Ngân khố Trung Quốc đang trống rỗng?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cơn ác mộng lớn nhất của ông Tập Cận Bình không phải là sự đến từ sự tẩy chay của phương Tây, sự tái diễn của đại dịch, hay thậm chí là cuộc chiến ở eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông. Cơn ác mộng lớn nhất của Tập Cận Bình là sự trống rỗng của ngân khố quốc gia.

Khi người nước ngoài nhìn vào Trung Quốc, họ thấy một quốc gia khổng lồ với đà phát triển không gì ngăn cản được: Nước này chi ngân sách mỗi lần hàng chục tỷ USD, khắp nơi đường sá mở rộng, nhà cao tầng thi nhau mọc lên, đô thị khang trang… Vậy thì làm sao mà kho bạc Trung Quốc có thể trống rỗng được?

Đó đều là những hiện tượng bề ngoài, còn tình hình thực tế thì ra sao?

Theo một số liệu mới đây, doanh thu tài chính của 31 tỉnh, thành phố trên toàn quốc trong quý II của Trung Quốc là con số âm, duy chỉ có Thượng Hải là dương, ngay cả các tỉnh có truyền thống thu nhập cao là Quảng Đông, Phúc Kiến và Chiết Giang thì tình trạng cũng vô cùng bết bát. Không khó để có thể nhận ra rằng các tỉnh này đang được trung ương giải cứu.

Trên thực tế, chính quyền ở nhiều địa phương đang mắc nợ rất nhiều và thậm chí không thể trả nổi lương cho giáo viên. Gần đây, các giáo viên và công chức ở Liêu Ninh, Hà Nam và An Huy đã xuống đường đòi được trả lương. Số lương còn thiếu từ năm 2007 đến nay chỉ là hơn 70 triệu NDT, vậy mà chính quyền cũng không thể chi nổi, thì nguyên nhân có thể là gì?

Trong trận lũ lụt ở Hà Nam vừa qua, chính phủ tuyên bố cấp 50 NDT cho mỗi nông dân “không có thu nhập”. ”Nếu trong gia đình nông dân nào có lợn chết, họ sẽ được bồi thường 80 NDT mỗi con”. Số tiền này nhỏ đến mức đáng thương so với thiệt hại mà người nông dân phải gánh chịu, và nhỏ đến mức nực cười đối với một quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới.

Cư dân mạng đã đưa ra rất nhiều bằng chứng và suy luận cho thấy: Chính Chính phủ ra lệnh xả nước cho hồ chứa mà không hề thông báo. Nếu tai nạn là do cẩu thả trong thi hành công vụ, thì theo lẽ thường họ phải đứng ra đền bù theo giá thị trường. Nếu ngân khố đã đầy, tại sao chính phủ không thể một lần tỏ ra hào phóng, vừa giảm áp lực bị nước ngoài chỉ trích mà còn được lòng dân ủng hộ? Sự keo kiệt của ĐCSTQ ở đây phải chăng là bằng chứng cho thấy họ không đủ khả năng đền bù?

Vấn đề cạn tài chính của ĐCSTQ liệu có phải là một hiện tượng tạm thời? Tất nhiên là không. Với việc chính phủ mạnh tay trấn áp các công ty tư nhân, kiểm soát chặt chẽ những gã khổng lồ Internet, quốc hữu hóa các doanh nghiệp làm ăn có lãi, các công ty nước ngoài rút tiền trên quy mô lớn, ngoại thương chết, và thất nghiệp gia tăng cùng với sự tàn phá của dịch bệnh, lũ lụt hoành hành, và việc các công ty nhà nước liên tục làm thất thoát tài chính, cán bộ và nhân dân thiếu việc làm,… thì sự suy thoái kinh tế là điều không thể tránh khỏi. Nền kinh tế đi xuống, các doanh nghiệp không có thu nhập để đóng thuế, chính quyền cơ sở lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, hơn một nửa thu nhập được dùng để trả lãi và trả gốc.

Các yếu tố tiêu cực trong nội tại nền kinh tế Trung Quốc là vô cùng lớn, chưa nói đến việc các nước phương Tây tẩy chay Trung Quốc về vấn đề nhân quyền - vốn đang bóp nghẹt huyết mạch kinh tế nước này. Ngoài ra, nền kinh tế nước này lại vừa đóng cửa do đại dịch, cắt đứt nguồn thông thương với thế giới đồng nghĩa với việc cắt đứt nguồn tiền đổ vào đại lục. Vậy nên, kinh tế Trung Quốc khó có thế thể tốt hơn trong tương lai.

Xét về tổng thể, nền kinh tế nước này đang suy giảm, người dân thắt chặt hầu bao, thị trường tiêu dùng suy thoái. Một khi tiền bạc không lưu thông thì xã hội không sớm thì muộn cũng phải tiêu vong, trừ khi Trung Quốc tìm được cách khác để tự cứu mình.

Dưới thời đại dịch, các quốc gia như Mỹ và Châu Âu đã trực tiếp phân phát tiền bạc cho người dân và các tiểu thương, một là để giúp cho cuộc sống bớt khó khăn, hai là để bảo tồn các tế bào kinh tế và xã hội, và ba là để họ nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng. Với phong cách giàu có và hào phóng thường thấy của ĐCSTQ, lẽ ra ĐCSTQ nên phát tiền để được thế giới khen ngợi, nhưng lần này, ĐCSTQ đã giữ chặt hầu bao của mình. Lý do là gì? Tất nhiên, là vì hầu bao đã trống rỗng.

Cư dân mạng đại lục bình luận: Khi chính phủ có tiền trong tay, việc gì cũng làm bằng tiền, những năm đầu làm ăn khó khăn, họ cũng bỏ tiền ra giải quyết tranh chấp. Những người này chỉ trích: ĐCSTQ là một kẻ trưởng giả học đòi làm sang, thích tỏ ra hào phóng để khoe mẽ và thích bắt nạt người khác, nhưng xét cho cùng, nó có nền tảng yếu, dân số đông, không thể chống chịu được khủng hoảng.

Mới đây, ĐCSTQ đã tổ chức cuộc họp lần thứ mười của Ủy ban Tài chính và Kinh tế, đề xuất “điều tiết hợp lý thu nhập cao quá mức”. Đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền trung ương đã rỗng túi, nên buộc phải đưa ra đề xuất này với người dân. Nhiều đại gia doanh nghiệp tư nhân đã liên tiếp quyên góp những khoản tiền khổng lồ, nhưng xem ra vẫn chưa đủ, ĐCSTQ sẽ còn tấn công các nhóm có thu nhập cao để cướp của người giàu với lý do giúp đỡ người nghèo vì mục tiêu “thịnh vượng chung”. Cư dân mạng Trung Quốc mỉa mai: Vậy nếu số tiền này về tay họ, thì liệu nó có được trao cho người nghèo không? Tất nhiên là không. Điều này nhằm phục vụ chi tiêu cho chính phủ cho những ngày khó khăn trong tương lai. Nếu họ thực sự chăm lo cho người nghèo, thì khi họ có tài sản ròng hàng chục tỷ, sao lúc đó họ không tìm đến sự “thịnh vượng chung”?

Một túi tiền rỗng là cơn ác mộng lớn nhất của ông Tập Cận Bình, và xem ra, giấc mộng kinh hoàng này còn chưa đến lúc cao trào và còn lâu mới đến hồi kết thúc.

Mộc Trà

Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

Ngân khố Trung Quốc đang trống rỗng?