Mỹ thêm 19 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen do dính líu tới tội ác nhân quyền và quân đội

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Biden ngày 9/7 vừa qua đã thêm tổng cộng 19 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen kinh tế do vai trò của họ trong việc thúc đẩy vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh và ủng hộ hành động xâm lược quân sự. Đáp lại, Trung Quốc cáo buộc Mỹ đang "gây bất ổn cho Tân Cương" bởi các hành vi này. 

Ngoài các thực thể Trung Quốc, danh sách đen còn bao gồm 15 thực thể liên quan đến Nga hoặc Iran, tổng cộng là 34.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết: “Bộ Thương mại vẫn cam kết kiên quyết thực hiện hành động mạnh mẽ, dứt khoát nhằm vào các thực thể đang cho tiếp tay cho chính quyền Bắc Kinh vi phạm nhân quyền ở Tân Cương hoặc sử dụng công nghệ của Mỹ để thúc đẩy các nỗ lực hiện đại hóa quân đội đang gây mất ổn định của Trung Quốc”. Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để trừng phạt những nỗ lực “tiếp cận các mặt hàng có xuất xứ từ Hoa Kỳ cho các hoạt động đi ngược lại với an ninh và lợi ích quốc gia của Mỹ”.

Các công ty trong danh sách đen thương mại bị hạn chế, giám sát hoạt động xuất khẩu hoặc chuyển giao sản phẩm hoặc công nghệ mà không có giấy phép bổ sung từ Bộ Thương mại.

Trong số những thực thể bị đưa vào chế tài lần này có Công ty Công nghệ Thông tin Tân Cương Lianhai Chuangzhi, một công ty con của một nhà thầu quân sự thuộc sở hữu nhà nước, vừa giành được lời ca ngợi của Bắc Kinh hồi tháng 4 vì thành tích trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Công ty Công nghệ Thông tin Thuyền buồm Tân Cương, một công ty khác trong danh sách, được một công ty đầu tư lớn của Trung Quốc mô tả trong một báo cáo năm 2017 (pdf) là một trong những “công ty tiên phong” trong việc “chống khủng bố” ở Tân Cương, một thuật ngữ mà chế độ Bắc Kinh thường trích dẫn như là một lời biện minh cho việc đàn áp hàng triệu người Hồi giáo trong khu vực này.

“Công ty chuyên cung cấp các giải pháp cho các cơ quan chính phủ như cảnh sát để bảo vệ an ninh thành phố”, báo cáo này cho biết. Công ty được báo cáo là đã xuất khẩu các thiết bị tương tự [những thiết bị, giải pháp cung cấp cho cảnh sát Trung Quốc] sang các nước Hồi giáo như Iraq, Iran, Syria và Afghanistan thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu trị giá hàng nghìn tỷ USD của chế độ nhằm mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc ở châu Á, châu Âu và châu Phi.

Lệnh trừng phạt hôm thứ Sáu phản ánh sự leo thang trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm xem xét kỹ lưỡng hoạt động giám sát công nghệ cao của các công ty Trung Quốc ở Tân Cương.

Tháng 6 vừa qua, sau khi nhóm G7 - bảy nền dân chủ giàu có nhất thế giới - cùng nhau lên án các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, Bộ Thương mại đã nhắm mục tiêu vào năm công ty Trung Quốc chấp nhận hoặc sử dụng lao động cưỡng bức liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác.

Cùng tháng, chính quyền Biden cũng mở rộng danh sách đen từ thời ông Trump để cấm đầu tư vào 59 công ty quốc phòng và công nghệ Trung Quốc có liên quan đến “việc phát triển hoặc sử dụng công nghệ giám sát của Trung Quốc để tạo điều kiện cho đàn áp hoặc lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng”.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu khẳng định vấn đề Tân Cương là chuyện nội bộ và cáo buộc Hoa Kỳ đang cố gắng “gây bất ổn cho Tân Cương”.

Cách đối xử của chính quyền Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương đã thu hút sự lên án trên toàn thế giới. Ủy ban Đối ngoại của Vương quốc Anh ngày 8/7 vừa qua đã công bố một báo cáo kêu gọi chính phủ nước này có những biện pháp đáp trả mạnh mẽ hơn, bao gồm tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 và cấm nhập khẩu bông.

Vài ngày trước đó, các công tố viên Pháp đã mở cuộc điều tra đối với bốn nhà bán lẻ thời trang bị nghi ngờ che giấu “tội ác chống lại loài người”.

Lê Minh

Theo The Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ thêm 19 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen do dính líu tới tội ác nhân quyền và quân đội