Nga tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2003 và bổ sung nhiều biện pháp kiểm soát vốn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất trong gần hai thập kỷ và áp đặt một số biện pháp kiểm soát dòng vốn. Nga đang hành động để bảo vệ nền kinh tế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD khỏi tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây và Mỹ, bao gồm cả hình phạt đối với chính cơ quan quản lý của Nga.

Lãi suất sẽ tăng từ 9,5% lên 20%, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết trong một tuyên bố trước khi giao dịch bằng đồng rúp mở cửa lúc 10 giờ sáng (theo giờ địa phương).

Các nhà chức trách cũng giới thiệu dự thảo sửa đổi luật liên bang về mức giới hạn (%) bắt buộc của doanh thu ngoại tệ mạnh mà các nhà xuất khẩu của Nga phải chuyển đổi sang đồng rúp (bằng cách bán ngoại tệ cho Ngân hàng Trung ương hoặc ngân hàng được chỉ định).

Ngân hàng Trung ương Nga cũng tạm thời cấm các nhà môi giới bán chứng khoán do người nước ngoài nắm giữ, bắt đầu từ thứ Hai (28/02) trên Sở giao dịch Moscow; tuy nhiên lại không nêu rõ lệnh cấm áp dụng cho chứng khoán nào.

Chiến lược gia Ulrich Leuchtmann của Commerzbank AG cho biết: “Chính quyền Nga phải chặn việc bán tháo chứng khoán Nga để ngăn chặn hoảng loạn. Đó là “thứ chắc chắn sẽ có hại về lâu dài, nhưng chính quyền Nga dường như thích sự lựa chọn đó hơn trước nguy cơ sụp đổ đồng rúp ở mức tồi tệ hơn”.

Theo ông Mikhail Kotlov của Ngân hàng Norvik PJSC, hạn chế có thể được mở rộng đối với các giao dịch trên Sở giao dịch Moscow, nhưng sẽ không diễn ra ở những nơi khác, bao gồm cả thị trường Chứng chỉ tiền gửi Mỹ (American Depository Receipt - ADR). “Đó là lý do tại sao sẽ có hai thị trường”, ông Kotlov viết trên Twitter.

Các biện pháp khẩn cấp mới được đưa ra là những biện pháp mạnh mẽ nhất mà Nga thực hiện sau vòng trừng phạt mới nhất khi mà Mỹ và Liên minh châu Âu nhất trí về khả năng chặn quyền truy cập vào phần lớn trong số 640 tỷ USD mà Ngân hàng Trung ương Nga đã xây dựng để bảo vệ nền kinh tế.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã thúc đẩy dòng vốn tháo chạy khỏi nhiều thị trường của Nga. Đồng rúp đã yếu hơn 26% trong các giao dịch ra nước ngoài (offshore trading) vào thứ Hai (28/02) khi các nhà tạo lập thị trường (market makers) từ Sydney đến Hong Kong rút lui khỏi thị trường. Đồng rúp lao dốc, giảm 8% khi mở cửa trên Sàn giao dịch Moscow, chạm giới hạn giao dịch 90 rúp đổi một đô-la.

Trong một quyết định của giới chức Nga nhằm đảo ngược một phần chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi tự do được áp dụng kể từ năm 2014, đồng tiền của Nga sẽ không được phép phá vỡ một phạm vi nhất định trừ khi Ngân hàng Trung ương thay đổi hành lang giao dịch.

Ông Karsten Junius, nhà kinh tế trưởng tại Bank J. Safra Sarasin Ltd., cho biết: “Đây là một hành động tuyệt vọng để ngăn chặn đồng rúp giảm giá. Bởi vì Nga không thể tiếp cận nguồn dự trữ của mình nên nước này phụ thuộc vào thu nhập từ bán khí đốt. Họ sẽ phải suy nghĩ kỹ về việc có ngừng việc cung cấp hay không. Họ cần ngoại hối để duy trì hoạt động của nền kinh tế”.

Các biện pháp bổ sung của phương Tây nhằm loại trừ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống nhắn tin SWIFT có thể tiếp tục làm tắc nghẽn hệ thống ngân hàng của Nga. Ngân hàng Trung ương Nga đã công bố các hướng dẫn mới vào thứ Hai để hỗ trợ người cho vay.

Xếp hạng toàn cầu của S&P đã hạ điểm tín dụng của Nga xuống dưới mức đầu tư (Investment Grade) vào thứ Sáu (25/02). Trong khi đó, Dịch vụ Nhà đầu tư của Moody's (MIS) đánh giá Nga cao hơn một bậc - đưa quốc gia này vào diện xem xét để hạ cấp.

Chi Anh



BÀI CHỌN LỌC

Nga tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2003 và bổ sung nhiều biện pháp kiểm soát vốn