Mỹ: Tỷ phú cảnh báo nền kinh tế đang hướng tới thảm họa sau khi Fed tăng lãi suất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tỷ phú đầu tư Bill Ackman nói rằng, quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), kết hợp với tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen rằng không có kế hoạch mở rộng bảo đảm cho tiền gửi, là một "sai lầm lớn" gây thêm áp lực lên các ngân hàng nhỏ hơn, và đưa nền kinh tế đến một thảm họa.

Tỷ phú đầu tư Bill Ackman đã đưa ra cảnh báo của mình trong một loạt các bài đăng trên Twitter trong vài ngày qua, sau khi Fed tăng lãi suất thêm 0,25%, và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói với các nhà lập pháp tại một phiên điều trần của Thượng viện rằng, hiện không có kế hoạch nâng rộng rãi mức trần bảo hiểm tiền gửi để đảm bảo cho số dư vượt quá giới hạn 250.000 USD.

Mặc dù bà Yellen thừa nhận có thể có "các cuộc thảo luận hợp lý" về việc liệu có nên nâng mức giới hạn 250.000 USD như một phần của sự cải cách lâu dài hệ thống hay không, thì một động thái như vậy sẽ cần sự chấp thuận của quốc hội và bà "chưa xem xét hoặc thảo luận bất cứ điều gì liên quan đến bảo hiểm hoặc bảo đảm tiền gửi bao phủ rộng rãi".

Cách duy nhất để nâng trần bảo đảm tiền gửi, theo khuôn khổ pháp lý hiện hành, là tuyên bố một ngân hàng cụ thể gặp khó khăn đang gây ra nguy cơ cho sự ổn định tài chính, như đã được thực hiện với Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Ngân hàng Signature (Signature Bank), bà Yellen cho biết.

Phát biểu của bà Yellen, được đưa ra ngay sau khi chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết trong một cuộc họp báo rằng tiền gửi ngân hàng của người Mỹ là "an toàn", đã khiến cổ phiếu ngân hàng trượt dốc.

'Sai lầm lớn'

Sau sự sụp đổ của SVB và Signature, đã có những lời kêu gọi tạm thời tăng mức giới hạn tiền gửi được đảm bảo bởi Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), như một biện pháp củng cố niềm tin và giúp ngăn chặn dòng tiền gửi chạy ra khỏi các ngân hàng khu vực.

Bill Ackman — người kêu gọi mở rộng bảo đảm tiền gửi — đã phê phán phát biểu của bà Yellen.

"Đây là một sai lầm lớn. Chúng ta đang tự làm tự chịu", ông Ackman viết trong một bài đăng trên Twitter. Tuyên bố của bà Yellen, kết hợp với đợt tăng lãi suất mới nhất của Fed, "càng gây thêm áp lực" lên các ngân hàng mà nếu sụp đổ thì cũng không đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính, vốn chiếm đại đa số trong số 4.900 ngân hàng của Mỹ.

Hiện có 8 ngân hàng có trụ sở chính tại Mỹ mà quan trọng đối với hệ thống, thường được gọi là "quá lớn để cho phép sụp đổ", và là đối tượng chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Điều này bao gồm một yêu cầu các ngân hàng này phải có kế hoạch giải quyết khi gặp khó khăn tài chính hay sụp đổ, còn được gọi là "di chúc sống". Fed và FDIC gần đây đã xem xét các kế hoạch này và cho rằng chúng thỏa đáng.

Hậu quả từ sự sụp đổ của SVB đã gây ra những lo ngại về sự ổn định của ngành ngân hàng Mỹ và dẫn đến sự gia tăng rút tiền gửi từ các ngân hàng khu vực nhỏ hơn — những ngân hàng có vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ các lĩnh vực quan trọng như bất động sản thương mại.

Phản ứng của các cơ quan tài chính Mỹ đối với sự sụp đổ của SVB, và sau đó là Signature, bao gồm việc mở rộng bảo đảm tiền gửi cho hai ngân hàng này và mở một chương trình thanh khoản khẩn cấp, cho phép các ngân hàng vay với các điều khoản dễ dàng hơn để đáp ứng nhu cầu rút tiền của người gửi tiền.

Kỳ vọng về bảo hiểm bao phủ rộng rãi?

Một ngày trước khi phát biểu rằng mình "chưa xem xét hoặc thảo luận bất cứ điều gì liên quan đến bảo hiểm hoặc bảo đảm tiền gửi bao phủ rộng rãi", thì Bộ trưởng Tài chính Yellen đã tuyên bố tại một hội nghị của Hiệp hội Ngân hàng Mỹ rằng, phản ứng nhanh chóng đã giúp ổn định hệ thống ngân hàng rất nhiều. Đồng thời, bà trấn an rằng chính phủ sẵn sàng thực hiện các bước tiếp theo để đảm bảo tiền gửi ngân hàng của người Mỹ được an toàn trong hoàn cảnh hỗn loạn.

"Các bước chúng tôi đã làm không tập trung vào việc hỗ trợ các ngân hàng cụ thể hay nhóm ngân hàng cụ thể. Sự can thiệp của chúng tôi là cần thiết để bảo vệ hệ thống ngân hàng rộng lớn hơn của Mỹ", bà Yellen nói. "Và các hành động tương tự có thể được cho phép nếu các tổ chức nhỏ hơn bị rút tiền gửi hàng loạt mà gây nguy cơ lây lan".

Nhiều người giải thích điều này có nghĩa là bà Yellen có thể xem xét ý tưởng cung cấp bảo đảm rộng rãi cho các khoản tiền gửi, đặt ra nhiều kỳ vọng mà đã bị dập tắt bởi tuyên bố ngày hôm sau của bà.

"Chúng ta đã chuyển từ việc [Bộ trưởng Yellen] ngầm ủng hộ [việc bảo đảm cho] người gửi tiền, sang việc [Bộ trưởng Yellen] tuyên bố rõ ràng hôm nay rằng không có bảo đảm nào được xem xét, với lãi suất hiện được tăng lên 5%", Bill Ackman viết trên Twitter, đề cập đến việc Fed tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25% trong tuần này.

Bill Ackman lập luận rằng ngưỡng 5% là ngưỡng khiến tiền gửi ngân hàng "kém hấp dẫn hơn nhiều đến thế".

"Tôi sẽ ngạc nhiên nếu dòng rút tiền gửi không tăng tốc ngay lập tức", ông nói thêm.

"Cần có một bảo đảm tiền gửi tạm thời trên toàn hệ thống để ngăn chặn tình trạng chảy máu. Sự bất định càng kéo dài, thiệt hại đối với các ngân hàng nhỏ càng lâu dài và càng khó kéo khách hàng của họ trở lại", ông tiếp tục.

Trong một bài đăng sau đó, ông Ackman nói rằng các ngân hàng mà nếu sụp đổ thì cũng không đe dọa sự ổn định của hệ thống tài chính đang phải đối mặt với khó khăn gấp bội, do chi phí nợ và tiền gửi cao hơn do Fed tăng lãi suất, kết hợp với chi phí vốn cổ phần dài hạn có thể cao hơn do các cổ đông và trái chủ xem xét lại rủi ro của mình trước những vụ sụp đổ gần đây của các ngân hàng.

"Hãy xem xét những tác động sẽ xảy ra đối với lãi suất cho vay và nền kinh tế của chúng ta. Cuộc khủng hoảng ngân hàng này càng kéo dài thì thiệt hại càng lớn cho các ngân hàng nhỏ hơn và cho khả năng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp của họ", Bill Ackman viết.

"Niềm tin và sự tự tin được gây dựng trong nhiều năm, nhưng có thể bị xóa sạch trong vài ngày. Tôi e rằng chúng ta đang hướng tới một thảm họa nữa", ông cho biết thêm.

"Hy vọng rằng các cơ quan chức năng của chúng ta sẽ làm đúng".

Jeffrey Gundlach — người đứng đầu hãng quản lý đầu tư DoubleLine — đã dự báo trên Twitter rằng Fed sẽ "sớm cắt giảm đáng kể lãi suất".

Các nhà đầu tư đang đặt cược rằng, Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong phạm vi hiện tại là 4,75% – 5% khi các nhà hoạch định chính sách họp vào tháng 5 tới để bỏ phiếu xem có nên tăng, giữ, hay giảm lãi suất quỹ liên bang, để đáp ứng các điều kiện kinh tế và tài chính đang biến động hay không.

Theo The Epoch Times

Cao Dương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ: Tỷ phú cảnh báo nền kinh tế đang hướng tới thảm họa sau khi Fed tăng lãi suất