Ngân sách ‘khổng lồ’ 2 nghìn tỷ USD để khôi phục nền kinh tế châu Âu: ‘Cú hích’ lịch sử của Liên minh Châu Âu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau gần năm ngày thảo luận, các nhà lãnh đạo thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đã đồng ý xây dựng một quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro (858 tỷ USD) để xây dựng lại các nền kinh tế EU bị tàn phá bởi cuộc khủng hoảng viêm phổi Vũ Hán, cũng như đảm bảo sự phục hồi bền vững, đồng đều, toàn diện và công bằng cho tất cả các quốc gia thành viên EU.

Dịch viêm phổi Vũ Hán đã làm “rung chuyển” nền kinh tế châu Âu và thế giới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết rằng kế hoạch phục hồi này biến thách thức to lớn mà EU gặp phải thành cơ hội, không chỉ thông qua việc hỗ trợ phục hồi mà còn bằng cách đầu tư vào tương lai.

Bà nói: “Thỏa thuận xanh và số hóa châu Âu sẽ thúc đẩy việc làm và tăng trưởng, khả năng phục hồi của xã hội và sức khỏe môi trường của chúng ta. Đây là thời điểm của châu Âu”.

“Chúng tôi đang cung cấp một câu trả lời đầy tham vọng’, bà Leyen nói thêm

Theo trang European Commission, Ủy viên phụ trách ngân sách EU Julian Hahn cho biết: “Hiện ngân sách chung của chúng tôi là trung tâm của kế hoạch phục hồi châu Âu. ‘Hỏa lực’ bổ sung của chương trình ‘thế hệ tiếp theo EU’ và khuôn khổ tài chính đa phương được củng cố sẽ cho chúng ta sức mạnh đoàn kết để hỗ trợ các quốc gia thành viên và nền kinh tế”.

Nguồn ngân sách ‘khổng lồ’ của EU

Ủy ban châu Âu sẽ vay tiền trên thị trường tài chính và phân phối 390 tỷ euro như một khoản tài trợ cho các quốc gia EU bị ảnh hưởng nặng nề nhất, phần còn lại được cung cấp dưới dạng cho vay.

Ủy ban châu Âu đang khai thác toàn bộ tiềm năng của ngân sách EU. Chương trình “Thế hệ tiếp theo EU” sẽ được kích hoạt với tổng trị giá 750 tỷ euro. Theo CNBC, các nhà lãnh đạo cũng đồng ý ngân sách tiếp theo của EU gần 1.074 tỷ euro (khoảng 1,3 nghìn tỷ USD) sẽ dùng để tài trợ cho các sáng kiến trong giai đoạn 2021-2027, và sẽ đưa “tổng hỏa lực” tài chính của ngân sách EU lên 1.824 tỷ euro (khoảng 2 nghìn tỷ USD).

EU sẽ tăng ngân sách bằng cách cho phép Ủy ban châu Âu có thể tiếp cận nguồn vốn vay 750 tỷ euro trên thị trường tài chính. Khoản tài trợ bổ sung này sẽ được chuyển qua các chương trình của EU và được hoàn trả trong một thời gian dài bởi ngân sách tương lai của EU (giai đoạn từ năm 2028 đến năm 2058). Ngoài ra, Ủy ban còn đề xuất sửa đổi khung tài chính đa phương 2014-2020 hiện tại để cung cấp thêm 11,5 tỷ euro tài trợ có sẵn vào năm 2020.

Tờ CNN đã dẫn lời các nhà lãnh đạo EU trong một tuyên bố chung: "Đây là một gói đầy tham vọng và toàn diện, kết hợp ngân sách cổ điển với một nỗ lực phục hồi phi thường nhằm giải quyết các tác động của một cuộc khủng hoảng chưa từng có vì lợi ích tốt nhất của EU".

‘Cú hích’ lịch sử của Liên minh Châu Âu

Vào hồi đầu tháng này, Ủy ban châu Âu cho biết rằng nền kinh tế EU dự báo sẽ giảm 8,3% trong năm 2020, đẩy phần lớn nền kinh tế châu Âu lâm vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ thời điểm của cuộc Đại Suy thoái 1930.

Tuy nhiên, cổ phiếu thế giới đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng Hai và đồng euro nhanh chóng chạm mức cao nhất kể từ tháng Ba khi tin tức về thỏa thuận “phục hồi kinh tế” này lan truyền, theo reuters.

Tờ báo Libération của Pháp không ngần ngại tự hỏi: “Phải chăng ngày 21 tháng 7 năm 2020 sẽ đi vào lịch sử với tư cách là ‘thời điểm Hamilton’ của Liên minh Châu Âu, một thời điểm đánh dấu việc khối EU chuyển mình từ một liên hiệp lỏng lẻo sang một liên bang kiểu Mỹ?”

Thỏa thuận mới của EU mang tính lịch sử, mặc dù đã có những tranh cãi kịch liệt trong hội nghị thượng đỉnh. Các quốc gia được gọi là "Bốn nước thanh đạm" - Hà Lan, Đan Mạch, Áo và Thụy Điển - đã lo lắng rằng họ sẽ phải chịu gánh nặng nợ nần cho quốc gia của mình để tài trợ cho chi tiêu của các chính phủ khác.

Sự khác biệt sâu sắc về cách phân chia số tiền giữa các khoản tài trợ và khoản vay, cách giám sát khoản đầu tư và cách liên kết nó với các giá trị dân chủ của EU, khiến cuộc đàm phán kéo dài thành một trong những hội nghị thượng đỉnh dài nhất trong lịch sử EU.

Thỏa thuận mới có nghĩa là lần đầu tiên Liên minh Châu Âu sẽ trở thành “người vay chính” trên thị trường tài chính toàn cầu, với kế hoạch hoàn trả vào năm 2058.

Ông Michel cho biết đây là lần đầu tiên các thành viên của Liên minh Châu Âu "cùng thực thi các nền kinh tế của chúng ta chống lại khủng hoảng".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ca ngợi việc ký kết thỏa thuận là "ngày lịch sử đối với châu Âu".

"Hãy nghĩ về khoảng cách mà chúng ta đã trải qua. Kể từ tháng Hai, chúng ta không thể đi đến một loại thỏa thuận nào. Bây giờ chúng ta có ngân sách, chúng ta có quỹ phục hồi và số tiền này chiếm gần 2% GDP của EU", ông nói.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tuyên bố rằng "chúng ta đã đặt nền móng tài chính cho Liên minh Châu Âu trong bảy năm tới".

Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Berenberg, gọi thỏa thuận này là "một bước tiến lớn đối với châu Âu", và rằng EU đang gửi một tín hiệu mạnh mẽ về sự gắn kết nội bộ. Ông nhấn mạnh: “Niềm tin có thể còn quan trọng hơn cả tiền".

Cách phân bổ ngân sách của chương trình Thế hệ tiếp theo EU

Cụ thể, nguồn ngân sách được phân bố vào 3 mục chính như sau:

Hỗ trợ các quốc gia thành viên đầu tư và cải cách kinh tế:

  • 560 tỷ euro sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho các khoản đầu tư và cải cách liên quan đến chuyển đổi xanh, kỹ thuật số và khả năng phục hồi của các nền kinh tế quốc gia.
  • Khoản đầu tư trị giá 55 tỷ euro cho các chương trình chính sách gắn kết hiện tại từ nay đến năm 2022 theo sáng kiến ​​REACT-EU được phân bổ dựa trên mức độ nghiêm trọng của các tác động kinh tế xã hội của cuộc khủng hoảng.
  • Khoản hỗ trợ trị giá 15 tỷ euro cho Quỹ phát triển nông thôn châu Âu nhằm hỗ trợ các khu vực nông thôn thực hiện các thay đổi cơ cấu cần thiết theo Thỏa thuận xanh châu Âu.

Khuyến khích đầu tư tư nhân:

  • Ngân sách 31 tỷ euro dành cho công cụ hỗ trợ khả năng thanh toán, nhằm hỗ trợ các công ty thuộc mọi thành phần kinh tế và chuẩn bị cho một tương lai sạch hơn, kỹ thuật số và kiên cường hơn.
  • Nâng cấp chương trình đầu tư hàng đầu của châu Âu InvestEU lên mức 15,3 tỷ euro để huy động đầu tư tư nhân vào các dự án trên toàn Liên minh.
  • Một Cơ sở Đầu tư Chiến lược mới được xây dựng trong InvestEU, để tạo ra khoản đầu tư lên tới 150 tỷ euro nhằm tăng cường khả năng phục hồi của các ngành chiến lược, đặc biệt là các liên kết với chuyển đổi xanh và kỹ thuật số và chuỗi giá trị quan trọng trong thị trường nội bộ.

Giải quyết khủng hoảng sức khỏe do viêm phổi Vũ Hán gây ra

  • Đầu tư chương trình Y tế mới EU4ealth để tăng cường an ninh y tế và chuẩn bị cho các cuộc khủng hoảng sức khỏe trong tương lai với ngân sách 9,4 tỷ euro.
  • Khoản tăng cường ngân sách trị giá 2 tỷ euro cho Cơ chế Bảo vệ Dân sự của Liên minh rescEU, nhằm trang bị và ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
  • Một khoản tiền trị giá 94,4 tỷ euro cho Horizon EU, để tài trợ cho nghiên cứu quan trọng về sức khỏe, khả năng phục hồi và chuyển đổi xanh và kỹ thuật số.
  • Hỗ trợ các đối tác toàn cầu của châu Âu thông qua 16,5 tỷ euro dành cho đối ngoại, bao gồm cả viện trợ nhân đạo.

Ngoài ra, chương trình Tái bảo hiểm thất nghiệp châu Âu ngắn hạn (SURE) sẽ cung cấp 100 tỷ euro để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp.

Trong cuộc họp báo ngày 21/7, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel nói: "Chúng ta đã làm được! Châu Âu rất mạnh. Châu Âu thống nhất. Đây là một thỏa thuận tốt, đây là một thỏa thuận mạnh mẽ và quan trọng nhất, đây là thỏa thuận phù hợp với châu Âu ngay bây giờ".

Tâm An



BÀI CHỌN LỌC

Ngân sách ‘khổng lồ’ 2 nghìn tỷ USD để khôi phục nền kinh tế châu Âu: ‘Cú hích’ lịch sử của Liên minh Châu Âu