Ngân hàng Thế giới: 38 triệu người khu vực Đông Á lại rơi vào cảnh đói nghèo do đại dịch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (EAP) sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 50 năm qua, và đẩy 38 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo do hậu quả của đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Vào ngày 29/9, WB đưa ra báo cáo rằng khu vực EAP trong năm 2020 ước tính chỉ tăng trưởng với tốc độ 0,9%; mức thấp nhất kể từ năm 1967.

‘Những người nghèo mới’

Các tổ chức cho vay nhận định chính phủ các nước trong khu vực Đông Á cần tự do hóa nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng. Ngân hàng phát triển có trụ sở tại Washington DC cho rằng các quốc gia Đông Á cần chuẩn bị cho cú sốc thứ ba, sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

WB nêu rõ: "Những khó khăn trong khu vực cùng với suy giảm kinh tế toàn cầu do dịch bệnh gây ra, đã tác động tiêu cực tới các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương vốn phụ thuộc lớn vào thương mại và du lịch".

Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, cộng thêm đại dịch buộc các nước phải đóng cửa biên giới, nếu các chính phủ không có hành động nhanh chóng để tự do hóa nền kinh tế và tăng cường mạng lưới an toàn xã hội, nhiều người sẽ phải lâm vào cảnh đói nghèo trong những năm tới.

“Bệnh tật, mất an ninh lương thực, thất nghiệp và đóng cửa trường học có thể dẫn đến suy giảm nguồn nhân lực và các khoản lỗ với ảnh hưởng kéo dài nhiều năm”, WB cho biết trong một bản báo cáo cập nhật về kinh tế EAP.

Bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch phụ trách khu vực EAP của WB, nói rằng đại dịch viêm phổi Vũ Hán không chỉ đánh vào những người đang phải sống trong cảnh nghèo khó, mà còn tạo ra “những người nghèo mới”.

WB cho biết, nếu không có đại dịch, 33 triệu người sẽ thoát nghèo trong năm nay. Dịch bệnh xuất hiện, 33 triệu người này vẫn chưa thể thoát nghèo, thậm chí còn đẩy thêm 5 triệu người vào cảnh nghèo khó.

Việc đóng cửa trường học do dịch bệnh khiến các nước khu vực EAP mất 0,7 năm học để điều chỉnh lại chương trình. Sinh viên ở mức trung bình trong khu vực có thể bị giảm 4% thu nhập mỗi năm trong suốt thời gian làm việc tiếp theo.

Tăng mức chi lên gần 5% GDP cho vấn đề sức khỏe cộng đồng

Tổ chức cho vay này nhận định rằng nếu hậu quả của đại dịch không được khắc phục nhanh chóng, các nền kinh tế Đông Á sẽ bị giảm 1% tăng trưởng mỗi năm.

Các nước Đông Á phần lớn đã kiềm chế được đại dịch, các hoạt động kinh tế bắt đầu có những tín hiệu hồi phục. Tuy nhiên, hai quốc gia Indonesia và Philippines vẫn đang phải vật lộn để ngăn chặn tình trạng lây nhiễm virus Corona Vũ Hán. Còn Myanmar, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Á, những ngày gần đây có số ca mắc mới bất ngờ tăng đột biến.

Các quốc gia Đông Á, vốn có truyền thống ít dành ngân sách cho các chương trình xã hội, nay đã dành số tiền kỷ lục cho các dự án xã hội kể từ khi đại dịch xuất hiện. WB cho biết các chính phủ trong khu vực đã cam kết chi gần 5% GDP cho vấn đề sức khỏe cộng đồng, hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch.

Ông Aaditya Mattoo, chuyên gia trưởng về kinh tế khu vực EAP của WB nói: “Những quốc gia Đông Á rất hạn chế chi về lĩnh vực bảo trợ xã hội, thậm chí chưa đến 1% GDP, nhưng họ đã rất anh hùng trước đại dịch”.

Khả năng phục hồi trở lại của các nền kinh tế trong khu vực sẽ phụ thuộc vào việc cải cách hơn nữa các chính sách kinh tế, bao gồm cả việc loại bỏ dần trợ cấp nhiên liệu và tự do hóa thương mại dịch vụ, vốn được bảo vệ rộng khắp trong khu vực.

“Tuy nhiên, khu vực này vẫn là một trong những khu vực được bảo hộ nhiều nhất về thương mại dịch vụ", ông Mattoo nói.

May May



BÀI CHỌN LỌC

Ngân hàng Thế giới: 38 triệu người khu vực Đông Á lại rơi vào cảnh đói nghèo do đại dịch