Mỹ trở thành nhân tố dẫn dắt cho triển vọng kinh tế toàn cầu tốt hơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới vừa công bố, IMF đã nâng cao triển vọng tăng trưởng toàn cầu theo hướng tích cực hơn, triển vọng tăng mạnh tại các nền kinh tế phát triển, đặc biệt tăng cao triển vọng với Mỹ; trong khi các nền kinh tế nhỏ bé, phụ thuộc xuất khẩu và thiếu nền tảng sẽ là nạn nhân lớn nhất của đại dịch...

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng triển vọng kinh tế thế giới 2020. Cụ thể, IMF dự báo GDP toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 4,4%; nhiều hơn mức giảm 5,2% theo dự báo đưa ra hồi tháng 6/2020. Theo đó, GDP thế giới năm 2021 được tổ chức này điều chỉnh thành mức tăng 5,2%; thấp hơn một chút so với mức tăng 5,4% của dự báo trước.

Đáng nói, triển vọng tích cực cho kinh tế thế giới 2020 và 2021 đến từ các nền kinh tế phát triển, dẫn dắt bởi Mỹ, trong khi các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển, thu nhập thấp đều thuộc nhóm bị giảm triển vọng tăng trưởng.

Các nền kinh tế phát triển mặc dù vẫn dự báo tăng trưởng âm 5,8% năm 2020 nhưng triển vọng tăng trưởng đã tích cực hơn tới 2,3% so với dự báo hồi tháng 6/2020 của IMF; là mức triển vọng tốt nhất so với các nhóm nền kinh tế khác trên thế giới.

Có vẻ như, các nền kinh tế nhỏ bé, phụ thuộc xuất khẩu và thiếu nền tảng sẽ là nạn nhân lớn nhất của đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Nền kinh tế Mỹ dẫn đầu, sau đó đến Pháp và Ý

IMF nâng cao triển vọng tích cực nhất với nền kinh tế Mỹ, sau đó đến Pháp và Ý

Mặc dù vẫn được dự báo tăng trưởng âm 4,3% năm 2020, Mỹ vẫn là nền kinh tế mà IMF điều chỉnh triển vọng tăng trưởng tích cực nhất trong báo cáo 15/10 vừa qua; lên tới 3,7% so với dự báo tăng trưởng âm 8% hồi tháng 6/2020 trước đó.

Thực tế, trong nhóm các nền kinh tế phát triển, triển vọng tích cực của Mỹ đã trở thành nhân tố dẫn dắt các nền kinh tế phát triển có triển vọng tăng trưởng sáng sủa hơn với dự báo hồi tháng Sáu.

Sau Mỹ, triển vọng tích cực được điều chỉnh khá mạnh mẽ cho nền kinh tế Pháp, Ý và Đức. Nhìn chung, trong khối các nền kinh tế phát triển, hầu hết triển vọng kinh tế được IMF điều chỉnh tích cực lên so với báo cáo của tổ chức này hồi Tháng 6.

Khu vực Châu Âu được dự báo giảm 8,3%; Nhật Bản giảm 5,3%; Anh giảm 9,8%. Đối với năm 2021, GDP các nước trên lần lượt được dự báo: Mỹ tăng 3,1%; Euro tăng 5,2%; Nhật Bản tăng 2,3%; Anh tăng 5,9% và Trung Quốc tăng 8,2%.

Mỹ trở thành nhân tố dẫn dắt tích cực cho triển vọng tốt hơn của nền kinh tế thế giới, các nền kinh tế mới nổi có triển vọng tăng trưởng tiêu cực hơn (Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới 15/10, IMF)

Mỹ trở thành nhân tố dẫn dắt tích cực cho triển vọng kinh tế thế giới tốt hơn

Ngay trước ngày bầu cử, Mỹ đón một số thông tin kinh tế quan trọng, hầu như mang chiều hướng tích cực, từ chỉ số lạm phát đến tăng trưởng sản xuất công nghiệp, tiêu dùng trong nước và niềm tin tiêu dùng của người dân Mỹ.

Đầu tiên, CPI và CPI lõi của nước này cùng tăng 0,2% m/m trong tháng 9/2020, đúng như dự báo của các nhà kinh tế; sau khi cùng tăng 0,4% ở tháng 8 trước đó. Không tính tới yếu tố mùa vụ, CPI nước này tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh đó, chỉ số PPI lõi và PPI tại Mỹ cùng tăng 0,4% m/m trong tháng 9, sau khi lần lượt tăng 0,4% và 0,3% trong tháng 8; vượt qua dự báo cùng tăng ở mức 0,2%.

Doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ chung của Mỹ lần lượt tăng 1,5% và 1,9% m/m trong tháng 9; nối tiếp đà tăng 0,5% và 0,6% của tháng 8, đồng thời vượt xa kỳ vọng tăng 0,4% và 0,7% của các chuyên gia.

Ngoài ra, niềm tin tiêu dùng quốc gia này được Đại học Michigan cho biết ở mức 81,2 điểm trong tháng 10/2020, cao hơn mức 80,4 điểm của tháng 9 và mức 80,2 điểm theo dự báo. Tin tiêu cực duy nhất là số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần kết thúc ngày 10/10 ở mức 898 nghìn đơn, tăng khá nhiều so với mức 845 nghìn đơn của tuần trước đó, và trái với kỳ vọng giảm xuống còn 810 nghìn đơn.

Triển vọng tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển tiêu cực hơn - nạn nhân chính và dài hạn của Covid-19

Có vẻ như các nền kinh tế nhỏ bé, phụ thuộc và thiếu nền tảng mới là nạn nhân chính và dài hạn của đại dịch Covid-19. Bất chấp triển vọng tăng trưởng cho các nền kinh tế phát triển tăng cao, triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển đều tiêu cực hơn, tăng trưởng âm 3,3% năm 2020, tiêu cực hơn 0,2% so với triển vọng của IMF hồi tháng Sáu.

GDP khu vực ASEAN 5 (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) được dự báo giảm 3,4% trong năm nay, tiêu cực hơn so với dự báo chỉ giảm 2% hồi tháng 6. Sang đến năm 2021, nhóm nước này được dự báo tăng trở lại ở mức 6,2%, không có điều chỉnh so với dự báo cũ.

Riêng với Việt Nam, GDP trong năm 2020 được dự báo sẽ tăng nhẹ 1,6% và sẽ đạt mức tăng 6,7% trong năm 2021.

Mặc dù vậy, IMF cũng cảnh báo dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, và độ chính xác của các dự báo trên phụ thuộc lớn vào cách các nước kiểm soát dịch bệnh cũng như hỗ trợ nền kinh tế trong quá trình hồi phục.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ trở thành nhân tố dẫn dắt cho triển vọng kinh tế toàn cầu tốt hơn