Nền kinh tế chung châu Âu có thể đối mặt với kịch bản tệ đến mức nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kịch bản kinh tế xấu nhất đối với châu Âu do một chuyên gia phác thảo ra đang xảy ra. Một cuộc khủng hoảng nợ đang hình thành tại châu Âu. Khủng hoảng năng lượng đi cùng với việc nền kinh tế châu Âu tan rã, kéo theo đó là hệ thống tài chính toàn cầu sụp đổ. Điều duy nhất có thể cứu vãn tình hình ngay lập tức là việc chấm dứt các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga từ phương Tây nhằm khiến dòng khí đốt từ Nga chảy trở lại.

Kịch bản kinh tế xấu nhất với châu Âu đang diễn ra

Tôi đã kinh hoàng khi theo dõi sự leo thang căng thẳng trong tình hình kinh tế ở châu Âu kể từ giữa tháng 2. Hôm 21/02, tôi đã đăng một dòng Twitter ngắn nêu chi tiết về kịch bản xấu nhất về kinh tế đối với châu Âu, nếu chiến tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra, và cuộc chiến đó đã thực sự xảy ra.

Dự báo có 10 giai đoạn:

  1. Phương Tây sẽ có thể đáp trả bằng các lệnh trừng phạt.
  2. Nga có thể sẽ đáp trả bằng cách ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu.
  3. Điều này sẽ dẫn đến việc giá năng lượng ở châu Âu gia tăng ở mức khổng lồ, đẩy châu lục này vào một cuộc suy thoái với áp lực lạm phát cao (lạm phát đình trệ - lạm phát đi kèm đình trệ kinh tế).
  4. Lạm phát sẽ đạt mức hai con số trong vòng 2-3 tháng.
  5. Trước tiên, thị trường tài sản sẽ biến động mạnh, sau đó sụp đổ.
  6. Lạm phát gia tăng sẽ buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu phải tăng lãi suất một cách nhanh chóng và ngừng Chương trình Mua Khẩn cấp Đại dịch (PEPP) và hoạt động nới lỏng định lượng (QE).
  7. Lĩnh vực ngân hàng châu Âu sẽ sụp đổ.
  8. Lợi suất trái phiếu các chính quyền sẽ bùng nổ.
  9. Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ tan rã.
  10. Châu Âu sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế.

Giá năng lượng đã tăng vọt, thị trường tài sản biến động và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã ngừng PEPP và QE. Lạm phát ở khu vực đồng euro là 9,1% trong tháng 8 và không có dấu hiệu giảm bớt. Vì vậy, chúng ta rất có thể sẽ chứng kiến mức lạm phát 2 con số có thể ngay vào tháng tới. Vì vậy, thật đáng lo ngại là chúng ta đã “chứng kiến” các dự báo Số 1, 2, 3, 4 và 6 trở thành sự thật từ dự báo về “trường hợp xấu nhất”.

'Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng' (CDS - một kiểu bảo hiểm trước khả năng vỡ nợ) của Credit Suisse, một ngân hàng Thụy Sĩ khổng lồ được coi là ngân hàng quan trọng mang tính hệ thống toàn cầu (G-SIB), đã đạt đến mức chưa từng thấy kể từ năm 2009. Lợi tức trái phiếu hai năm của chính phủ Đức hiện đang giao dịch ở mức cao hơn khoảng 100 điểm cơ bản so với lãi suất hoán đổi EUR OIS hai năm, thứ phản ánh lãi suất ECB trong hai năm tới. Chúng ta chưa từng thấy sự khác biệt như vậy kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu năm 2012. Điều này dẫn đến 'cuộc khủng hoảng tài sản thế chấp' lớn trong các ngân hàng, khi giá trị của tài sản thế chấp được sử dụng nhiều nhất (trái phiếu chính phủ) liên quan đến lãi suất tiền gửi đang sụp đổ.

Một cuộc khủng hoảng nợ đang hình thành

Lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý đang dao động quanh mốc 4% được cho là đại diện cho mức ranh giới thể hiện việc Chính phủ Ý không thể trang trải nghĩa vụ tài chính của mình. ECB đã và đang sử dụng nguồn vốn từ các khoản nợ đến hạn, chẳng hạn như Đức và Hà Lan để mua các khoản nợ chính phủ của Hy Lạp, Bồ Đào Nha và đặc biệt là Ý. Vào cuối tháng 7, danh mục nắm giữ của ECB gồm trái phiếu của Đức, Pháp và Hà Lan đã giảm 19,3 tỷ USD, trong khi nắm giữ trái phiếu của Ý đã tăng 14,3 tỷ USD. ECB dự kiến ​​sẽ tăng lượng mua hơn nữa trong những tháng tới.

Nền kinh tế châu Âu sắp sửa sụp đổ
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc họp của hội đồng quản lý của ECB vào ngày 10/03/2022 tại Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: Ronald Wittek - Pool / Getty Images)

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu việc đó có đủ để ngăn ngừa sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng nợ khác hay không?

Lạm phát ở Ý đang ở mức kỷ lục của thời kỳ đồng EUR, hơn 8%, và các hộ gia đình và doanh nghiệp của nước này đang cảm nhận được hoàn toàn gánh nặng của giá năng lượng tăng vọt và sự gián đoạn trong dòng khí đốt của Nga sang châu Âu. Theo mô hình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu thị trường khí đốt châu Âu bị tan rã, đồng nghĩa với việc nguồn cung khí đốt sẽ bị gián đoạn, tổng sản phẩm quốc nội của Ý có thể giảm khoảng 6%. Chúng ta đang ở rất gần thời điểm đó sau khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Đức (Ý vẫn nhận khí đốt của Nga). Chính phủ Ý cũng đang chuẩn bị một quỹ cứu trợ cho những người cho vay nhỏ. Tuy nhiên, họ, những người cho vay nhỏ, không phải là vấn đề thực sự.

Kinh tế châu Âu tan rã

Theo báo cáo của Equinor, một tập đoàn năng lượng của Na Uy, các công ty năng lượng đang phải đối mặt các lệnh ký quỹ mang tính 'triệt hạ' trị giá 1,5 ngàn tỷ USD do phản ứng dữ dội về giá trên thị trường năng lượng Âu Châu. Các công ty năng lượng được yêu cầu duy trì một khoản ký quỹ tối thiểu trong trường hợp vỡ nợ trước khi cung cấp năng lượng. Khoản ký quỹ này tăng cao hơn cùng với giá điện kỳ hạn tương lai tăng vọt, mặc dù đã giảm khỏi các mức đỉnh nhưng vẫn ở mức cao. Gần đây, Phần Lan đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ký một 'thỏa thuận cầu nối' để xử lý các thỏa thuận tài sản thế chấp của Fortum, nhà sản xuất năng lượng lớn nhất Phần Lan. Các chính phủ khác có thể sẽ làm theo.

Giá điện vẫn ở mức cao. Ví dụ, ở Đức, giá giao ngay hiện cao hơn khoảng 10 lần so với mùa hè năm 2021. Nhiều hộ gia đình và tập đoàn đang chứng kiến ​​giá năng lượng của họ nhân gấp 10 lần hoặc hơn trên khắp lục địa.

Nền kinh tế châu Âu sắp sửa sụp đổ
Người đi xe đạp đi ngang qua nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt tự nhiên Klingenberg vào ngày 04/07/2022 tại Berlin, Đức. Nhà máy Klingenberg được vận hành bởi nhà cung cấp năng lượng Thụy Điển Vattenfall. (Ảnh: Sean Gallup / Getty Images)

Than ôi, không có gì đáng ngạc nhiên khi sự tan rã của nền kinh tế châu Âu đang xảy ra rồi.

Nhiều ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của châu Âu đang phải đóng cửa hoặc cắt giảm sản lượng nặng nề do giá năng lượng cao. Ngay cả các quán bar ở Anh cũng đang suy đoán xem có nên đóng cửa hay không (trên thực tế, là một sự phong tỏa bởi năng lượng) bởi vì họ không đủ khả năng chi trả giá năng lượng. Đồng thời, lạm phát ở Anh có thể lên đến 20% trong năm tới!

Tình trạng vi phạm qui định pháp luật về vay kinh doanh đang gia tăng trên khắp châu lục (ví dụ: xem phần này) và 'cơn lũ lụt' các vụ phá sản hộ kinh doanh và hộ gia đình hiện ra. Tất cả là do sức nặng của việc tăng giá điện ở mức khổng lồ, lạm phát, lãi suất tăng và một cuộc suy thoái sắp xảy ra.

Do đó, châu Âu hiện đang hướng tới một cuộc khủng hoảng kinh tế, và mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Như tôi đã đề cập trước đó, 10 trong số 30 G-SIB (ngân hàng quan trọng mang tính hệ thống toàn cầu) toàn cầu nằm ở châu Âu (PDF). Để so sánh, Mỹ có 7 G-SIB, nhưng dù vậy sự sụp đổ của thị trường nhà ở giai đoạn 2006–2009 tại Mỹ, điều dẫn đến khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ, gần như đã làm sụp đổ hệ thống tài chính toàn cầu. Nếu nền kinh tế châu Âu tan rã, điều có vẻ đang diễn ra vào lúc này, lĩnh vực ngân hàng của họ sẽ tan rã theo, và kéo theo hệ thống tài chính toàn cầu, và có thể là đồng tiền chung châu Âu (EUR) sụp đổ cùng với nó.

Có thể làm gì để ngăn chặn cuộc khủng hoảng?

Vẫn có thể có thời gian để ngăn tình trạng kinh tế châu Âu leo thang thành khủng hoảng. Mặc dù là một biện pháp ít được ưa chuộng, nhưng điều duy nhất có thể mang lại sự cứu trợ ngay lập tức là khiến dòng khí đốt từ Nga sang châu Âu hoạt động trở lại hoàn toàn, điều này đòi hỏi phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ngay cả khi việc tích trữ, cắt giảm nhu cầu và nguồn cung toàn cầu có thể bổ sung cho nguồn cung của Nga cho châu Âu, (điều rất khó xảy ra), giá khí đốt tự nhiên có thể sẽ tăng vọt trên toàn cầu. Giá cả tăng cao đã dẫn đến một "cơn sóng thần đóng cửa" ở Mỹ. Hãy xem xét xem tình hình sẽ tồi tệ như thế nào nếu giá khí đốt tự nhiên tăng gấp đôi hoặc gấp ba so với mức hiện tại.

Cần phải thừa nhận một cách đầy đủ rằng chúng ta đang ở trong tình trạng này vì các quyết định chính trị. Thứ nhất, các chính sách xanh khiến châu Âu phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga. Thứ hai, quyết định tấn công Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin, quyết định ban hành các biện pháp trừng phạt cứng rắn của các nhà lãnh đạo phương Tây, và quyết định đáp trả của chính phủ Nga đã làm bùng cháy lên cuộc khủng hoảng.

Năm 1924, ông John Maynard Keynes đã cảnh báo không nên sử dụng các biện pháp trừng phạt, điều “sẽ luôn có nguy cơ không hiệu quả và không dễ phân biệt với các hành động chiến tranh”. Trong ‘kiệt tác' của mình, “Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ”, ông cũng lập luận rằng một nền kinh tế toàn cầu hóa cuối cùng sẽ chấm dứt mọi cuộc chiến tranh, bởi vì chi phí kinh tế của chúng sẽ trở nên quá khủng khiếp.

Chúng ta đang chậm chạp học bài học đó.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Cát Duyên

Theo Tuomas Malinen - The Epoch Times

 

Tác giả ​​Tuomas Malinen là Giám đốc điều hành và nhà kinh tế trưởng tại GnS Economics, một công ty tư vấn kinh tế vĩ mô có trụ sở tại Helsinki, và là Phó Giáo sư kinh tế. Ông đã nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế và các cuộc khủng hoảng kinh tế trong 10 năm. Trong bản tin của mình (MTMalinen.Substack.com), ông Malinen nói về các dự báo và cách để chuẩn bị cho suy thoái và khủng hoảng sắp tới.



BÀI CHỌN LỌC

Nền kinh tế chung châu Âu có thể đối mặt với kịch bản tệ đến mức nào?