cả các tàu chở dầu vi phạm giới hạn giá mất quyền tiếp cận các dịch vụ hàng hải.

Theo tờ The Wall Street Journal, các quan chức Mỹ đã phản đối việc gia hạn kế hoạch này. Họ lo ngại rằng, các công ty vận tải hàng hải trên thế giới có thể ngừng vận chuyển dầu của Nga để tránh đánh mất quyền tiếp cận với bảo hiểm và tài chính của châu Âu đối với các chuyến hàng dầu không phải của Nga. Điều này có thể đẩy giá dầu tăng vọt ngoài ý muốn.

Cũng theo tờ The Wall Street Journal, bà Yellen cho biết, bà đang làm việc với các đối tác châu Âu để giảm thiểu bất kỳ phản ứng dữ dội nào từ việc giới hạn giá dầu của Nga.

"Thật khó để đoán xem phản ứng của Nga sẽ ra sao. Tôi không cho là họ có đủ khả năng mua nhiều dầu. Lúc này, họ rất cần doanh thu", bà nói.

Tuy nhiên, Điện Kremlin cho biết, việc áp giá trần với dầu của Nga cũng có thể dẫn đến việc giảm các chuyến hàng để trả đũa bất kỳ quốc gia nào thực hiện kế hoạch này. Và Moscow khẳng định rằng họ sẽ không bán dầu dưới mức giá trần.

Sự thống trị của G-7 trong lĩnh vực bảo hiểm hàng hải và tài chính sẽ buộc Nga phải phụ thuộc vào các phương án thay thế kém tin cậy và đắt đỏ hơn để vận chuyển dầu của mình.

Điều này có thể làm giảm doanh thu của Nga, ngay cả khi nước này từ chối bán dầu dưới mức giá trần.

Bà Yellen nói rằng, nếu người Nga trả đũa việc phương Tây áp giá trần, chính quyền ông Biden có thể chọn tiếp tục rút cạn Quỹ Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) vốn đã cạn kiệt. Chính sách này đã vấp phải sự chỉ trích trong nước và nhận được rất ít sự ủng hộ của Đảng Dân chủ.

“Chúng tôi cho rằng, chính sách giới hạn giá dầu sẽ mang lại hiệu quả, và chúng tôi vẫn có khả năng sử dụng Quỹ Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược", bà nói.

Thanh Hải

Theo The Epoch Times

Kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Mỹ cảnh báo các biện pháp trừng phạt đối với Nga có thể vượt ra ngoài cuộc chiến tại Ukraine