Nền kinh tế ‘tiền đại dịch’ đã đạt đến những đỉnh cao chưa từng có đối với người Mỹ da đen và gốc Tây Ban Nha

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kinh tế thị trường tự do là cách duy nhất để nước Mỹ đi đúng hướng sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Tại sao? Bởi vì dữ liệu mới từ Cục Dự trữ Liên bang (FED) cho thấy nền kinh tế trước đại dịch đã đạt đến “đỉnh cao thịnh vượng vô song” đối với người Mỹ ở mọi tầng lớp xã hội.

Cuộc sống cách ly mà nhiều người Mỹ đã áp dụng trong cuộc khủng hoảng dịch viêm phổi Vũ Hán đang diễn ra được gọi là “bình thường mới”.

Nhưng khi nói đến khía cạnh kinh tế của đại dịch, tất cả chúng ta đều hy vọng rằng những phong tỏa kinh doanh của năm nay, sự can thiệp lớn của chính phủ, sự chi tiêu vô độ và thâm hụt tăng vọt sẽ không còn tồn tại ở đây nữa.

Mọi tầng lớp xã hội đều được hưởng lợi từ nền kinh tế ‘trước đại dịch’

"Thu nhập và sự thịnh vượng của các gia đình Mỹ đã tăng lên trong những năm trước đại dịch, với những người thuộc nhóm thu nhập thấp và ít giàu có hơn cũng thu được lợi nhuận tương đối lớn”, Wall Street Journal đã viết trong phần tóm tắt báo cáo mới của FED.

“Vì giá bất động sản và cổ phiếu tăng, giá trị tài sản ròng trung bình hoặc của cải của các hộ gia đình tăng 18% lên 121.700 USD từ năm 2016 đến năm 2019”, báo cáo tiếp tục. “Thu nhập hộ gia đình trung bình tăng 5% lên 58.600 USD trước thuế và được điều chỉnh theo lạm phát. Thu nhập tăng lên khi nền kinh tế tăng trưởng trung bình 2,5% một năm, lạm phát vẫn ở mức thấp và tỷ lệ thất nghiệp giảm”.

Những cải tiến này đã được cảm nhận trên tất cả mọi phương diện cuộc sống của người dân Mỹ.

Theo Journal, “trong khi giá trị ròng trung bình của các hộ gia đình da trắng, không phải gốc Tây Ban Nha, tăng 3% từ năm 2016 đến năm 2019, thì tài sản của các hộ gia đình da đen và các hộ gốc Tây Ban Nha hoặc La tinh tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều: lần lượt là 33% và 65%”.

Một người phụ nữ giơ tấm biển bày tỏ sự ủng hộ của người Mỹ gốc Latinh đối với ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump tại buổi tranh cử của ông, vào ngày 28 tháng 4 năm 2016, ở Costa Mesa, California (Ảnh: DAVID MCNEW / AFP qua Getty Images)
Một người phụ nữ giơ tấm biển bày tỏ sự ủng hộ của người Mỹ gốc Latinh đối với ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump tại buổi tranh cử của ông, vào ngày 28 tháng 4 năm 2016, ở Costa Mesa, California (Ảnh: DAVID MCNEW / AFP qua Getty Images)

Và đừng quên rằng trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán, tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Phi ở mức thấp kỷ lục, trong đó tỷ lệ thất nghiệp của người Mỹ gốc Tây Ban Nha cũng rất thấp.

Điều đáng xem xét là, cách tiếp cận chính sách của chính quyền Hoa Kỳ có xứng đáng được ghi nhận cho những thành công kinh tế to lớn trong nhiệm kỳ đầu tiên trước đại dịch của ông Trump không?

Chính quyền Hoa Kỳ có xứng đáng nhận được tín nhiệm lớn?

Đúng là một số quản lý chính sách còn yếu kém về nhiều vấn đề đã ngăn nền kinh tế đạt đến đỉnh cao hơn nữa trong giai đoạn này, chẳng hạn như gánh nặng nợ quốc gia ngày càng tăng và hậu quả từ các hạn chế thương mại của Tổng thống Trump.

Tất nhiên, không một tổng thống của bất kỳ đảng phái nào chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả kinh tế của đất nước. Theo nghĩa đen, có hàng triệu nhân tố quyết định tình trạng của nền kinh tế.

Nhưng không thể phủ nhận một thực tế là cách tiếp cận tự do khi bãi bỏ nhiều quy định mà chính quyền Trump thực hiện trong ba năm đầu tiên đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng trên thị trường chứng khoán, thúc đẩy giá trị ròng của hộ gia đình tăng vọt.

Cải cách thuế năm 2017 đã hạ thấp các khoản đánh thuế doanh nghiệp, điều đó thúc đẩy tăng trưởng khi làm cho Mỹ tăng tính cạnh tranh quốc tế hơn. Do đó, chính quyền đương nhiệm xứng đáng nhận được tín nhiệm lớn đối với các xu hướng kinh tế tích cực mà người dân đã trải qua.

Sự phát triển và tiến bộ đối với người Mỹ ở mọi tầng lớp xã hội từ năm 2016 đến năm 2019 trước đại dịch hoàn toàn trái ngược với “kỷ lục” của cựu Tổng thống Obama.

Trên nhiều lĩnh vực từ chăm sóc sức khỏe đến môi trường, ngân hàng đến Internet, chính quyền Obama đã bổ sung hơn 20.642 quy định mới trong nhiệm kỳ 8 năm của mình. Theo một nghiên cứu của Quỹ Di sản, điều này đã gây ra hàng trăm tỷ chi phí cho người Mỹ hàng ngày. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ông Obama quản lý sự phục hồi kinh tế chậm nhất kể từ ​​cuộc Đại suy thoái trong lịch sử nước Mỹ.

Bài học ở đây khá rõ ràng. Chúng ta chỉ có thể khôi phục nền kinh tế của mình trở lại đỉnh cao trước đại dịch bằng cách hủy bỏ các hạn chế, quy định và những sự can thiệp tồi tệ vào hệ thống thị trường của chúng ta trong thời kỳ dịch viêm phổi Vũ Hán.

Sự can thiệp và chi tiêu vô độ của chính phủ: lợi bất cập hại

Như nhà kinh tế học người Áo Ludwig Von Mises đã viết trong cuốn “Human Action”: “Dấu ấn đặc trưng của lịch sử kinh tế dưới chế độ tư bản chủ nghĩa là tiến bộ kinh tế không ngừng, số lượng tư liệu sản xuất sẵn có và xu hướng liên tục cải thiện mức sống chung”.

Tổng thống Donald Trump tổ chức buổi lắng nghe Tháng Lịch sử của người Mỹ gốc Phi với sự tham dự của Giám đốc Truyền thông của Văn phòng Liên lạc Công chúng Omarosa Manigault vào 1 tháng 2 năm 2017 tại Washington, DC. (Ảnh của Michael Reynolds - Pool / Getty Images)
Tổng thống Donald Trump tổ chức buổi lắng nghe Tháng Lịch sử của người Mỹ gốc Phi với sự tham dự của Giám đốc Truyền thông của Văn phòng Liên lạc Công chúng Omarosa Manigault vào 1 tháng 2 năm 2017 tại Washington, DC. (Ảnh của Michael Reynolds - Pool / Getty Images)

Nhưng khi thị trường bị cản trở và chính phủ tiếp quản, hiệu quả và tăng trưởng sẽ bị tiêu diệt.

“Có một xu hướng là sử dụng mọi yếu tố sản xuất để thỏa mãn tốt nhất những nhu cầu cấp thiết nhất của người tiêu dùng”, Mises viết. “Nếu chính phủ can thiệp vào quá trình này, nó chỉ có thể làm giảm sự hài lòng; nó không bao giờ có thể cải thiện được điều đó”.

Tất nhiên, nước Mỹ trước đại dịch hầu như không phải là một thuyết không tưởng về thị trường tự do. Vẫn còn quá nhiều quy định, sự can thiệp của liên bang vào nền kinh tế...

Nhưng chúng ta đã tiến gần đến thị trường tự do hơn rất nhiều. Nhiều thành phố lớn như San Francisco và New York vẫn đang ở trong chế độ phong tỏa đại dịch một phần hoặc toàn bộ. Và nước Mỹ đang chuẩn bị tiêu tới 3,3 nghìn tỷ USD và tính vào thâm hụt ngân sách liên bang trong năm nay.

Tất cả chúng ta đều muốn trở lại đỉnh cao trước đây và khôi phục quỹ đạo tích cực của nền kinh tế. Vì vậy, chúng ta không thể cho phép các hạn chế hà khắc của chính phủ và chi tiêu mặc sức trong kỷ nguyên đại dịch viêm phổi Vũ Hán trở thành thường xuyên.

“Ảnh hưởng của sự can thiệp của nó là mọi người bị ngăn cản việc sử dụng kiến ​​thức và khả năng, sức lao động và phương tiện sản xuất vật chất của họ, theo cách mà họ sẽ kiếm được lợi nhuận cao nhất và thỏa mãn nhu cầu của họ nhiều nhất. Sự can thiệp như vậy làm cho mọi người trở nên nghèo hơn và ít hài lòng hơn", Mises kết luận.

Đây là số phận đang chờ đợi chúng ta, nếu kỷ nguyên đại dịch viêm phổi Vũ Hán và sự “can thiệp lớn” của chính phủ vẫn ở đây. Đường dây thất nghiệp kéo dài và nền kinh tế gặp khó khăn sẽ thực sự trở thành “bình thường mới”.

Tác giả: Brad Polumbo là một nhà báo theo chủ nghĩa tự do - chủ nghĩa bảo thủ và là thành viên của hội Viết văn Eugene S. Thorpe tại Quỹ Giáo dục Kinh tế.

Thủy Tiên



BÀI CHỌN LỌC

Nền kinh tế ‘tiền đại dịch’ đã đạt đến những đỉnh cao chưa từng có đối với người Mỹ da đen và gốc Tây Ban Nha