Mỹ: Tình trạng thiếu phi công gây áp lực lên ngành hàng không

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các hãng hàng không tại Mỹ đang đối mặt với một vấn đề khó giải quyết: tình trạng thiếu phi công. Vấn đề được cho là đã bắt đầu từ trước cả khi xảy ra đại dịch. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý rằng đang xảy ra sự thiếu hụt.

Cho đến mùa hè năm ngoái, bà Ashley Montano chưa bao giờ bay. Giờ đây bà ấy đang chuẩn bị hạ cánh một chiếc máy bay nhỏ với ba hành khách sau một lần chạm đất rồi bay lên khó khăn trước đó.

“Máy bay hơi nặng, vì vậy hãy cho nó thêm một chút lực đẩy để hạ cánh suôn sẻ”, huấn luyện viên bay Jason Fink nói với bà.

Có một cú nảy rất nhỏ khi mũi máy bay hạ xuống, sau đó là một cú tiếp đất nhẹ nhàng và lăn bánh để kết thúc chuyến bay huấn luyện của bà Montano vào cuối năm ngoái tại một trường học của United Airlines ở sa mạc Arizona.

Trên mặt đất, bà Montano hài lòng với sự tiến bộ. “Các bạn là những hành khách thực sự đầu tiên của tôi!” bà ấy nói với một phóng viên và nhà báo video, những người đã ngồi ở hàng ghế sau.

Bà Montano hy vọng rằng trong một vài năm nữa, bà ấy sẽ lái máy bay phản lực của hãng hàng không và chở thêm thật nhiều hành khách hơn nữa. Nếu bà ấy làm được như vậy, bà Montano sẽ giúp giải quyết một vấn đề nghiêm trọng mà ngành hàng không đang phải đối mặt: không đủ phi công.

Mỹ: Tình trạng thiếu phi công gây áp lực lên ngành hàng không
Một chiếc máy bay của United Airlines tại Sân bay Quốc tế Newark, ở Newark, New Jersey, Mỹ, vào ngày 11/01/2023. (Ảnh: KENA BETANCUR/AFP qua Getty Images)

Vấn đề khó giải quyết

Tại Mỹ, các hãng hàng không đã phàn nàn về tình trạng thiếu hụt trong vài năm, nhưng họ đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn trong thời kỳ đại dịch bằng cách khuyến khích các phi công nghỉ hưu sớm khi ngành hàng không sụp đổ vào năm 2020. Bà Helane Becker, một nhà phân tích của Cowen, người đã theo dõi sát sao vấn đề này, ước tính rằng có khoảng 10.000 phi công đã rời ngành từ thời điểm đó.

Trong khi đó, các hãng hàng không đang rơi vào tình trạng tuyển dụng điên cuồng, thứ có thể sẽ tiếp tục trong vài năm khi các hãng thay thế các phi công đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc của liên bang là 65.

Chính phủ Mỹ ước tính rằng sẽ có khoảng 18.000 cơ hội việc làm mỗi năm cho các phi công hãng hàng không hay thương mại trong thập kỷ này, với nhiều người trong số họ thay thế những người về hưu. Tuy nhiên, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) trung bình chỉ cấp số giấy phép phi công bằng một nửa con số đó từ năm 2017 đến năm 2021.

Dự báo của các hãng tư nhân cũng rất ảm đạm. Công ty tư vấn Oliver Wyman ước tính rằng bất chấp những nỗ lực xử lý vấn đề, các hãng hàng không ở Bắc Mỹ sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu gần 30.000 phi công vào năm 2032. Nguồn cung phi công mới sẽ tăng lên, nhưng không đủ để bù đắp làn sóng nghỉ hưu đang diễn ra, chuyên gia tư vấn cho biết .

Tuy nhiên, có lý do cho hy vọng. Năm ngoái, FAA đã cấp 9.588 giấy phép vận tải hàng không - loại giấy phép cần thiết để bay cho một hãng hàng không. Con số này thậm chí còn vượt qua mức cao nhất gần đây là 9.520 vào năm 2016.

Câu hỏi quan trọng là liệu tốc độ đó có thể được duy trì hay không. Một số sự bứt phá của năm ngoái có thể là để bù đắp những con số thấp trong năm 2020 và 2021, vốn đã bị kìm hãm bởi đại dịch.

Bà Becker nói: “Các hãng hàng không đang cố gắng hết sức để giải quyết vấn đề, nhưng đó là một công việc khó khăn.

Southwest Airlines có hơn 700 máy bay nhưng phải neo đậu 40 đến 45 chiếc mỗi ngày vì hãng thiếu phi công có thể lái chúng, Giám đốc điều hành Bob Jordan cho biết tại một sự kiện truyền thông gần đây. Con số đó tương đương với hơn 200 chuyến bay mỗi ngày hoặc tới 8% chuyến bay của hãng hàng không có trụ sở tại Dallas. Southwest dự kiến sẽ thuê 2.250 phi công trong năm nay sau khi bổ sung khoảng 1.200 vào năm ngoái, chủ yếu bằng cách thu hút nhân sự từ các hãng hàng không nhỏ hơn.

Giám đốc điều hành United Airlines Scott Kirby cho biết việc thiếu phi công sẽ tiếp tục cản trở các hãng hàng không mở rộng quy mô nhằm tận dụng nhu cầu đi lại mạnh mẽ.

“Các phi công đang và sẽ vẫn là một hạn chế đáng kể đối với năng lực bay”, ông nói trong một hội nghị trực tuyến về lãi lỗ vào tháng trước.

Ông Kirby ước tính rằng hãng hàng không của ông, American, Delta và Southwest cộng lại sẽ thuê khoảng 8.000 phi công trong năm nay, tăng từ mức bình thường là 6.000 đến 7.000.

Tình trạng thiếu hụt phi công xảy ra nghiêm trọng nhất ở các hãng hàng không nhỏ hơn không trả lương tốt bằng và đóng vai trò là bàn đạp cho các hãng hàng không lớn. Họ khai thác các chuyến bay trong khu vực dưới tên American Eagle, United Express và Delta Connection.

Bà Faye Malarkey Black, chủ tịch Hiệp hội Hàng không Khu vực, cho biết các hãng này đã cho hơn 400 máy bay nghỉ do thiếu phi công, “và kết quả là dịch vụ hàng không đang sụp đổ”. Bà Black ước tính rằng các hãng hàng không khu vực đang thiếu 8.000 phi công và nhóm thương mại cho biết hàng chục thành phố nhỏ hơn đã mất tất cả các dịch vụ hàng không - khoảng 50 thành phố khác đã mất một nửa số chuyến bay trở lên - bất chấp nhu cầu đi lại tăng mạnh.

Nếu một phi công báo bị ốm, thường không có ai có mặt ngay lập tức để thay thế họ, và điều đó khiến hàng chục nghìn hành khách bị mắc kẹt. Việc thiếu phi công đã góp phần vào mức tăng 52% đối với các chuyến bay bị hủy vào năm ngoái so với năm 2021, mặc dù không rõ có bao nhiêu phần trăm trong số đó có liên quan đến thời tiết và tắc nghẽn giao thông hàng không.

Sự thiếu hụt đang tạo đòn bẩy cho các công đoàn phi công trong các cuộc đàm phán đã bị tạm dừng do đại dịch bùng phát. Các thỏa thuận mới chắc chắn sẽ bao gồm các khoản tăng lương khổng lồ, điều sẽ làm tăng chi phí cho các hãng hàng không.

Các phi công của Delta đang biểu quyết về một thỏa thuận mà công đoàn của họ cho biết sẽ tăng lương hơn 30% trong bốn năm. Nếu được phê chuẩn, nó có thể sẽ trở thành hình mẫu cho các thỏa thuận với phi công tại American, United và Southwest.

Theo Bộ Lao động Mỹ, mức lương trung bình hàng năm cho các phi công của các hãng hàng không Mỹ vào năm ngoái vượt mức 200.000 USD, và con số có thể cao hơn nhiều ở các hãng hàng không lớn nhất.

Tình trạng thiếu phi công đã bắt đầu ngay cả trước khi xảy ra đại dịch. Trong một hoặc hai thập kỷ qua, các quan chức trong ngành đã cảnh báo điều đó sẽ xảy ra khi du lịch bùng nổ và hàng nghìn phi công Mỹ đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc. Cục Hàng không Liên bang đã tăng độ tuổi đó từ 60 lên 65 vào năm 2007, điều này khiến vấn đề lắng xuống trong một vài năm.

Mỹ: Tình trạng thiếu phi công gây áp lực lên ngành hàng không
Hai phi công đi bộ tại Sân bay Quốc tế O'Hare ngày 31/05/2005 tại Chicago, Illinois, Mỹ. (Ảnh: Tim Boyle/Getty Images)

Trong nhiều thập kỷ, các hãng hàng không sở hữu nguồn cung phi công dồi dào, hầu hết trong số họ xuất thân từ quân đội được đào tạo đầy đủ và có nhiều kinh nghiệm, nhưng quân đội cũng đang có sự thiếu hụt riêng.

Lực lượng Không quân Mỹ cho biết họ đã thiếu hụt khoảng 1.900 phi công vào cuối tháng 9. Họ đang cố gắng tăng cường giữ chân và đào tạo phi công mới sau khi đào tạo ra gần 1.300 phi công trong 12 tháng trước đó.

Ý kiến trái chiều

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý rằng có sự thiếu hụt. Hiệp hội Phi công Hàng không, công đoàn phi công lớn nhất ở Bắc Mỹ, cho biết trong thập kỷ qua, các hãng hàng không chỉ thuê khoảng một nửa số người đã nhận được giấy phép FAA cho phép họ lái máy bay chở khách.

Công đoàn này lập luận rằng các hãng hàng không đang thổi phồng câu chuyện thiếu hụt để hạ thấp tiêu chuẩn chất lượng và thuê những người bay thiếu kinh nghiệm với mức lương thấp hơn. Công đoàn cũng nói rằng các hãng hàng không nên tăng lương để thu hút nhiều ứng viên hơn.

Khoản đầu tư tuyệt vời

Điều đó đang bắt đầu xảy ra tại các hãng hàng không khu vực - các hãng nhỏ hơn xử lý các chuyến bay cho American Eagle, United Express, Delta Connection và công ty con Horizon Air của Alaska Airlines. Ba trong số các hãng máy bay khu vực của Mỹ gần đây đã thông báo rằng họ sẽ thưởng 100.000 USD cho một số phi công mới.

Một số hãng hàng không Mỹ đã bắt đầu các chương trình đào tạo của riêng họ hoặc hợp tác với các trường bay để đảm bảo nguồn phi công tương lai sẽ đa dạng hơn - ít hơn 4% phi công của các hãng hàng không hiện tại là người da đen, ít hơn 5% là phụ nữ.

“Mặc dù tôi đã nhìn thấy cha tôi lái máy bay, nhìn thấy anh trai tôi lái máy bay, nhưng tôi chưa bao giờ thấy một phụ nữ lái máy bay", bà Sara McCauley, một sinh viên tại Học viện Hàng không của United, người hy vọng sẽ nối gót cha mình và bay cho United, cho biết. “Thế giới sẽ thay đổi, và ngành hàng không sẽ trở nên hòa nhập hơn”.

Học phí cho các trường bay và chi phí cho thời gian bay không hề rẻ. Đạt được 1.500 giờ bay cần thiết thường được ước tính có giá từ 70.000 đến 100.000 USD.

Học viện Hàng không của United tính phí 71.250 USD, và khi sinh viên hoàn thành, họ cần tìm công việc như một người hướng dẫn bay nhằm xây dựng đủ số giờ để được một hãng hàng không khu vực thuê.

Bà Montano, người có hai bằng về tội phạm học, đã bỏ công việc phân tích dữ liệu kết án tù và vay một khoản tiền để theo học tại Học viện Hàng không.

“Tôi coi đó là một khoản đầu tư tuyệt vời cho tương lai của mình”, bà nói. "Tôi hoàn toàn nghĩ rằng nó sẽ được đền đáp".

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ: Tình trạng thiếu phi công gây áp lực lên ngành hàng không