Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ráo riết bơm tiền để cứu vớt thanh khoản ngân hàng thương mại - dấu hiệu khủng hoảng ngày một rõ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bơm tiền để cứu vớt thanh khoản có tính chất khác hẳn với chính sách tiền tệ mở rộng để kích thích tăng trưởng bởi thanh khoản là dấu hiệu rủi ro lớn nhất, là bóng ma ám ảnh đối với sự tồn vong của mọi hệ thống tài chính. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) trong tháng 2 liên tiếp 2 lần phải bơm tiền cứu vớt thanh khoản cho ngân hàng thương mại (NHTM) kèm theo các chính sách tiền tệ ngày một mở rộng trên nền tảng vĩ mô đầy bất ổn…

Chỉ trong nửa đầu tháng 2, PBoC đã phải 2 lần liên tiếp bơm khoản tiền kỷ lục 194 tỷ đô la Mỹ cho các ngân hàng thương mại thông qua hợp đồng Repo. Lần thứ nhất là vào ngày 2/2 với khoảng 174 tỷ USD và lần thứ hai là vào ngày 17/2 với khoảng 20 tỷ USD.

Trước đó 2 tháng (bao gồm cả kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài gần 1 tháng do virus Corona), vào cuối tháng 12/2019, PBoC đã bơm 40 tỷ USD (được coi là lượng tiền kỷ lục tại thời điểm đó) cho NHTM qua hợp đồng Repo ngắn hạn 7 ngày và 14 ngày.

Bơm tiền qua Repo của PBoC bất thường bởi bối cảnh đặc thù, tần suất dày và liều lượng kỷ lục. Vậy Repo là gì?

Repo là nghiệp vụ phái sinh từ các nghiệp vụ cho vay có đảm bảo (hay nghiệp vụ cho vay cầm cố giấy tờ có giá, cho vay có bảo đảm bằng chứng khoán), được sử dụng khá phổ trên thị trường tài chính các nước.

Các tổ chức tài chính (chủ yếu là ngân hàng thương mại) tham gia vào các thị trường này để chuyển giấy tờ có giá của mình (tài sản tài chính) thành tiền nhằm đáp ứng nhu cầu thanh khoản ngắn hạn, thường là trong 1 - 2 ngày. Họ vay các khoản tiền này từ các ngân hàng khác và thế chấp lại bằng các chứng khoán an toàn, chẳng hạn như tín phiếu kho bạc. 1 - 2 ngày sau, họ hoàn trả số tiền đã vay với lãi suất đã thỏa thuận và thu hồi chứng khoán (tài sản tài chính) mà họ đã cầm cố trước đó.

Từ góc nhìn tài chính, Repo được xem như chất dầu cho phép động cơ của hệ thống tài chính hoạt động êm ả hơn, tránh các cú sốc về thanh khoản; ví dụ, dùng repo để có tiền mặt trả cho dòng tiền rút ra khỏi NHTM do dòng tiền vào NHTM không tương xứng.

Tuy nhiên, trong trường hợp các NHTM không thể tìm kiếm hỗ trợ về thanh khoản trong nội bộ hệ thống, lúc này ngân hàng trung ương sẽ đứng ra mua/bán hợp đồng repo với NHTM nhằm giúp NHTM có khoản tiền mặt chi trả do căng thẳng thanh khoản. Tháng 9/2019, Fed đã liên tiếp bơm tiền qua Repo 4 lần cho các NHTM với tổng số tiền là 270 tỷ USD, nhưng với kỳ hạn cực ngắn, chỉ 1 ngày.

Trong điều tiết và can thiệp nguồn tiền trên thị trường, việc bơm - hút của các ngân hàng trung ương là nghiệp vụ bình thường; nó chỉ bất thường khi xét đến bối cảnh và liều lượng, kỳ hạn repo cũng như các yếu tố khác nữa - giống như tình trạng của PBoC lần này.

3 lần liên tiếp bơm tiền qua Repo lần này của PBoC với kỳ hạn khá dài cho thấy các NHTM trong hệ thống đang gặp vấn đề khá lớn về thanh khoản, đặc biệt khó khăn khi nền kinh tế đang phải vật lộn với bế quan tỏa cảng do đại dịch Covid-19 và các doanh nghiệp đóng cửa sản xuất. Điều này xảy ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc lao dốc do thương chiến, khối nợ khổng lồ, nợ xấu thực bị che dấu bởi các thủ thuật hạch toán, chính sách bất minh, bong bóng thị trường bất động sản… tích tụ và không thể xử lý trong 1 thập kỷ qua. Vì thế, không ngoại trừ việc PBoC bơm tiền liên tiếp với liều lượng lớn trong bối cảnh bất thường có thể là dấu hiệu cho thấy đổ vỡ mang tính hệ thống chuẩn bị xảy ra (hoặc đã và đang xảy ra) tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Không chỉ REPO, PBoC cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc vào tháng 1/2020, giải phóng 157 tỷ USD ra thị trường, giảm tiếp lãi suất trung hạn

Trước khi thực hiện nghiệp vụ Repo bơm tiền cứu thanh khoản, ngay đầu tháng 1/2020, PBoC đã lần thứ 8 cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc kể từ năm 2018 cho tới nay thêm 50 điểm phần trăm, hạ tỷ lệ này tại các NHTM lớn xuống còn 12,5%, giải phóng khoảng 157 tỷ USD ra thị trường.

Gần đây nhất, ngày 17/2, PBoC cũng tiếp tục giảm 10 điểm phần trăm lãi suất cho vay trung hạn (kỳ hạn 1 năm). Như vậy, PBoC đã giảm lãi suất cho khoảng 200 tỷ USD tín dụng trung hạn cho nền kinh tế này từ mức 3,25% xuống còn 3,15%.

Mở rộng chính sách tiền tệ không thể giải quyết khó khăn khi đồng tiền mất giá, lạm phát tăng cao, hoạt động kinh tế tại mọi khu vực đều đình trệ

Hiện nay, đồng Nhân dân tệ (CNY) mất giá so với đồng USD, ở mức hơn 7 CNY đổi lấy 1 USD, lạm phát tăng cao nhất trong 5 năm qua (tháng 1/2020 ở mức 5,4% so cùng kỳ). Thêm vào đó, sản xuất đình trệ do Covid-19 và làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp dự báo gia tăng khiến doanh nghiệp, khu vực dân cư không thể hấp thụ vốn từ thị trường, điều này có thể khiến chính sách mở rộng tiền tệ của Trung Quốc sa lầy, chỉ có tác dụng cứu vãn tắc nghẽn thanh khoản trong ngắn hạn.

Biểu đồ biến động tỷ giá USD/CNY trong 1 tháng qua (nguồn: www.vn.tradingview.com)
Biểu đồ biến động lạm phát của Trung Quốc trong 5 năm qua (so sánh cùng kỳ) (nguồn: www.tradingeconomics.com)

Chúng ta có thể đánh giá hoạt động kinh tế hàng ngày thông qua mức tiêu thụ điện và lưu lượng hành khách. Theo báo cáo nghiên cứu của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, vào ngày 13/2, hoặc 20 ngày sau Tết Nguyên Đán, mức tiêu thụ than theo ngày của Trung Quốc năm 2020 ở mức thấp hơn xấp xỉ 50% so với mức tiêu thụ trung bình từ năm 2016 đến năm 2019 trong cùng giai đoạn. Mức tiêu thụ than theo ngày là một thông số tốt để đo lường công suất điện tiêu thụ và chỉ số sản xuất, một chỉ số sống về các hoạt động kinh tế.

Mức tiêu thụ than điện hàng ngày của Trung Quốc (nguồn: Morgan Stanley Research)

Dữ liệu về mức giảm lưu lượng hành khách lưu thông hàng ngày trên toàn quốc còn ở mức nghiêm trọng hơn. Vào ngày 13/2, hoặc 35 ngày sau Tết Nguyên Đán, lưu lượng hành khách lưu thông chỉ còn 25% mức tương ứng năm ngoái, theo Morgan Stanley. Mức độ tắc nghẽn giao thông là một chỉ số tiêu biểu đo lường các hoạt động vận chuyển và thương mại điện tử, và mức 25% chỉ số thông thường cho thấy phần lớn Trung Quốc đang đóng cửa và sản lượng kinh tế tiếp tục đình trệ.

Lưu lượng hành khách hàng ngày trên toàn quốc (Nguồn: Morgan Stanley)

Không chỉ vậy, nếu nhìn xa hơn vào các rủi ro ngày một phình to từ khối nợ quốc gia của Trung Quốc, cán cân thương chiến Mỹ - Trung suốt 2 năm qua, cấu trúc kinh tế đầy bất ổn, bong bóng bất động sản, đà đổ vỡ của doanh nghiệp,... có thể khẳng định chắc chắn việc tiếp tục mở rộng chính sách tiền tệ của PBoC khó cứu vớt được đà suy giảm tăng trưởng kinh tế cũng như ngăn lại hoặc kéo dài thời gian bùng nổ khủng hoảng kinh tế - tài chính từ nền kinh tế này.

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ráo riết bơm tiền để cứu vớt thanh khoản ngân hàng thương mại - dấu hiệu khủng hoảng ngày một rõ