Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất điều hành 1% ngay sau khi Fed tăng lãi suất 0,75%

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản lên 0,75%, khiến đồng USD tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 5/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) vừa ra thông báo tăng lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn thêm 1% sau gần 2 năm giữ nguyên lãi suất điều hành.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã không tăng lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn kể từ tháng 1/10/2020 (lần lượt ở mức 2,5% và 4%).

Hôm nay, ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, đẩy lãi suất cơ bản lên mức 3 - 3,25%, Ngân hàng Nhà nước vừa ra Quyết định số 1606/QĐ-NHNN ngày 22/9/2022 tăng lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn lên lần lượt là 5% và 3,5%. Quyết định có hiệu lực từ ngày 23/9.

Mức tăng 100 điểm cơ bản diễn ra sau 3 lần Fed liên tiếp tăng lãi suất cơ bản trong năm 2022. Fed dự kiến sẽ đưa lãi suất điều hành lên mức 4,6% vào năm 2023 và không có kế hoạch hạ lãi suất cho tới năm 2024. Đồng USD tăng giá cao nhất trong 20 năm qua, hôm nay (22/9) đạt mức 111,5 điểm.

Việc Fed tăng lãi suất cơ bản trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ và khắp toàn cầu tăng cao, xung đột địa chính trị leo thang và tăng trưởng bắt đầu đình trệ đã thúc đẩy dòng vốn ngoại rời khỏi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển quay trở lại Mỹ, trú ẩn vào tài sản USD để tìm kiếm lợi nhuận chênh lệch cao hơn, an toàn hơn.

Tỷ giá VND so với USD đã mất giá tới 3,25% so với đầu năm 2022. Trên thị trường phi chính thức, tỷ giá chợ đen tăng cao hơn nhiều so với tỷ giá liên ngân hàng, có thời điểm vượt mốc 24,500 VND/USD. Ngân hàng Nhà nước phải bán ra ít nhất 21 tỷ USD từ đầu năm tới nay để bình ổn tỷ giá. Tuy nhiên, như phân tích của NTDVN, đồng USD tiếp tục tăng giá, chênh lệch lợi suất, yếu tố mùa vụ và cả yếu tố chi phí - lợi ích thương mại với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Mỹ đang gây áp lực mất giá mạnh hơn nữa cho đồng VND trong quý 4/2022. Tỷ giá có thể lập kỷ lục mới vào quý 4/2022 với mức mất giá thêm có thể lên tới khoảng 1,5 -2%.

Trong hệ thống ngân hàng, lãi suất huy động đã tăng mạnh dù lãi suất điều hành của SBV chưa thay đổi. Lý do là kỳ vọng lạm phát tăng cao, đồng VND mất giá so với USD.

TS. Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia mới đây cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần phải nâng cao lãi suất điều hành. Ông Phước cho rằng với mức lãi suất điều hành đồng VND đang ở mức 2,5% và 4% trong khi lãi suất điều hành đồng USD kỳ vọng lên tới 4,6% năm 2023 là không hợp lý, theo Cafef.

Việc tăng lãi suất theo lộ trình để giảm khoảng cách chênh lệch lãi suất với ngoại tệ mạnh sẽ hỗ trợ Việt Nam ổn định thị trường vốn (tránh đảo ngược dòng vốn ngoại, huy động trái phiếu chính phủ) và ổn định tiền tệ (bán dự trữ để ổn định tỷ giá). Mặc dù vậy, tăng lãi suất sẽ tác động làm tăng chi phí vốn trong khu vực kinh tế thực.

Hôm nay, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phát biểu chỉ đạo SBV tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động nhưng không làm tăng lãi suất cho vay dựa trên quản trị hiệu quả hơn ở các ngân hàng thương mại (theo Cafef). Tuy nhiên, quản trị hiệu quả hơn không bao giờ là câu chuyện trong ngắn hạn và kỳ vọng lãi suất cho vay không tăng nhờ sự 'hy sinh' của các định chế tài chính không phải là câu chuyện của thị trường, mệnh lệnh này mang mầu sắc chính trị nhắm tới ổn định tâm lý thị trường mà thôi.

Quang Nhật

 



BÀI CHỌN LỌC

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất điều hành 1% ngay sau khi Fed tăng lãi suất 0,75%