Nền kinh tế Trung Quốc ‘không có dấu hiệu phục hồi’ khi virus làm tê liệt xuất khẩu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trung Quốc từng kỳ vọng vào một sự phục hồi kinh tế “hình chữ V” khi nước này dỡ bỏ các lệnh phong tỏa và hối thúc các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, sự sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu đến từ châu Âu và Hoa Kỳ lại khiến cho ước mơ này của Trung Quốc ngày càng trở nên không thực tế...

Trước khi virus tấn công, các máy chế biến gỗ tại một nhà máy sản xuất đồ nội thất của Trung Quốc không bao giờ ngừng hoạt động, thậm chí trong cả những đêm cuối tuần, khi các đơn đặt hàng từ châu Âu và Nhật Bản tới tấp gửi đến.

Bây giờ, công nhân được nghỉ hai ngày mỗi tuần, và vẫn được tính là khá may mắn nếu họ có hai giờ làm việc vào những ngày khác.

“Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây”, ông Chen, người giám sát nhà máy ở Thâm Quyến, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Các nhà máy Trung Quốc đang tăng cường sản xuất khi nước này phải vật lộn để lấy lại phong độ từ cuộc suy thoái do đại dịch gây ra. Khoảng 80% các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và gần như tất cả các công ty lớn đã quay trở lại làm việc, theo các cơ quan thương mại Trung Quốc. Nhưng các phân tích dữ liệu gần đây từ nước này cho thấy sự phục hồi nhanh chóng là không thể.

Các đơn hàng xuất khẩu, bao gồm cả thị trường xuất khẩu hàng đầu của Trung Quốc là Hoa Kỳ và châu Âu, đã co lại khi virus phá vỡ nền kinh tế thế giới và lực lượng lao động tiếp tục thu hẹp, và các công ty không chắc chắn về triển vọng phía trước.

Chỉ số quản lý mua hàng của Trung Quốc (PMI), một chỉ số về niềm tin của ngành sản xuất, đã giảm từ con số 52 trong tháng 3 xuống còn 50,8 trong tháng 4, hầu như chỉ nhỉnh hơn một chút so với mốc ranh giới 50 điểm phân chia sự mở rộng và thu hẹp.

Chỉ số PMI của Trung Quốc trong 1 năm qua. (Nguồn: economy.com)

Tai họa đối với doanh nghiệp nhỏ

Hồi cuối tháng 4, hãng tư vấn China Beige Book (CBB) đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát dành cho 547 công ty Trung Quốc. Theo khảo sát, 81% giám đốc điều hành bày tỏ lo ngại về việc virus sẽ quay trở lại vào mùa thu.

Khu vực tư nhân, đóng góp tới 60% GDP của Trung Quốc, đang cảm nhận được “nỗi đau” đến từ cuộc khủng hoảng virus. Hơn 2/5 các công ty chủ yếu là tư nhân tham gia khảo sát của CBB đã báo cáo hoạt động dưới một nửa công suất, chỉ có 4% công ty là đạt công suất tối đa.

1/4 số công ty đã báo cáo sự sụt giảm sản lượng.

Không giống như các công ty nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân nhỏ không thể tiếp cận với “tín dụng miễn phí” trong những thời điểm khó khăn, khiến chúng trở thành những chỉ số đặc biệt quan trọng để đo lường sự phục hồi kinh tế của đất nước, ông Shehzad Qazi - giám đốc điều hành của hãng phân tích dữ liệu CBB - cho biết.

“Không thấy có dấu hiệu phục hồi nào ở thời điểm hiện tại”, ông nói với The Epoch Times.

CHINA-ECONOMY-HEALTH-VIRUS
Một công nhân sản xuất xe nôi tại một nhà máy ở Hàm Đan, thuộc tỉnh Hà Bắc nằm ở phía bắc Trung Quốc, vào ngày 29 tháng 4 năm 2020. (STR / AFP qua Getty Images)

Các nhà sản xuất và các công ty dịch vụ tiếp tục chứng kiến ​​doanh số sụt giảm trong tháng 4, và 3/5 các công ty cho rằng họ bị mất doanh thu do tác động kéo dài của virus, theo khảo sát. Khoảng 69% các công ty được phỏng vấn coi tháng trước là “tốt nhất có thể”, với điều kiện kinh doanh vẫn giữ nguyên hoặc trở nên tồi tệ hơn, khảo sát cho biết.

Bao, người điều hành một cửa hàng xúc xích nổi tiếng cùng với vợ của mình ở Mẫu Đơn Giang, một thành phố ở phía đông bắc Trung Quốc, đã tạm thời cho nghỉ tất cả các nhân viên để cắt giảm chi phí và bắt đầu bán đồ mang đi.

Họ chỉ kiếm được một phần mười của thu nhập trước khi virus bùng phát kể từ khi mở lại cửa hàng từ khoảng 5 tuần trước, thậm chí còn không đủ để trả tiền thuê nhà và chi phí điện nước. Trong khi đó, xung quanh họ, gần một nửa số nhà hàng trong khu vực đã ngừng hoạt động.

“Ngay cả 100 nhân dân tệ vẫn còn tốt hơn là không có gì”, anh Bao nói, cho biết thêm rằng họ chỉ “đang kiên trì trong khó khăn”.

Trong cuộc họp báo ngày 27 tháng 4, Tang Renjian, thống đốc tỉnh Cam Túc nằm ở bắc trung bộ của Trung Quốc, đã đưa ra lời cầu khẩn giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ để giúp họ có thể vượt qua “mùa đông khắc nghiệt”. Mặc dù không có nhiều công ty trong tỉnh của ông đóng cửa kể từ tháng 1, nhưng ông cảnh báo rằng tác động của dịch bệnh hiện đang mới bắt đầu xuất hiện.

Một số doanh nghiệp đang trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, ông cho biết.

“Nếu chúng ta không vượt qua được khó khăn này, những nguy cơ mà nó mang tới chắc chắn sẽ tạo ra một hiệu ứng cánh bướm”, ông Tang nói, nhắc tới tình trạng bất ổn xã hội và khủng hoảng chính trị là những hậu quả “rất có khả năng xảy ra”.

china juice stand
Một người bán nước trái cây Trung Quốc đeo khẩu trang bảo vệ khi cô chờ khách hàng vào ngày 2 tháng 5 năm 2020 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Kevin Frayer / Getty Images)

Không ai là không bị ảnh hưởng

Trung Quốc, nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới, đã chứng kiến ​​gần nửa triệu doanh nghiệp ngừng hoạt động trong quý đầu tiên của năm 2020, một dấu hiệu đáng chú ý về tổn thất kinh tế của đại dịch. Trong số đó, 260.000 là các doanh nghiệp liên quan đến xuất khẩu.

Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3 là 5,9% theo các số liệu chính thức, giảm 0,3% so với tháng trước. Nhưng các nhà phân tích độc lập cảnh báo rằng dữ liệu đó có thể không đáng tin cậy.

Theo ước tính đầu tháng 4 của Liu Chenjie, chủ tịch của quỹ phòng hộ Upright Capital có trụ sở tại Thâm Quyến, có tới 205 triệu công nhân - nghĩa là cứ một trong số 15 người - có thể sẽ bị mất việc do đại dịch.

Các cuộc khảo sát trên gần 4.000 công ty trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4 cũng cho thấy “số lượng sa thải vượt xa số lượng tuyển dụng mới”, ông Qazi cho biết.

Ông nói: “Chúng ta đang thấy một lượng lớn sự tăng trưởng âm… sự thu hẹp xảy ra trên mọi chỉ số hoạt động kinh doanh chính”.

Một nhà máy sản xuất giày ở tỉnh Quảng Đông nằm ở phía nam Trung Quốc đã ngừng ba dây chuyền sản xuất và cho nghỉ tất cả nhân viên ngoại trừ CEO và một vài nhà quản lý, theo lời một công nhân. Gần đây người công nhân này mới được biết rằng anh “không cần phải quay lại làm việc trong năm nay”.

Một tài xế taxi đến từ tỉnh Hồ Nam, nằm ngay phía nam tỉnh Hồ Bắc, cho biết hoạt động kinh doanh của ông đã giảm mạnh từ 30 đến 40% sau khi virus lan rộng.

“Không ai là không bị ảnh hưởng hoặc có thể tránh khỏi nó”, ông Qazi nói.

Ông cũng cho biết: “Đây không chỉ là vấn đề của Trung Quốc, đây thực sự là vấn đề toàn cầu. Trừ khi chúng ta thấy châu Âu quay trở lại kinh doanh, và trừ khi chúng ta thấy Hoa Kỳ thực sự quay trở lại kinh doanh, Trung Quốc sẽ không thấy sự phục hồi đó, bất kể những lời tuyên truyền chính thức là như thế nào”.

Thanh Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nền kinh tế Trung Quốc ‘không có dấu hiệu phục hồi’ khi virus làm tê liệt xuất khẩu