Mỹ vướng ‘bẫy kinh tế’ toàn cầu hoá và tự do hóa dòng vốn như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà kinh tế từ lâu đã tưởng tượng rằng sự di chuyển tự do của dòng vốn trên khắp thế giới là có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Sai, đó là một gánh nặng! Bài viết cho bạn có thêm lý do để hiểu tại sao Tổng thống Trump quay lưng lại với toàn cầu hóa.

Không chỉ với Mỹ, dòng vốn lưu chuyển tự do thực tế chỉ mang lợi cho giới tài phiệt tài chính chứ không phải cho toàn cầu, cho người lao động như lý thuyết giáo điều được tô hồng của kinh tế học

Khi ký hiệp định NAFTA cuối cùng vào tháng 9 năm 1993, Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã từ chối lời hứa khi tranh cử mà ông đã đưa ra nhiều tháng trước đó. Ông đã có lời giải thích nổi tiếng về quyết định của mình, khi lập luận rằng “cuộc hôn nhân” giữa tài chính và công nghệ đã tạo ra những thay đổi lớn trong nền kinh tế toàn cầu.

“Không có gì chúng tôi làm ở thủ đô tuyệt vời này có thể thay đổi thực tế… rằng mọi người có thể chuyển tiền trong nháy mắt”, ông nói thêm. Đó là lý do tại sao ông lập luận rằng Hoa Kỳ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận những gián đoạn mà NAFTA có thể áp đặt.

Nhưng trong khi Clinton đúng khi nhấn mạnh tác động gián đoạn của dòng vốn không có ma sát đối với nền kinh tế Mỹ, ông đã đưa ra kết luận sai lầm.

Mấu chốt nằm ở tương quan giữa lương và năng suất lao động bình quân của nền kinh tế

Đúng là dòng vốn không được kiểm soát trên khắp thế giới đã hạn chế mạnh mẽ khả năng quản lý nền kinh tế của từng quốc gia.

Bởi vì, bằng cách chuyển hoạt động sản xuất sang các nền kinh tế có khung khổ pháp lý lỏng lẻo hơn, các nhà đầu tư có thể nhanh chóng trừng phạt (bằng cách quay lưng lại) với các nền kinh tế có các chính sách bảo vệ môi trường, người tiêu dùng hoặc nhà đầu tư trong nước chặt chẽ, hoặc các nền kinh tế cố gắng tăng thu nhập của người lao động bằng lợi nhuận kinh doanh.

Theo sự hiểu biết thông thường của chúng ta, dòng vốn khi được tự do bởi toàn cầu hoá có vẻ như sẽ chuyển dịch từ các nền kinh tế có mức lương cao về nền kinh tế có mức lương thấp.

Nông dân Hàn Quốc biểu tình phản đối Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ sáu ngày 13 tháng 12 năm 2005 tại Hong Kong. (Ảnh của MN Chan/Getty Images)
Nông dân Hàn Quốc biểu tình phản đối Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ sáu ngày 13 tháng 12 năm 2005 tại Hong Kong. (Ảnh của MN Chan/Getty Images)

Nhưng mọi việc không đơn giản như vậy. Số liệu về sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư tự do hoá đã chứng minh rằng, dòng vốn chỉ dịch chuyển từ các nền kinh tế “có mức lương cao so với năng suất lao động bình quân” sang các nền kinh tế “có mức lương thấp hơn” (so với năng suất lao động bình quân).

Đó là lý do, Đức và Trung Quốc là những ví dụ nổi bật về các nền kinh tế tận dụng tốt nhất công cuộc toàn cầu hoá và tự do hóa dòng vốn quốc tế.

Đức là một quốc gia có mức lương cao, nhưng mức lương của họ vẫn thấp so với năng suất cao của người lao động. Đó là sự không phù hợp giữa tiền lương và năng suất, chứ không phải mức lương thấp hơn,

Nước thụ hưởng dòng vốn từ toàn cầu hoá ép thu nhập người lao động ở mức thấp

Và chính dòng vốn không được kiểm soát đã tạo ra những mất cân đối này. Các quốc gia như Đức và Trung Quốc thành công nhất trong việc tăng cường xuất khẩu và đạt thặng dư thương mại lớn có thể làm được điều này; không phải vì chúng hiệu quả hơn, mà vì các chính sách thúc đẩy sản xuất với chi phí thu nhập hộ gia đình.

Họ làm điều này trực tiếp, bằng cách gây áp lực giảm lương; hoặc gián tiếp, thông qua giảm giá tiền tệ, trợ cấp sản xuất, suy thoái môi trường, suy yếu mạng lưới an toàn xã hội...

Đây là mấu chốt của bất công bằng, bất bình đẳng thu nhập do toàn cầu hoá và tự do hóa dòng vốn.

Việc ép lương xuống thấp hơn so với năng suất lao động bình quân để tạo lợi thế thu hút vốn đầu tư và xuất khẩu đã chuyển thu nhập của hộ gia đình trung lưu, công nhân, nông dân - những người có cuộc sống phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập từ lương - sang cho các doanh nghiệp lớn, chính phủ và người giàu - nhóm người có nhiều khả năng tiết kiệm nhất và chi tiêu không phụ thuộc vào lương.

Dù vậy, chính sách “vì người giàu và vì chính trị gia” này được triệt để áp dụng bởi áp lực của lợi nhuận (giới đầu tư) và tăng trưởng (cho các mục tiêu chính trị), và vì sự ảnh hưởng của người giàu, nhà đầu tư tới việc ra quyết định chính sách của các chính phủ.

Xét trên bình diện các nền kinh tế bị thua thiệt do toàn cầu hoá, giải pháp cho cả hai vấn đề là các quốc gia hưởng lợi từ tự do hóa dòng vốn cần sử dụng khoản tiết kiệm từ giới đầu tư, người giàu và chính phủ để mua hàng hóa từ nước ngoài tương ứng với khoản thặng dư thương mại mà họ đạt được.

Nếu các quốc gia hưởng lợi không làm được điều đó, các quốc gia có nhu cầu trong nước thiếu hụt sẽ buộc phải đảo ngược các chính sách trước đó của họ — bằng cách tăng lương và giảm trợ cấp cho ngành sản xuất — hoặc chịu hậu quả dưới hình thức thất nghiệp gia tăng.

Và đây chính xác là vấn đề của nước Mỹ cũng như rất nhiều quốc gia khác. Khác biệt ở chỗ, Mỹ có quyền lực và nguồn lực để đòi lại sự cân bằng mà họ muốn, còn các quốc gia khác thì rất khó…

Nước nhập siêu như Mỹ phải chịu tỷ lệ tiết kiệm sụt giảm, thất nghiệp cao hoặc nợ tăng cao

Có hai vấn đề với giải pháp này.

Thứ nhất, tổng cầu của cả thế giới sẽ yếu đi. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng bởi nhu cầu yếu hơn, do các quốc gia cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất bằng cách kìm hãm tăng trưởng tiền lương trong nước. Tức là, thu nhập của phần đa dân số (ít nhất là 80%) không tương xứng với tốc độ gia tăng của sản lượng đầu ra (tổng cung) thì sẽ dẫn đến cầu yếu, tổng cung dư thừa.

Thứ hai, các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn do phải nhập khẩu nhiều hàng hoá từ các nước xuất khẩu. Điều này có nghĩa, thâm hụt thương mại phải trả giá bằng cách chuyển quyền sở hữu tài sản - dưới dạng cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản và nhà máy - cho những người tiết kiệm giàu có của nước xuất khẩu và buộc nền kinh tế của họ phải điều chỉnh theo dòng vốn.

Cách họ điều chỉnh, nếu là các nền kinh tế tiên tiến, luôn liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn hoặc (nhiều khả năng hơn trong trường hợp của các quốc gia như Hoa Kỳ), là nợ tăng nhanh.

Đây chính là vòng luẩn quẩn của các nước bị thiệt hại trong toàn cầu hoá:

(1) Lương cao so với năng suất bình quân => (2) dòng vốn đầu tư trong nước suy giảm (vốn trong nước đổ vào quốc gia có mức lương thấp so với năng suất lao động bình quân và vốn nước nước ngoài không thu hút được) => (3) Sản xuất trong nước không đáp ứng được cầu trong nước, xuất khẩu thấp => (4) Nhập siêu (thâm hụt thương mại) => (5)Tiết kiệm trong nước suy giảm => (6) Đầu tư suy giảm => (7) Mua hàng nhập khẩu và chuyển quyền sở hữu tài sản (cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, nhà máy) cho người xuất khẩu ở nước ngoài => (8) Thất nghiệp trong nước tăng => (9) Bội chi ngân sách tăng => (10) Nợ công tăng => (11) Thuế tăng => (1) Lương tăng so với năng suất lao động bình quân.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu tại phiên họp thứ 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 25 tháng 9 năm 2018 tại Thành phố New York (Ảnh của John Moore / Getty Images)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu tại phiên họp thứ 73 của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 25 tháng 9 năm 2018 tại Thành phố New York (Ảnh của John Moore / Getty Images)

Nói cách khác, những người tuyên bố rằng Hoa Kỳ cần dòng vốn tài chính nước ngoài vì tỷ lệ tiết kiệm thấp đã hiểu sai bản chất kinh tế ở đây. Đó là một lý thuyết kinh tế sai lầm.

Chính dòng vốn tài chính nước ngoài làm giảm tỷ lệ tiết kiệm của người Mỹ, và tự do hóa dòng vốn và toàn cầu hoá làm tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, nợ tăng nhanh hơn.

Dòng vốn nước ngoài tự do chỉ phù hợp với nền kinh tế đang phát triển - không phải Mỹ

Đây là một điểm mà các nhà kinh tế học chính thống bỏ sót. Nếu Hoa Kỳ là một quốc gia đang phát triển, trong đó nhu cầu đầu tư cao bị hạn chế bởi tiết kiệm khan hiếm, thì dòng vốn nước ngoài có thể làm tăng đầu tư của Hoa Kỳ, như họ đã làm trong thế kỷ 19, đó sẽ là một điều tốt.

Nhưng trong một thế giới được đặc trưng bởi tiết kiệm toàn cầu dư thừa và lãi suất thấp nhất trong lịch sử, và trong đó các doanh nghiệp Mỹ đang tích trữ tiền mặt chưa đầu tư, rõ ràng là tiết kiệm nước ngoài nhiều hơn sẽ không dẫn đến đầu tư thêm.

Trong trường hợp đó, nếu dòng vốn nước ngoài đổ vào nhưng không làm tăng đầu tư, thì chúng phải khiến tiết kiệm giảm. Đây là một quy tắc sắt (bất di bất dịch) của cán cân thanh toán.

Có một số cơ chế mà dòng vốn nước ngoài vào có thể làm giảm tiết kiệm của người Mỹ. Dòng vốn nước ngoài vào có thể làm cho giá trị của đồng đô-la Mỹ tăng lên, chuyển thu nhập từ các nhà xuất khẩu ròng (doanh nghiệp) sang nhà nhập khẩu ròng (hộ gia đình), do đó làm tăng tỷ trọng tiêu dùng trong GDP và giảm tỷ trọng tiết kiệm.

Hàng nhập khẩu giá rẻ có thể thay thế các sản phẩm của Mỹ được bán ở trong và ngoài nước, dẫn đến việc sa thải ở Mỹ. (Người lao động thất nghiệp có tỷ lệ tiết kiệm âm).

Hoặc để ngăn chặn sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp này, các cơ quan tài chính có thể tăng thâm hụt, hoặc các cơ quan quản lý tiền tệ có thể đưa ra các chính sách khuyến khích các tiêu chuẩn cho vay nới lỏng, trong cả hai trường hợp buộc tăng mức nợ. (Nợ là khoản tiết kiệm âm.)

Cuối cùng, việc nước ngoài mua cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản của Mỹ có thể khiến giá của chúng tăng lên, khiến người Mỹ cảm thấy giàu có hơn, và khuyến khích họ vay nhiều tiền hơn, rồi tiêu nhiều tiền trong thu nhập hơn.

Tự do lưu chuyển dòng vốn khuyến khích đầu tư ngắn hạn, giảm lương chứ không đầu tư dài hạn nhắm vào mục tiêu tăng năng suất

Sự thực là, kinh tế toàn cầu hoá khiến rủi ro bất ổn tài chính do lưu chuyển vốn đầu tư ngắn hạn gia tăng ngày một mạnh mẽ. Khi đầu tư ngắn hạn trong bối cảnh lãi suất cực thấp do nới lỏng tiền tệ, cầu thấp, dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán, thị trường tài sản tài chính phái sinh, bất động sản và đầu cơ… Các ngân hàng và quỹ đầu tư là người hưởng lợi duy nhất.

Các doanh nghiệp lớn thay vì tìm kiếm lợi nhuận bằng đầu tư dài hạn để tăng năng suất, họ đầu tư ngắn hạn để tìm kiếm lợi nhuận trước mắt và ép giảm lương (bởi đây là điều mà các chính trị gia buộc phải chấp nhận để giữ dòng vốn và duy trì tăng trưởng).

Hoa Kỳ không phải chấp nhận những hậu quả này một cách thụ động. Thay vào đó, họ có thể đảo ngược các chính sách mà trong những thập kỷ gần đây đã che đậy dòng vốn không được kiểm soát.

Lý thuyết, không phải không có lập luận nào ủng hộ dòng vốn tự do. Tuyên bố tiêu chuẩn của các nhà kinh tế là nếu đầu tư có thể chảy tự do đến mục đích sử dụng hiệu quả nhất, thì nền kinh tế toàn cầu sẽ phát triển bằng cách chuyển các nguồn lực từ những người sử dụng kém năng suất hơn sang những người có năng suất cao hơn.

Công nhân công đoàn cầm biển báo trong cuộc biểu tình phản đối việc thuê ngoài ngày 5 tháng 3 năm 2004 tại Capitrol Hill ở Washington, DC (Ảnh của Mark Wilson / Getty Images)
Công nhân công đoàn cầm biển báo trong cuộc biểu tình phản đối việc thuê ngoài ngày 5 tháng 3 năm 2004 tại Capitrol Hill ở Washington, DC (Ảnh của Mark Wilson / Getty Images)

Trong thế giới lý tưởng hóa này, các nhà đầu tư thông minh liên tục tìm kiếm hiệu quả đầu tư trên khắp thế giới nhằm thu lợi nhuận bằng cách cải thiện năng lực sản xuất của cơ sở hạ tầng và cơ sở sản xuất. Điều này mang lại lợi ích cho toàn thế giới bằng cách nâng cao năng suất toàn cầu, ngay cả khi nó tạo ra xung đột về việc phân phối các lợi ích đó.

Thực tế, rất ít thương nhân và nhà đầu tư quốc tế tin rằng đây thực sự là điều xảy ra. Các dòng vốn quốc tế chủ yếu ở dạng dòng danh mục đầu tư - dòng chảy ngắn hạn vào cổ phiếu và trái phiếu - hơn là đầu tư trực tiếp vào các dự án nâng cao năng suất. Các dòng danh mục đầu tư có xu hướng được thúc đẩy bởi đầu cơ, mốt đầu tư, bỏ vốn, tích lũy dự trữ, đầu tư theo chỉ số hoặc một tá lý do khác không liên quan đến việc phân bổ vốn cho các mục đích sử dụng hiệu quả nhất.

Trên thực tế, thay vì chảy từ các nền kinh tế tiên tiến với tốc độ tăng trưởng đầu tư chậm, lãi suất thấp và dư thừa vốn sang các nền kinh tế mới nổi đang phát triển nhanh chóng với nhu cầu đầu tư cao, như lý thuyết cho chúng ta biết, phần lớn vốn quốc tế chảy vào các nền kinh tế tiên tiến đã tràn ngập các khoản tiết kiệm dư thừa và vốn rẻ.

Điều này có nghĩa là có rất ít điều để biện minh cho sự sùng bái đối với việc di chuyển vốn không được kiểm soát. Trong một thế giới đã tràn ngập các khoản tiết kiệm quá mức, nó không dẫn đến việc đầu tư hiệu quả hơn; nó khuyến khích sự mất cân đối tiết kiệm toàn cầu bằng cách cho phép giảm tiền lương ở các nước xuất siêu ra nước ngoài; nó gây ra thất nghiệp hoặc nợ nần trong các nền kinh tế nhập siêu; và làm suy yếu sức mạnh thương lượng của người lao động, làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập ở mọi nơi.

Những người duy nhất được hưởng lợi từ các dòng vốn không điều chỉnh là các chủ ngân hàng quốc tế và những chủ sở hữu vốn lưu động rất giàu có.

Trong nhiều thập kỷ qua, dòng vốn toàn cầu không được kiểm soát đã cho phép giới tinh hoa tài chính tạo ra và kiếm lợi từ tiết kiệm và mất cân đối sản xuất ở một quốc gia, gây ra sự mất cân bằng ngược lại ở những quốc gia khác. Vốn toàn cầu đã trở thành “cái đuôi của con chó kinh tế”.

Đã đến lúc các chính phủ, và đặc biệt là Washington, thực hiện các bước để hạn chế hoặc ổn định các dòng chảy này. Có nhiều cách để làm như vậy mà không tạo ra sự méo mó trong thương mại hoặc làm suy yếu đầu tư trực tiếp thực sự. Ví dụ, Washington có thể đánh thuế một lần đối với các giao dịch ngoại tệ hoặc đối với tất cả các dòng vốn.

Họ có thể giữ lại một phần lãi suất và cổ tức được trả ở nước ngoài (như đã làm cho đến đầu những năm 1980). Họ có thể hạn chế sử dụng đô la Mỹ quốc tế, có lẽ bằng cách thay thế nó bằng một rổ tiền tệ tổng hợp. Họ có thể tổ chức với các quốc gia cùng chí hướng một chế độ thương mại quốc tế và dòng vốn mới.

Vấn đề là Clinton đã sai: Chúng ta có thể và nên thay đổi sự thật rằng mọi người có thể chuyển tiền trong nháy mắt. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể tái cân bằng thương mại theo hướng tối ưu cho nền kinh tế toàn cầu.

Phần lớn Phố Wall, vì những lý do rõ ràng, sẽ phản đối dữ dội các chính sách hạn chế dòng vốn không được kiểm soát trên khắp thế giới, nhưng các chính sách đúng đắn có thể làm giảm mạnh sự gián đoạn kinh tế gây ra cho công nhân, nhà sản xuất, nông dân và tầng lớp trung lưu.

Và như trường hợp của lịch sử Hoa Kỳ, họ sẽ buộc các doanh nghiệp lớn trên khắp thế giới một lần nữa phải cạnh tranh để kiếm lợi nhuận bằng cách đầu tư vào năng suất trong nước, thay vì giảm lương.

Tác giả: Michael Pettis là thành viên cao cấp tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua và là giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh. Ông cũng là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt “Trade Wars Are Class Wars”

Trần Đức



BÀI CHỌN LỌC

Mỹ vướng ‘bẫy kinh tế’ toàn cầu hoá và tự do hóa dòng vốn như thế nào?