Nga tiến quân vào khu vực ly khai Ukraine: Chứng khoán toàn cầu lao dốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Căng thẳng Nga - Ukraine vừa leo thang lên một bước mới khi Nga tiến quân vào 2 vùng đất ly khai của Ukraine. Các thị trường chứng khoán trên thế giới vốn đã chịu ảnh hưởng lớn bởi tình hình căng thẳng này giờ đây đồng loạt lao dốc. Lo lắng của các nhà đầu tư cũng theo đó mà gia tăng.

Căng thẳng Nga - Ukraine vừa gia tăng bất chấp những tiến bộ đạt được do các nỗ lực ngoại giao. Tối 21/02, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội Nga tiến vào 2 vùng đất ly khai của Ukraine - Donetsk và Luhansk - sau khi công nhận nền độc lập của 2 khu vực này. Ông Putin tuyên bố lực lượng của Nga sẽ đóng vai trò giữ gìn hòa bình tại khu vực.

Mỹ và phương Tây lập tức đáp trả với các đòn trừng phạt

Ngay sau đó, Tổng thống Biden đã ra lệnh hành pháp trong đó cấm công dân Mỹ đầu tư, buôn bán, cung cấp tài chính đối với 2 khu vực ly khai. Nhà đầu tư hoặc giám đốc công ty tiến hành hoạt động kinh doanh với khu vực ly khai sẽ bị phong tỏa tài sản tại Mỹ.

Thư ký báo chí Jen Psaki cho biết Tòa Bạch Ốc sẽ tiếp tục đưa ra những biện pháp khác, cùng với đó là các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Mỹ đang chuẩn bị cùng các đồng minh.

Một nhân viên chính phủ cấp cao của Mỹ cho biết, sẽ có nhiều bước kế tiếp trong những ngày tới, rất có thể là thêm những lệnh trừng phạt. Cụ thể, Mỹ sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga vào thứ 3 (22/02).

Vào tối thứ 2 (21/02), các quan chức cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) gọi động thái của Nga là sự vi phạm trắng trợn luật quốc tế, và rằng EU sẽ đáp trả bằng những đòn trừng phạt đối với những bên liên quan tới hành động bất hợp pháp này. Tổng thống Pháp Macron, người đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, kêu gọi EU đáp trả bằng các lệnh trừng phạt. Ông Macron cũng kêu gọi tổ chức cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Thị trường chứng khoán quốc tế đỏ lửa

Diễn biến mới cùng với các đòn trừng phạt kinh tế rất có thể sẽ được áp dụng sớm của Mỹ và phương Tây đã gây ảnh hưởng đến các thị trường chứng khoán trên toàn thế giới. Các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới hầu hết đã sụt giảm. Vào khoảng 16:30 giờ Hà Nội (GMT+7):

  • Chỉ số MOEX Nga giảm 5,52%, sau khi đã giảm 10,5% vào hôm thứ 2 (21/02) - mức giảm lớn nhất trong ngày trong khoảng 8 năm qua
  • S&P 500 tương lai giảm 1,24%
  • Nasdaq 100 tương lai giảm 1,92%
  • Dow Jones 30 tương lai giảm 0,89%
  • Chỉ số Topix của Nhật giảm 1,55%
  • Chỉ số Nikkei 225 giảm 1,71%
  • Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 0,98%
  • Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,35%
  • Chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 2,69%
  • Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0,96%
  • Chỉ số Euro Stoxx 50 tương lai giảm 0,65%
  • Chỉ số DAX của Đức giảm 0,96%
  • Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,85%
  • Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,43%

Lo lắng của các nhà đầu tư đã nâng lên một mức mới

Ông Altaf Kassam, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược đầu tư cho châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại State Street Global Advisors, cho biết: "Các nhà đầu tư đã chuyển cách nhìn nhận về tình hình như là một sự phô diễn và đe dọa thành một nguy cơ xung đột thực sự. Mọi việc đã phát triển tới ngưỡng mà các bên khó có thể lùi lại".

Các nhà đầu tư đang lo lắng rằng mâu thuẫn Nga - Ukraine, cùng với đó là căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây, sẽ làm gián đoạn nguồn cung dầu và một số hàng hóa thiết yếu khác. Điều này có thể là lý do khiến các Ngân hàng Trung ương hành động mạnh mẽ hơn nhằm kiểm soát lạm phát.

Giá dầu Brent tăng khoảng 2% lên trên 97 USD/thùng, lập mức cao nhất trong 7 năm qua. Đây là mức giá tương đương với mức giá 8 năm về trước khi Nga tiến hành thôn tính bán đảo Crimea.

Theo ông Takahide Kiuchi, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nomura tại Tokyo, "tình hình tại Ukraine đã trở nên căng thẳng đúng vào lúc các thị trường đang ở trong tình trạng không ổn định do mức lạm phát tăng cao trên toàn cầu và viễn cảnh tăng lãi suất tại Mỹ".

Ông Masahiro Ichikawa, một chiến lược gia tại công ty quản lý tài sản Sumitomo Mitsui DS, nói rằng tâm lý tránh rủi ro của các nhà đầu tư sẽ tiếp diễn. Ông Ichikawa cho rằng, các lệnh trừng phạt từ châu Âu đối với Nga sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung dầu từ Nga. Nếu giá dầu tăng trên mức 100 USD/thùng do sự gián đoạn nguồn cung dầu, giá dầu ở Mỹ rất có thể sẽ tăng. Khi đó lạm phát sẽ còn tăng cao hơn nữa; và điều này khiến Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ phải nhanh chóng tăng lãi suất.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Nga tiến quân vào khu vực ly khai Ukraine: Chứng khoán toàn cầu lao dốc