Mỹ đã mất Lục địa Âu-Á vào tay Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Do tác động của các yếu tố kinh tế, liên minh phương Tây đang rạn nứt. Bắc Kinh chưa bao giờ cảm thấy việc thu phục châu Âu lại dễ dàng đến vậy.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được sự tiếp đón nhiệt tình tại các cuộc họp gần đây của Nhóm 7 người và Hội nghị An ninh Munich. "Nước Mỹ đã trở lại", ông Biden tuyên bố, nhưng không ai trên Lục địa Châu Âu có vẻ quan tâm.

Những nỗ lực của ông Biden nhằm khôi phục liên minh xuyên Đại Tây Dương đã không thành công, đặc biệt là khi ông nói về việc kiềm chế Trung Quốc. Trung Quốc có thể là một quốc gia tân toàn trị phạm tội diệt chủng và các tội ác khác chống lại loài người, họ cũng có thể đã xâm lược các nước láng giềng mà không bị trừng phạt, nhưng trong một số trường hợp, đối với Châu Âu thì điều đó dường như không thành vấn đề. Điều quan trọng là năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Liên minh châu Âu.

Vì vậy, chủ yếu là là do tác động của các yếu tố kinh tế, liên minh phương Tây đang rạn nứt. Bắc Kinh chưa bao giờ cảm thấy việc thu phục châu Âu lại dễ dàng đến vậy.

Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang lấy lòng Nga. Vào cuối tháng 10 năm ngoáI, khi được hỏi liệu một liên minh quân sự Nga-Trung chính thức có khả thi hay không, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với các chuyên gia chính sách đối ngoại rằng mối quan hệ giữa 2 chính quyền hiện nay đang cực kỳ chặt chẽ.

Trung Quốc và Nga đã có "quan hệ đối tác chiến lược" và bị ràng buộc bởi cả cảm giác về lợi ích chung cũng như đối thủ chung là Hoa Kỳ.

Mặc dù quan hệ đối tác Trung - Nga vẫn sẽ không mạnh bằng Liên bang Hoa Kỳ nhưng cặp đôi này đang bắt đầu thống trị những lãnh thổ rộng lớn mà các nhà tư tưởng địa chính trị tin rằng vô cùng quan trọng.

"Ông Halford John Mackinder, người được cho là đã sáng lập trường phái địa chính trị hiện đại, tin rằng sự trỗi dậy của một 'trung tâm' Âu-Á thống nhất cuối cùng sẽ đe dọa sự thống trị của các cường quốc hàng hải phương Tây", ông Leonard Hochberg, điều phối viên của Diễn đàn Mackinder-Mỹ, nói với tờ Newsweek. "Chúng tôi thấy dự đoán của ông ấy ngày hôm nay đã trở thành sự thật".

Cờ của Liên minh Châu Âu bay bên ngoài Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp, vào ngày 11 tháng 5 năm 2016. (Christopher Furlong / Getty Images)
Cờ của Liên minh Châu Âu bay bên ngoài Nghị viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp, vào ngày 11 tháng 5 năm 2016. (Christopher Furlong / Getty Images)

Trong những năm đầu tiên của thế kỷ 20, ông Mackinder đề xuất lý thuyết Heartland của mình. Heartland - một phần của Đông Âu và phần nội địa của châu Á, không bao gồm khu vực mà sau này thuộc về Trung Quốc - là trung tâm của thế giới.

Lý thuyết của ông rất đơn giản, như ông đã tóm tắt cách đây 102 năm. Ông Mackinder nghĩ rằng bất cứ ai chỉ huy Đông Âu sẽ chỉ huy Heartland; đến lượt người chỉ huy Heartland sẽ chỉ huy "World Island" (Đảo thế giới) - hay nói cách khác là Châu Á, Châu Âu và Châu Phi; và bất cứ ai chỉ huy Đảo Thế giới thì sẽ chỉ huy cả thế giới.

Bắc Kinh hoàn toàn quyết tâm kiểm soát Heartland, và các nhà lãnh đạo người Trung Quốc là những người theo chủ nghĩa Mackinderit tận tụy.

Đồng thời, họ cũng là tín đồ của Thuyết Rimland của Nicholas John Spykman. Ông Spykman, người tiếp nối tư tưởng của Mackinder, tin rằng sự kiểm soát của các xã hội giáp biên giới với Nga - Rimland - mang lại quyền kiểm soát Âu-Á, và quyền kiểm soát Âu-Á mang lại quyền kiểm soát "vận mệnh của toàn thế giới".

Trung Quốc và Nga cùng thống trị Rimland, và họ cũng có vẻ là cường quốc chiếm ưu thế ở Heartland. Ngay cả khi một người không phải là một tín đồ tận tụy của các lý thuyết của Mackinder hoặc Spykman, thì các hoạt động của Trung Quốc và Nga vẫn khiến cho người ta phải cảnh giác.

Bắc Kinh đang giành được vị thế quan trọng ở cả châu Âu và châu Á - đây là quân bài chiến lược để đối đầu với Mỹ. Vậy thì, làm sao họ có thể thất bại được?

Đầu tiên, Trung Quốc có thể sẽ xa lánh Nga. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2013 đã công bố Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa, một loạt các tuyến đường sắt và đường cao tốc xuyên Trung Á - Vành đai - kết nối Trung Quốc với Châu Âu, và Heartland.

Bắc Kinh đang bận rộn để thay thế Moscow trở thành cường quốc thương mại, nhà đầu tư và chủ nợ lớn nhất - người giữ vị trí thống trị ở Rimland. Bắc Kinh đang gấp rút xây dựng lại các tuyến đường giao thông ở Trung Á, xây dựng các liên kết đông-tây nhằm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc và giảm thiểu ảnh hưởng của Nga, vốn phụ thuộc vào giao thông bắc-nam.

Thứ hai, Bắc Kinh vừa có thêm một kẻ thù quan trọng, một kẻ thù có ảnh hưởng lớn ở Rimland. Sau cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ vào ngày 15 tháng 6 năm ngoái, New Delhi đã nhanh chóng định hướng lại chính sách đối ngoại của mình để chống lại Trung Quốc trên diện rộng. Ông Cleo Paskal của Tổ chức Bảo vệ các nền dân chủ nói với Newsweek: “Chúng ta có thể nhìn nhận sự việc đó như một khoảnh khắc làm thay đổi thế giới".

Thứ ba, Bắc Kinh có thể mất tập trung trong quá trình thống trị Heartland và Rimland. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng có các tín đồ của Alfred Thayer Mahan, người cho rằng những người kiểm soát biển có thể kiểm soát thế giới. Năm 2013, ông Tập cũng công bố một dự án lớn khác, Con đường Tơ lụa trên biển Thế kỷ 21 - gôm các tuyến đường biển nối liền Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.

Ông Tập cũng đang bận rộn cố gắng mở rộng quyền lực về phía đông trên các vùng biển ngoại vi của mình - Biển Đông, Biển Hoa Đông và Hoàng Hải - về phía Thái Bình Dương và cuối cùng là châu Mỹ.

Tham vọng lớn của Trung Quốc là kiểm soát mọi thứ — Heartland của Mackinder, Rimland của Spykman và các tuyến đường biển của Mahan.

Điều đó trông giống như một trường hợp tồi tệ mà Paul Kennedy của Đại học Yale từng nhắc đến, đó là "sự quản lý quá mức của hoàng gia".

Ông Biden có thể ngăn cản những nỗ lực phi thường và đầy tham vọng của Trung Quốc, nhưng đây hứa hẹn sẽ là cuộc chiến một mất một còn.

Washington sẽ phải làm việc cực kỳ chăm chỉ. Ông Biden sẽ phải củng cố mối quan hệ của Mỹ với Ấn Độ, vượt ra ngoài các hiệp ước quân sự như Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi Cơ bản được ký vào tháng 10 năm ngoái. Ông Biden cũng sẽ phải phát triển các mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ hơn. Và ông sẽ phải kéo bằng được Nga ra khỏi Trung Quốc, từ đó chia rẽ mối quan hệ đối tác hiện đang thống trị Heartland và Rimland.

Nước Mỹ đã không còn thời gian để lãng phí. Hiện tại, Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc chơi, ngay cả liên minh xuyên Đại Tây Dương đã tồn tại hàng thế kỷ cũng bị họ đưa vào tầm ngắm.

Tác giả Gordon G. Chang là tác giả cuốn sách Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc. Qúy vị có thể theo dõi tác giả trên Twitter: @GordonGChang.

Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng người viết, không nhất thiết thể hiện quan điểm của NTDVN.

Mộc Trà

Theo Newsweek



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ đã mất Lục địa Âu-Á vào tay Trung Quốc?