Kinh tế tăng trưởng chậm nhất trong 20 năm, liệu Việt Nam có tránh được ‘viên đạn’ Covid-19?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế Việt Nam dựa vào định hướng xuất khẩu để cung cấp công việc cho lực lượng lao động hàng triệu người. Tuy nhiên, trước sự “tấn công” của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, Việt Nam đang chuẩn bị cho sự tăng trưởng chậm nhất trong vòng 20 năm qua.

Trong vài thập kỷ qua, những khu đô thị, công nghiệp lớn như TP.HCM, Bình Dương là nơi quy tụ những người lao động nhập cư từ các tỉnh nông thôn kém phát triển của Việt Nam để tìm kiếm cơ hội việc làm khi nền kinh tế bước vào giai đoạn bùng nổ.

Việt Nam, với xuất khẩu tương đương quy mô GDP, đã có một nền kinh tế tăng trưởng nhanh tới 7,02% trong năm ngoái. Điều này phần nhiều là do các công ty đa quốc gia đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi sản xuất và cung ứng của họ để “tránh xa” Trung Quốc, trong bối cảnh Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới, tầng lớp trung lưu Việt Nam đang phát triển chiếm khoảng 13% dân số vào năm 2018. Tuy nhiên, dịch viêm phổi Vũ Hán đã bắn "viên đạn" sát thương vào nền kinh tế Việt Nam

Chuẩn bị cho sự tăng trưởng chậm nhất trong 20 năm

Tính đến ngày 30/08, dịch viêm phổi Vũ Hán đã lây lan đến 40 tỉnh, thành tại Việt Nam, với trên 1040 người nhiễm bệnh, 32 người chết. Liệu “nền kinh tế có thể bật dậy như lò xo” hay không, vẫn còn là câu hỏi hóc búa phía trước.

Mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thúc đẩy mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa tăng trưởng kinh tế”, Việt Nam đang chuẩn bị cho sự tăng trưởng chậm nhất trong 20 năm - dự kiến là ở mức ​​2,4%.

Tổng số công nhân đang mất hoặc giảm thu nhập lên tới 57%, trung bình hàng tháng có hơn 9.000 doanh nghiệp phá sản. Tuy nhiên, dù tỷ lệ công nhân thất nghiệp cao, nhiều công ty lớn ở Bình Dương lại không thể tìm ra hàng ngàn công nhân có tay nghề thích hợp.

Ngoài ra, Việt Nam đang phải chịu đựng những mặt trái của việc bị ràng buộc vào nền kinh tế toàn cầu, ghi nhận mức tăng trưởng hàng năm là 0,36% trong quý II/2020.

Các công ty may mặc đang chứng kiến ​​lượng đơn đặt hàng của họ giảm và các lĩnh vực khác bị ảnh hưởng bởi xuất khẩu giảm đột ngột, từ đó lực lượng lao động là đối tượng bị “tổn hại” trực tiếp.

Kịch bản xấu nhất đang dần hé lộ, số lao động mất việc làm có thể tăng khoảng 60.000 đến 70.000 mỗi tháng, tập trung chính ở các lĩnh vực như du lịch, hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, vận tải, chế biến chế tạo...

Số doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng lên đến 70%, trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới thêm 5 triệu người.

Trong khi đó, chỉ số dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam (biểu hiện mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính) đã tăng vọt trong những năm gần đây. Trung bình trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam cần 1,01 đồng tín dụng để tạo ra 1 đồng GDP, nhưng đến giai đoạn 2016-2019 thì cần 1,30 đồng, tức tăng 28%; dẫn đến nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao trong dài hạn.

Người lao động chịu ‘tổn hại’ trực tiếp

Một người lao động cho biết vào đỉnh điểm của làn sóng dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 3/2020, cô đã phải "lang thang khắp nơi để xin việc, nhưng không ai tuyển dụng tôi". Hiện tại, cô làm những công việc nhỏ cho các quán ăn gần đó và sống nhờ vào hai bữa ăn miễn phí mỗi ngày mà cô nhận được từ một ngôi chùa địa phương.

Từ tháng 3 đến tháng 7, khoảng 382.000 lao động rơi vào tình trạng “dư thừa” tại TP.HCM. Ngoài ra, có khoảng 120.000 nhân viên của khoảng 4.000 công ty, hầu hết trong các lĩnh vực du lịch, vận tải, xây dựng, dệt may và da giày, chịu cảnh “chờ việc” trong nỗi bất an (dự kiến ​​sẽ quay lại công việc trong tháng tới hoặc lâu hơn).

Một cuộc khảo sát vào đầu tháng 7/2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch, bị mất việc làm, cắt lương hoặc bị giảm giờ làm - cho thấy những cam go trong tương lai mà nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt.

Trong 7 tháng đầu năm, có đến 74% nhà máy đóng cửa, 95% du khách trong nước hủy bỏ các chuyến du lịch nội địa, làm cho 72% công nhân viên du lịch mất việc làm; tiếp đến là 67,8% trong khu vực công nghiệp; 25,1% trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản…

Việt Nam đã rất hy vọng khi Apple “đánh tiếng” sẽ chuyển nền sản xuất sang Việt Nam. Công ty Luxshare đã bỏ ra 270 triệu USD mở nhà máy trên khu đất rộng 30 mẫu, tại Vân Trung, Tỉnh Bắc Giang với cơ sở rộng đủ để thuê 60 ngàn công nhân Việt Nam làm việc trong tương lai, với mong muốn sản xuất Iphone cho Apple.

Tuy nhiên, ngày 17/08, công ty Apple loan báo “ngừng lắp ráp Iphone tại Việt Nam”, lý do là bởi nhà máy của công ty Luxshare, nơi có 28.000 công nhân đang làm việc, vẫn “chưa đáp ứng các yêu cầu của Apple, đặc biệt là những liên quan đến phúc lợi công nhân trong ký túc xá”.

Mức tăng trưởng của các ngành giảm mạnh

Vào tháng 4/2020, xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh 14% so với một năm trước đó, tiếp theo là giảm 12,4% trong tháng 5/2020 do thương mại toàn cầu đi vào bế tắc, theo Cục Hải quan Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu chỉ tăng 1,5%; so với mức 8% của cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, ngành du lịch, chiếm khoảng 9% nền kinh tế, có ​​doanh thu giảm 55,4% trong 7 tháng đầu năm.

Doanh nghiệp đóng cửa và thua lỗ khiến ngân sách thất thu tiền thuế thêm 1 tỷ USD trong nửa còn lại của năm 2020. Kiều hối cũng suy giảm ít nhất 20%.

Trong khi đó, chi tiêu công hiện đã tăng khoảng 9,5% trong khoảng thời gian nửa đầu năm 2020 so với 2019. Mức tăng này là do chi tiêu liên quan đến dịch viêm phổi Vũ Hán.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Giang, một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Đại học Quốc gia Việt Nam, cho rằng Việt Nam có vị trí tốt hơn so với một số nước khác để đối phó với hậu quả kinh tế của đại dịch.

“Các nhà quan sát có xu hướng nhấn mạnh thực tế rằng Việt Nam là một quốc gia phụ thuộc vào thương mại, với tỷ lệ thương mại trên GDP cao thứ hai trong Đông Nam Á. Đây cũng là một thị trường 100 triệu dân và còn rất nhiều dư địa để phát triển, miễn là đại dịch được quản lý tốt trong nước”, ông Giang nói.

Cách duy nhất trước mắt là giúp các doanh nghiệp tư nhân vượt qua khủng hoảng và tiếp tục hoạt động

“Cách duy nhất là giúp các doanh nghiệp - đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân - vượt qua khủng hoảng và tiếp tục hoạt động của mình. Tỷ lệ doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh hoặc phá sản hiện nay đang ở mức cao đáng lo ngại. Khi họ có thể tự duy trì, việc làm sẽ theo sau”, ông Giang cho biết.

Gói kích cầu kinh tế 62.000 tỷ đồng được đưa ra gần 3 tháng trước, mới giải ngân được 28%. Các doanh nghiệp nhỏ tại nông thôn hay kinh tế gia đình bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh lại không nằm trong thành phần được nhận trợ giúp từ lần trước.

Tiến sĩ Phùng Đức Tùng, chuyên gia kinh tế kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong của Việt Nam, cũng chỉ ra gói hỗ trợ 2,6 tỷ USD mà chính phủ đã triển khai vào tháng 4/2020, với một gói hỗ trợ khác sẽ sớm dành cho người lao động bị sa thải.

“Tuy nhiên, các tiêu chí để xác định những người trong khu vực phi chính thức vẫn chưa rõ ràng,” ông nói.

Về giải pháp giúp vực dậy kinh tế trong giai đoạn hậu Covid-19, ông Tùng cho biết ông cùng các đồng nghiệp đề nghị chính phủ nên mạnh dạn bỏ tất cả các loại thuế và phí liên quan đến xăng dầu (chiếm đến 64% tổng giá trị xăng dầu) và trả thay cho doanh nghiệp các khoản phí BOT đường bộ.

Việc giảm thuế phí sẽ tác động tức thời đến doanh nghiệp. Thuế khóa và phí tại Việt Nam được xem là ở mức cao nhất thế giới, lên đến 32% trên GDP, trong khi Ngân Hàng Thế Giới khuyến cáo chỉ nên thu thuế đến 18% GDP.

Dù vậy, ông Tùng cho biết: “Tình trạng thất nghiệp sẽ còn kéo dài vì nó còn phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế của các quốc gia khác và các chính sách thúc đẩy nền kinh tế của chính phủ".

Lê Minh - Tâm An

Nguồn tham khảo

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/what-should-vn-government-need-to-do-for-economic-stabilization-to-end-2021-08132020145538.html

https://baodautu.vn/10-dia-phuong-duoc-thi-diem-hoat-dong-kinh-te-ban-dem-d126597.html

http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/trung-quoc-lan-dau-tien-bo-muc-tieu-tang-truong-gdp-xac-dinh-that-nghiep-la-van-de-kinh-te-trong-tam-hang-dau-71935.htm

https://www.scmp.com/week-asia/economics/article/3099327/vietnam-dodged-coronavirus-bullet-so-why-its-economy-so



BÀI CHỌN LỌC

Kinh tế tăng trưởng chậm nhất trong 20 năm, liệu Việt Nam có tránh được ‘viên đạn’ Covid-19?