Ngay cả đại dịch Covid-19 cũng không thể làm suy yếu ‘thế mạnh về gia công’ của Việt Nam

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù là “nạn nhân” của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, và của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng Việt Nam đã giành được nhiều lợi thế khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang trong quá trình “dịch chuyển”.

Việt Nam hiện đang chạy đua để kiểm soát một đợt bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán mới vào cuối tháng trước, sau ba tháng không có ca bệnh trong nước.

Đợt bùng phát mới bắt đầu từ ngày 25/7 tại Đà Nẵng, làm dấy lên lo ngại rằng du lịch và nhiều hoạt động khác có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ngay khi nền kinh tế đang trên đà phát triển.

Nhưng đó không phải là tất cả những tin xấu đối với Việt Nam, khi Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các quốc gia được dự báo sẽ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay. Mặc dù điều đó sẽ phụ thuộc một phần vào sự hồi sinh của thương mại toàn cầu, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã được định vị tốt.

Bất chấp khủng hoảng 'kép' kinh tế-sức khỏe, Việt Nam vẫn phát huy thế mạnh về 'gia công'

Ngành công nghiệp gia công phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) vẫn ổn định về năng suất, mặc dù các cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe “kép” đang ảnh hưởng đến phần lớn thế giới, và làm tê liệt các trung tâm CNTT gần đó như Ấn ĐộPhilippines .

Tại sao Việt Nam là một lực lượng gia công phần mềm công nghệ nhỏ nhưng hùng mạnh, được đánh giá cao ở Châu Á - Thái Bình Dương?

Đối với các tổ chức gia công phần mềm của Việt Nam, việc chuyển đổi sang chế độ kiểm dịch và làm việc từ xa không phải là một sự kiện “thiên nga đen” như nhiều bộ phận CNTT khác trên thế giới.

Ví dụ: tại NashTech, bộ phận gia công phần mềm toàn cầu của Harvey Nash, các trung tâm gia công tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã chuyển sang làm việc từ xa trong vòng chưa đầy 30 ngày theo giao thức đại dịch của Kế hoạch liên tục kinh doanh. Đến ngày 24 tháng 2, NashTech đã quản lý khối lượng công việc của khách hàng đến 90% công suất và đạt 100% công suất vào ngày 1/3/2020.

Công ty tư vấn chiến lược Tholons đánh giá Việt Nam là nhà cung cấp dịch vụ CNTT hàng đầu thế giới (vị trí thứ 8) và là điểm đến gia công phần mềm có giá trị cho những gã khổng lồ công nghệ toàn cầu như Google, Apple và Microsoft.

Hưởng ưu đãi thuế quan tại EU, gia công hàng may mặc Việt Nam chiếm ưu thế

Theo Reuters, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) sẽ xóa bỏ 99% thuế quan đối với hàng hóa trao đổi giữa hai bên, giúp các nhà xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường trị giá 18 nghìn tỷ USD.

Chính phủ Hà Nội dự báo xuất khẩu sang EU sẽ tăng 42,7% trong vòng 5 năm tới. Ngân hàng Thế giới cho biết thỏa thuận này có khả năng tăng GDP của Việt Nam lên 2,4%; và tổng xuất khẩu của Việt Nam tăng 12% vào năm 2030.

Việt Nam đã được hưởng ưu đãi thuế quan tại EU theo Chương trình ưu đãi chung (GSP). EU là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, chiếm khoảng một nửa tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước.

Một trong số đối tượng được hưởng lợi chính từ hiệp định sẽ là hàng may mặc, chiếm khoảng 10% xuất khẩu của cả nước. EU là thị trường may mặc lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của cả nước năm ngoái.

Việt Nam đã nổi lên như một mắt xích chính trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, trở thành cơ sở cung ứng hàng may mặc quan trọng cho các thương hiệu thời trang phương Tây. Một phần nguyên nhân là do Việt Nam được hưởng lợi từ chiến lược Trung Quốc +1, căng thẳng Mỹ - Trung thúc đẩy xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc; và giá nhân công Việt Nam rẻ hơn một nửa tại so với tại đại lục.

Các công ty đa quốc gia bao gồm Apple, Samsung và Nintendo đã chuyển một số công suất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các cụm xuất khẩu lớn về thiết bị điện tử và hàng dệt may đã xuất hiện ở Việt Nam để thu hút các nhà sản xuất toàn cầu; và các khu công nghiệp đang bùng nổ.

Tuy nhiên, thách thức lớn của Việt Nam nằm ở cơ sở hạ tầng cảng biển và giao thông còn kém phát triển hơn các nước trong khu vực, trong khi nguồn cung điện ổn định là một vấn đề tốt. Ngoài ra, nguồn cung lao động có tay nghề cao đang thiếu hụt để có thể giúp các ngành công nghiệp Việt Nam tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trần Đức

Tài liệu tham khảo

https://www.forbes.com/sites/forbestechcouncil/2020/08/17/even-the-pandemic-cannot-rattle-vietnams-outsourcing-strengths/#771af4f249e4

https://www.bangkokpost.com/business/1969407/vietnam-primed-for-revival



BÀI CHỌN LỌC

Ngay cả đại dịch Covid-19 cũng không thể làm suy yếu ‘thế mạnh về gia công’ của Việt Nam