Nếu Trung Quốc ngừng cho vay, châu Phi sẽ rơi vào suy thoái tồi tệ hơn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã đổ hàng tỷ USD vào việc xây dựng các cảng, đường sắt, đường cao tốc và các đập thủy điện ở châu Phi. Nhưng khủng hoảng vỡ nợ đang nhãn tiền tại Châu Phi...

Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, cho biết việc cho vay của Trung Quốc đối với châu Phi nói chung dự kiến ​​sẽ giảm bớt, khi nước này phải vật lộn với sự suy giảm kinh tế và thắt chặt cho vay.

“Tôi nghĩ rằng có sự đánh giá chung ngay cả ở Trung Quốc rằng cuộc khủng hoảng nợ năm nay đã gây hại cho Trung Quốc nhiều hơn là có lợi. Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc cho vay sẽ chậm lại trong trung hạn”, bà Sun cho biết.

Châu Phi ‘chìm trong bẫy nợ’ Trung Quốc

Châu Phi đã trở thành một trung tâm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, với việc Bắc Kinh rót 148 tỷ USD vào lục địa này từ năm 2000 đến năm 2018, theo Sáng kiến ​​Nghiên cứu Châu Phi-Trung Quốc tại khoa nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Johns Hopkins.

Nhưng một số quốc gia, bao gồm Cộng hòa Congo, Mozambique, Somalia, São Tomé và Príncipe, và Nam Sudan, đang lâm vào cảnh nợ nần, theo Ngân hàng Thế giới.

Công ty tư vấn Rhodium Group có trụ sở tại New York cho biết, ít nhất 18 quy trình của các quốc gia châu Phi đàm phán lại nợ với Trung Quốc đã diễn ra trong năm nay và 12 quốc gia vẫn đang đàm phán với Bắc Kinh về khoản vay Trung Quốc trị giá 28 tỷ USD vào cuối tháng 9/2020.

Đầu tháng này, Zambia đã trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch viêm phổi Vũ Hán - vỡ nợ với khoản hoàn trả 42,5 triệu USD - đối với một trong những Trái phiếu quốc tế có mệnh giá bằng đô-la Mỹ.

Lusaka đã yêu cầu những người nắm giữ trái phiếu trị giá 3 tỷ USD cho thời gian ân hạn 6 tháng, nhưng điều đó đã bị từ chối trong một cuộc họp vào ngày 13 tháng 11 tại Bắc Kinh, thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc.

Bà Sun cho biết, mặc dù có sự đồng thuận là Trung Quốc sẽ cắt giảm cho vay đối với châu Phi trong bối cảnh khủng hoảng nợ, nhưng trong sáu tháng đầu năm, các hợp đồng mới ký của các nhà thầu Trung Quốc đã tăng 1/3.

Hơn nữa, bà cho biết năm tới sẽ là năm cuối cùng Trung Quốc hoàn thành các cam kết trị giá 60 tỷ USD tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Châu Phi năm 2018.

Mark Bohlund, một nhà phân tích nghiên cứu tín dụng cấp cao tại công ty tư vấn REDD Intelligence, cho biết một số quốc gia con nợ đang phải vật lộn để trả các khoản vay BRI, sau khi giá dầu giảm mạnh vào cuối năm 2014.

Ông Bohlund kỳ vọng rằng phần lớn viện trợ tài chính cho châu Phi từ Trung Quốc trong tương lai sẽ là xóa nợ và một số hỗ trợ ngân sách hoặc dự án song phương để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác quan trọng trên lục địa này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta trước cuộc gặp song phương trong Diễn đàn Vành đai và Con đường về Hợp tác Quốc tế tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 15/5/2017 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Etienne Oliveau / Pool / Getty Images)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta trước cuộc gặp song phương trong Diễn đàn Vành đai và Con đường về Hợp tác Quốc tế tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 15/5/2017 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Etienne Oliveau / Pool / Getty Images)

Tại Kenya, Ngân hàng Exim Trung Quốc đã yêu cầu thực hiện một nghiên cứu khả thi thương mại trước khi tài trợ cho việc xây dựng đường sắt vành đai và đường bộ để liên kết Naivasha - một thị trấn ở Thung lũng Rift Trung tâm, với Malaba trên biên giới với Uganda. Ngân hàng đã cho vay 4,7 tỷ USD để tài trợ cho các giai đoạn xây dựng từ thành phố ven biển Mombasa đến Nairobi rồi đến Naivasha.

Lượng tiền Trung Quốc cho châu Phi vay đã giảm mạnh, nhưng nhu cầu song phương vẫn còn

Nhìn chung, lượng tiền Trung Quốc cho châu Phi vay đã giảm mạnh từ mức cao nhất năm 2016 là 29,4 tỷ USD xuống còn 8,9 tỷ USD vào năm 2018.

Ông Zhou Yuyuan, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Tây Á và Châu Phi tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho biết các ngân hàng chính sách và ngân hàng thương mại của Trung Quốc đã rất thận trọng khi cho một số nước châu Phi vay.

“Như chúng ta đã biết, các khoản vay của Trung Quốc chủ yếu chảy vào các lĩnh vực tăng trưởng và sản xuất ở châu Phi. Về mặt này, trong ngắn hạn, tình hình kinh tế không chắc chắn ở châu Phi sẽ dẫn đến việc giảm cho vay từ Trung Quốc”, ông Yuyuan nói.

Ông cho biết thêm: “Ngay cả hôm nay, chúng ta vẫn nghe thấy châu Phi ủng hộ việc cho vay nhiều hơn từ Trung Quốc, rằng Trung Quốc không thể ngừng cho vay, nếu không châu Phi sẽ rơi vào suy thoái tồi tệ hơn”.

Tuy nhiên, ông cho biết một câu hỏi cần được đặt ra là: “Liệu ​​sự phụ thuộc vào các khoản nợ nước ngoài để tăng trưởng, có thực sự là giải pháp cho vấn đề tăng trưởng kinh tế hay không?”

Với những nước như Angola, Zimbabwe, và Cộng hòa Congo, tiền nợ Trung Quốc được trả bằng quyền tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có.

Các nước châu Phi đang thúc đẩy việc chuyển đổi hình thức sang đầu tư đối tác công tư (PPP), trong khi Bắc Kinh từ lâu chỉ thích mô hình cho vay giữa nhà nước với nhà nước. Tuy nhiên, các bên cho vay Trung Quốc đang trở nên quan tâm hơn đến các hình thức PPP.

Chuyên gia Bradley Parks (Mỹ) lại nêu ra một nhận định khác. Theo ông Parks, tình trạng dư thừa sắt, thép, xi măng, nhôm và dự trữ ngoại tệ dư thừa ở Trung Quốc là động lực chính khiến Bắc Kinh phải chuyển sang hình thức PPP.

Thời gian gần đây, được sự khuyến khích từ chính phủ, các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước bắt đầu đẩy mạnh PPP khi đầu tư vào các tuyến đường thu phí ở Mozambique và Uganda. Tại Nigeria, các ngân hàng Trung Quốc và Sinosure đang tài trợ cho một đường ống dẫn khí đốt trị giá 2,8 tỷ USD do các tập đoàn của các công ty Nigeria và Trung Quốc xây dựng.

"Các nhà chức trách ở Bắc Kinh hiểu rằng nếu các công ty này không tìm được người mua sản lượng dư thừa của họ, họ có nhiều khả năng bị vỡ nợ và đóng cửa các nhà máy của mình, do đó, tỷ lệ thất nghiệp sẽ có nguy cơ cao hơn rất nhiều", ông Parks chia sẻ.

Vì vậy, Trung Quốc vẫn còn “động lực” để tiếp tục các khoản vay dành cho châu Phi.

Đức Duy



BÀI CHỌN LỌC

Nếu Trung Quốc ngừng cho vay, châu Phi sẽ rơi vào suy thoái tồi tệ hơn