Mỹ - Trung leo thang cạnh tranh về chip, doanh nghiệp nước ngoài thận trọng đầu tư vào Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ tiếp tục tăng cường nỗ lực hạn chế ngành công nghiệp chip của Trung Quốc. Căng thẳng chip leo thang phản ánh sự xấu đi trong quan hệ Mỹ - Trung, và ngày càng nhiều công ty Mỹ và châu Âu tỏ ra thận trọng khi đầu tư vào Trung Quốc. Tuy nhiên, số liệu của Trung Quốc lại cho thấy điều ngược lại.

Leo thang cuộc chiến chip Mỹ - Trung

Mỹ đã tăng cường nỗ lực để từ chối quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với các chất bán dẫn và công nghệ sản xuất chip tiên tiến, do đó, làm leo thang cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc.

Sau khi Đạo luật CHIPS của Mỹ được thông qua, vào ngày 06/09, Bộ Thương mại Mỹ đã phát hành “Chiến lược cho Quỹ CHIPS cho Mỹ”, khoản đầu tư 50 tỷ USD để làm chất xúc tác thúc đẩy tăng trưởng dài hạn trong ngành bán dẫn trong nước nhằm hỗ trợ an ninh quốc gia và kinh tế của Mỹ.

Trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 06/09, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nhấn mạnh rằng các công ty công nghệ nhận tiền từ chương trình CHIPS không được phép xây dựng các cơ sở công nghệ tiên tiến hoặc hiện đại hàng đầu ở Trung Quốc trong mười năm. Những rào cản này gia tăng việc hạn chế Trung Quốc có được các công nghệ tiên tiến từ các nhà sản xuất chip.

Mỹ - Trung leo thang cạnh tranh về chip, doanh nghiệp nước ngoài thận trọng đầu tư vào Trung Quốc
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 06/09/2022 ở Washington, DC, Mỹ. Bộ trưởng Raimondo đã phát biểu về việc mới thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học năm 2022, đạo luật nhằm khuyến khích xây dựng các cơ sở sản xuất vi xử lý ở Mỹ. (Ảnh: Kevin Dietsch / Getty Images)

Những nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế quyền truy cập của Trung Quốc đối với các công nghệ bán dẫn tiên tiến bắt đầu với việc chính quyền Trump trừng phạt gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei do lo ngại về an ninh quốc gia của Mỹ.

Mỹ trừng phạt ngành công nghệ cao của Trung Quốc

Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2022 của Huawei cho thấy tỷ suất lợi nhuận ròng của hãng giảm mạnh từ 9,8% xuống 5,0%, cho thấy thu nhập ròng giảm đáng kể.

Người sáng lập Nhậm Chính Phi của công ty được cho là đã nói với các nhân viên vào cuối tháng 8 rằng hãy chuẩn bị cố gắng “sống sót” trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm trong một bản ghi nhớ nội bộ bị rò rỉ.

“Mười năm tới sẽ là một giai đoạn đau đớn trong lịch sử, khi nền kinh tế thế giới đi vào suy thoái… Huawei cần phải hạn chế bất kỳ dự báo quá lạc quan nào và biến sự tồn tại trở thành mục tiêu quan trọng nhất của mình trong ba năm tới”, ông Nhậm viết trong bản ghi nhớ bị rò rỉ, theo tờ South China Morning Post (SCMP).

Mỹ - Trung leo thang cạnh tranh về chip, doanh nghiệp nước ngoài thận trọng đầu tư vào Trung Quốc
Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Huawei Nhậm Chính Phi phát biểu trong cuộc họp báo tại Thái Nguyên, thuộc tỉnh Sơn Tây phía bắc Trung Quốc vào ngày 09/02/2021. (Ảnh: Jessica Yang / AFP qua Getty Images)

Vào tháng 05/2019, Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách trừng phạt của mình, ngăn các công ty Mỹ cung cấp sản phẩm cho Huawei mà không được Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho phép. Hậu quả là, Google đã ngừng hợp tác với Huawei và các thiết bị Huawei bị từ chối quyền truy cập vào các bản cập nhật Android.

Vào tháng 05/2020, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra các quy định mới yêu cầu bất kỳ con chip nào được sản xuất bằng công nghệ và thiết bị của Mỹ trước tiên phải được Mỹ phê duyệt trước khi có thể bán cho Huawei.

Vì Trung Quốc không có khả năng sản xuất chip tiên tiến trong nước, các lệnh trừng phạt gia tăng của Mỹ đã tạo ra một điểm nghẽn tại các nhà máy sản xuất chip thuê ngoài của Huawei.

Sự thiếu hụt chip cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh linh kiện ô tô đang phát triển của Huawei.

Vào tháng 05/2021, Giám đốc điều hành của Huawei, ông Yu Chengdong cho biết trên nền tảng xã hội Trung Quốc WeChat rằng một con chip 20 CNY (nhân dân tệ) (khoảng 3 USD) hiện có giá khoảng 2.500 CNY (khoảng 375 USD) đối với Huawei.

Ông Yu nói: “Một chiếc ô tô cần tới 9 con chip như vậy, và mức tăng giá là quá cao [đối với công ty] để chấp nhận".

Corerain, một công ty trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu của Trung Quốc, cho biết trên trang web của mình rằng R&D (nghiên cứu và phát triển) chip của Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng nhưng vẫn còn “khoảng cách rõ ràng” trong sản xuất so với các nhà máy chip tiên tiến trên thế giới.

Corerain cho biết trong báo cáo: “Sản xuất chip đòi hỏi thiết bị cao cấp như quang khắc và Trung Quốc gặp khó khăn không thể vượt qua trong việc [mua] thiết bị và vật liệu".

Mỹ thắt chặt kiểm soát ngành chip Trung Quốc

Trung Quốc đã trở thành nước tiêu thụ chip lớn nhất trên thế giới do quy mô thị trường điện tử trong nước và là cơ sở sản xuất toàn cầu cho toàn bộ các ngành công nghiệp.

Để cản trở sự phát triển của Trung Quốc, Washington đã tăng cường nỗ lực hạn chế quyền tiếp cận của Bắc Kinh đối với công nghệ chip tiên phong.

Các nhà sản xuất chip có trụ sở tại Mỹ là NVIDIA Corp. và Advanced Micro Devices (AMD) được cho là được Washington thông báo không bán các loại chip cụ thể tiên tiến nhất cho Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) và Nga để giảm khả năng các công nghệ này được sử dụng cho vũ khí.

Mỹ - Trung leo thang cạnh tranh về chip, doanh nghiệp nước ngoài thận trọng đầu tư vào Trung Quốc
Logo trên trụ sở chính của Nvidia ở Santa Clara, California, Mỹ, vào ngày 10/05/2018. (Ảnh: Justin Sullivan / Getty Images)

Vào ngày 26/08, chính phủ Mỹ đã áp đặt một yêu cầu cấp phép mới để “các mạch tích hợp A100 của Công ty và các mạch tích hợp H100 sắp tới” được xuất khẩu sang Trung Quốc và Nga, NVIDIA cho biết trong một hồ sơ pháp lý gửi tới Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức.

Căng thẳng chip leo thang phản ánh sự xấu đi trong quan hệ Mỹ - Trung. Do đó, ngày càng nhiều công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc trở nên do dự và thận trọng hơn trong việc đầu tư thêm vào Trung Quốc.

Tuy nhiên, để chống lại triển vọng kinh tế tồi tệ, chính quyền Trung Quốc được cho là đã công bố dữ liệu đầu tư nước ngoài sai lệch nhằm tạo ra ảo tưởng về dòng vốn nước ngoài tăng lên.

Dữ liệu Trung Quốc phản ánh sai lệch tâm lý đầu tư nước ngoài

Vào tháng 8, Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, đã phát hành “Khảo sát thành viên năm 2022”. Báo cáo dựa trên phản hồi của 117 công ty thành viên.

Hầu hết đối tượng được khảo sát là các công ty đa quốc gia lớn có trụ sở chính tại Mỹ đã hoạt động tại Trung Quốc hơn 20 năm.

Báo cáo tiết lộ rằng hơn một nửa số người được hỏi đã tạm dừng, trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch đầu tư ở Trung Quốc do các biện pháp phản ứng COVID-19 hà khắc của quốc gia này.

Tâm lý thị trường tương tự cũng được Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc (Phòng Châu Âu) xác định dựa trên “Khảo sát niềm tin kinh doanh năm 2022”, được công bố vào ngày 20/06.

Bà Bettina Schoen-Behanzin, Phó chủ tịch Phòng châu Âu, cho biết trong báo cáo: “Ngày càng có nhiều doanh nghiệp châu Âu tạm dừng các khoản đầu tư vào Trung Quốc và đánh giá lại vị thế của họ trên thị trường khi họ chờ xem sự không chắc chắn này sẽ tiếp diễn trong bao lâu”.

Bà nói thêm rằng “nhiều bên đang hướng tới các điểm đến khác cho các dự án trong tương lai”.

Mặc dù cả Mỹ và Châu Âu đều cho thấy tâm lý thị trường ở Trung Quốc giảm sút đáng kể, dữ liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố vào ngày 18/08 lại cho thấy điều ngược lại.

Dữ liệu trên cho thấy "thực tế sử dụng đầu tư nước ngoài" của quốc gia trong bảy tháng năm nay đã tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, theo một phân tích của Bloomberg được công bố vào ngày 06/09, Hong Kong là "nguồn gốc" của 76% tuyên bố của Trung Quốc về đầu tư nước ngoài "thực sự được sử dụng". Vốn nước ngoài đầu tiên đến Hong Kong và sau đó được chuyển hướng vào Trung Quốc đại lục.

Mỹ - Trung leo thang cạnh tranh về chip, doanh nghiệp nước ngoài thận trọng đầu tư vào Trung Quốc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫy tay sau bài phát biểu của mình sau buổi lễ nhậm chức của nhà lãnh đạo và chính quyền mới của thành phố tại Hong Kong vào ngày 01/07/2022, nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành phố được bàn giao từ Anh cho Trung Quốc. (Ảnh: SELIM CHTAYTI / POOL / AFP qua Getty Images)

Hơn nữa, 75% khoản đầu tư mới dành cho lĩnh vực dịch vụ chứ không phải lĩnh vực sản xuất cao cấp như Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tuyên bố.

Chế độ Trung Quốc từ lâu đã bị cáo buộc thường xuyên cung cấp dữ liệu sai lệch hoặc mang tính lừa gạt.

Ngay cả trong nước, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vào tháng 5 đã xác định được ít nhất 116 doanh nghiệp ở ba tỉnh có liên quan đến vi phạm dữ liệu.

“Bắc Kinh đưa ra các ưu đãi cho các khoản đầu tư nước ngoài, và một số người [ở Trung Quốc] tìm cách thu lợi từ điều đó. [Họ] chuyển tiền ra nước ngoài, biến nó thành vốn nước ngoài và gửi lại vào thị trường Trung Quốc. Nó tương đương với rửa tiền”, ông Frank Xie, Giáo sư John M. Olin Palmetto về Kinh doanh tại Đại học Nam Carolina Aiken, nói với The Epoch Times.

Bảo Nguyên

Theo Kathleen Li - The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Mỹ - Trung leo thang cạnh tranh về chip, doanh nghiệp nước ngoài thận trọng đầu tư vào Trung Quốc